Thursday 20 March 2014

Giúp bạn hiểu về khủng hoảng Crimea

Tình hình xung đột Nga-Ukraine và cuộc khủng hoảng chính trị ở Crimea đang diễn tiến rất nhanh. Dường như nhiều người Việt Nam đã bắt đầu lo sợ về một kịch bản tương tự giữa Trung Quốc và Việt Nam. Trong khi đó, chúng ta lại chưa có nhiều hiểu biết về câu chuyện Nga-Ukraine, chưa nói đến chuyện rút ra ''bài học kinh nghiệm'' và chuẩn bị cho Việt Nam khỏi rơi vào tình cảnh Ukraine lúc này.

Bài viết dưới đây của tác giả Taras Kuzio, đăng trên trang Open Demoncracy ngày 27/2/2014, là nhằm giúp bạn đọc nhanh chóng có được một số kiến thức căn bản về bối cảnh địa chính trị, lịch sử... của Crimea.

Ảnh gốc trong bài: ChrisO chụp qua Wiki

CRIMEA – TỪ SÂN CHƠI THÀNH BÃI CHIẾN TRƯỜNG

Báo chí đã có nhiều phân tích về việc Crimea độc lập. Tuy nhiên, những mối nguy hiểm thật sự lại đang nằm ở điểm khác...

Ngày 27/2/2014, khủng hoảng Crimea leo thang khi những người biểu tình có vũ trang – mà chính quyền Ukraine gọi là ''quân khủng bố'' – kiểm soát quốc hội và chính phủ trong khu vực. Trong những cuộc đụng độ giữa phe ủng hộ Ukraine và phe ly khai thân Nga, có 2 người chết và hơn 30 người bị thương. Nếu chính quyền Ukraine phản ứng thái quá, bằng vũ lực, thì điều này có thể dẫn đến việc Nga can thiệp bằng Hạm đội Biển Đen. Quyền Tổng thống Oleksandr Turchynov cảnh báo: Nếu Hạm đội Biển Đen ra khỏi căn cứ của họ thì đó sẽ bị coi là hành động xâm lược.

Đây có phải là trận đấu một mất một còn? Theo bản Ghi nhớ Budapest 1994, do 5 cường quốc hạt nhân ký, Ukraine đồng ý giải trừ vũ khí hạt nhân, được bảo đảm về an ninh; và nếu chủ quyền Ukraine bị đe dọa, thì họ có thể tham vấn NATO theo Hiến chương NATO-Ukraine1997.

Các phân tích của báo chí về chia rẽ Đông-Tây ở Ukraine đã bỏ quên điểm chính. Người Ukraine chiếm đa số dân số trên toàn quốc, chỉ trừ ở vùng Crimea; và sự chia rẽ giữa sắc dân Nga với sắc dân Ukraine cũng không chắc có thực. Tại sao? Bởi vì không có ranh giới phân định rõ ràng nào giữa hai tộc người; chẳng hạn, hầu hết trẻ em ở Kyiv đi học tại các trường nói tiếng Ukraine, thế nhưng bất kỳ ai đến Kyiv cũng sẽ thấy là người dân ở đây chủ yếu nói tiếng Nga. Tương tự, như các đoạn video trên Youtube đã cho thấy, phong trào Euromaidan có số người tham gia nói tiếng Nga đông ngang người tham gia nói tiếng Ukraine.

(…) Tuy nhiên, có hai vấn đề gây chia rẽ.

Bản sắc Ukraine

Trước hết, sẽ chính xác hơn nếu chia Ukraine căn cứ vào bản sắc thay vì vào tiếng nói. Có hai khu vực ở Ukraine đã tuyên bố là họ mang bản sắc Nga, đó là vùng Crimea và vùng Donetsk (ở phía đông đất nước). Hai nơi này cũng là pháo đài của Đảng Khu vực (PoR) và Đảng Cộng sản Ukraine (KPU). Bản sắc Nga là yếu tố ủng hộ mạnh mẽ việc Ukraine hội nhập vào một Liên minh Hải quan do Nga đứng đầu, và đó là tiền thân của Liên minh Âu-Á. Bản sắc Nga cũng tán đồng chủ nghĩa độc đoán, với việc một phần ba dân số Ukraine ưu tiên ổn định hơn là dân chủ. Những cử tri mang bản sắc Nga đó tạo nên chỗ đứng chủ chốt cho Vladimir Putin ở Nga và Alyaksandr Lukashenka ở Belarus. Nhưng ngay cả ở đây cũng có sự chia rẽ thế hệ: Người Ukraine trẻ ở miền đông đất nước Ukraine ủng hộ khuynh hướng hội nhập vào châu Âu.

