Tuesday 7 February 2017

Vì chúng ta thiếu người

Những facebooker có tiếng, ví dụ như Hoàng Dũng, hay nhận được nhiều tin nhắn hoặc comment thể hiện thái độ bực dọc, kiểu như: “Sao không viết về cái này, nói về cái kia, cứ bình toàn chuyện ruồi bu đâu đâu”.

Ngoài những ý kiến bực dọc và vỗ mặt như vậy, cũng có những nhận xét lịch sự và… dễ nghe hơn. Nhiều người thật sự lo ngại cho tình hình nhân quyền ở Việt Nam, cho phong trào đấu tranh dân chủ, và họ có những băn khoăn: Phải chăng Formosa đã chìm xuồng? Mẹ Nấm, Thúy Nga và các tù nhân lương tâm khác đã bị quên lãng? Còn các trí thức đâu cả, hay là đang dồn mọi quan tâm và trí tuệ vào một vụ ở xa tít bên nước Mỹ là chính sách hạn chế nhập cư của Tổng thống Donald Trump?

Về việc này, Hoàng Dũng trả lời tỉnh bơ: “Ủa sao kỳ vậy? Ai thích viết về cái gì thì viết đi, lên tiếng về cái gì thì lên tiếng đi, sao phải chờ mình làm hộ?”.

Câu trả lời thật chuẩn xác. Tuy nhiên, cũng phải nói thêm là những người đặt ra các câu hỏi vỗ mặt đó với Hoàng Dũng vốn không phải facebooker nổi tiếng, họ hiểu rằng họ không có nhiều ảnh hưởng với cộng đồng mạng, và họ kỳ vọng những facebooker có ảnh hưởng như Hoàng Dũng sẽ giúp họ định hướng dư luận.

Khó khăn của phong trào dân chủ

Về phần mình, người viết bài này có cách suy nghĩ khác. Dường như vấn đề nằm ở chỗ phong trào đấu tranh dân chủ và lực lượng trí thức Việt Nam… thiếu nhân sự. Trong khi đó, việc lật đổ độc tài và việc xây dựng một thể chế mới thay thế nó lại cần được tiến hành song song, và luôn luôn cần người.

Nếu có đông nhân sự hơn, chẳng hạn như đông trí thức tham gia hơn, thì đã có thể có sự chuyên môn hóa (nói chung) hay phân chia hoạt động một cách cụ thể: Trí thức A làm việc này, nghệ sĩ B làm việc kia, hoặc nhóm X làm việc này, nhóm Y làm việc kia. Và tất cả đều là các nhiệm vụ quan trọng, cần thiết.

Chúng ta cần những người đi biểu tình và tổ chức biểu tình.

Chúng ta cũng cần những người thăm nuôi tù nhân lương tâm và giúp đỡ gia đình họ.

Chúng ta cần những người vận động quốc tế cho nhân quyền Việt Nam.

Chúng ta càng cần những người vận động ở ngay trong nước.

Một cuộc họp của các nhà hoạt động nhân quyền với Phái đoàn châu Âu tại Việt Nam 
về vụ án tử tù Lê Văn Mạnh, ngày 10/11/2015. 

* * *

Chỉ riêng trong lĩnh vực phát triển tri thức (mà nhiều người gọi là “khai dân trí”), chúng ta cũng đã cần:

- Người nghiên cứu và viết về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, biên giới trên bộ, chiến tranh thông tin…

- Người nghiên cứu và viết về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, chính sách của Mỹ đối với Việt Nam, Donald Trump, cánh tả, cánh hữu…

- Người nghiên cứu và viết về các thiết chế chính trị trên thế giới, cách các nền dân chủ vận hành, và khả năng áp dụng cho Việt Nam…

- Người nghiên cứu và viết về môi trường và quản lý môi trường…

* * *

Rồi riêng trong vấn đề tù nhân lương tâm, chúng ta cũng lại cần người lo vụ Thúy Nga, người lo vụ Lê Thu Hà, người lo cho Vịnh Lưu…

Tóm lại, cần cả những cá nhân và tổ chức cung cấp thông tin và kiến thức về các chính sách của Donald Trump, lẫn những người bảo vệ môi trường và người giúp đỡ tù nhân lương tâm …

Suy cho cùng thì tuy nước Mỹ ở xa thật, nhưng cũng cần tìm hiểu xem khả năng ảnh hưởng của Tổng thống Donald Trump tới Việt Nam đến đâu chứ.

Vấn đề chỉ là không có đủ nhân lực để làm những việc đó thôi.

Cũng là vấn nạn của cả nước

Và đây cũng chẳng phải là vấn đề của riêng phong trào dân chủ Việt Nam. Cả nước Việt Nam vẫn như thế từ lâu nay.

Vấn nạn đó thể hiện trong một lời tâm sự của một vị tướng quân đội với người viết bài này cách đây 6-7 năm: “Bây giờ mà Việt Nam với Trung Quốc có chiến tranh thì cũng gay đấy, tướng lĩnh chẳng ai có kinh nghiệm, kiến thức về quân sự hiện đại càng không có. Tưởng được mỗi ông thủ tướng có chút kinh nghiệm về chiến tranh thì lại là y tá”.