Friday 4 July 2014

Nước Mỹ với thứ vũ khí hơn 200 năm

(Bài viết năm 2009 nhân Ngày Độc Lập 4/7 của nước Mỹ)

“… Khi tôi nhìn lá cờ Mỹ bay trong gió, tôi bỗng ý thức được tất cả những gì ông Bell dạy tôi về Hoa Kỳ, tất cả những gì tôi biết về ý nghĩa làm công dân Hoa Kỳ, tất cả những cái đó nằm trong lá cờ.

Mẹ tôi có lý. Nước Mỹ không phải là áo săng-đai, đĩa hát Johny Mathis hay xe ôtô bóng loáng. Nước Mỹ là đất của tự do, của thời cơ đối với mọi người. Mẹ cảm thấy bằng bản năng là ở Mỹ không gì hạn chế điều mình có thể làm được – mà như vậy, không cần thiết từ bỏ gia tài văn hóa cũ của mình. Hồi đó, khi sắp đỗ tiến sĩ, tôi mới bắt đầu hiểu điều mà mẹ - người không có văn bằng – dự cảm ngay khi bước chân từ trên tàu xuống”. (1)

Trên đây là những dòng mà Constantin Galskoy, một người Nga, đã viết khi kể lại quá trình anh cùng gia đình nhập cư lên đất Mỹ, lao động kiếm sống và trở thành công dân Mỹ. Nó là câu chuyện khá điển hình cho “giấc mơ Mỹ” (American dream) – niềm tin rằng ở nước Mỹ, có ý chí vươn lên và chăm chỉ làm việc, sẽ được trả công bằng một cuộc sống khá hơn.

“Giấc mơ Mỹ” có lẽ là một trong những giá trị khiến nước Mỹ được chú ý. Những giá trị ấy cũng được kỳ vọng là lực đẩy để đưa Mỹ ra khỏi cơn suy thoái hiện nay, trong cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ thời 1929-1930.

Nhà Trắng, nơi ở và làm việc của các đời tổng thống Mỹ từ năm 1800.

Lá cờ điểm sao luôn vẫy gọi…

So với “Lục địa già” châu Âu, Mỹ được đánh giá là cởi mở hơn hẳn về mọi mặt: chính trị - xã hội – kinh tế.

Chị H, một người Việt Nam từng du học nhiều năm ở Mỹ, hiện vẫn nghiên cứu và viết khá nhiều sách về Mỹ, kể: “Ngay từ khi đặt chân lên nước Mỹ lần đầu tiên vào năm 1992, tôi đã cảm thấy nơi đây có một sự cởi mở đối với mọi người thuộc tất cả các sắc tộc. Không ai để ý tới màu tóc đen, da vàng của tôi. Đến cả nhân viên sân bay cũng hết sức cởi mở và tận tình.

Tôi từng ở Nga, Đông Âu, Pháp… Châu Âu văn minh nhưng cách đối xử với người thuộc chủng tộc khác vẫn có phần kỳ thị. Không ai nói ra miệng đâu, nhưng thỉnh thoảng tôi lại cảm giác có ai đó nhìn mình. Ở Mỹ không thế. Các sinh viên ngoại quốc vừa nhập học, đã được nhiều gia đình Mỹ cho ở nhờ theo kiểu “home-stay”, nhận làm con nuôi”.

Chị H. kể, chị được một gia đình Mỹ cho ở cùng. Gia chủ chân thật và cởi mở. Mọi dịp lễ, tiệc trong nhà, từ Lễ Tạ ơn đến Giáng sinh, Phục sinh… chị đều được mời tham dự như một thành viên của gia đình.

Sự cởi mở đó, nhiều người giải thích, có thể bắt nguồn từ văn hóa cộng đồng (community culture), cái đã hình thành ở Mỹ từ thời lập quốc. Thời đó, những người nhập cư đầu tiên đã phải dựa vào nhau mà sống, người cũ đón nhận người mới, giúp đỡ nhau khai hoang, làm nông nghiệp, chống chọi với các kẻ thù chung, v.v... Cho nên văn hóa cộng đồng ở Mỹ phát triển mạnh. Dân Mỹ nói chung chan hòa, dễ gần. Tất nhiên là để trở thành thân thiết hơn mức xã giao thì khó. Chị H. cho biết ở Mỹ, người ta khó giữ được các mối quan hệ lâu dài trong đời, thường chỉ quen biết một thời gian rồi một trong hai người chuyển nhà sang thành phố khác và không nối lại liên lạc nữa. Mà thay đổi nơi ở, chỗ làm thì là chuyện rất phổ biến ở Mỹ. Điều đó làm thành một đặc điểm, một nét văn hóa di chuyển (moving culture). Sự di chuyển này cũng góp phần tạo nên tính cởi mở của người Mỹ.