Crimea

Vấn đề gây chia rẽ thứ hai là Crimea, khu vực duy nhất ở Ukraine có dân số là người Nga chiếm đông đảo. Vào năm 1944, người Tatar ở nơi này đã bị Joseph Stalin thanh trừng sắc tộc, viện một cái cớ ngụy tạo là họ ''hợp tác với Quốc xã''. Năm 1954, Khrushchev chuyển Crimea từ RSFSR (Liên bang Các Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết) sang Ukraine trên cơ sở địa lý và ý nghĩa biểu tượng. Giai đoạn 1990-1991, Crimea thành công trong việc nâng địa vị của mình từ oblast (khu vực thuộc Liên Xô) thành một nước cộng hòa tự trị; và chẳng bao lâu sau những người Nga theo chủ nghĩa dân tộc đã bắt đầu kích động chuyện sáp nhập với Nga.

Kể từ cuối thập niên 1980, những người Tatar hồi hương về Ukraine – mà ta có thể hiểu được là họ vừa chống Liên Xô vừa chống Nga – đã ủng hộ việc giữ lại bán đảo trong lãnh thổ Ukraine. Trong những cuộc đụng độ và biểu tình trước cổng Quốc hội Crimea, người Tatar hình thành nên một đám đông những người biểu tình ủng hộ Ukraine.

Kuchma và Yanukovych

Ban đầu, cả Tổng thống Leonid Kuchma (1994-2005) và Viktor Yanukovych (2010-2014) đều được bầu chủ yếu bởi những người Ukraine ở phía đông, nhưng cách tiếp cận của hai vị tổng thống đối với vấn đề Crimea rất khác. Kuchma đánh phá và cô lập những người Nga ly khai; còn Yanukovych kéo họ lại và hình thành liên minh với họ.

Vào giữa thập niên 1990, Kuchma bãi bỏ chức vụ tổng thống Crimea – mới tồn tại được một năm, và cho tới năm 2005, người ly khai ở Crimea vẫn không đóng vai trò gì đáng kể trong chính trị khu vực. Tuy nhiên, đến năm 2006, Đảng Khu vực đã tham gia tranh cử Quốc hội Crimea trong khối ''Ủng hộ Yanukovych!'' với những người Nga dân tộc chủ nghĩa ở Crimea. Konstantin Zatulin, một viên cố vấn giao tế hàng đầu của Putin, đóng vai trò chủ chốt trong những cuộc đàm phán hậu trường.

Tổng thống Yuschchenko

Khi quan hệ của Nga với Ukraine xấu đi dưới thời vị Tổng thống mà Matxcơva gọi là ''nhà quốc gia chủ nghĩa'' Yushchenko [2005-10], FSB [Cơ quan An ninh Nga] và GRU [Cơ quan Tình báo Quân đội Nga] tăng cường sự ủng hộ ngấm ngầm của họ đối với các phần tử dân tộc chủ nghĩa cực đoan người Nga ở Odesa,và phe ly khai ở Crimea. Cơ quan An ninh Ukraine (SBU), vẫn còn là một định chế cồng kềnh và tham nhũng từ thời Xô Viết, được huy động để chống các hoạt động bí mật của tình báo Nga. Hai quan chức cao cấp Nga bị trục xuất khỏi Simferopil và Odesa, còn FSB bị trục xuất khỏi Hạm đội Biển Đen. Những hành động này làm quan hệ Ukraine-Nga xấu đi trầm trọng. Tổng thống Nga Dmitri Medvedev gửi một lá thư ngỏ chỉ trích rất nặng nề Tổng thống Yushchenko, bác bỏ mọi yêu cầu mà Nga muốn vị tổng thống mới của Ukraine phải đáp ứng.

