Monday 13 July 2015

Thảm sát Bình Phước: sức ép đối với báo chí

Khi tờ báo điện tử thuộc hàng chuyên nghiệp đầu tiên ra đời ở Việt Nam - VnExpress, bắt đầu vận hành từ đầu năm 2001 - đội ngũ những phóng viên, biên tập viên của nó đã phải vật lộn rất lâu với chính mình, chính những thói quen đọc và làm báo cũ của mình, để tập những bước đi đầu tiên gọi là hướng tới báo chí hiện đại theo chuẩn Tây phương. Có những điều mà đến giờ, có thể chẳng nhà báo nào còn thấy mới nhưng với thế hệ đầu tiên ở VnExpress thời đó, chúng là cả một cuộc cách mạng về ngôn từ và phong cách làm báo:

- Không dùng những đại từ quá khích như y, thị, hắn, bọn chúng... Trong trường hợp phải đề cập đến nhân vật tiêu cực, chỉ nên dùng các đại từ như “anh/chị ta”, “ông/bà ta”, “bọn họ”.

- Không dùng từ “đồng chí” cho các lãnh đạo. Có lẽ VnExpress là tờ báo đầu tiên trong nước mở đường cho việc báo chí không gọi các lãnh đạo là đồng chí mà chỉ gọi họ bằng chức danh và ngôi nhân xưng. Ví dụ, không viết “đồng chí Nông Đức Mạnh”, “đồng chí Tổng Bí thư”... mà viết là “Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh”, “ông”); và đặc biệt

- Không kết án trước khi có phán quyết của tòa (*). Thời gian trước đó, người đọc báo hẳn là đã quá quen thuộc với các mẫu câu kiểu như sau đây: “Nguyễn Văn X, con thú đội lốt người, nhất định sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng”, “Phạm Thị Y., hãy mau chóng ra đầu thú. Nên nhớ: Lưới trời lồng lộng, những kẻ phạm tội ác không bao giờ có thể nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Chạy đi đâu? Trốn đâu cho thoát”.

Khi báo chí đưa tin về một phiên tòa thì câu kết luận bản tin thường sẽ là: “Đông đảo nhân dân tham dự phiên tòa đều phẫn nộ, yêu cầu tòa xử bị cáo với mức án cao nhất”, “Bản án đã xử đúng người, đúng tội. Đông đảo nhân dân tham dự phiên tòa đều đồng tình với kết quả xử án”.

Đó là phong cách điển hình của báo chí cách mạng, và nền báo chí ấy đã tạo ra hàng thế hệ độc giả/ khán giả/ thính giả bị hạn chế về năng lực phản biện và mất hoàn toàn ý thức về nhân quyền hay nhà nước pháp quyền (thật ra phải nói là, đã bao giờ có đâu mà mất).

Không rõ trải qua bao lâu thì báo chí Việt Nam bỏ bớt được những đại từ quá khích như y, thị, hắn. Lối gọi “đồng chí Nguyễn Phú Trọng”, “đồng chí Trương Tấn Sang”... bây giờ cũng chỉ còn ở một số ít báo lề đảng rõ rệt như Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân.

Nhưng chuyện “kết án trước khi có phán quyết của tòa” thì vẫn còn, điển hình là trong vụ thảm sát Bình Phước này. Tuy nhiên, so với thời trước năm 2001, độc giả bây giờ đã khác nhiều lắm. Một số (tuy không đông) đã phản ứng với cách báo chí đưa tin, viết bài theo hướng khẳng định hai nghi can là “hung thủ”, “kẻ thủ ác”.

Dù vậy, để thay đổi tư duy, thay đổi não trạng, vẫn khó vô cùng, và cũng khó mà chỉ trích báo chí trong bối cảnh xã hội Việt Nam, với nền tảng văn hóa chính trị như hiện nay. Khi tất cả độc giả đang sôi sục “Bình Phước”, “Bình Phước”, nhà báo làm sao có thể lội ngược dòng. Chắc chắn không tòa soạn nào cưỡng nổi cơn khát view. Chắc chắn không nhà báo nào dám công khai tuyên bố “tôi không muốn bị cuốn vào chuyện này, tôi không muốn đưa tin theo cách kết án nghi can, tôi từ chối tác nghiệp”.

Đó là chưa kể, nhà báo đưa tin kiểu khác làm sao được, khi mà toàn bộ thông tin đầu vào của họ về vụ án đều do công an cung cấp, còn bản thân họ không có khả năng điều tra độc lập.

Liệu có nhà báo nào dám chống lại yêu cầu của tòa soạn, được che đỡ bởi cái khiên “nhu cầu của độc giả”? Không, vì rất khó có thể làm báo kiểu Tây trên đất Việt Nam lúc này.

--------

(*) Đây là một nguyên tắc trong luật pháp và tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền, nó được phát biểu đầy đủ là: "Mọi người bị buộc tội hình sự đều có quyền được giả định là vô tội cho đến khi bị chứng minh là có tội, căn cứ theo luật", "Các cơ quan công quyền và quan chức phải tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội. Tất cả các cơ quan công quyền đều có nghĩa vụ tự kiềm chế, không được kết án trước khi xét xử, chẳng hạn, bằng việc không đưa ra những phát biểu công khai khẳng định tội của bị cáo. Các cơ quan công quyền và quan chức, kể cả công tố viên, có thể thông tin cho công chúng biết về quá trình điều tra hình sự hay cáo trạng, nhưng không được thể hiện quan điểm về tội của bất cứ bị cáo nào". 

(xem General Comment số 22 của Ủy ban Nhân quyền LHQ (UN Human Rights Committee).