Saturday 11 November 2017

Viết trong thời tạm chiếm

Một số (thật ra là nhiều) bạn đọc phản ánh với tôi là “Chính trị bình dân” gì mà dày quá, tới 502 trang.

Xin ghi nhận ý kiến của các bạn và xin làm rõ rằng thực ra đấy mới là tập I thôi. Tập II có thể mỏng hơn, chỉ còn khoảng 400 trang.

Sở dĩ tôi không gộp luôn hai tập làm một quyển là do sợ sách lên đến gần 1000 trang thì dày quá. Thêm nữa, cũng là do sợ bị phá giữa chừng, không kịp hoàn tất. Tất nhiên tôi chẳng đến nỗi “viết dưới giá treo cổ” như Julis Fucik (1903-1943, nhà báo, đảng viên cộng sản Tiệp Khắc). Nhưng cái cảm giác viết khi lâu lâu lại có người gõ cửa đòi vào nhà kiểm tra hành chính, rồi thăm hỏi xem “có nguyện vọng gì không”, và cứ hễ xuống dưới nhà là thấy các thanh niên lừ lừ nhìn, cũng là một “cảm giác rất yomost”. Và không chỉ có thế:

Tôi đã nói chuyện với Huỳnh Thành Phát và Trần Hoàng Phúc vào đêm trước ngày hai đứa bị an ninh bắt ở Quảng Bình rồi bị đánh tơi bời (13/4).

Tôi đã chat với Hoàng Đức Bình 45 phút trước khi Bình bị công an Nghệ An chặn xe, bắt cóc đưa về đồn và giam luôn từ đó đến nay (15/5). Hôm đó Bình nhờ tôi đọc giúp một bài mới viết về người đồng hương Hồ Chí Minh, định để tới 19/5 thì đăng.

Tôi đã ăn tối (lẩu cá) với Bạch Hồng Quyền vài ngày trước khi Quyền buộc phải rời Sài Gòn vì lệnh truy nã của an ninh (giữa tháng 5).

Tôi đã khề khà cà phê với Nguyễn Văn Hóa mấy tháng trước khi Hóa bị bắt (11/1). Khi vết rách ở bàn chân tôi nhiễm trùng (nước cống Hà Nội hoặc nước biển Hà Tĩnh, không rõ), Hóa còn vội vã lấy xe máy chở bà chị ra trạm xá sát trùng, băng bó.

Tôi, và rất nhiều bạn bè của tôi, đều đã sống những ngày tháng như thế. Không phải thời chiến, nhưng chúng tôi đều chia sẻ cảm giác mỗi lần nhìn thấy nhau đều có thể là lần cuối cùng gặp nhau trước khi một trong hai bên vào tù. Không phải thời chiến, nhưng tối tối, loa phóng thanh xã vẫn oang oang thông báo “có một số đối tượng nhà báo vừa lọt vào địa bàn, yêu cầu bà con nâng cao cảnh giác”. Không phải thời chiến, nhưng liên tục nghe tiếng gọi điện: “Em ơi, em đang ở đâu thế, em có ổn không?”…

Vì các lý do đó cho nên tôi biết mình sẽ rất khó tập trung để viết kịp 1000 trang “Chính trị bình dân”, đành chia đôi cuốn sách vậy. Và vì không chắc là mình có viết tiếp được tập II không nên tôi cũng không ghi rõ cuốn nào là tập mấy, coi như trước mắt chỉ có một quyển.

Tuy vậy, hy vọng những gì các bạn đọc được mới là… tập I thôi. Tập II sẽ xoay quanh các chủ đề “chính sách công”, “phát triển”, “quan hệ quốc tế”, “địa chính trị” và “nhân quyền”.

Chúng tôi sẽ rất vui nếu bạn đọc “Chính trị bình dân”. Dù nó không phải là một cuốn sách lịch sử về thời chúng ta đang sống, nhưng tôi rất hy vọng là nó sẽ góp phần giúp bạn hiểu rõ hơn về xã hội và nền chính trị Việt Nam đương đại.


* * *

Về thời gian thực viết sách: Tôi viết “Chính trị bình dân” từ ngày 10/11 đến 10/12/2016 thì dừng vì công việc ở Sài Gòn. Sau đó là Tết, và những cuộc tuần hành, rồi đàn áp ở khu vực Formosa…

Mãi cho đến đầu tháng 5, khi bắt đầu bị an ninh vây nhà nhân chuyến thăm Việt Nam của John Kerry, tôi mới cuống cuồng viết tiếp. Ban đầu định viết ngắn – nếu các bạn để ý, có thể thấy ba chương đầu của cuốn sách khá sơ sài so với ba chương còn lại. Về sau tôi nghĩ, đằng nào cũng viết rồi thì cố làm một lần hoàn chỉnh luôn cho rồi.

Đến ngày 26/6/2017 thì tôi kết thúc những dòng cuối cùng của “Chính trị bình dân”, chuyển bản thảo cho người biên tập là hai bạn trẻ Nguyễn Anh Tuấn (Be) và Nguyễn Vi Yên.