Sevastopol là căn cứ chính của Hạm đội Biển Đen của Nga. Ảnh: Andrew Butko

Tổng thống Yanukovych với Crimea

Năm 2010, liên minh giữa Yanukovych với phe dân tộc chủ nghĩa người Nga ở Crimea, do Nga làm trung gian, đã phát triển thêm một bước trong các cuộc bầu cử địa phương năm 2010 (dựa trên những gì đã được nhất trí vào năm 2006) và bầu cử quốc hội năm 2012. Điện tín của Mỹ, bị rò rỉ từ Kyiv năm 2009, cho thấy quyết tâm của một tổng thống Yanukovych nhằm đáp ứng các yêu cầu của phía Nga: gia hạn hiệp định về Hạm đội Biển Đen (tháng 4/2010), còn được gọi là Thỏa ước Kharkiv, cho FSB quay lại Hạm đội Biển Đen (tháng 5/2010), chấm dứt ủng hộ việc trở thành thành viên NATO (tháng 7/2010), và chấp nhận một consortium quản lý tất cả hệ thống đường dẫn khí đốt quan trọng của Ukraine (tháng 12/2013), mặc dù luôn luôn tồn tại bất đồng về việc liệu sẽ có chia rẽ tương tự hay không giữa Ukraine và Nga.

Chủ nghĩa ly khai ở Crimea

Trong khủng hoảng chính trị Euromaidan 2013-2014, tất cả những điều trên trở thành mảnh đất màu mỡ cho một cuộc nổi dậy đòi Crimea ly khai, và nối lại sự can thiệp bí mật từ bên ngoài của Nga vào bán đảo. Hậu quả của thay đổi chế độ gần đây ở Kyiv là, sau khi Yanukovych và những người thân cận đã bỏ trốn và bị truy tố hình sự, thì phong trào biểu tình ở Crimea lại trở lại với các yêu cầu từng được nêu hồi nửa đầu thập niên 90, đòi Crimea độc lập và thống nhất với Nga. Chẳng hạn, quốc kỳ Nga đã được cắm ở nhiều cơ quan nhà nước, như Xô Viết Tối cao Crimea.

Lực lượng bán quân sự người Cô-dắc (Cossack) của Nga cũng đã tăng lên vì họ trở về từ vùng đất gây tranh chấp ở Moldova là khu tự trị Trans-Dniester và vùng bắc Cap-caz (Caucasus) ở Nga. Lực lượng bán quân sự này, cùng với các viên chức tình báo và quân sự từ Hạm đội Biển Đen (thường mặc đồ dân sự), càng làm quân số tăng thêm. Các tài liệu rò rỉ, được xuất bản bởi Phó trưởng ban Ủy ban Chống Tham nhũng và Tội ác Có Tổ chức của Quốc hội, cựu Thứ trưởng Nội vụ Hennadiy Moskal, cho thấy rõ ràng các cố vấn Nga đã trợ giúp cho cảnh sát đặc nhiệm Ukraine và SBU trong các cuộc tấn công đầy bạo lực của họ nhằm vào người biểu tình. Do đó, khi đã có quân Nga – từ cả những đơn vị địa phương lẫn các vùng xung đột lân cận – đóng sẵn rồi thì nhu cầu can thiệp quân sự không còn nhiều.

Đảng Khu vực ở Crimea

Vào thởi điểm bầu cử quốc hội ở Crimea năm 2006, Đảng Khu vực đã chia tay với đường lối chống cộng của Kuchma bằng việc lập một liên minh với Đảng Cộng sản Ukraine – đảng này đã trở thành một vệ tinh của Đảng Khu vực.

