Monday 8 February 2010

Bài báo “học thuật” nhất năm 2009

Trang the Ridiculous xin tiếp tục mạch "tổng kết bài vở trong năm", trên tinh thần "tổng kết để mà tổng kết". Rất cảm ơn các bác, các anh chị em, các bạn đã quan tâm và ủng hộ, tuy nhiên, cũng rất mong các bác, các anh chị em, các bạn nếu comment xin trung tính một chút, kẻo... không tiện cho em.

------------------------------------------------------------------------------------

Nói chung Trang the Ridiculous khó tính đến khắt khe nên viết bài gì xong cũng thấy cứ thế nào ấy, cứ làm sao ấy, chả ra cái gì v.v. và v.v. Bài dưới đây cũng vậy, ngay từ lúc viết đã thấy nó “hàn lâm, học thuật” sao sao đó. Tuy nhiên dù sao đây cũng là bài mà sau một thời gian đọc lại, tôi thấy tương đối hài lòng vì nghĩ là đã khách quan ở mức cần thiết. Nó còn là bài đầu tiên tôi viết sau khi tham gia "the state-owned project of arrest" ("dự án câu lưu", I put it this way, hẹ hẹ), và là bài cuối cùng tôi viết về Trung Quốc trong năm 2009.

*****

CẢI CÁCH Ở TRUNG QUỐC VÀ ĐỔI MỚI Ở VIỆT NAM

Nhân 60 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa, báo chí Trung Quốc có những bài viết về thành tựu phát triển đất nước, trong đó nhắc tới sự thành công của mô hình kinh tế kiểu Trung Quốc.

Chưa có một định nghĩa cuối cùng, nhưng các học giả Trung Hoa cũng như phương Tây đã bàn nhiều về mô hình phát triển Trung Quốc. Những từ thường được dùng để mô tả nó là: cải cách, mở cửa, thử nghiệm, chuyển đổi từ bên trong, tiến bộ từng bước, Nhà nước định hướng mạnh, tăng trưởng kinh tế, và ổn định chính trị.

Sự so sánh để tìm những tương đồng và khác biệt giữa mô hình Trung Quốc và Việt Nam không phải vấn đề bây giờ mới được nhắc tới. Ít nhất thì các nhà khoa học của cả hai nước đã từng tiến hành nhiều hội thảo và thực hiện các công trình nghiên cứu so sánh công cuộc cải cách ở Trung Quốc và đổi mới ở Việt Nam.

Trung Quốc bắt đầu cải cách từ năm 1978, còn Việt Nam từ năm 1986. So với phần còn lại của thế giới cũng tiến hành chuyển đổi (Liên Xô, các nước Đông Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latin), hai nước chia sẻ nhiều điểm chung hơn, chẳng hạn cả hai đều kiên trì con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản. Điều này khác xa Đông Âu và Liên Xô - là nơi mà, theo chuyên gia lịch sử kinh tế Đặng Phong, “đảng Cộng sản chỉ dẫn dắt quá trình chuyển đổi chưa được một nửa con đường, sau đó thì những khủng hoảng chính trị đã làm cho đảng Cộng sản ở các nước đó không còn là người điều hành cuộc chuyển đổi nữa”.

Bên cạnh đó, nội dung đổi mới ở Việt Nam và cải cách ở Trung Quốc còn giống nhau ở một số điểm lớn, như: đa dạng hóa cơ cấu sở hữu (chuyển sang kinh tế nhiều thành phần); mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh sản xuất hướng về xuất khẩu, v.v.

Chính sự tương đồng đó, cùng với việc Việt Nam tiến hành đổi mới sau Trung Quốc 8 năm, đã làm nảy sinh nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam sao chép mô hình phát triển của Trung Quốc. Gần đây, khi nhìn lại sự thành công của mô hình này, tờ Nhân Dân Nhật Báo số ra ngày 18 tháng 9 có bài viết nhận định Việt Nam là trường hợp “sao chép toàn diện và thành công nhất mô hình Trung Quốc”.

Sự thực thì có tương đồng gì giữa mô hình Trung Quốc và phát triển kiểu Việt Nam?

* * *

Cùng một thứ thuốc trị bệnh…

Nói cho đúng thì trong những năm đầu của công cuộc chuyển đổi, Việt Nam và Trung Quốc không ai sao chép ai, mà cả hai đều thực hiện những “phương thuốc” nhỡn tiền phải dùng để chữa trị “căn bệnh” chung. Căn bệnh đó, với các triệu chứng như tập trung bao cấp, sở hữu toàn dân và tập thể, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng…, xuất phát từ việc sao chép mô hình của Liên Xô.

Ông Đặng Phong có một so sánh hài hước: “Tóm lại là cả hai đều ăn ổi xanh, ăn ổi xanh thì đều táo bón, tức là đời sống khó khăn, kinh tế đi xuống, bế tắc, khủng hoảng. Cả hai táo bón thì đều cùng phải uống thuốc”.

