Wednesday 29 August 2007

Chuyện tình NY sốt xình xịch




Buổi ra mắt cuốn sách “Chuyện tình New York” diễn ra tại café số 1 Trấn Vũ, bên hồ Trúc Bạch (Hà Nội), trong không khí vừa hoành tráng lại vừa thân mật, vừa long trọng lại vừa cởi mở.

Trang the Ridiculous đi dự với tư cách phóng viên kiêm cổ động viên, tức là phỏng vấn viết bài kiêm ngồi dưới hú và vỗ tay. Càng về cuối vai trò cổ động viên càng lấn át vai trò phóng viên. Lâu rồi tôi không hú hét như thế, với một vẻ mặt mà sau này nghe một người mô tả là “hết sức lố bịch”. Lại ngồi cùng với một ông bạn nghệ sĩ, hai anh em cao hứng hú phụ họa rất nhiệt tình.


Phía trên, diễn giả giới thiệu: Sau đây là bài hát… do bạn… trình bày.

Phía dưới,

- Trang: Hú hú uuuuuu, hú hú… oa oa oa… Whoa, whoa… (vừa hú vừa vỗ tay vào miệng, như thổ dân)

- Nghệ sĩ: Oẳng oẳng, oẳng oẳng oẳng!!! (vừa hú vừa đấm ngực bành bạch như King Kong lúc cao hứng)


Công nhận mình hú tốt thật. Thời trẻ tôi từng được mệnh danh là “giọng oanh vàng”, nhưng oanh vàng đã mất giọng từ gần chục năm trước rồi, nay sau vụ cổ động này có lẽ nên đổi danh hiệu đó thành “giọng chó vàng” - Golden Dog.


Không khí sôi động với sự có mặt của đông đảo bạn trẻ phong cách rất xì-tin và một số phụ huynh. Hàng chục cuốn “Chuyện tình New York” được bán hết veo. Mua xong, bạn đọc đủ cả nam, phụ, lão, ấu lũ lượt xếp hàng xin chữ ký tác giả. Tác giả ký quần quật đến mỏi cả tay mà dòng người vẫn không vơi đi là bao. Có bà cụ hối hả nhao tới mua sách, hỏi người bán:

- Giá bao nhiêu?

- Dạ, … nghìn đồng, giảm giá… phần trăm, còn lại… nghìn đồng bác ạ.

- Thế có chữ ký tác giả không?

- Có ạ, tác giả ngồi ký ở bên kia bác ạ.

- Thế hả? Ký mấy nghìn?


Trang the Ridiculous nghe lỏm được, định quắc mắt lên mắng cho một trận, nhưng thấy độc giả này tóc đã bạc nên tha. Bà già này lạ thật đấy nhỉ, thương mại hóa triệt để, cái gì cũng quy ra tiền cả là thế nào? Ôi, cái thời buổi kinh tế thị trường…


Cũng xin buôn thêm một chuyện hậu trường nữa của việc sản xuất cuốn "Chuyện tình New York". Đây là tác phẩm văn học đầu tiên ở Việt Nam được "audio hóa" (tôi nhấn mạnh là trên lãnh thổ Việt Nam thôi nhé), tức là có một đĩa CD gắn kèm, trích đọc một số đoạn trong truyện và lồng nhạc rất cẩn thận. Đĩa được đút vào bìa số 3 của cuốn sách, riêng khâu đút đĩa này cũng đã đòi hỏi một sự tỉ mỉ lớn của người làm. Không khéo từ đây trong ngành xuất bản Việt Nam sẽ xuất hiện một khái niệm mới để chỉ một nghề mới: nghề đĩa-đútter (tức là người đút đĩa vào sách).


