Monday 10 April 2017

Kể chuyện xô xát trong đồn công an

(Cảnh báo: Trong bài có rất nhiều từ ngữ thô tục, xin độc giả thông cảm và kiềm chế khi đọc).

---------

Sáng 9/4/2017, cuộc diễu hành bằng xe đạp ở Hà Nội để tưởng niệm một năm sự kiện cá chết hàng loạt bị công an “triệt phá”. Tôi chẳng tổ chức, cũng không đi được xe đạp, nhưng vẫn hân hạnh được anh em an ninh từ Bộ, tới Thành phố, tới quận, đến tận nhà đưa về đồn.

Ở đồn, họ đưa tôi vào phòng hội trường rồi bảo: “Ngồi yên đấy!”. Đoạn bỏ ra ngoài và đóng cửa lại.

Kể ra tôi cũng có thể ngồi yên nếu như sau đó không có màn an ninh xông vào bẻ tay và giật máy nghe nhạc, làm đứt tung cả tai nghe – họ sợ bị ghi âm. Do bị bẻ tay đau quá nên tôi nổi nóng, chống cự quyết liệt. Họ quát lên: “Trang! Có đưa đây không?”. “Không. Đồ ăn cướp!”.

Cuộc xô xát diễn ra trong phòng hội trường của đồn, nên nếu tường thuật một cách thật khách quan sẽ là: Có ít nhất 5 người, gồm 3 nam và 2 nữ, đã giằng giật đồ của một phụ nữ ngay trước mặt một pho tượng Hồ Chí Minh bằng thạch cao và phù điêu hai ông Các Mác, Lê Nin.

Phần thắng đương nhiên là thuộc về phe đông hơn. Nhân viên an ninh nhiều tuổi nhất dúi vào đầu tôi một cái: “Vào đồn rồi còn láo!”.

Tôi đáp: “Ừ. Các anh thì không phải là láo, mà các anh là một lũ ăn cướp. Mất dạy!”.

Tay trẻ hơn bảo: “Này, ai cướp đồ của chị?”. (Vừa nói hắn vừa chìa tay, đưa trả lại máy nghe nhạc cho tôi).

Đáp: “Sao, thế đột nhiên các anh bắt tôi về đây, rồi giằng máy nghe nhạc của tôi, tự ý mở ra, thì không phải là cướp à?”.

Cuộc tranh luận bắt đầu chuyển sang chủ đề thế nào là cướp. Tuy nhiên, đồng chí an ninh trẻ tuổi nọ đã nhanh chóng chuyển giọng, không còn là “chị, tôi” nữa.

- Địt mẹ con mặt lồn đã xấu còn vô duyên.

- Ờ, thì cũng như cả lò nhà mày thôi.

- Địt mẹ, mày nói “cả lò nhà tao” là tao tát lật mặt mày đấy, nghe chưa?

Chiếc máy nghe nhạc còn lại
và được mang về nhà
sau trận xô xát.
Tay sai của chế độ đã hiện nguyên hình. Thật sự lúc đó, tôi chỉ nghĩ đến những người lâu nay khi gặp công an vẫn rúm ró sợ hãi rồi về kể lể như một cách tự trấn an mình, rằng: “Bên công an cũng ôn hòa lắm, lịch sự lắm, có gì đâu”. Tôi nghĩ giá như có cách nào để họ hiểu bản chất vô học và bất chấp mọi thủ đoạn của an ninh Việt Nam, giá như có cách nào để họ hiểu thủ thuật “good cop, bad cop” (đứa đập đứa xoa) của công an.

Nhưng trong trường hợp tôi hôm nay thì các đồng chí đều đã lộ nguyên hình, và chẳng ai là “good cop” cả. Tất cả những gì họ làm, những lời họ nói, chỉ để toát lên một điều duy nhất: An ninh Việt Nam luôn muốn mọi người dân phải tuân phục cái gọi là “cơ quan công quyền”, phải biết sợ, bảo gì nghe nấy. Vốn tính hiếu thắng, công an muốn dân phải hoàn toàn khuất phục, và không thể chịu được chuyện những người dân thường lại nhơn nhơn, thách thức “lực lượng chức năng”. Tiếc rằng tôi không thể chiều cái tính trẻ con đó của họ được. Mà suy cho cùng, cả đất nước này, nhân dân cả nước này, đã chiều, đã nhịn chế độ công an trị này quá lâu rồi.

