Sunday 3 November 2013

Từ tinh thần Trung Hoa tới chủ nghĩa bá quyền

17/5/2009

Không người dân nước nào không có tinh thần dân tộc. Nhưng để trở thành chất keo gắn kết một khối hơn 1,3 tỷ con người trên khắp thế giới, khiến họ cùng tin và luôn tin vào hình ảnh một đất nước rộng mở, thân thiện, phải là một thứ chủ nghĩa dân tộc đặc biệt, chỉ người Trung Hoa mới có.

Hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, Trung Quốc đã dựa vào tinh thần dân tộc để tồn tại như một thể thống nhất suốt từ thời Tần Thủy Hoàng (259 - 210 trước Công nguyên) đến nay. Đến lượt mình, Bắc Kinh ngày nay cũng đang sử dụng lòng yêu nước, tự hào dân tộc như một loại "thuốc kích thích" cho sự đoàn kết và phát triển đất nước, để từ đó duy trì sự bền vững của chính thể.

Tự hào để phát triển, phát triển để tự hào

Kể từ khi Đặng Tiểu Bình khởi xướng công cuộc cải cách mở cửa nền kinh tế, chính quyền Trung Quốc đã nhanh chóng nhận thấy sự cần thiết phải sử dụng chủ nghĩa dân tộc làm công cụ đoàn kết và thúc đẩy sức mạnh toàn dân. Điều này càng trở nên bức thiết sau vụ Thiên An Môn năm 1989 và sau sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 - hai sự cố khiến nhiều người tưởng rằng ngày tàn của chế độ đã gần kề.

Tuy nhiên, sau hai thập niên, dự đoán về sự sụp đổ đã sai và chính thể vẫn ổn định. Trung Quốc có thể đối diện hàng chục vấn đề, nhưng nó có một thứ mà chính phủ của mọi nước đang phát triển đều thèm muốn, đó là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới: 8-9% trong 30 năm liên tục.

Suy cho cùng, nhờ thế, người dân Trung Quốc càng có lý do để tự hào. Họ chỉ mất 30 năm công nghiệp hóa để chứng kiến những gì châu Âu phải mất 200 năm trải qua. Cứ sau 8 năm, quy mô nền kinh tế Trung Quốc lại tăng gấp đôi. Trong cuốn "The Post-American World" (1), tác giả Fareed Zakaria viết: "Một chiếc bánh phình to có thể làm cho mọi vấn đề, dù là đáng bi quan nhất, trở nên ít nhiều dễ xử trí hơn".

"Ý thức hệ mới của người Trung Quốc"

"Chính phủ ở Trung Quốc hiện nay là sản phẩm của chủ nghĩa dân tộc hơn là sản phẩm của ý thức hệ mác-xít hay cộng sản" - GS Liu Kang, một nhà nghiên cứu văn hóa Trung Quốc, thuộc Đại học Duke, nhận định. Theo ông, chủ nghĩa dân tộc đã trở thành "ý thức hệ chính đáng và mạnh mẽ nhất" tại đất nước hơn một tỷ dân này. Nếu bóc đi ánh sáng dẫn đường của tư tưởng Mao Trạch Đông, thì chỉ còn lại chủ nghĩa dân tộc như chất keo kết dính toàn xã hội.

Mai, một nghiên cứu sinh Việt Nam tại Bắc Kinh, cho hay, Trung Quốc tổ chức phát triển đảng rất mạnh mẽ trong giới trẻ. Thanh niên được kết nạp đảng sớm, nhanh chóng, dễ dàng. Ở trường, họ được học ba môn quan trọng là Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tư tưởng Mao Trạch Đông và Lý luận Đặng Tiểu Bình.

Cô đã gặp không ít người Trung Hoa trẻ tuổi thể hiện một niềm tin tưởng sâu sắc vào chế độ. "Đừng ngạc nhiên nếu họ vui vẻ nói với bạn rằng "Ôi, chủ nghĩa xã hội thật là ưu việt!", và sự kiện Thiên An Môn là cách xử lý không thể tốt hơn của chính phủ trong hoàn cảnh đó" – Mai nói. "Theo tôi, cái mà họ ủng hộ mang màu sắc của một thứ "chủ nghĩa Trung Hoa", thực chất là “chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc”, chứ không hẳn là chủ nghĩa xã hội".

Một cuộc biểu tình chống Nhật của thanh niên Trung Quốc.
Ảnh lấy từ Internet, không rõ nguồn.