Sau bầu cử, Đảng Khu vực cùng những người Nga dân tộc chủ nghĩa ở Crimea và các đồng minh cộng sản bắt đầu thổi bùng lên tinh thần chống Mỹ và chống NATO tại bán đảo: họ ngăn cản các cuộc tập trận quân sự, vận động người dân phản đối và thù ghét chính quyền ''Da cam'' mà họ coi là ''phát xít'', theo một cách gọi giống như ngôn ngữ thời Liên Xô cộng sản. Không có gì là lạ khi Yanukovych nhanh chóng ký Thỏa ước Kharkiv ngay khi trúng cử Tổng thống, để khẳng định chỗ đứng của Hạm đội Biển Đen ở Crimea, trong khi vẫn tiếp tục huy động các cử tri cốt cán của mình chống ''bọn phát xít'' đối lập. Trước năm 2006, Đảng Khu vực không có cơ sở nào ở Crimea, nhưng bây giờ thì địa phương nào cũng có mặt họ. Năm 2010, 90% người Crimea bầu cho Yanukovych.

Tuy nhiên, Đảng Khu vực đang ở trong một tình thế khó xử. Một mặt, họ muốn kích động các cử tri ở đơn vị bầu cử của họ, nơi vốn đã bị nhồi nhét đầy những luận điệu chống Mỹ và chống ''phát xít'' (tức phe đối lập) – ở Crimea và Nga, tồn tại một quan điểm rất phổ biến rằng phong trào Euromaidan là do Mỹ tài trợ.

Mặt khác, giờ đây khi mà một nửa số đại biểu quốc hội là người của Đảng Khu vực đã ra đi, xuất hiện một nguy cơ rất gần là đảng sẽ tan rã. Ngoài ra còn một mối nguy từ bên ngoài, là đảng có thể bị giải thể vì một loạt lý do chính đáng: cấu kết với Yanukovych lạm quyền, phá hoại nền dân chủ Ukraine (vào ngày 16/1, một cách bất hợp pháp, Đảng Khu vực và Đảng Cộng sản Ukraine đã ép thông qua những đạo luật phản dân chủ, nhờ một màn trình diễn giơ tay ủng hộ tại Quốc hội), và giết người. Hơn thế nữa, những tên đầu sỏ chính trị và trùm kinh doanh ở Ukraine, vốn hậu thuẫn và ăn tiền từ Đảng Khu vực, cũng cảm thấy bầu không khí chính trị nóng lên, và không muốn bị coi là ủng hộ việc ly khai. Do đó, Đảng Khu vực đang phải tìm cách đánh bóng hình ảnh mình như một đảng yêu nước, lên án Yanukovych và đặt mình vào vị trí đối lập với các nhà lãnh đạo mới, trong khi lại vẫn ủng hộ Ukraine duy trì toàn vẹn lãnh thổ. Ba vị tổng thống đầu tiên của Ukraine đã kịch liệt lên án sự can thiệp của Nga rồi, cho nên việc lặp lại quan điểm này là điều bắt buộc phải làm.

Các lực lượng chính trị khác

Các lực lượng chính trị khác ở Crimea còn yếu. Những đảng chủ trương ôn hòa, hoạt động mạnh dưới thời tổng thống Kuchma, đều đã nhập vào Đảng Khu vực. Phe đối lập dân chủ quốc gia chưa bao giờ có đủ sự ủng hộ, còn người Tatar thì bỏ phiếu bầu cho một loạt đảng khác nhau: đảng Rukh [trung hữu, dân chủ-quốc gia], Phong trào Bình dân Tái thiết Ukraine, Người Ukraine Chúng Ta [liên hiệp với Tổng thống Yushchenko] và Batkivshchina [Quê Hương, đảng của Yuliya Tymoshenko]. Phái Crimea trong Đảng Cộng sản thì luôn luôn có số người Nga theo chủ nghĩa dân tộc nhiều ngang với theo chủ nghĩa Mác-Lenin.

Người Tatar ở Crimea nhận sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Thổ Nhĩ Kỳ, nơi hàng triệu người đã sinh sống từ thế kỷ 19. Họ là những ủng hộ viên mạnh mẽ nhất cho chủ quyền của Ukraine ở Crimea, và trong cuộc khủng hoảng hiện nay, họ đã và đang phản đối phong trào ly khai.

Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan chưa kịp có chỗ đứng trong cộng đồng Tatar ở Crimea, nhưng có thể sẽ lớn mạnh dần như đã từng phát triển ở Chechnya, nếu xung đột bùng nổ.

Leo thang

Khủng hoảng ở Crimea, nếu leo thang, sẽ rất khác với xung đột vũ trang năm 2008 ở Gruzia, vì bốn lý do sau. Thứ nhất, Crimea chưa bao giờ là một nơi xung đột đóng băng như những vùng lãnh thổ tranh chấp khác, và Crimea đã luôn luôn ở dưới sự kiểm soát của Kyiv. Hơn thế nữa, không có các cơ chế pháp lý cho việc ly khai, và tại quốc hội, số phiếu chống ly khai sẽ áp đảo.

(Xin lưu ý bạn đọc: Bài này được đăng ngày 27/2, khi Quốc hội Crimea chưa bỏ phiếu).

Thứ hai, Ukraine có lực lượng an ninh và quân sự đáng kể đóng tại Crimea. Điều này lại một lần nữa khác với những cuộc xung đột đóng băng ở những nơi Nga từng tham gia: Chẳng hạn, Gruzia không có quân đội nào ở Nam Ossetia. Lực lượng an ninh, biên phòng và hải quân Ukraine sẽ tăng cường quốc phòng để bảo vệ chủ quyền, như người ta đã từng chứng kiến việc này vào mùa thu năm 2003 khi các lực lượng đó được huy động trong một cuộc tranh chấp đảo Tuzla (ngoài khơi Crimea) với Nga.

Thứ ba, Crimea có một cộng đồng khá lớn người thiểu số Tatar thân Ukraine – những người này cũng sử dụng chiến thuật ''bán quân sự'', và có thể là sử dụng cả biện pháp khủng bố trong trường hợp có ly khai. Người Tatar được hình thành từ ký ức lịch sử của họ: Hơn một nửa dân số họ đã chết trong cuộc thanh lọc sắc tộc năm 1944 của Liên Xô. Do những người Nga theo chủ nghĩa dân tộc ở Crimea, Đảng Khu vực và Đảng Cộng sản vẫn tiếp tục bênh vực lối biện hộ của Liên Xô cho vụ thanh trừng sắc tộc, rằng đó là vì các nạn nhân ''hợp tác với Quốc xã'', nên quan hệ giữa các đảng rất kém. Trên thực tế, người Tatar phục vụ cho quân đội Liên Xô còn đông hơn là hợp tác với phe Quốc xã; sau khi hồi hương, những người này cũng bị trục xuất nốt.

Cuối cùng, sự hậu thuẫn ngấm ngầm và công khai của Nga (Hạm đội Biển Đen có quân số rất lớn trong khu vực Crimea đến nỗi không thể phân biệt giữa hai bên) cho việc Crimea ly khai khỏi Ukraine có nhiều ý nghĩa đối với quan hệ giữa Nga và châu Âu, Mỹ cùng các tổ chức quốc tế. Một hành động như vậy sẽ bị coi là vi phạm học thuyết mang tính kim chỉ nam về sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước trong quan hệ quốc tế – điều mà Nga từ lâu vẫn theo đuổi trong chính sách ''chống khủng bố'' ở Chechnya và trong việc họ lên án phương Tây ủng hộ Kosovo độc lập khỏi Serbia.

Do đó, mối nguy hiểm đối với Nga khi họ ủng hộ ly khai ở Crimea, không phải là ở chỗ họ có thể không thành công, mà là ở chỗ, nếu Crimea có thể ly khai khỏi Ukraine, thì khi ấy người ta cũng có quyền đặt câu hỏi: Các khu vực khác ở Nga, có khuynh hướng độc lập, cũng có thể làm điều tương tự không?

Nguồnhttp://www.opendemocracy.net/od-russia/taras-kuzio/crimea-%E2%80%93-from-playground-to-battleground

Bài liên quan: Giúp bạn hiểu về xung đột Nga-Ukraine