Saturday 6 June 2015

Công an chụp ảnh, quay phim dân: Không hiểu pháp luật hay bố láo?

Trong tất cả những lần tuần hành, đạp xe, dã ngoại vì cây xanh, những người dân tham gia hoạt động xã hội - cho dù là thành viên của nhóm Vì Một Hà Nội Xanh hay không - đều “được” hàng chục công an, an ninh bám theo, phưỡn bụng, dí máy quay phim, máy ảnh, điện thoại ghi hình vào tận mặt mà quay mà chụp. 

Ngay cả việc các cử tri đến UBND TP để yêu cầu giải trình về Đề án cây xanh, hay tìm gặp đại biểu quốc hội tại buổi “tiếp xúc cử tri” do chính Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội tổ chức, cũng diễn ra trước ánh mắt lừ lừ và những ống kính soi mói của lực lượng an ninh thường phục, vốn đã chầu chực rình mò từ trước. Có lần bực quá không nhịn được nữa, các thành viên của Vì Một Hà Nội Xanh yêu cầu một an ninh xóa đoạn phim cậu ta đã quay, thế là cậu ta vênh mặt lên: “Chỗ công cộng, tôi thích quay ai thì quay, việc gì phải hỏi ý kiến ai?”. 

Họ vênh váo “tác nghiệp” đến độ có Facebooker phải comment: “Bọn này thừa pin nhỉ, lúc nào cũng quay quay”.

Họ ghi hình người biểu tình/ tuần hành để làm gì? Thường là có vài mục đích:

1. Để phục vụ công tác “nghiên cứu, sàng lọc đối tượng”. Hình ảnh mang về sẽ được các nhân viên công quyền cho lên màn hình, rồi cùng ngồi quan sát, phân tích, kiểu “thằng này là cầm đầu”, “con kia rất to mồm”, “thằng đó chỉ lăng xăng”...

2. Để gạn lọc các hình ảnh xấu về những người biểu tình, có dịp sẽ “làm truyền thông”, tức là đưa lên truyền thông để bêu xấu, vu vạ họ.

3. Để làm bằng chứng kết tội người biểu tình “gây rối trật tự công cộng”, “chống người thi hành công vụ”, hoặc một tội gì đó tương tự. Tất nhiên những bằng chứng chống lại người biểu tình này sẽ chỉ được lưu hành nội bộ cho công an, an ninh xem với nhau và kết tội người biểu tình sau lưng thôi; chứ thực tế là chưa có phiên tòa nào trình chiếu những hình ảnh này công khai để luận tội bị cáo cả.

An ninh, công an chụp ảnh quay phim dân có thể còn vì nhiều mục đích khác mà chúng ta không biết, nhưng nói chung là chẳng có mục đích nào tốt đẹp.

Sau khi bị chụp bức ảnh này, nhân vật trong ảnh đã giật điện thoại khỏi tay người chụp hình y và ném đi cách xa chừng 10 mét. Ảnh chụp tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, cuối buổi sáng 5/4/2015 khi đoàn đạp xe "Biking for Trees" vừa từ Hồ Tây về tới Bờ Hồ.

* * *

Ấy thế nhưng ngược lại, cứ hễ thấy người dân ghi hình họ, là an ninh lồng lên. Tại mọi cuộc tuần hành, biểu tình, bao giờ họ cũng vồ người chụp ảnh, quay phim trước. Bắt được ai, việc đầu tiên là họ phải giằng giật phương tiện, đập, xóa kỳ hết hình ảnh mới yên tâm. Dân có ý kiến thì họ lại cũng vênh mặt: “Đây là hình ảnh cá nhân của tôi, ai cho phép các anh chị chụp mà chụp?”.

Để khỏi phải giải thích nhiều với những thành phần xã hội như vậy, chúng ta hãy cứ nhớ là: Việc người dân ghi âm, quay phim, chụp ảnh nhân viên công quyền là việc làm hợp hiến (Hiến pháp quy định: "Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội"), và đặc biệt, phù hợp với tinh thần pháp luật “công dân có quyền giám sát nhân viên công quyền”.

Tuy nhiên, điều ngược lại thì lại không đúng đâu các đồng chí an ninh nhé: Nhân viên công quyền không được phép ghi hình người dân khi chưa hỏi ý kiến họ.

Nói cách khác, công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, nhưng nhân viên công quyền chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Và ngay cả một nền pháp luật còn nhiều khiếm khuyết như của Việt Nam cũng không cho phép an ninh, công an được tùy tiện, xả láng quay phim, chụp ảnh người dân như thế.

Khi bị chất vấn, họ thường lý sự cùn bằng cách vặn vẹo thế này: “Sao? Nếu anh/chị không làm gì xấu thì việc gì phải sợ bị quay phim?”.

Nếu bị họ hỏi như thế, ta hãy nói với họ rằng câu hỏi đó là dành cho chính họ: Nếu an ninh không làm gì xấu thì việc gì phải sợ bị ghi âm, ghi hình?





Đây là cách lực lượng công quyền đón tiếp các cử tri Hà Nội chiều 8/5/2015, khi các cử tri - thành viên của nhóm Vì Một Hà Nội Xanh đến trụ sở tiếp công dân của UBND và HĐND quận Hoàn Kiếm để gặp gỡ Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, như lịch tiếp xúc cử tri do chính Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội thông báo từ trước.