Sunday 14 March 2010

CÁO LỖI

Ngày 13/3, tôi có đăng bài sau về bản đồ in sai của Hội Địa lý Quốc gia Mỹ:

Ngày 13/3, Hội Địa lý Quốc gia Mỹ (National Geographic Society - NGS) đã vừa có điều chỉnh ở lỗi trên bản đồ châu Á do họ phát hành: thay cho ghi chú rằng quần đảo Hoàng Sa là Tây Sa thuộc Trung Quốc, NGS sửa lại là “Tây Sa được quản lý bởi Trung Quốc, Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền” (“Xisha Qundao, administered by China, claimed by Vietnam”).

Hành động “sửa sai” này diễn ra hai ngày sau khi báo chí Việt Nam đưa tin và phản ứng về việc tổ chức National Geographic Maps thuộc NGS phát hành trên website một bản đồ châu Á gán chủ quyền Hoàng Sa cho Trung Quốc. Sự kiện gây phẫn nộ trong cộng đồng mạng của Việt Nam, và các ông Nguyễn Hùng, Ngô Khoa Bá, Lê Quang Long đã gửi thư khiếu nại tới Tổng biên tập của NGS.

Tính pháp lý của bản đồ


Trao đổi với Pháp luật TP HCM, TS. Nguyễn Trường Giang (Ban Biên giới Chính phủ) cho rằng, sự thực là bản đồ mà NGS phát hành trên mạng này “không có một chút giá trị pháp lý nào” và sẽ không bao giờ là bằng chứng chống lại Việt Nam nếu như tranh chấp về chủ quyền đối với Hoàng Sa - Trường Sa có được đưa ra Tòa án Quốc tế. Ông giải thích: “Về nguyên tắc, việc sản xuất bản đồ phải do cơ quan có thẩm quyền, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm nhiệm, thì bản đồ mới được coi là chính thức. Ví dụ như ở Việt Nam, cơ quan đó là Cục Bản đồ. Mọi bản đồ xuất bản trên lãnh thổ Việt Nam cũng phải được cấp phép từ Cục này, ghi chú rõ “ai in, ngày tháng, số giấy phép”, như thế mới là “chính thống”. Nếu không thì bao nhiêu bản đồ du lịch của các hãng du lịch tự in cũng thành có giá trị pháp lý cả hay sao?”.

Hội Địa lý Quốc gia Mỹ, như Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đã bình luận, “là một công ty tư nhân và không liên kết gì với Chính phủ Mỹ, do đó các tài liệu do công ty đưa ra không phản ánh chính sách của Chính phủ Mỹ”. Còn National Geographic Maps, cơ quan trực thuộc Hội, thì tự giới thiệu về họ trên website riêng như một đơn vị tư nhân chuyên kinh doanh bản đồ (không nói rõ có phải do chính họ sản xuất hay không), số tiền thu được sẽ nhằm mục đích phi lợi nhuận là “tăng cường sự hiểu biết của toàn cầu và đẩy mạnh việc bảo tồn hành tinh của chúng ta thông qua thăm dò, nghiên cứu, giáo dục”.

Những bản đồ mà National Geographic Maps đăng tải trên mạng đều không ghi chú nguồn hay cơ quan chịu trách nhiệm lập. Theo ông Nguyễn Trường Giang, có thể thấy ghi chú “Tây Sa thuộc Trung Quốc” chỉ là một lỗi vô ý của họ, do việc sử dụng lại bản đồ cũ hoặc dựa theo những tài liệu cũ, đều đã sai sẵn và chưa được kiểm chứng xác nhận, không mang tính chính thống. Như vậy, bản đồ mà họ in sai và phát hành trên mạng càng không có giá trị pháp lý. Ông Giang nhấn mạnh: “Tóm lại, trường hợp này thuần túy là việc một trang web đưa tin sai, mà sai thì ta yêu cầu họ chỉnh sửa thôi. Sẽ chỉ là vấn đề nghiêm trọng nếu phát biểu “Tây Sa thuộc Trung Quốc” là một phát ngôn của Bộ Ngoại giao một quốc gia nào đó, hay một thông báo phản ánh quan điểm chính thức của nước đó”.

Một tiến sĩ luật (yêu cầu giấu tên), từng là thành viên đoàn đàm phán về biên giới của Chính phủ, cũng cho biết, nếu đưa ra Tòa án Quốc tế, thì “chẳng ai giải quyết tranh chấp chủ quyền dựa vào bản đồ của tư nhân hay một tổ chức phi chính phủ cả. Ngay cả những bộ cổ sử cũng chỉ được coi như tài liệu tham khảo nữa là”.