"Thuốc kích thích"

Năm 2002, Trịnh Tất Kiên - phó hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương - đã sáng tạo ra thuật ngữ "trỗi dậy hòa bình" (peaceful rise) nhằm chuyển tải mục đích âm thầm vươn tới địa vị quyền lực trên thế giới. Từ này bây giờ được sử dụng thường xuyên để mô tả nguyện vọng và phần nào là học thuyết ngoại giao (chưa bao giờ được công bố) của Bắc Kinh.

Chính quyền đại lục cũng đang thực hiện nhiều cách để đảm bảo rằng nhân dân Trung Quốc nắm rõ chiến lược "trỗi dậy hòa bình" của đất nước mình. Năm 2006 - 2007, Truyền hình Trung ương Trung Quốc phát sóng loạt phim 20 tập - "Sự trỗi dậy của những dân tộc vĩ đại". Thông điệp mà Chính phủ mong muốn bộ phim truyền tải đến cho người dân là: đoàn kết dân tộc, thành công về kinh tế và công nghệ, ổn định chính trị, sức mạnh quân sự, một nền văn hóa sáng tạo và quyến rũ, đó là những chìa khóa để một dân tộc vươn thành vĩ đại. Cũng qua đây, Trung Quốc vẽ nên trong mắt người dân hình ảnh một đất nước yêu hòa bình và sẽ chỉ vươn lên địa vị bá chủ một cách hòa bình và hấp dẫn.

Thử hỏi người Trung Quốc có ai lại không tự hào làm dân một đất nước như thế?

Lòng ái quốc, tinh thần dân tộc luôn phát huy hiệu quả rất tốt nếu được đặt đúng vị trí. Cho đến giờ, Bắc Kinh vẫn tỏ ra khéo léo trong việc huy động "chủ nghĩa Trung Hoa" vào công cuộc phát triển kinh tế và giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc. Các chính phủ hay các công ty nước ngoài tới Trung Quốc làm ăn cũng nên học tập tấm gương đó.

Một ví dụ (được nhà báo Fareed Zakaria nêu trong cuốn "The Post-American World"): Trong bao nhiêu năm trời, Microsoft không tài nào bắt Trung Quốc thi hành luật bản quyền. Tình hình chỉ thay đổi khi tập đoàn này bỏ ra rất nhiều nỗ lực phát triển quan hệ với chính quyền, khiến họ thấy rõ là Microsoft muốn góp phần thúc đẩy kinh tế và hệ thống giáo dục Trung Quốc. Đến lúc đó, những quy định pháp luật tương tự mới bắt đầu có hiệu lực.

Còn một khi chính quyền trung ương Trung Quốc đã nổi giận thì hậu quả thật khó lường. Sau khi Nhật Bản cho lưu hành sách giáo khoa với nội dung "nói giảm, nói tránh" về những tội ác mà phát-xít Nhật gây ra tại Trung Quốc trong quá khứ, phong trào bài Nhật đã bùng nổ ở đại lục. Người dân tẩy chay hàng Nhật, thậm chí tấn công cả vào đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh.

Cũng với tinh thần dân tộc được đẩy tới mức cao nhất này mà ở Trung Quốc lâu nay có một phong trào "Trung Hoa hóa" những nhân vật nước ngoài nổi tiếng. Chẳng hạn, một bộ phận khá đông dân chúng tin rằng Thành Cát Tư Hãn là người Trung Quốc.

Vụ việc mới đây và có liên quan đến Việt Nam là cuốn "Hồ Chí Minh sinh bình khảo" của GS Đài Loan Hồ Tuấn Hùng, phát hành tháng 11-2008. Trong cuốn sách, tác giả cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh chính danh là Hồ Tập Chương, nguyên là một người Khách Gia (2), tức thuộc Hán tộc.

Còn khi phía nước ngoài có các phát hiện theo hướng "ngoại quốc hóa" các nhân vật ưu tú của Trung Quốc, thì dĩ nhiên là sóng gió đùng đùng nổi lên. Học giả Hàn Quốc từng lưu truyền một tài liệu chứng minh Khổng Phu Tử là người Hàn, hay nghề in khắc - một trong "tứ đại phát minh" của Trung Hoa - té ra lại xuất xứ từ... Hàn Quốc. Kết quả là theo một khảo sát không chính thức, người Hàn Quốc bị dân chúng Trung Quốc ghét ngang Nhật Bản.

