Monday 14 October 2013

Để tưởng nhớ Đại tướng của nhân dân

Mình không có cái may mắn của một số đồng nghiệp được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhiều lần, thậm chí lúc nào muốn gặp cụ cũng được (có vài đồng nghiệp tạo cho mình cảm giác như thế). Ấn tượng mạnh về cụ, ở mình, là một lần là vào sinh nhật cụ, 25/8/2008, khi đại diện tỉnh Thanh Hóa tổ chức buổi chúc mừng và dâng tặng Đại tướng trống đồng và kiếm lệnh lưu niệm. Hôm ấy chiều hè, trời Hà Nội nắng to, mấy gian phòng trong ngôi nhà của cụ ở số 30 Hoàng Diệu chật ních quan khách, phóng viên. Đèn flash máy ảnh nháy lia lịa. Mình thấp quá nên không chụp gì được, chỉ toàn thấy gáy và lưng người khác. Khó khăn lắm mình mới thấy Tướng Giáp ngồi bên bàn, đầu tóc bạc trắng, má hóp vào, người như nhỏ bé hẳn đi, xung quanh là bao nhiêu trợ tá, trợ lý… Đại diện Hội này, cơ quan kia đọc diễn văn chúc mừng, cụ ngồi yên lắng nghe. Không hiểu sao lúc đó mình cứ có cảm giác cụ cũng mệt mỏi lắm rồi – trời thì nóng mà nhà thì đông người như thế – nhưng cụ cố gắng chịu đựng, vì lịch sự, cái lịch sự của một người từng thừa hưởng nền giáo dục phương Tây. (Nói thế không có nghĩa là những người không “Tây học” thì không lịch sự, tuy nhiên, hai kiểu khác nhau và mình thích kiểu “Tây” của cụ Giáp).

Nhưng ấn tượng mạnh hơn cả là khi Đại tướng gửi thư cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (5/1/2009), Hội thảo toàn quốc về dự án khai thác bauxite Tây Nguyên (9/4/2009), Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam (20/5/2009). Ba lần gửi thư cảnh báo về “một vấn đề cực kỳ hệ trọng”, đầu tiên kiến nghị “đánh giá lại” đại dự án, tiếp theo khuyên “không nên khai thác” bauxite ở Tây Nguyên và cuối cùng là đề nghị dừng tất cả các dự án, kể cả khai thác thí điểm – việc làm của Tướng Giáp gợi cho mình nhớ đến những tuồng tích xưa, gắn với hình ảnh những lão tướng râu tóc bạc phơ rập đầu can gián vua đừng làm điều xấu.

Tất nhiên mình không được nhìn tận mắt cảnh Tướng Giáp thảo thư kiến nghị. Thậm chí có người còn cảnh giác, bảo: “Có khi cụ chả viết đâu, lúc ấy thì còn sức đâu mà viết. Chắc thằng nào nó viết, nó ép/lừa cụ ký rồi nó bảo đấy là thư của cụ, mượn oai cụ đấy thôi”. Nhưng mình vẫn hình dung cảnh một lão tướng gần trăm tuổi, nằm trên giường bệnh, thống thiết can “triều đình”, rằng “đứng về lợi ích toàn cục và sự phát triển bền vững lâu dài của đất nước, khai thác bauxite sẽ gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng về môi trường, về xã hội, về an ninh quốc phòng”. Hình ảnh ấy thật là bi tráng. Nó đủ xóa hết những “gợn” suy nghĩ tiêu cực về Tướng Giáp, như cụ là người “nhẫn nhục”, “nhu nhược” trước đồng chí của mình hay là “cứng rắn”, “nóng nảy”, “tàn bạo” với quân nhân.

Cũng như là, qua những câu chuyện kể của một vài người thân cận với Tướng Giáp, mình thường hình dung cảnh cụ, trong những năm tháng bị cô lập, vẫn lặng lẽ học, nghiên cứu và suy nghĩ ở ngôi nhà rợp bóng cây bên đường Hoàng Diệu. Không biết xác thực đến đâu, nhưng mình nghe kể có những ngày cụ ở trong tình trạng bị bao vây, phong tỏa về thông tin. Cụ rất khó “được” tiếp xúc với ai, không còn “được” nghe báo cáo thường xuyên, và thời đó cũng chẳng có Internet để cụ tiếp cận thế giới bên ngoài. Nhưng mình hình dung cảnh cụ ngồi nghiêng nghiêng đầu bên một chiếc radio… (có phải thế không?), hay trước chồng báo giấy (lúc đó, không biết cụ còn được “hưởng” chế độ báo chí hàng ngày không?), trước cuốn sổ ghi chép và cây bút…  

Mình chẳng bao giờ thích thứ lịch sử hay báo chí mang đầy màu sắc giai thoại, kiểu “một người bạn tôi kể thế này”, “ông tôi kể thế kia”, “hàng xóm tôi bảo chắc chắn là…”. Nhưng, trong hoàn cảnh Việt Nam, kiểm chứng thông tin mới khó khăn làm sao, và rất nhiều khi, mình chỉ có thể cố sức tưởng tượng, hình dung, đặt mình vào hoàn cảnh nhân vật, hy vọng hiểu được một chút về thời ấy, đời sống ấy, xã hội ấy.

Mình không thần tượng cụ, cũng như chưa từng thần tượng ai trong đời. Nhưng những hình dung về cụ luôn làm mình thấy bùi ngùi, và mình nghĩ rằng, điều tốt nhất chính quyền của những người còn đang sống bây giờ có thể làm lúc này để tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là hãy quan tâm đến những điều mà sinh thời cụ vẫn trăn trở… mà chắc là những điều ấy, cụ đã ghi lại, cũng như đã viết bài, đã gửi thư… nhiều lắm…

Lễ trao trống đồng và kiếm lệnh mừng sinh nhật Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hà Nội, 25/8/2008. 
Ảnh: Đỗ Trường Sơn