Sunday 3 July 2016

Từ "thỏa thuận 500 triệu USD", nghĩ đến căn bệnh thủ dâm tinh thần mãn tính

Nhìn vào câu chuyện “Formosa cúi đầu nhận tội và cam kết bồi thường 500 triệu USD” , cũng như nhìn những phát biểu của một số đại nhà báo, kiểu “đòi được 500 triệu đôla rồi còn muốn gì nữa”, chúng ta có thể nhớ tới một vụ việc khác có nhiều nét tương tự, đó là Hiệp định biên giới trên bộ năm 1999 và Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ năm 2000, giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc.

Có lẽ rất ít người hiểu được nội dung cũng như ý nghĩa của hai hiệp định này. Thời gian đó (những năm 2000-2001), trong nước chưa có báo điện tử (VnExpress thành lập ngày 26/2/2001 nhưng chưa được công nhận là báo), trên mạng cũng có vài trang web tin tức như BBC Việt Ngữ, Hận Nam Quan, Ý kiến… nhưng bị chặn tường lửa dày đặc. Vấn đề là lâu lâu lại thấy lãnh đạo hai nước tổ chức một lễ cắm mốc biên giới, treo cờ kết hoa, bắt tay nhau tíu tít bên cột mốc. Rồi lại thấy một quan chức nhà nước nào đó lên báo hoặc tham dự hội thảo mà phát biểu, đại ý: Quá trình đàm phán diễn ra rất phức tạp, bên bạn yêu cầu thế này, bên ta bác bỏ và đề nghị thế kia… Bổ sung thêm vào đó là một loạt những khái niệm, những thuật ngữ kỹ thuật lắt léo, lằng nhằng, liên quan đến công tác phân định biên giới. Thật sự là một trận hỏa mù mờ mịt mà chắc chỉ các dư luận viên “duy lý, yêu nước sáng suốt, không a dua bầy đàn” ngày nay mới nắm bắt được đúng sai.

Không mấy ai hiểu, nhưng nghe quan chức hồ hởi thông báo như thế thì đa số người ta cũng “à, ừ, à thế à, ồ thì ra thế”. Đại khái là ta đàm phán thành công, ta không mất đất, nếu có cũng mất ít thôi, nhờ ta đàm phán khéo đấy chứ lẽ ra phải mất nhiều hơn, không phải chỉ có 300 kilomet (?) đâu. Tóm lại là thành tựu, thành tựu!

Năm 2016 này, có vẻ như câu chuyện lại lặp lại. Đàm phán diễn ra bí mật giữa Formosa và đại diện Chính phủ Việt Nam mà chủ chốt là Bộ Công an, kèm thêm Bộ Tài Môi và vài thành phần khác. Tinh thần của công tác định hướng dư luận, cho đến phút cuối, vẫn là phải nêu bật việc “đàm phán thành công, Formosa nhận trách nhiệm, cúi đầu xin lỗi và cam kết bồi thường 500 triệu USD”. Trong lịch sử, chưa từng bao giờ có một doanh nghiệp nước ngoài lớn như thế phải cúi đầu nhận tội ngay tại họp báo và bồi thường nửa tỉ Mỹ kim như thế, ta đàm phán giỏi quá! Chứ nếu nó chối hết, nó gạt hết, không đền bù thiệt hại thì làm gì được nó, thậm chí giới đầu tư nước ngoài nhìn vào đó lại lũ lượt kéo nhau đi khỏi Việt Nam thì mới thật sự là chết, chết, chết…

Tuy nhiên, câu chuyện chỉ lặp lại một phần. Kỳ này, có lẽ Đảng và Nhà nước hơi bất ngờ: Chưa kịp định hướng dư luận ăn mừng chiến thắng, đã phải lật đật lo điều quân đi ngăn chặn biểu tình và tổ chức viết bài “đấu tranh”, bút chiến trên mạng với bọn phản động, thế lực thù địch.

Điều mà bộ sậu lãnh đạo Đảng và Nhà nước, ban Tuyên giáo cùng các Bộ Công an, 4T chưa lường hết được là một bộ phận dân chúng bây giờ đã khác với số đông dân chúng của những năm 2000-2001. Nhờ sự trợ giúp của Internet, họ có tư duy độc lập và óc phản biện cao hơn nhiều, họ không dễ bị lừa và nhất là, họ không mắc căn bệnh thủ dâm tinh thần mãn tính của Đảng Cộng sản nữa. 

Dù còn ít ỏi, nhưng rõ là có một thiểu số người đã hiểu ra rằng chuyện môi trường và lợi ích của nhân dân không phải và không thể là chuyện “cứ để Đảng và Nhà nước lo”; không phải là Đảng và Nhà nước thì không thể sai hay không thể ngu dốt, mà thậm chí ngược lại: Họ không những sai, không những ngu dốt, mà còn bạo ngược và vô liêm sỉ nữa, một trong các bằng chứng là họ bán cả hiện tại và tương lai của dân tộc này chỉ với giá 500 triệu USD.

Có nhiều người đã đặt câu hỏi: Bây giờ phải làm gì? Đó là một câu hỏi rất đúng, nhưng thực ra chúng ta đã và đang làm rồi: Chúng ta đang học cách suy nghĩ độc lập, thoát khỏi sự định hướng của chế độ, chúng ta đang bóc mẽ bản chất bất tài, hại dân hại nước của độc tài… Tất nhiên, đây mới chỉ là bước đầu, chúng ta sẽ còn phải tiếp tục, không thể ngồi yên tự ngợi khen, vì chúng ta không mắc bệnh thủ dâm tinh thần như Đảng Cộng sản.



Phá dễ hơn xây.
Tà đạo bao giờ cũng dễ hơn chính đạo. 
Đàn áp dân bao giờ mà chẳng dễ hơn bảo vệ nhân quyền, phát triển bền vững.