Còn dưới đây là bài review cuốn Chuyện tình New York:



*
* *


“CHUYỆN TÌNH NEW YORK”
DỊU DÀNG VÀ MỘNG MƠ


“Những nơi ấy, những chỗ ấy, những khuôn mặt ấy, là những mảnh ghép của một thời ký ức mãnh liệt của tôi. Một thời mà, có những người đàn ông kỳ lạ, và một cô gái tuyệt đẹp, đã rất yêu tôi… và tôi cũng thế…”. Đây là câu kết và cũng là một trong những câu văn gây cảm xúc rất mạnh cho độc giả của “Chuyện tình New York”, tác phẩm đầu tay của cây viết 8X Hà Kin.


Thị trường sách Việt Nam từng lên cơn sốt với những cuốn sách lấy từ blog, như “Xin lỗi, em chỉ là con đĩ” của Trang Hạ và “Tớ là Dâu” của Joe. Lần này, “Chuyện tình New York” của Hà Kin hứa hẹn mang đến một cơn sốt nữa cho dòng văn học mạng. Hoàn toàn có cơ sở để tin vào điều đó, bởi đây là một tác phẩm rất đặc biệt với nhiều cái “đầu tiên”:

  • Cuốn tự truyện đầu tiên trong giới blogger Việt Nam.
  • Cuốn sách đầu tiên được xuất bản kèm với một ấn bản đặc biệt dưới dạng “sách nói” (audio book).
  • Tác phẩm đầu tay của một người viết nghiệp dư, một trong những blogger nổi tiếng nhất Việt Nam.


“Chuyện tình New York” đơn giản là nhật ký của một cô bé Việt Nam sang nghỉ hè ở New York trong thời gian bố mẹ công tác bên đó. Những gương mặt, những nhân vật cô đã gặp, những mối tình cô đã trải qua… được kể lại với một giọng hồn nhiên, từ góc nhìn rất trong sáng của một cô gái trẻ đang hăm hở bước chân vào đời. Gam chủ đạo của câu chuyện là một màu hồng - có lẽ chính điều đó làm nên sức hấp dẫn của “Chuyện tình New York”, trong bối cảnh cuộc sống của thanh niên thời @ đầy những stress, mệt mỏi, ức chế, mà trong văn học thì đã lâu lắm rồi không có tác phẩm nào ở Việt Nam mang một sắc màu tươi sáng đến thế. Hơn bất cứ một ví dụ nào khác, “Chuyện tình New York” chứng tỏ rằng độc giả trẻ đang có nhu cầu được lãng mạn, được mộng mơ, được giải trí.


Ngay từ khi còn được đăng thành từng phần trên blog, “Chuyện tình New York” đã thu hút sự chú ý của bạn đọc. Mỗi entry đều được đón đọc với sự háo hức và cả hồi hộp, vui thích. Hà Kin nhận được hàng trăm thư gửi về, những lá thư nói lên tâm lý của độc giả trẻ tuổi đang khao khát một cuộc sống tươi mới, hạnh phúc.

“… Đọc Chuyện tình New York, tôi lại nhớ một quãng đời dịu dàng đầy mộng mơ, vì tình yêu có thể vượt núi băng rừng, bỏ cả Việt Nam để theo chàng đến bất cứ đâu, dù châu Phi khô cằn hay Bắc Cực giá băng. Đúng là khi yêu người ta quên hết, quên thậm chí ngay cả bản thân mình…”.

“… Cảm ơn câu chuyện của Hà Kin đã đem lại cho mình những cảm xúc mới mẻ và trẻ trung hơn, để nhìn thấy cuộc đời vẫn còn những con người đáng yêu…”.

“… Chuyện của Hà Kin giản dị, lãng mạn, nhưng lại thật đến mức nhiều người gặp lại mình trong đó. Câu chuyện cũng làm nhiều người quên đi thực tại đầy bỉm, sữa, cơm nước, nghĩa vụ, trách nhiệm…Tất nhiên chẳng ai đánh đổi những gì đang có để quay lại, nhưng được sống lại cảm giác lãng mạn ngày nào cũng là điều làm bọn mình thích thú khi đọc Chuyện tình New York”.


