Wednesday 12 March 2014

Chiến tranh biên giới, hải chiến Trường Sa trong ký ức tuổi thơ và trên báo chí

14/3/1988

Năm 1988, mình còn nhỏ, nhưng vẫn nhớ rõ câu chuyện ''Trung Quốc đánh Trường Sa''. Buổi tối 14/3, trong chương trình thời sự Đài Truyền hình Việt Nam, phát thanh viên (PTV) Thanh Hùng đọc bản tin tường thuật sự kiện với một giọng mình nghe mà lạnh người, nhất là chi tiết ''quân giặc hung hãn lao tới giành giật cờ với thiếu úy Trần Văn Phương, và xả súng bắn vào các chiến sĩ hải quân Việt Nam. Câu cuối cùng của đoạn này, PTV Thanh Hùng nói trầm hẳn xuống nhưng vẫn đanh thép: ''Anh ngã xuống, trong dòng máu đỏ''.

Bản tin tất nhiên không có hình ảnh nào về trận chiến, chỉ có PTV đọc từ đầu đến cuối. Nhưng cái ấn tượng để lại trong đầu đứa bé 10 tuổi vẫn là sự tàn bạo kinh khủng của quân lính Trung Quốc và thế trận hoàn toàn không cân sức giữa hai bên, dẫn đến kết cục là một cuộc thảm sát và ''mình mất đảo rồi''.

Năm 1991, Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ. Hồi ấy mình nhớ nhiều người lớn hay nói nửa đùa nửa thật, mỗi khi cần xí xóa với nhau về chuyện gì đó: ''Thôi thì quá khứ khép lại, tương lai mở ra''. Một lần nọ, không nhớ rõ thời điểm nào, mình nghe thấy Đài Tiếng nói Việt Nam trích lời ông Đỗ Mười trả lời phỏng vấn một phóng viên nước ngoài về quan hệ Việt-Trung, rằng: ''Chúng tôi là anh em một nhà. Anh em trong nhà thì cũng có lúc mâu thuẫn, bất hòa, nhưng về cơ bản vẫn yêu thương nhau (…)''.

Có trí nhớ quá tốt kể ra cũng là một điều tệ hại.

14/3/2013: Blogger Nguyễn Văn Phương 
đặt hoa tưởng niệm hải chiến Trường Sa 1988. 
Ảnh: Nguyễn Lân Thắng.

17/2/1979

Nói về liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm, những gì mình biết được chỉ là qua cuốn ''Hoàng Thị Hồng Chiêm'' của NXB Phụ nữ, đọc từ hồi 8-9 tuổi gì đấy. Cuốn sách rất mỏng, giống như một phóng sự chân dung nhân vật, chia thành ba phần ''Lời của mẹ'', ''Lời của chị'', ''Lời đồng đội'' (trong đó có lời của anh Lượng – người yêu, chồng chưa cưới của chị Chiêm).

Mình nhớ láng máng, câu cuối cùng của người mẹ nói về chị Chiêm là, ''trước sân nhà, cây đào Chiêm trồng vẫn ra hoa sáng rực mỗi xuân về, nhưng Chiêm không còn được ngắm hoa, ăn quả''.

Phần ''Lời đồng đội'' phản ánh một trận chiến không cân sức giữa lực lượng của ta và quân Trung Quốc, trong đó Trung Quốc áp dụng chiến thuật ''biển người'' thấy rõ: ''Chúng tràn lên rất đông, lố nhố, hò hét, hung hãn''. Câu kết là ''Chiêm bắn thêm được một lúc nữa thì hết đạn...''.

Câu chuyện dừng lại ở đó, với dấu ba chấm, và khiến người đọc rùng mình khi nghĩ về cái kết bi tráng và bi thảm xảy ra sau đấy. Cuối sách còn có một ca khúc về chị Chiêm, ''Có một đóa Hồng Chiêm'', nhạc và lời của ai mình không nhớ.

Sau này, mình không nghe bất kỳ đài, báo, sách, truyện nào nhắc tới Hoàng Thị Hồng Chiêm nữa. Có lẽ ''đóa Hồng Chiêm'' chỉ còn được tưởng niệm và vinh danh trong ký ức người mẹ (nếu bà còn sống), người chị, người yêu cũ và các đồng đội của chị mà thôi.

Vĩ thanh (cho những độc giả ngoài nghề báo)

Chuyện của những năm 1979, 1988, các nhân chứng thời ấy nhiều người còn sống, đến cả một đứa bé Hà Nội chẳng biết gì về chiến tranh là mình ngày ấy, vẫn còn nhớ. Tuy nhiên, Đảng và Nhà nước ta, thông qua một ''định chế'' hết sức xã hội chủ nghĩa (nói cách khác, có tính chuyên chế rất cao) là Ban Tuyên giáo, đã có vẻ muốn chôn vùi mọi sự lắm rồi. Mới chưa đầy 30-40 năm đã muốn ''tác động'', ''xóa ký ức'', thì quá khứ của hàng chục, hàng trăm năm về trước, họ còn thay đổi đến thế nào?

Mà cách làm của Ban Tuyên giáo cũng thật là khôn. Nhiều khi họ cấm, nhưng lại làm ra như vẻ là báo chí tự chủ động kiểm duyệt. Sau mỗi vụ có một tờ báo nào đó ''tự xử'', cả dàn dư luận viên và những người có tư duy dư luận viên lại đua nhau chỉ trích báo chí bịa chuyện diễn kịch, bày trò ăn vạ. Có cho tiền, cũng chẳng cơ quan truyền thông nào dám lên tiếng xác nhận là ''không phải ăn vạ, chúng tôi bị nhắc nhở thật đấy''.

Nhiều khi khác, Tuyên giáo lại nhắc nhở tờ A (và cấm A để lộ chuyện), nhưng lại để mặc tờ B. Chỉ việc ấy thôi cũng đủ để gây hoang mang, chia rẽ lộn xộn trong làng báo rồi.

(Dù sao cũng phải xác nhận, trên thực tế, có rất nhiều vụ báo chí tự kiểm duyệt rồi sau đó làm như bị ''bịt miệng''. Và tương tự, có cho tiền thì cũng chẳng cơ quan truyền thông nào khác dám lên tiếng tố cáo chuyện đó).

Mình hy vọng một ngày nào đấy, tất cả những chuyện này sẽ được bạch hóa, trong một bảo tàng lịch sử báo chí, hay bảo tàng chế độ cộng sản chẳng hạn.