Monday 2 March 2015

Vụ Trang Trần: Có một con voi trong phòng…

Trong tiếng Anh, có thành ngữ “elephant in the room”, hoặc “elephant in the living room”, dịch sát nghĩa là “có một con voi trong phòng (khách)”. Thành ngữ này chỉ một sự thật hiển nhiên, rõ ràng, mọi người đều biết, nhưng ai nấy đều lờ đi, không đả động đến vì ngại, vì sợ hoặc vì kiêng kỵ gì đó.

Để minh họa, có thể lấy ví dụ là vụ người mẫu Trang Trần bị CA phường Hàng Buồm bắt khẩn cấp và khởi tố về tội chống người thi hành công vụ. Ngay sau khi clip “Trang Trần chửi công an” bị tung lên mạng và nhân vật chính bị bắt giữ, cộng đồng mạng Việt Nam nổi sóng tranh cãi. Người phê phán Trang Trần vô văn hóa; kẻ khen cô trung thực, sống thật với lòng mình. Người phân tích luật pháp để thấy bắt Trang Trần là đúng (hoặc sai), kẻ lại chỉ trích “bọn dân chủ” cơ hội, tranh thủ vụ Trang Trần để xả cái sự căm ghét công an và cảm giác hả hê khi công an bị chửi tận mặt, v.v.

Nhưng đa số đều vô tình hoặc chủ ý khéo léo lờ đi một “con voi trong phòng khách”. Con voi ấy là gì vậy? Xin đăng tải dưới đây một số ít ý kiến đề cập đến nó.

1. Luật gia Trịnh Hữu Long:

Mọi người đều đồng ý với nhau rằng mọi quyền tự do đều cần có giới hạn. Lý do của việc đặt ra giới hạn là để đảm bảo quyền tự do của người khác và lợi ích chung của xã hội. Mỗi người cần bớt một chút tự do của mình để góp vào cái tự do chung của xã hội. Vấn đề là cái giới hạn ấy nằm ở đâu, và cái "một chút tự do" ấy là bao nhiêu. Đến đây thì bắt đầu cãi nhau không có hồi kết. Định lượng là một công việc không đơn giản, nhất là trong những xã hội đông dân và đa dạng về thành phần.

Vụ việc của Trang Trần, tuy nhỏ, và yếu tố duy nhất khiến nó ồn ào là cái danh hiệu siêu mẫu của cô, lại thể hiện đầy đủ những đặc trưng văn hóa pháp lý Việt Nam. Luật Việt Nam đã đúng khi quy định về hành vi chống người thi hành công vụ, cũng đúng khi quy định cả hai mức trừng phạt nặng nhẹ khác nhau là hành chính và hình sự. Nhưng vấn đề ở đây là “như thế nào là chống người thi hành công vụ” và ranh giới giữa mức hành chính và hình sự nằm ở đâu? Xác định được hai điều này cũng có nghĩa là xác định được ranh giới tự do của con người.

Các xã hội thiết lập những cơ chế riêng để đi tìm cái ranh giới đó. Cơ chế của hệ thống án lệ (Anh, Mỹ, Úc) thì thiên về việc trao cho các thẩm phán quyền giải thích hiến pháp và thiết lập các giới hạn. Cơ chế của hệ thống dân luật (Pháp, Đức, Nhật) thì thiên về sử dụng các văn bản pháp luật do lập pháp và hành pháp đặt ra. Hai hệ thống này tỏ ra vượt trội và trên thực tế nó đã tạo ra các xã hội thịnh vượng nhất trên hành tinh.

Điều tiên quyết để hai hệ thống trên vận hành được là cấu trúc nhà nước tam quyền phân lập và dựa trên nền tảng chính trị dân chủ. Hai yếu tố này giúp cho các cơ quan nhà nước được đặt trong tình trạng bị kiểm soát liên tục và buộc phải lựa chọn những giải pháp tốt nhất có thể, đồng nghĩa với việc họ sẽ tìm mọi cách để xác định đúng giới hạn tự do của con người. Dù có thể các mô hình đó còn khiếm khuyết và chưa tìm được cái cần tìm, cỗ máy đó vẫn vận hành và ngày càng tiến gần đến cái giới hạn hợp lý hơn.

Còn ở những xã hội chỉ có một đảng cầm quyền như Việt Nam, về cơ bản là không có cỗ máy đó, nỗ lực tìm kiếm giới hạn hợp lý là vô vọng. Hệ thống pháp luật và nhà nước Việt Nam có cái vỏ của hệ thống dân luật Pháp, nhưng thiếu hẳn hai yếu tố tam quyền phân lập và nền tảng chính trị dân chủ. Bản thân Việt Nam cũng không nhận mình thuộc về hệ thống dân luật Pháp, mà tự gọi là mô hình nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa.