“Chuyện tình New York” còn có một cái thú vị nữa, là giá trị thông tin. Bạn trẻ ở Việt Nam đọc cuốn sách này sẽ biết thêm nhiều về cuộc sống của người dân New York cũng như của cộng đồng người Việt bên trời Tây - họ thường sống bằng các nghề gì, sống như thế nào, quan hệ xã hội ra sao v.v. Thiên nhiên trong câu chuyện hiện lên tuyệt đẹp với những cành cây mùa xuân, hòn đảo, ngọn hải đăng, biển và những cánh chim lãng đãng. Một điểm đặc biệt là tác phẩm này rất đậm chất điện ảnh, truyền hình, với các nhân vật trẻ đẹp và tài hoa trong khung cảnh cuộc sống hiện đại ở New York. Nếu được chuyển thể thành phim truyền hình, được thể hiện tốt, “Chuyện tình New York” rất có thể sẽ là một bộ phim đặc sắc. Độc giả hẳn còn nhớ những series phim truyền hình Trung Quốc nổi tiếng như “Người Bắc Kinh ở New York”, “Đi sang Châu Âu”, hay “Hạnh phúc gia đình”. Tại sao lại không thể có một bộ phim dành cho giới trẻ Việt Nam, làm về họ, làm cho họ, được quay tại các bối cảnh ở nước ngoài với sự tham gia của các diễn viên phương Tây, như thế?


Chất lãng mạn, độ hấp dẫn của chuyện được tăng thêm nhiều lần với sự xuất hiện của bộ “audio book” đi kèm. Đó là một đĩa CD trích đọc 10 đoạn trong tác phẩm cùng với giọng hát và hòa âm của chính tác giả. Có thể nói âm nhạc của “đĩa Chuyện tình New York” được biên tập tỉ mỉ với một phong cách độc đáo… rất Hà Kin: đủ thể loại giao hưởng, pop, rock, đủ nhạc cụ piano, violon, guitar, sáo… và cả karaoke nữa. Người đọc sẽ được nghe Hà Kin thể hiện những bài hát được nhắc tới trong chuyện, như “Khúc hát ru cho một đêm bão giông”, hay “Amazing Grace” trên nền nhạc do một nhạc sĩ Việt Nam đệm “sống”.


Nói về những hạn chế, cái còn yếu ở “Chuyện tình New York” hẳn là một lối viết có kỹ thuật, già dặn hơn, tuy nhiên khó có thể đòi hỏi điều đó ở một cây viết còn trẻ về tuổi đời tuổi nghề, thêm nữa xuất phát điểm của tác phẩm chỉ là những dòng nhật ký cá nhân trên mạng. Như chính Hà Kin đã nói, cô không phải là nhà văn mà chỉ là một người viết trẻ, cô không có ý định theo nghiệp văn chương và cũng chẳng muốn đại diện cho một lớp nhà văn nào, dĩ nhiên kể cả văn học mạng.


Đọc sách, và nghe chuyện từ đĩa CD đi kèm, có lẽ độc giả sẽ không bao giờ quên đoạn kết rất đọng này:

“… Thời gian đang trôi đi lặng lẽ, có mấy cánh chim chao nghiêng bay trôi theo những vạch xám ở cuối đường chân trời. Tôi nhìn ra biển, tưởng tượng một ngọn hải đăng.

Biển, cánh chim, những ngọn hải đăng, dòng sông, ông già tật nguyền, tiệm nail, những màu xanh đỏ của nước sơn móng tay óng ánh, chiếc đàn piano, con chó đang mê mải chạy, Lave, Jess, Billy….

Những nơi ấy, những chỗ ấy, những khuôn mặt ấy, là những mảnh ghép của một thời ký ức mãnh liệt của tôi. Một thời mà, có những người đàn ông kỳ lạ, và một cô gái tuyệt đẹp, đã rất yêu tôi… và tôi cũng thế…”