- Mày tát đi – Tôi đáp.

Hắn giương mắt nhìn tôi. Kiểu nhìn của công an bao giờ cũng vậy, gườm gườm, xoi mói và đầy đe dọa:

- Con mặt lồn, thứ mày tao tát chỉ bẩn tay tao. Thứ mày thì tao đái vào mồm ấy, chứ tao không như người khác đâu, hiểu chưa?

Tôi chỉ tay lên bàn:

- Mày đứng lên đây, vạch quần đái ngay tao xem nào.

Hóa ra chiến sĩ công an nhân dân cũng đủ liêm sỉ để không vạch cúc quần ra. Anh hùng đến thế là cùng.

Cứ thế, hai bên chửi nhau trước mặt bốn công an kia. Tất cả đều im lặng, kể cả hai phụ nữ. Không hiểu họ nghĩ gì trước cảnh đồng nghiệp chửi rủa một người cùng giới với họ như vậy.

Sau cùng, tay an ninh bỏ ra khỏi phòng, vừa đi vừa nhổ nước bọt và chửi: “Địt mẹ con chó vừa xấu vừa vô duyên. Bố khinh. Bố kinh tởm mày”.

Tôi gọi vọng ra:

- Mày vào trong phòng hội trường, đứng đây mà nhổ này. Ba cái trò này không ăn thua gì với bà mày đâu con ạ.

Hắn quay lại lườm tôi. Tôi bật cười. Lâu nay, tôi không muốn để cho an ninh nghĩ rằng “Đoan Trang là người mà khi cần, có thể trí thức như Nguyễn Quang A, có thể đường phố như Bùi Thị Minh Hằng, mà cũng có thể nghệ sĩ như Thịnh Nguyễn”. Phần nghệ sĩ có lẽ nhiều nhất trong ba phần ấy, nhưng cũng đúng là ba cái trò chửi bới này không ăn thua gì với tôi. Nó chỉ khiến tôi hơi ngạc nhiên: An ninh Việt Nam cạn lý và vô học đến thế sao?

Sau đó, nhân viên an ninh nhiều tuổi bắt đầu “làm việc”:

- Vừa rồi đi Hà Tĩnh thế nào?

Tôi nhún vai:

- Tôi không hiểu câu hỏi của anh. “Thế nào” là thế nào?

- Thì đó, chuyến đi Hà Tĩnh vừa rồi thế nào, đi với ai, làm gì?

- Anh hỏi như thế nhằm mục đích gì vậy?

Anh ta dằn giọng:

- Tôi hỏi chị đi Hà Tĩnh vừa rồi làm gì, chị lại hỏi lại tôi à?

- Thì tôi hỏi anh có mục đích gì khi hỏi như thế?

- Tôi là cơ quan an ninh, tôi đang làm việc với chị.

- Thì tôi chỉ hỏi anh là mục đích, động cơ của anh là gì khi hỏi tôi như thế thôi mà. Anh cứ trả lời đi đã.

Cuộc đấu khẩu lại đi vào thế bế tắc. Cuối cùng, anh ta cũng bỏ ra ngoài.

Còn lại trong phòng với hai thanh niên trẻ. Tôi thở dài, mở máy nghe nhạc. Một trong hai người trẻ cho tôi mượn cặp tai nghe.

Tôi bật máy. Giai điệu ngọt ngào của “Oh My Love” vang lên, với những ca từ mà bất kỳ ai đã biết đến ca khúc này đều không thể quên được.

“I feel sorrow, oh, I feel dream.
Everything is clearer in my heart.
I feel life, oh, I feel love
Everything is clearer in my world.”

(Tôi u sầu, tôi ước mơ.
Mọi thứ đều rõ ràng trong tim tôi.
Tôi cảm nhận cuộc đời. Tôi cảm nhận tình yêu.
Mọi thứ đều rõ ràng trong thế giới của tôi).

Tôi rùng mình khi nghe những lời ấy. Và tôi thấy… bỗng dưng muốn khóc.