Mô hình này trao quyền quyết định cho Đảng Cộng sản Việt Nam, với quyền năng tuyệt đối và không bị ai giám sát. Với địa vị đó, cái ranh giới tự do của con người luôn bị đẩy về phía người dân và mở rộng tối đa không gian tự do của đảng cầm quyền. Vì thế, trong cách hành xử với Trang Trần, chính quyền đương nhiên lựa chọn cách giải thích pháp luật và xác định giới hạn tự do có lợi nhất cho họ.

Vậy nên nói gì thì nói, câu chuyện cuối cùng vẫn quay về với cái vòng kim cô chính trị mà Việt Nam đang đeo trên đầu. Có cố tình lảng tránh đến đâu, viện dẫn kiến thức bác học nào và biện minh bằng tinh thần bác ái cao đến đâu đi chăng nữa, câu trả lời cuối cùng chỉ có một. Loại bỏ Đảng ra khỏi các tranh luận pháp luật chỉ thể hiện hoặc là đánh giá không đúng mức vai trò của Đảng trong đời sống pháp luật, hoặc là cố tình lảng tránh. Tôi không hứng thú với những tranh cãi lặt vặt về luật thực định lắm, vì đó không phải cái cần nói.

2. Luật sư Vi Katerina Trần:

… Quyền diễn giải pháp luật ở Việt Nam thật ra là thẩm quyền của ai? Việt Nam là nhà nước xã hội chủ nghĩa, cho nên có thể thấy cả hai hệ thống pháp luật trên thế giới, án lệnh và dân luật đều không thể là cơ sở để trả lời vấn đề này.

Tôi không lên tiếng biện minh cho hành vi của cô Trang Trần. Tuy nhiên, hệ thống tư pháp ở Việt Nam bị xem thường quá mức và người dân không thể có một phán xét công bằng khi cơ quan hành pháp (đại diện là công an) nắm cả quyền diễn giải pháp luật và trước khi có phán xét của tòa án, dư luận đều dựa vào các tuyên bố của công an để định tội sẵn. Như thế, vấn nạn án tại hồ sơ không chỉ là sự thiếu trách nhiệm và vô năng của hệ thống tư pháp hay sự lạm quyền và tiếm quyền của cơ quan hành pháp mà còn là trách nhiệm của bất kỳ ai chấp nhận lối hành xử xem thường pháp luật. Tôi cho rằng hành vi xem thường pháp luật được thể hiện rất rõ khi một xã hội không coi trọng vai trò của ngành tư pháp, nơi đại diện cho pháp luật. Không phải ngẫu nhiên mà quyền thẩm định và diễn giải luật pháp tối thượng ở Hoa Kỳ được nằm trong tay Tòa Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.

Trở lại việc (…) ở Mỹ, cảnh sát có thể bắt một người say rượu và có hành vi chống người thi hành công vụ. Điều đó không sai. Tuy nhiên, khi cảnh sát bắt người, có những chuẩn mực pháp lý mà người thi hành công vụ phải tuân theo hay không? Đương nhiên là có. Nếu người thi hành công vụ lạm quyền thì họ có bị pháp luật chế tài hay không? Cũng đương nhiên là có. Và người bị cảnh sát cáo buộc say rượu và có hành vi chống người thi hành công vụ có cơ hội phản biện hay không? Chắc chắn có. Đó là bởi vì đến cuối cùng, tòa án mới là nơi quyết định ai có tội ai không. Đơn cử ví dụ ở Mỹ, là hồ sơ của của Rodney King, một người đã bị cảnh sát Los Angeles bắt vì vi phạm luật giao thông và bị nghi ngờ có sử dụng chất kích thích khi lái xe. Vì có 4 viên cảnh sát đã lạm quyền và sử dụng vũ lực, chính những người cảnh sát này cũng phải đối diện pháp luật vì những hành vi của họ.

Một người được cho là vô tội cho đến khi tòa án phán quyết có tội. Cô Trang Trần chỉ bị công an bắt, KHÔNG AI CÓ QUYỀN định tội lúc này vì đó là nguyên tắc suy đoán vô tội. Một người khẳng định người khác có tội trước khi tòa tuyên án, thì với tôi, đó là sản phẩm của chế độ công an trị!

Sau cùng, quyền con người hay nhân quyền, mọi người ai cũng có. Tôi tuy không bênh vực cô Trang Trần, nhưng tôi không thấy lý do gì để quyền con người của cô ấy, nếu bị vi phạm, thì không đáng cho tôi lên tiếng nếu tôi cảm thấy đó là việc nên làm.

Việc "xử làm gương" trong trường hợp này cũng có thể được hiểu là "đánh dằn mặt".

3. Đoan Trang:           

Rất mong các bạn, khi kêu gọi "thượng tôn pháp luật", cũng nên chú ý tới hai vấn đề: 1. Luật nào, do ai đặt ra, bản chất của nó như thế nào? 2. Ai là người giữ quyền diễn giải luật pháp ở Việt Nam?

