Monday 3 April 2017

Biến cố tại Hà Tĩnh

Vào khoảng 9h tối qua (2/4/2017), một nhóm 5 bạn trẻ (ba nam và hai nữ) đến quán café One-One, gần nhà thờ giáo xứ Trung Nghĩa (xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) để uống café và xem bóng đá.

Trong nhóm, có hai nhà hoạt động nhân quyền là Bạch Hồng Quyền (thành viên phong trào Con Đường Việt Nam) và Hoàng Đức Bình (thuộc tổ chức Phong trào Lao Động Việt).

Mọi người đang trò chuyện thì có 5 nhân viên an ninh thường phục bước vào quán. Sở dĩ nhận diện được họ là an ninh thường phục, bởi họ là những gương mặt vốn quen thuộc với những người hoạt động nhân quyền trong địa bàn, và họ cũng đã bám sát để theo dõi Quyền và Bình từ thời gian trước đó.

5 nhân viên an ninh đã kiếm cớ gây lộn với nhóm Quyền, Bình và các bạn. Thấy không khí căng thẳng, Hoàng Đức Bình bỏ ra ngoài lấy xe máy đi về thì bị họ chặn lại, chửi bới. Bình hỏi, “lý do gì mà anh chặn xe tôi?”, an ninh đáp: “Tao thích thì tao chặn đấy, mày làm gì được tao?”.

Nhóm bạn của Bình rút điện thoại ra định quay phim, phía an ninh lớn tiếng: “Tao thách thằng nào quay. Tao đập”.

Không khí căng thẳng, dẫn tới xô xát. Bình buộc phải nhảy lên xe máy, phóng đi, và nghe có tiếng súng nổ phía sau. Lúc đó là khoảng gần 10h tối.

Anh Bình chạy về nhà xứ Trung Nghĩa gần đó, kêu cứu.

11h đêm, Bạch Hồng Quyền và các bạn khác cũng thoát được. Người nổ súng được xác định là Giáp, Trưởng CA xã Thạch Bằng. Do cuộc xô xát, cãi vã diễn ra trong bóng đêm, mọi người không nhìn được Giáp bắn ai; tuy nhiên, không ai bị thương.

Ngay sau đó, công an kéo đến tụ tập bên ngoài nhà thờ. Linh mục Nguyễn Công Bình (quản xứ giáo xứ Trung Nghĩa) đã rung chuông báo động để bà con giáo dân tới ứng cứu. Xô xát lại nổ ra ở khu vực xung quanh nhà thờ, khi giáo dân kéo đến. Một số người bị công an đập giày vào mặt, một người bị chém vào cổ tay, một người bị đánh thương tích ở đầu. Phía công an cũng có một nhân viên bị dân đánh trọng thương.

Tới nửa đêm, các bên đều rút. Bà con giáo dân đòi linh mục cho tổ chức tuần hành phản đối công an, và tiến hành in băng-rôn ngay trong đêm. (Cuộc tuần hành đã có kế hoạch từ trước, nhằm mục đích đòi chính quyền bồi thường khẩn trương và thỏa đáng cho thảm họa Formosa).

Buổi sáng nay, 3/4, hàng nghìn người, chủ yếu là giáo dân, đã cùng nhau kéo đến UBND huyện Lộc Hà. Trong các yêu sách của họ, có thêm yêu cầu chính quyền trả lời tại sao lại đàn áp dân, và phản đối công an nổ súng bắn dân. Đây là các nội dung mới phát sinh, sau vụ xô xát đêm qua giữa giáo dân và công an.

Ảnh: Bạch Hồng Quyền

Vào khoảng 9h sáng, những người biểu tình đã chiếm UBND huyện Lộc Hà. Cán bộ, nhân viên Ủy ban bỏ trốn.

Hàng nghìn cảnh sát cơ động (chưa rõ thuộc Trung đoàn nào) đã được huy động đến địa bàn để bao vây và đàn áp. 

Cập nhật lúc 11h40: Mạng điện thoại bị phá sóng, 3G bị cắt từ 11h trưa nên mọi liên lạc từ khu vực UBND huyện Lộc Hà ra ngoài đều bị cắt. Không rõ có ai bị bắt hay chưa, tuy nhiên, có thể thấy tình hình rất căng thẳng.

Cập nhật lúc 14h10: Cho đến giờ này, báo chí chính thống vẫn im lặng, chưa đề cập gì đến biến cố đang diễn ra ở huyện Lộc Hà và Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Được biết, có rất nhiều tay máy an ninh và phóng viên quay phim chuyên nghiệp đã có mặt tại hiện trường và chụp ảnh, ghi hình người dân biểu tình.

Có thể các báo đang chờ chỉ đạo từ "trên" - tức là từ Bộ 4T, ban Tuyên giáo, thậm chí từ Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử... (Ta nên nhớ là ở Việt Nam, có rất nhiều cơ quan quản lý nhà nước có quyền xử phạt báo chí, và có bao nhiêu cơ quan có quyền ấy thì có bấy nhiêu cơ quan có thể can thiệp, định hướng hoạt động báo chí).

Cá nhân người viết cũng cho là có khả năng sau: Nếu biến cố hôm nay ở Hà Tĩnh đủ lớn, thì chỉ nay mai, ban Thời sự Truyền hình Việt Nam (VTV) và các cơ quan báo chí lớn như Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các báo của công an và quân đội, báo Hà Tĩnh v.v. sẽ đồng loạt vang tiếng, nhả đạn nã pháo bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất vào đám đông dân chúng biểu tình ở Hà Tĩnh.

Đấy là chưa kể đến vai trò định hướng, nắn chỉnh dư luận của cả một lực lượng truyền thông đen rất hùng hậu nữa, những tolam.net, nguyentandung.org, trandaiquang.org, vân vân.

Nói vậy thôi, mong rằng họ sẽ không làm cái việc đổ thêm dầu vào lửa giận của những người dân ở các giáo xứ miền Trung - những người chỉ có trong tay duy nhất một vũ khí là chiếc điện thoại di động, và duy nhất một phương tiện truyền thông là mạng xã hội facebook.

Đương nhiên dân không sở hữu hơn 800 tờ báo và tạp chí, không sở hữu 67 đài phát thanh-truyền hình; facebook và youtube của dân cũng không phủ "sóng" tới 64 tỉnh thành trong cả nước được.

Tuy thế, hy vọng VTV, các báo công an/quân đội cũng như đội ngũ truyền thông đen sẽ không ngu dại mà châm lửa vào đống rơm khô đã chất sẵn.