Thế rồi, trong quá trình chữa bệnh, cả hai cùng có các phản ứng giống nhau. Ví dụ như nạn vỡ bong bóng tín dụng. Ở Việt Nam giai đoạn đầu đổi mới có tình trạng bể hụi, vỡ quỹ tín dụng. Ở Trung Quốc những năm 1992-1993 cũng xảy ra việc hàng loạt ngân hàng phá sản.

Sau này, hai nước lại tiếp tục chứng kiến bong bóng chứng khoán, méo mó trên thị trường bất động sản, sự phình to và hoạt động không hiệu quả của khối quốc doanh… Về mặt xã hội, cả hai đều phải đương đầu với các vấn đề gay gắt như tham nhũng tràn lan, bất bình đẳng xã hội mở rộng, bần cùng hóa ở một bộ phận dân cư nông thôn miền núi.

Như vậy, có thể thấy là hai “bệnh nhân” mắc bệnh giống nhau, dùng thuốc giống nhau và cùng trải qua các phản ứng tương tự. Tuy nhiên, do mức độ bệnh và thời gian phát bệnh khác nhau nên liều dùng và thời điểm dùng thuốc của hai “bệnh nhân” lại khác nhau.

* * *

Mỗi người dùng một khác…

Nói về mức độ của căn bệnh, thì Trung Quốc “bị” nặng hơn Việt Nam, do nền sản xuất bị tàn phá nghiêm trọng trong thời kỳ Đại nhảy vọt, Công xã nhân dân và Đại cách mạng Văn hóa. Cạnh đó, ở Trung Quốc kỷ cương rất chặt, Nhà nước quản lý tập trung cao độ, thị trường tự do bị xóa sổ. Trong khi ở Việt Nam, nông dân vẫn còn được 5% đất để kinh doanh sản phẩm phụ, và chợ đen vẫn tồn tại với sức sống rất mãnh liệt, dai dẳng.

Trung Quốc cũng bị đẩy vào tình thế phải cải cách sớm hơn Việt Nam, do không có được “bầu sữa viện trợ” kéo dài như Việt Nam.

“Bệnh” nặng hơn và thời gian “phát bệnh” diễn ra trước nên Trung Quốc dùng “thuốc cải cách” trước và có những khác biệt so với Việt Nam. Ngoài ra, thời kỳ 1978-1986 cũng là khoảng thời gian dài quan hệ hai nước căng thẳng nên sự sao chép, học tập về mô hình cải cách là không thể có.

Sự khác biệt lớn nhất được nhà nghiên cứu Đặng Phong đúc kết trong một câu: “Ta phá rào từ dưới lên, còn Trung Quốc phá rào từ trên xuống”. Trung Quốc đã đi theo con đường từ lý luận tới thực tiễn, từ chỉ đạo của Trung ương tới hành động của địa phương. Sau khi đã có những đột phá về lý luận nhằm giải quyết các bế tắc, Trung Quốc mới cho thực hành. Trong khi đó, Đổi Mới của Việt Nam lại bắt đầu từ những vụ “phá rào” ở cơ sở, sau đó được Trung ương chấp nhận và cuối cùng trở thành chính sách. Ví dụ, chính sách khoán bắt đầu từ những hiện tượng tự phát và làm chui của nông dân, mà lãnh đạo địa phương hoặc đồng ý cho làm và “bao che” trước Trung ương, hoặc lờ đi. Có thể kể tới các vụ phá rào “ngoạn mục” như khoán chui ở Hải Phòng, xóa tem phiếu ở Long An, cơ chế mua cao bán cao ở An Giang, mua lương thực với giá thị trường để bán “cứu đói” cho Thành phố Hồ Chí Minh…

Ông Đặng Phong nhận xét: “Thật ra người Việt Nam đã “phá rào” suốt từ… thời chống Mỹ. Đặc tính của dân mình là vậy, linh hoạt, có khả năng xoay xở cao và rất khó đi vào kỷ cương. Ở Trung Quốc, Nhà nước nghiên cứu bài bản rồi mới quyết định dỡ bỏ hàng rào cũ, lập hàng rào mới. Còn ở Việt Nam ta là dân chúng, địa phương chủ động dỡ bỏ quách hàng rào, chẳng theo lý thuyết nào cả”.

Đổi mới, vì thế, mang phong cách rất Việt Nam.

* * *

Có hay không sự sao chép?

Đổi mới ở Việt Nam không phải là sự sao chép mô hình cải cách của Trung Quốc. Tuy nhiên, vào những năm về sau trong công cuộc chuyển đổi, có những quyết sách kinh tế – xã hội của Việt Nam được tiến hành sau và mang nhiều nét tương tự như Trung Quốc. Chẳng hạn như chính sách trao quyền xuất nhập khẩu trực tiếp cho khối doanh nghiệp tư nhân, thành lập thị trường chứng khoán, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước… đều được tiến hành ở Việt Nam sau Trung Quốc vài năm. Việt Nam và Trung Quốc cũng là hai nền kinh tế duy trì vai trò chủ đạo, định hướng phát triển của Nhà nước. Cả hai quốc gia đều thực hiện sở hữu Nhà nước về đất đai, chế độ quản lý chặt chẽ của Nhà nước về tỷ giá hối đoái.