Cái mà tôi muốn nói ở đây là sự bất cập trong việc thực thi công lý ở Việt Nam. Ví dụ, như thế nào là “chống người thi hành công vụ”, và ai là người định nghĩa/ diễn giải việc đó? (Trong lịch sử tư pháp Việt Nam, tôi biết có trường hợp bị một toán công an xã đánh hội đồng, nạn nhân tự vệ bằng cách xô công an ra để chạy, và cuối cùng vẫn bị bắt ngay tại chỗ, tống đi tù (không án) vì tội “chống người thi hành công vụ”).

Trang Trần chửi và đánh công an thì các báo đều đưa tin, nhưng không thấy báo nào nói về bộ mặt tím một nửa bên của Trang Trần, chẳng biết là do công an đánh hay có nguyên nhân gì khác. (Tôi cũng đoán trước rằng nếu có thì thể nào câu trả lời cũng sẽ là “Trang Trần say rượu và trong lúc cự cãi với công an thì ngã đập mặt vào bàn/ ghế/ v.v.”).

Vấn đề ở đây là, có ai nhận thấy rằng Trang Trần đang hoàn toàn ở thế yếu và không thể tự vệ? Ngay từ đầu, tất cả thông tin đều do công an đưa ra. Việc diễn giải hành vi của Trang Trần cũng là công an toàn quyền quyết định. Đấy là chưa nói đến việc căn cứ Bộ luật Tố tụng Hình sự, công an phường Hàng Buồm không thể “bắt khẩn cấp” Trang Trần được. Ai đảm bảo công an đang không lạm quyền trong vụ Trang Trần và tất cả các vụ tương tự?

Chúng ta có thể chỉ trích Trang Trần xả láng và ngoa ngoắt bao nhiêu cũng được, nhất là khi giờ này cô ấy đang ở trong tay công an, đang bị giam và không thể có cơ hội lên tiếng. Nhưng sao không ai đặt vấn đề về các sai phạm (có thể có) của công an: Còng tay, đánh người khi người đó đang say và về thể lực, thế lực thì người đó yếu hơn hẳn công an; bắt khẩn cấp là hành động bắt giữ tùy tiện và sai luật (Bộ luật Tố tụng Hình sự của chính Việt Nam); từ chối quyền tiếp cận luật sư của Trang Trần; khống chế và có biểu hiện ép cung để buộc Trang Trần phải viết giấy, quay video nhận lỗi; làm nhục công dân khi quay và tung video nhận lỗi của Trang Trần lên mạng...

Có ý kiến cho rằng những thành phần như “bọn dân chủ” mà dính vào vụ này thì càng làm khổ Trang Trần hơn, bởi vì không dưng lại đẩy vụ án thành “án điểm”, xử làm gương. Nói như vậy chẳng hóa ra tòa án xử theo dư luận? Thấy dư luận như thế thì càng phải xử nặng cho dư luận sáng mắt, cho chừa… – tòa án hay là trẻ nít lên ba vậy?

(Ồ mà nếu xử theo dư luận thật, thì sao tòa không “xử làm gương” luôn thủ phạm trong hàng chục vụ dân thường tử vong ở đồn công an?)

Lại có người “khuyên” rằng nếu đấu tranh cho nhân quyền thì nên chọn trường hợp khác mà bảo vệ, chứ đừng phí công cho Trang Trần vì cô ta sai. Điều đó cũng hệt như khi có các ý kiến khuyên mọi người đừng hơi đâu bảo vệ ông Kim Quốc Hoa và báo Người Cao Tuổi, vì “bên ấy làm báo kém nghiệp vụ lắm, sơ hở lắm, làm báo kiểu ấy không sai mới lạ”, v.v. Nói vậy thì hỏi đến bao giờ trong số các nạn nhân của tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam mới có người xứng đáng để chúng ta lên tiếng bảo vệ đây?

Lời kết

Đến đây, hẳn chúng ta đều đã xác định được “con voi trong phòng khách” kia là gì. Nói về luật pháp và nền hành pháp, tư pháp của một đất nước, không thể nào không đề cập tới chính trị, nhất là trong hoàn cảnh Việt Nam, khi “tà trị” (chứ không phải “chính trị”) đang chi phối mọi mặt của đời sống và kìm giữ sự phát triển của con người. Nói đến luật pháp, đến cái gọi là “nhà nước pháp quyền” ở Việt Nam mà lại không nói đến vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản thì khác nào tảng lờ một  “con voi trong phòng khách”.

Hành pháp lộng hành, tùy tiện, thì được bao nhiêu người bênh vực, thương cảm, đòi “xử nghiêm công dân để “làm gương, răn đe”. Trong khi đó, tư pháp ngồi đuổi ruồi và làm cảnh bao lâu thì không thấy mấy ai quan tâm. Điều đó, không gì khác, cũng là một biểu hiện của xã hội công an trị.