Tuesday 1 December 2015

Hãy bảo đảm quyền được giáo dục cho Nguyễn Mai Trung Tuấn

THƯ NGỎ

Kính gửi: 
  • Ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo
  • Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, thuộc Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam.

Thưa các Quý vị,

Chúng tôi là một nhóm công dân quan tâm đến nền giáo dục và hoạt động giáo dục-đào tạo ở Việt Nam, gửi thư này đề nghị các Quý vị một việc như sau:

Qua các phương tiện truyền thông Nhà nước, chúng tôi được biết, vào ngày 24/11/2015, Tòa án Nhân dân huyện Thạnh Hóa (Long An) tổ chức phiên xét xử sơ thẩm đối với em Nguyễn Mai Trung Tuấn, 15 tuổi, và tuyên phạt em Tuấn 4 năm 6 tháng tù, buộc gia đình bồi thường 42 triệu 600 nghìn đồng, vì tội “cố ý gây thương tích”. 

Chúng tôi cũng tìm hiểu kỹ bản cáo trạng dành cho em Tuấn, nguyên nhân dẫn đến việc em Tuấn có hành động bị nêu trong bản cáo trạng và các bước tiến hành điều tra, thu thập chứng cứ, và các thủ tục tố tụng-xét xử, đặc biệt là các thủ tục hiển nhiên phải được áp dụng cho trẻ vị thành niên. 

Ở đây, trong thư này, chúng tôi tạm chưa đưa ra bất kỳ ý kiến bình luận nào có tính chất phán xét về phiên tòa sơ thẩm vừa diễn ra. Ngay lúc này, chúng tôi chỉ chọn một quan tâm duy nhất, là nhắc lại và lưu ý một số nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế mà Việt Nam đã thừa nhận và cam kết tôn trọng. 

Nguyên tắc thứ nhất là nguyên tắc bình đẳng. Bình đẳng là điều kiện tiên quyết đầu tiên của công bằng và công lý. Không có bình đẳng thì dứt khoát không có công bằng. Quyền bình đẳng đã được ghi rõ ở những dòng đầu tiên của bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Liên quan đến trẻ em, quyền bình đẳng được ghi rõ trong Công ước Quyền Trẻ em mà Việt Nam đã tham gia.

Do đó, chúng tôi xin lưu ý các Quý vị rằng: 

- Mọi trẻ em khi bị cáo buộc vi phạm hình sự đều có quyền bình đẳng được đối xử theo hướng khuyến khích đứa trẻ cảm nhận về NHÂN PHẨM VÀ GIÁ TRỊ, có TÍNH ĐẾN YẾU TỐ TUỔI của đứa trẻ, mong muốn THÚC ĐẨY SỰ TÁI HÒA NHẬP của đứa trẻ, và mặc định rằng đứa trẻ sẽ đóng góp vai trò xây dựng xã hội.

- Hệ thống pháp luật vị thành niên phải ủng hộ quyền và sự an toàn, cũng như thúc đẩy sự phát triển về thể chất và tinh thần của vị thành niên, có tính đến mong muốn cải tạo đứa trẻ.

Nguyên tắc thứ hai là nguyên tắc về các quyền căn bản của con người. Đó là các quyền con người đương nhiên được hưởng và không được phép tước đoạt vì bất kỳ lý do nào và trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Các quyền cơ bản đó đã được ghi rõ trong bản Tuyên ngôn Phổ quát về Quyền con người mà Việt Nam đã tham gia. 

Do đó, chúng tôi xin lưu ý các Quý vị về nhân quyền căn bản được ghi rõ tại Điều 26 của bản tuyên ngôn trên: quyền được giáo dục. Tức là, giáo dục, theo Điều 26, là một nhân quyền căn bản. Điều 26 này không giải thích “giáo dục” theo nghĩa hẹp là “cải tạo”, mà theo nghĩa rộng và cao quý nhất của từ này: Trẻ em phải được đi học, phải được đến trường và việc học là miễn phí, ít nhất là ở các cấp bậc phổ thông.

Căn cứ vào hai nguyên tắc trên, chúng tôi đề nghị các Quý vị đảm bảo cho em Nguyễn Mai Trung Tuấn trong thời gian thụ án phải được tiếp tục học hành. Hình thức có thể là ban ngày đi học, buổi tối về lại nhà tù; hoặc nếu trong tù có lớp học là tốt nhất.

Trong trường hợp đề nghị này không thể thực hiện được vì những lý do kỹ thuật (như điều kiện, hoàn cảnh nhà tù không cho phép), chúng tôi đề xuất: Em Nguyễn Mai Trung Tuấn có quyền được tự học trong thời gian thụ án, bằng hình thức học từ xa. Em có quyền, và nên khuyến khích em dự thi đại học như mọi trẻ em Việt Nam khác.

Chúng tôi vững tin rằng giáo dục là phương tiện hiệu quả nhất để mở rộng con đường tái hòa nhập xã hội. Ngược lại, những biện pháp hà khắc, lòng bất khoan dung sẽ thu hẹp hoặc bịt kín lối về tái hòa nhập xã hội. 

Chúng tôi vững tin rằng không có trẻ em nào đáng bị xã hội bỏ lại đằng sau. Không có trẻ em nào rơi xuống vực thẳm xấu xa sâu tới mức nó không thể bằng nỗ lực bản thân tự nâng mình lên bên trên, ngoài trừ đó là vực thẳm được gây ra bởi sự độc ác có chủ tâm và lòng bất khoan dung.

Vì sự nhân đạo, với tinh thần bảo vệ nhân phẩm và giá trị của trẻ em, khuyến khích sự tái hòa nhập, góp phần xóa bỏ hận thù và bạo lực trong xã hội, chúng tôi vững tin rằng các Quý vị sẽ xem xét, cân nhắc những đề nghị trên đây của chúng tôi. Chúng tôi mong sớm nhận được hồi âm. Nếu đề nghị của chúng tôi được các Quý vị chấp nhận, chúng tôi cam kết sẽ tham gia bằng những việc làm cụ thể trong phạm vi khả năng cho phép, kể cả về chuyên môn, nhân sự lẫn nguồn lực tài chính.

Xin chân thành cảm ơn!

Hà Nội, ngày 25/11/2015

Những người viết thư ký tên

Nguyễn Mạnh Cường, cử nhân ngân hàng
Nguyễn Trung Dũng, thực tập sinh luật
Tạ Ngọc Duy, họa sĩ 
Nguyễn Đình Hà, luật gia
Lưu Văn Minh, quản lý khách sạn 
Trần Quang Nam, nhân viên kinh doanh
Nguyễn Thành Nhân, hoạt động xã hội
Đinh Thị Phương Thảo, bác sĩ 
Nguyễn Trường Thịnh, họa sĩ 
Phạm Thị Đoan Trang, nhà báo, dạy học
Phạm Anh Tuấn, dịch giả, dạy học
Trịnh Anh Tuấn, hoạt động xã hội