Đập phá xe của hãng Honda để biểu thị tinh thần chống Nhật.
Ảnh: Reuteurs

Tác hại của thuốc kích thích

Điều đặc biệt là, thứ chủ nghĩa dân tộc mà Đảng Cộng sản Trung Quốc theo đuổi không chỉ gắn kết dân chúng ở lục địa, mà còn kết nối người Hoa trên toàn cầu. Đó là nhờ sự bùng nổ của mạng Internet. Chính Internet đã tạo ra một dòng chảy thông tin giữa người Trung Quốc ở trong nước với cộng đồng người Hoa ở Đông Nam Á, châu Âu và Bắc Mỹ.

Nhưng Internet cũng là môi trường cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan phát triển. Tháng 5-1999, máy bay Mỹ ném bom trúng đại sứ quán Trung Quốc tại Belgade. Phong trào phản đối dâng khắp đại lục. Chính phủ Trung Quốc đòi Mỹ phải xin lỗi, tuyên bố "CHDCND Trung Hoa vĩ đại không dễ bị bắt nạt". Cùng lúc đó, làn sóng phẫn nộ lan tràn trên không gian mạng.

Ngập lụt trong hàng nghìn e-mail chửi rủa từ Trung Quốc, website của Nhà Trắng bị sập một thời gian. Hacker còn tấn công website của đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh, chèn dòng chữ "Đả đảo bọn man rợ" lên trang chủ.

Tinh thần dân tộc Trung Hoa cũng được đẩy tới mức cực đoan trong cuốn best-seller của họ năm 1996 là "China Can Say No" (Trung Quốc có thể nói Không). Sách tràn ngập tư tưởng chống phương Tây và Nhật Bản. Có đoạn: "Trung Quốc phải mong muốn chiếm chỗ ngồi của cường quốc thế giới chứ có đâu tự bằng lòng bắt chước xã hội Tây phương một cách thảm hại như Nhật Bản trước đây!"

Theo các chuyên gia, mặc dù chủ nghĩa dân tộc là một công cụ hiệu quả cho chính quyền Trung Quốc gây thiện cảm với người dân và đoàn kết họ vì một mục tiêu phát triển chung, nhưng nó lại đe dọa khao khát "trỗi dậy hòa bình" của Trung Quốc. Nó làm các nước khác lo ngại, và là một trở ngại cho việc Trung Quốc xây dựng hình ảnh như một người anh lớn đầy trách nhiệm.

Và thuốc kích thích sẽ tăng liều!

Trung Quốc tự coi mình là một dân tộc chỉ mong muốn trỗi dậy hòa bình. Nhưng lịch sử cho thấy rất nhiều nước lớn cũng đã tự vẽ mình như thế – cho đến khi tinh thần dân tộc của họ biến thành cực đoan, và họ bắt đầu bành trướng tầm ảnh hưởng chính trị, kinh tế, quân sự, an ninh.

Khi một nước lớn gia tăng lợi ích, tất yếu họ sẽ thấy sự cần thiết phải hành động bảo vệ lợi ích của mình. Nhất là nếu lợi ích ấy sinh ra từ thứ thuốc kích thích mang tên chủ nghĩa dân tộc, thì họ không có lý do gì để dừng lại. Nói cách khác, thứ thuốc kích thích mang tên chủ nghĩa dân tộc này sẽ không ngừng buộc người dùng phải tăng liều. Từ tinh thần dân tộc tới chủ nghĩa cực đoan, bành trướng và bá quyền chỉ là một bước ngắn so với lịch sử.

*******

(1) "The Post-American World", NXB W.W. Norton & Co., tháng 4-2008. Tác giả Fareed Zakaria là BTV tờ "Newsweek". Bản tiếng Việt "Thế giới hậu Mỹ" được phát hành tại Việt Nam năm 2009.

(2) Khách Gia (tiếng Anh: Hakka, tiếng Việt gọi là người Khách hay người Hẹ) là một tộc Hán từ miền bắc Trung Hoa di cư xuống miền Nam nước này. Ngoài ra, họ cũng di tản đến nhiều nước khác ở Đông Nam Á. Tôn Trung Sơn, Đặng Tiểu Bình, Lý Quang Diệu, Thaksin Shinawatra… là những người Khách Gia nổi tiếng.

Bài đăng trên Nhịp Cầu Thế Giới, ngày 17/5/2009