Từ cởi mở trong tính cách dân tộc dẫn đến một xã hội mở cửa, chào đón người nhập cư. Một học giả Mỹ kiêm nhà báo nổi tiếng, Fareed Zakaria, cho biết: “Nếu không có người nhập cư, tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ trong một phần tư thế kỷ vừa qua ắt hẳn cũng chỉ ngang với châu Âu... Đến phân nửa các công ty khởi nghiệp ở Silicon Valley có một nhà sáng lập là người nhập cư hoặc người Mỹ thế hệ đầu tiên”.

Theo ông Zakaria, nhập cư mang lại cho nước Mỹ một phẩm chất vốn hiếm hoi đối với một đất nước giàu mạnh, đó là nghị lực và sự khát khao. Thường thường khi một quốc gia giàu có hơn, động lực vươn lên bị yếu đi, nhưng với Mỹ thì khác, bởi luôn có hàng trăm nghìn người nhập cư đến với đất nước này để mong xây dựng một cuộc sống mới.

Chính trị như một sở thích

Dường như sự cởi mở trong tính cách khiến người Mỹ không cảm thấy có những rào cản khi nói về những chuyện “to tát” như chính trị. TS kinh tế Vũ Hoàng Linh kể, chuyện sinh viên Mỹ viết các bài phân tích, bình luận đăng trên báo trường, hoặc tổ chức hội thảo về chính trị, là chuyện bình thường. Chính trị là mục lớn và luôn thu hút người đọc trên các báo.

“Nếu một người muốn nói lên quan điểm của anh ta về một vấn đề chính trị - xã hội nào đó chẳng hạn, anh ta luôn có thể viết bài gửi đi các nơi. Bài gửi tới một tòa soạn, có thể được đăng hoặc không đăng, nhưng nói chung bạn luôn có thể nói hoặc viết về bất kỳ điều gì bạn muốn” – TS Linh cho biết.

“Tôi à? Thời gian ở Mỹ, tôi chưa thử viết báo bao giờ. Nhưng tôi đọc báo bên đó thì luôn có thể thấy có ý kiến giống mình – nghĩa là tòa soạn họ đăng tải các ý kiến đại diện cho những trường phái quan điểm khác nhau trong xã hội”.

Một điều thú vị mà anh sinh viên Vũ Hoàng Linh nhận thấy trong thời gian ở Mỹ, đó là hệ thống “tin vịt” rất kém phát triển. Không có chuyện người dân ngồi ở Starbucks hay McDonald’s mà bàn thảo về thu nhập của ông Bush hay chuyện tình ái của ông Clinton. “Nói chung, đọc tin chính thức trên báo đã đủ mệt và thiếu thời gian rồi, còn ai quan tâm tới tin đồn nữa” – TS Linh kể lại.

Từ những “hiện tượng” như sinh viên viết bài và thảo luận về chính trị, báo chí coi trọng mục tin chính trị… có thể suy ra “bản chất” dân chúng Mỹ là thích chính trị. Những người nào có tham vọng chính trường và tự thấy ở mình chút khả năng, thì có thể bắt đầu sự nghiệp bằng cách xin làm trợ lý, thư ký, giúp việc cho một nghị sĩ nào đó, để học hỏi dần dần kinh nghiệm chính trường. 

“Nhưng chớ có nghĩ rằng nước Mỹ “loạn” vì những kẻ hăng say chính trị” – chị H. nhận xét. “Ví dụ, tôi để ý, Quốc hội của bên họ thường tranh luận rất ghê gớm, nhưng cứ vào các thời điểm quan trọng, có tính sống còn, đối với cả đất nước, thì họ đạt được sự nhất trí cao. Như thế chứng tỏ dân chúng cũng đồng thuận, vì Quốc hội là dân chứ là gì. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận đó là do chính trị gia có tài “múa mép”, nói cách khác là họ hùng biện, thuyết phục dân chúng giỏi lắm”.

Chuyện “chính trị gia hùng biện giỏi” thì người dân Mỹ hẳn có nhiều kinh nghiệm chứng kiến. Mới đây nhất là ứng cử viên Phó Tổng thống Sarah Palin. Xinh đẹp, sành điệu, và không chỉ thế, bà Palin luôn cố gắng tạo cho công luận ấn tượng về một nhà chính trị hòa đồng, gần dân, với các phát biểu nặng tính dân túy, ngôn từ dân dã.

Thị trường tự do khiến nhà sản xuất có thể thương mại hóa đủ thứ, kể cả chân dung lãnh tụ, lãnh đạo.

