Friday 17 August 2007

Văn hóa đọc và văn hóa nghe - nhìn




“Gần đây có một bộ phận dư luận cho rằng văn hóa đọc ở Việt Nam đang bị văn hóa nghe - nhìn lấn át. Mình là mình hết sức phản đối cái luận điểm liên thiên ấy, các đồng chí ạ. Mình nghĩ… nói thế nào nhỉ… mình nghĩ tình hình chung là căng đấy, các đồng chí nhá, vì thật ra chẳng có cái văn hóa nào ở ta phát triển cả”.

(trích một diễn văn của Thiên Hạ Đệ Nhất Lố Bịch)



Chúng ta sắp chứng kiến một hiện tượng giao thoa giữa văn hóa đọc và văn hóa nghe - nhìn, đó là khi cơn sốt Chuyện tình New York và bộ đĩa CD đi kèm bùng phát. Sự kiện này không hiểu sao lại làm tôi nghĩ nhiều đến văn hóa nghe - nhìn, rồi đến những ngày còn gù lưng toét mắt vì tập đàn guitar. Có học mới thấy mình thiếu giáo dục đến mức nào. Nhiều hôm thầy trò đánh vật, ông nghệ sĩ già cáu kỉnh quát:

- Giời ơi, đàn thế ààààà, hả, hả? Khổ quá, cháu chẳng hiểu gì Chopin cả!

Tôi phải cố kiềm cái tính lố bịch để không chọc lại:

- Khổ quá, bác chẳng hiểu gì cháu cả!


Lần khác bác cháu lại vò đầu bứt tai với một bản Adagio mà theo bác là kiệt tác, còn theo tôi là rất khó nghe. Giai điệu của nó, tôi thấy cứ hết lên lại xuống, hết xuống lại lên, đến mệt. Đánh nát cả tay mà tiếng đàn vẫn tách biệt như thả gạch xuống gỗ (tục gọi là “đóng cọc”), tôi thú nhận: “Cháu chịu thôi, cháu không mê nổi cái bài này” (lẽ ra nên dùng từ đúng hơn để bác khỏi tủi: không cảm nổi bản nhạc này). Bác thương tình an ủi: “Thôi, không sao, phải là người từng trải mới chơi được cháu ạ”. Tôi miệng thì vâng dạ, trong bụng nghĩ thầm: “Chơi đàn thì liên quan quái gì đến chuyện người ta có từng trải hay không”. Phải rất lâu sau này tôi mới hiểu được rằng bác nói đúng.


… Một đêm nhạc guitar. Người nghệ sĩ già biểu diễn đúng bản Adagio mà tôi đã tập ngày nào.

Từng giọt nhạc rơi rơi. Khán phòng tối thẫm, chỉ có một khoảng sáng đọng lại ở trên sân khấu nơi ông ngồi ôm đàn.


Khoan, từ từ, đoạn này để mình dùng ngôn từ của nhà báo để tả: Mái tóc bạc cúi xuống trên phím đàn. Rưng rưng, rưng rưng… Cô bạn trẻ thốt lên: “Hay quá! Lâu lắm không được nghe bản nhạc nào hay như thế!” Dường như phần tinh túy của mỗi bản nhạc được trộn lẫn giữa tài năng và giây phút của những xúc cảm thăng hoa. Đã không còn hình ảnh của người nghệ - sĩ - biểu - diễn, mà chỉ còn tiếng đàn hòa với tiếng lòng... Những cảm xúc. Những trải nghiệm...


Phía sau lưng tôi, mấy cái ghế chợt cọt… kẹt… cọt… kẹt - các thanh niên ngồi trên ấy đang cựa mình, chắc mỏi quá. Rồi một giọng nam trung nổi lên vang dội ngay trên đầu tôi - một thanh niên trong số đó đã vươn người đứng dậy:

- Mẹ, nhạc đéo gì mà cứ phập phà phập phù thế nhể?


Tôi cắn chặt môi để khỏi cười phá lên. Sau tiếng cười bị ép phải trở thành tiếng khùng khục. Phập phù, chà, thật không còn từ nào mô tả đúng hơn. Bác thấy chưa, bác cứ nói bản Adagio ấy là kiệt tác đi, thanh niên chúng cháu chỉ tóm lại bằng bốn từ “phập phà phập phù” là xong, đâu cần phải vật vã.


Hết chương trình, tôi ra về. Vừa đi tôi vừa nghĩ xem nên viết về buổi biểu diễn âm nhạc này thế nào. Tôi mở máy tính, vào mạng và thấy đồng nghiệp đã kịp chăng một cái tít to tổ chảng trên báo điện tử: “Đêm nhạc hội guitar - ngọn lửa tình yêu guitar rực cháy”.