Saturday 3 March 2018

Nhân chứng cuối cùng

Trong mấy ngày vừa qua, tôi nhận được rất nhiều hỗ trợ vật chất và chia sẻ tinh thần. Tiền mặt, quần áo, đồ dùng cá nhân, cả mì ăn liền, thuốc giảm đau, thuốc diệt muỗi và… nước hoa xịt phòng ùn ùn đổ về làm tôi đã bối rối càng bối rối hơn, vì vốn dĩ tôi không mang vác nặng được.

Bên cạnh đó là vô vàn lời chia sẻ từ rất, rất nhiều người. Tôi không sao trả lời hết, chỉ mong được bà con thông cảm mà lượng thứ. Tuy vậy, có một tin nhắn từ một nhà báo, bạn đồng nghiệp, mà tôi đã đọc và cố trao đổi lại dù lúc đó là gần 2h sáng:

"Chị. Em thấy hoảng sợ, em bị dằn vặt vì ý nghĩ em đang ở đây, Việt Nam, làm người viết, để làm gì? Làm gì khi mà mọi ý tưởng đều bị ném vào im lặng? Nhìn chị, em không hiểu điều gì đang diễn ra và sẽ nghiền nát những người viết".

Tôi thẫn thờ mất vài phút, không biết phải nói với bạn thế nào, bởi vì chính tôi cũng không hiểu. Không thể nghĩ đến bây giờ, năm 2018, tức là cuối thập niên thứ hai của thế kỷ 21, mà chính quyền và công an Việt Nam vẫn hành xử hệt như hồi thập niên 50 của thế kỷ trước: tóm cổ một người viết sách lên đồn và "điều tra, làm rõ" xem động cơ viết là gì, yêu cầu tóm tắt nội dung sách, khai rõ in ở đâu, đã cho, tặng những ai, có quen biết gì với những người bị tịch thu sách, v.v.

Và họ vừa bất ngờ, vừa khó chịu khi tác giả trả lời: "Đúng, tôi viết cuốn ấy đấy. Nội dung là gì thì mời các anh tự tìm đọc. Còn việc tôi cho, tặng, biếu hay bán cho ai là chuyện riêng của tôi, các anh không có quyền và không có tư cách hỏi".

Chỉ đơn giản là công an Việt Nam và các cảnh sát tư tưởng nói chung không quen bị từ chối như thế. Họ không tưởng tượng được là lại có những không gian, những lĩnh vực mà họ không thể thò đầu, thọc mũi vào để quản lý, kiểm soát, định hướng…

Dù sao chăng nữa, nói "hành xử như thập niên 50 thế kỷ trước" là nói về phía chính quyền. Còn về phía xã hội thì đã tốt hơn quá nhiều, vô cùng nhiều. Tôi đã không phải như người viết văn mấy chục năm về trước, viết tay, gói lá chuối bỏ chum sành chôn xuống đất, mong một ngày con cháu hoặc ai đó có hảo tâm, có điều kiện sẽ tìm ra, moi lên và in giúp. Tôi đã không phải đi câu cá trộm như nhà văn Phùng Quán, không phải về quê nhặt đá thồ gạch như thi sĩ Hữu Loan, không bị chòm xóm, họ hàng, bạn bè xua đuổi, xa lánh như hàng chục nạn nhân của Nhân văn Giai phẩm, Xét lại…

Ngược lại, tôi còn may mắn vô cùng vì được không biết bao nhiêu người giúp đỡ, cả những người công khai lẫn những người âm thầm ủng hộ.

Nhưng cho dù thế nào, tôi cũng muốn rằng tôi là nhân chứng của thế hệ người viết cuối cùng ở Việt Nam còn bị truy đuổi thế này. Mong rằng kể từ nay về sau, sẽ không còn những vụ đàn áp mang những cái tên như Nhân văn Giai phẩm, Xét lại, Đổi mới văn nghệ như ngày trước hay Dân chủ, Xã hội dân sự... như bây giờ nữa.