Sức sống Mỹ

Tất nhiên, Mỹ không phải là một quốc gia hoàn mỹ. Nói tới Mỹ là những người có quan điểm bài Mỹ có thể viện ra hàng loạt tính xấu của dân xứ cờ hoa: ngạo mạn, ít hiểu biết về thế giới bên ngoài (mà một trong các biểu hiện là người Mỹ nói chung kém ngoại ngữ), thực dụng đến mức phũ phàng.

Tuy thế, chẳng ai phủ nhận được một điều: Xét trên bình diện quốc gia, nước Mỹ có cơ chế tự đổi mới rất tốt, bởi họ luôn biết tự đánh giá và sàng lọc. Nền văn hóa của châu Á và một số nơi ở châu Âu khiến người ta có mặc cảm khi phải thừa nhận mình sai lầm và thay đổi. Nhưng Mỹ thì không. Như Fareed Zakaria nói, “nền văn hóa Mỹ ngợi ca và thúc đẩy giải quyết vấn đề, đặt nghi vấn trước uy quyền và tư duy khác biệt. Nó cho phép con người ta vấp ngã và rồi mang đến cơ hội thứ hai, thứ ba. Nó tưởng thưởng cho những người tự thân dựng nghiệp và những ai lập dị…”.

Giáo dục và công nghệ là những lĩnh vực cho thấy rất rõ ràng khả năng tự đổi mới của người dân một quốc gia. Nước Mỹ chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) cao hơn toàn châu Âu, còn về giáo dục, Zakaria viết: “Trong khi nước Mỹ kinh ngạc trước kỹ năng thi cử của châu Á, thì các nước châu Á lại lặn lội đến Mỹ để tìm hiểu cách làm thế nào để khiến con cái mình tư duy cho tốt”. (2)

“Giấc mơ Mỹ” có tàn trong cơn khủng hoảng kinh tế?

Trở lại với “giấc mơ Mỹ” – thứ đã thu hút hàng trăm nghìn người trên khắp thế giới đổ về nước Mỹ hàng năm. Người ta đang tự hỏi, nước Mỹ sẽ vượt qua cơn khủng hoảng kinh tế này như thế nào? Khi mà thất nghiệp gia tăng (tháng 5/2009, tỷ lệ thất nghiệp Mỹ tăng lên mức 9,4%, mức cao nhất từ năm 1983) và đồng tiền chảy ra khỏi túi những người Mỹ trung lưu. Khi mà nước Mỹ là con nợ lớn của thế giới, và muốn trả nợ, Mỹ phải tăng trưởng nhanh để có khả năng tài chính, tăng cường xuất khẩu, giảm thâm hụt thương mại, v.v... Nhưng tăng trưởng nhanh sao được trong cơn khủng hoảng thế kỷ này? “Giấc mơ Mỹ” liệu có trở thành huyền thoại một thời không? Sau 233 năm lập quốc (4/7/1776), sau gần một thế kỷ đứng ở vị trí siêu cường của thế giới, giờ đây nước Mỹ đang lao đao.

Nhưng nếu cho rằng Mỹ vẫn sẽ giương cao lá cờ điểm sao của một siêu cường, trong nhiều năm nữa, thì cũng không phải quá lạc quan. Bởi vì nước Mỹ có trong tay thứ “vũ khí” hùng mạnh mà họ đã sử dụng suốt hơn 200 năm qua.

Đó là tinh thần cởi mở - cái đã giúp họ đón nhận mọi sự đổi thay, chuyển dịch, cải cách, các sáng kiến công nghệ, những người nhập cư. Nước Mỹ luôn sẵn sàng đổi mới và vực dậy sau khủng hoảng, như họ đã từng nhanh chóng phục hồi sau các thảm họa - khủng bố 11/9 hay bão Katrina.

Đó là sự gắn kết của cộng đồng trong nhiều giá trị chung: một niềm tin lạc quan vào sức mạnh của đất nước (nhiều khi khiến người Mỹ bị coi là ngạo mạn, lúc nào cũng “mình là số 1”), ý thức chính trị (sự quan tâm đối với chính trị của người dân Mỹ là gì nếu không phải biểu hiện của ý thức về trách nhiệm công dân?).

Lòng tự hào của người Mỹ ánh lên trong chính Quốc ca của họ:

Này bạn, lá cờ điểm sao vẫn còn bay đấy chứ?
Trên mảnh đất của những người tự do và xứ sở của những kẻ can trường.

-------

(1) trích cuốn “Hồ sơ văn hóa Mỹ”, Hữu Ngọc, NXB Thế Giới, 2009

(2) trích cuốn “Thế giới hậu Mỹ”, Fareed Zakaria, NXB Tri Thức, 2009


Nguồn: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/nuoc-my-voi-thu-vu-khi-hon-200-nam