Tuesday 25 March 2008

Âu cũng là cái trình!




(chuyện nghiêm túc, không lố bịch)



Ở “nhà đài” dạo trước, tôi đặc biệt thích hai câu phát ngôn nổi tiếng của cameraman Trung White và đạo diễn Lê Trần Quỳnh:

- Âu cũng là cái trình! (khi nói nhớ kèm theo một tiếng thở dài), và

- Trăm sự là sự trình độ! (khi nói nhớ phát âm nhấn mạnh và kéo dài chữ “độ”)

Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, Tôn Sách cũng có một câu nói (với Tôn Quyền): “Như điều binh khiển tướng tranh giành cùng thiên hạ thì em không bằng anh, nhưng biết dùng người hiền, trọng kẻ tài đức, giữ vững được Giang Ðông thì anh không bằng em”.


Câu ấy, theo tôi, là phản ánh rõ nhất suy nghĩ của Tôn Sách về chữ “trình”. Nó cũng cho thấy quân tử là người biết mình đứng ở đâu trong thiên hạ, để không trở thành kiêu ngạo, khiêm tốn giả hiệu, mà cũng không nhút nhát đến mức tự hủy diệt thương hiệu của mình.


Thời buổi này, chữ “trình” ngày càng thể hiện vai trò quan trọng khủng khiếp. Mọi lĩnh vực, mọi khía cạnh của cuộc sống, làm cái gì cũng cần “trình”, ta để ý mà xem, từ marketing đến chữa bệnh, từ làm báo đến dạy học, từ xử lý mối quan hệ với sếp và đồng nghiệp đến chuyện cưa giai tán gái v.v.


Thế rồi chúng ta bắt đầu phân hạng. Không một lĩnh vực nào không có sự phân hạng. Đôi khi chỉ ăn một món ăn, ta đã muốn đánh giá ngay bản lĩnh tay đầu bếp kia so với ta thế nào. Đọc một bài báo hoặc một blog entry, ta cảm thấy như mình ngửi ngay được “trình” của tác giả đến đâu. Bệnh “đánh giá” phát triển rất nặng ở những giới như văn nghệ sĩ, bác sĩ, giáo viên, nhà báo… Nhiều lúc Trang the Ridiculous phát hoảng khi nghe những câu nhận xét như thế này:


(Câu hỏi): Anh nghĩ thế nào về anh X.?

(Trả lời): Không có tiền đồ!

(Câu hỏi): Anh nghĩ thế nào về chiến lược/ kế hoạch của ông Phó Chủ nhiệm Văn phòng…?

(Trả lời): Ngu bỏ mẹ!


Thật thà mà nói, tôi không phản đối chuyện phân hạng và đánh giá. Nhớ hồi còn là sinh viên, chúng tôi đã thích nhận xét lẫn nhau, mà hồi đó có gì để phê đâu ngoài tiếng Anh (chẳng nhẽ lại phê nhau lập chính sách tài khóa - tiền tệ như shit?). Vậy là y như rằng: “X. nói tiếng Anh hay nhưng sai ngữ pháp tóe loe, chỉ ra vẻ phát âm kiểu Mỹ thế thôi”, “Y. phát âm lẫn… giọng Nghệ, kinh nhỉ?”… Ta càng lớn/ càng phát triển thì số lượng các lĩnh vực để so sánh, nhận xét, phê bình càng rộng thêm. Nói riêng trong cái giới của Trang the Ridiculous, sao đã lắm thứ thế: nhiếp ảnh, quay phim, thiết kế đồ họa, giao tiếp, viết lách (tiếng Anh, tiếng Việt), cưa cẩm, phong cách thời trang, nấu ăn, khiêu vũ, ca hát, đàn địch v.v.


Bản thân tôi cũng so và tự so ầm ầm, ví dụ vỗ ngực bành bạch: “Thiên hạ cóc thằng nào lố bịch bằng ta”. Về nấu ăn, tôi ngả mũ trước một cô bạn mà bất kỳ thứ nguyên liệu gì vào tay cô ấy đều trở thành ngon cả. Mọi người tin không - bất kỳ thứ gì, cho dù đó có là vài hạt lạc với một gói gia vị mì ăn liền vứt vạ vật trong góc bếp. (Tiếc rằng thần tượng nghề bếp này của tôi đã mất.) Còn về khoản “phong cách ăn mặc”, trình tôi thực sự chỉ đáng học sinh tiểu học! Quả chưa thấy ai ghét thời trang như mình, ghét một cách có ý thức.


Thế rồi chúng tôi bắt đầu mệt mỏi.


Tôi biết có những buổi trình diễn âm nhạc, nghệ sĩ ngồi dưới không để thưởng thức, mà để quan sát trình độ của đồng nghiệp, xem khả năng cảm và xử lý của người biểu diễn sắc sảo tinh tế đến đâu. Những triển lãm hội họa, người ta đến xem thì ít mà soi nhau thì nhiều. Chúng tôi đọc báo, xem tác phẩm truyền hình, chẳng phải để biết thông tin hay để thấy cái hay cái đẹp gì, mà chỉ để xem “trình” thằng làm tới mức nào. Chúng tôi đọc sách (văn học mạng, các loại truyện ngắn + tiểu thuyết v.v.) cũng chỉ để lắc đầu: “Viết như shit thế mà cái shit gì cũng viết!”.


Tôi biết rất nhiều người trong chúng tôi đã mất khả năng thưởng thức, mất đi cái thú thưởng thức rồi. Như thế có thể có cái tốt là một số người sẽ cố giữ mình tỉnh táo để biết “ta không phải là một, là riêng, là thứ nhất”. Nhưng đổi lại, chẳng bao giờ chúng tôi thấy cái gì hay nữa, lúc nào cũng chỉ nhìn ra lỗi và suy ra “trình”. Chẳng sung sướng gì.


Khổ nỗi, sống thì làm cái gì cũng cần “trình”, thế nên chúng tôi cứ tiếp tục phải đánh giá và so sánh.