Không thể khẳng định có sự sao chép với chủ ý hay không, nhưng điều chắc chắn là, như trên đã nói, có những phương thuốc chung để hai nước trị các căn bệnh chung. Thêm vào đó, việc một nền kinh tế đi sau tham khảo, học tập hoặc chịu ảnh hưởng từ mô hình của nền kinh tế đi trước là chuyện thường gặp trên thế giới.

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Đức Thành, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam (VEPR), giải thích điều này bằng một ví dụ thú vị: “Trong khoa học về chiến lược, có khái niệm gọi là “hiệu ứng con ngỗng con”. Khi con ngỗng ra đời mà bị cách ly với mẹ, nó có thể tưởng nhà bác học chăm nuôi nó chính là mẹ, và nó sẽ đi theo nhà bác học đó như thể đó là ngỗng mẹ vậy.

Hiện tượng tương tự xảy ra trong kinh doanh và xây dựng chiến lược phát triển: Các nền kinh tế nhỏ, chậm phát triển, đi sau, rất dễ bị ảnh hưởng, thậm chí sao chép một cách có chủ ý từ nền kinh tế có quy mô lớn hơn, gần gũi mình và đi trước mình, vì nghĩ rằng như thế là tốt, là ưu việt. Việt Nam hiện đại chịu ảnh hưởng nhiều từ Pháp, ví dụ như luật dân sự của Việt Nam áp dụng nhiều điều của Pháp. Trong kiến trúc, chúng ta cũng có xu hướng cho rằng kiến trúc Pháp là đẹp, là sang trọng, tóm lại là ưu việt. Trung Quốc ở gần và có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về thể chế, dễ học, nên Việt Nam có tiếp thu mô hình Trung Quốc cũng không lạ”.

Một học giả gốc Hoa ở Mỹ, Li Tan, cũng từng khái quát hóa mô hình phát triển của tất cả các nền kinh tế đi sau, bao gồm cả Trung Quốc lẫn Việt Nam, thành sự phát triển dưới định hướng của nhà nước. Li Tan viết: “Mô hình phát triển dựa vào nhà nước sẽ tiếp tục có sức hấp dẫn đối với các nền kinh tế phát triển sau… vì nó cho phép các nước nghèo phát triển nhanh hơn để thoát khỏi tình trạng tụt hậu về kinh tế”.

* * *

“Chiến lược đuổi kịp”

“Copy, sao chép không bao giờ là tiêu cực, trừ trường hợp copy một cách mù quáng, nông cạn” – Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành khẳng định. Còn nhà nghiên cứu Đặng Phong nhận xét: “Tôi nghĩ Trung Quốc có những đặc điểm, những chính sách mà nếu Việt Nam học tập được thì tốt quá! Ví dụ như trong chiến lược phát triển, cả hai nước cùng hướng về xuất khẩu, nhưng Trung Quốc đi xa hơn Việt Nam ở chỗ họ lấy nguyên liệu của toàn thế giới để sản xuất hàng hóa bán cho thế giới. Còn Việt Nam ta xúc nguyên liệu của mình đi bán để mua hàng hóa bên ngoài về tiêu xài”.

Nhiều người cũng đánh giá cao quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền Trung Quốc, sự nghiêm minh của pháp luật, kỷ cương trật tự, hoặc cơ chế sử dụng nhân sự. Ông Đặng Phong nói: “Phải thừa nhận rằng Trung Quốc đào tạo, sàng lọc và tuyển dụng cán bộ ngày càng tốt hơn. Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý của họ thật sự rất cao”.

Một nhà kinh tế khác cũng nói về một số chính sách của Trung Quốc mà Việt Nam nên xem xét tham khảo. Ví dụ chủ trương cho các công ty quốc doanh thuê chuyên gia nước ngoài làm quản lý, trả lương rất hậu hĩnh. Hoặc chủ trương trao quyền tự chủ cho hệ thống trường đại học, khuyến khích việc đầu tư của tư nhân ra nước ngoài…

Cho đến nay, có thể nói Trung Quốc thực sự đã đi theo một mô hình kinh tế thể hiện rất rõ quyết tâm của Nhà nước: tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị, kiên trì định hướng xã hội chủ nghĩa.

Với sự tương đồng về thể chế chính trị, hoàn cảnh xã hội, nếu Việt Nam có thể áp dụng điều gì từ Trung Quốc, như sự nghiêm minh của hệ thống pháp luật hay cơ chế sử dụng nhân sự cấp cao hiệu quả, thì đó chẳng phải là điều tốt hay sao?

----------------------

Chú thích: Tác giả của thí nghiệm về “hiệu ứng con ngỗng con” là nhà tâm lý học động vật Konrad Lorenz, Nobel về Y học năm 1973: http://en.wikipedia.org/wiki/Konrad_Lorenz