Sẽ còn những trường hợp tương tự…

Tuy thế, lỗi của bản đồ châu Á mà GNS phát hành vẫn rất nghiêm trọng, theo nghĩa nó gây ảnh hưởng lớn đến cộng đồng. GNS là một tổ chức có uy tín được thừa nhận trên phạm vi quốc tế. Những gì họ xuất bản đều có thể là nguồn tài liệu tham khảo có sức nặng. Một nhà khoa học trẻ Việt Nam từng đặt vấn đề: "Giả sử 10-20 năm nữa, có nhà nghiên cứu phương Tây muốn tìm hiểu về tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc đối với Hoàng Sa - Trường Sa: Cái mà ông ta tìm thấy sẽ là những bài viết, bản đồ trên các tạp chí và trang mạng quốc tế nhằm chứng minh Hoàng Sa - Trường Sa là của họ. Lúc đó, ông ta có muốn khách quan khoa học cũng khó. Tích tiểu thành đại, hàng loạt tài liệu như vậy sẽ làm cán cân sức mạnh nghiêng thêm về phía Trung Quốc, gây ảnh hưởng bất lợi cho Việt Nam".

Vị tiến sĩ luật giấu tên nói trên cũng cho rằng, dù NGS là một tổ chức khoa học tư nhân, nhưng khi nghiên cứu của họ mang tính phán xét thiên vị, ảnh hưởng tới chủ quyền của quốc gia khác, thì Nhà nước của quốc gia bị tổn hại cũng cần phải lên tiếng. “Họ không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, không có quyền thừa nhận hay công nhận gì liên quan tới vấn đề chủ quyền cả. Tôi cho rằng phía Việt Nam - Bộ Ngoại giao, Cục Bản đồ, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam – đều rất nên lên tiếng phản đối chính thức”.

Mỗi năm trên thế giới đều có vô số bản đồ được sản xuất bởi các tổ chức nghiên cứu tư nhân, các công ty tư nhân. Theo ông Nguyễn Trường Giang, những sai sót như trường hợp vừa rồi của GNS đều hoàn toàn có thể xảy ra đâu đó, lúc này lúc khác. Hướng xử lý trong những trường hợp tương tự là “thuyết phục, nhắc nhở để họ sửa lại”. Với những cơ quan lớn, có uy tín như NGS, thì Nhà nước có thể trực tiếp lên tiếng. Còn với các tổ chức ít ảnh hưởng hơn, như các công ty du lịch, lữ hành ở nước ngoài, thì mọi cá nhân, tổ chức Việt Nam đều có thể có ý kiến với họ: “Thậm chí nếu một trường đại học ở Mỹ phát hành tài liệu nói rằng Hoàng Sa – Trường Sa thuộc Trung Quốc, thì sinh viên Việt Nam học ở đó cũng hoàn toàn có thể khiếu nại, phản đối chứ. Mình nói rõ ràng, đưa ra bằng chứng thuyết phục, thì họ sẽ sửa sai thôi”.

+++++++

Việc đưa tin NGS đã sửa sai là lỗi nghiêm trọng của tôi. Trên thực tế, đường link mà các báo dẫn là link vào bản đồ thế giới đăng tải trên NGS: http://www.natgeomaps.com/world_decorator_zoomify.html?zoomifyImagePath=assets/files/zoomify/re00622077/re00622077_1_img&zoomifyNavigatorVisible=false Bản đồ này đến thời điểm này (9h sáng 14/3, giờ Hà Nội) vẫn ghi chú Hoàng Sa là “Xisha Qundao (China)” tức: “Tây Sa quần đảo (Trung Quốc)”.

Còn bản đồ mà tôi đề cập là bản đồ châu Á của NGS: http://www.natgeomaps.com/asia_zoomify.html?zoomifyImagePath=assets/files/zoomify/re00602812/re00602812_1_img&zoomifyNavigatorVisible=false
Bản đồ này ghi chú: “Xisha Qundao (Paracel Is.) administered by China, claimed by Vietnam”, nghĩa là: “Tây Sa (Hoàng Sa) được quản lý bởi Trung Quốc, Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền”. Khi viết bài tôi đã chỉ tham khảo bản đồ này, dòng chữ in đỏ nổi bật khiến tôi suy đoán là đã có sự thay đổi.

Bất luận lý do gì, đây hoàn toàn là lỗi của tôi. Sự thực là NGS chưa sửa lại chi tiết sai trên bản đồ thế giới mà các báo đã đề cập.

Thành thật cáo lỗi cùng bạn đọc và xin nhận mọi trách nhiệm.