Tuesday 27 August 2013

Công an Việt Nam và bá quyền Trung Quốc

Mọi so sánh đều khập khiễng, tuy nhiên quan hệ giữa bá quyền Trung Quốc và Việt Nam có một vài khía cạnh rất giống với quan hệ giữa Nhà nước công an trị và người dân Việt Nam.

Điểm tương đồng thứ nhất là, trong cả hai mối quan hệ ấy, luôn luôn có một bên hành xử kiêu ngạo, hiếu thắng, hung hãn, bất chấp mọi thủ đoạn để giành phần lợi, phần thắng về phía mình; còn một bên nhược tiểu, yếu đuối, thụ động.

“Nhất định thắng”

Trước hết ta nói về Trung Quốc. Dẹp bỏ tinh thần quốc gia chủ nghĩa, tránh tất cả những yếu tố có thể “kích động hằn thù dân tộc”, thì vẫn phải xác định rằng Trung Quốc mang nặng tư tưởng của kẻ bá quyền, và trên thực tế, chúng ta cũng thấy đầy đủ các điều kiện để họ trở thành bá quyền: Trung Quốc có sức mạnh quân sự; Trung Quốc là nước lớn trong một khu vực châu Á vô chính phủ, không nước nào tin nước nào (cụ thể là Đông Nam Á); Trung Quốc coi sự tồn vong của mình là quan trọng nhất. (1)

Tư tưởng bá quyền của Trung Quốc thể hiện đặc biệt rõ ràng trong quan hệ với Việt Nam. Một nhà ngoại giao Việt Nam từng tiết lộ với báo chí, đại ý rằng Trung Quốc không bao giờ chịu nhường Việt Nam một điều gì; trong mọi cuộc tranh cãi, đấu khẩu, Trung Quốc bao giờ cũng phải là bên nói câu cuối cùng. “Báo chí bạn thường xuyên có những bài nói xấu ta… Tờ Hoàn Cầu từng làm một điều tra thăm dò ý kiến độc giả về “suy nghĩ của bạn về người Việt Nam”, với những câu “gài” rõ rệt: Bạn cho người Việt Nam là thế nào? A. Vong ân bội nghĩa. B. Độc chiếm biển Hoa Nam. C. Tham lam… rồi cuối cùng mới tới D. “láng giềng hữu nghị”, “bốn tốt””.

Vị cán bộ này cho biết thêm: “Mà phương án “láng giềng hữu nghị” cũng chỉ có không phẩy mấy phần trăm đánh dấu vào thôi. Trong khi đó thì báo chí ta quán triệt rất tốt đường lối chung…”.

Gián điệp mạng ở Trung Quốc. Biếm họa của John Overymer. 
Nguồn: Newsart, The Star. 

“Báo chí bạn”, ở đây bao gồm cả báo chính thống (truyền thông quốc doanh, ví dụ như tờ Hoàn Cầu) lẫn phi chính thống (mạng xã hội, blog, ví dụ như Sina). Khi cần “chiến” với Việt Nam, Trung Quốc sẵn sàng huy động tổng lực cả hai loại. Thật là giống với cách làm của… công an Việt Nam, hay nói đúng hơn, với Nhà nước công an trị ở Việt Nam: Khi cần “đấu tranh với các thế lực thù địch”, Nhà nước huy động cả các cơ quan ngôn luận chính thức như báo Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân, An Ninh Thủ Đô v.v. lẫn đội ngũ dư luận viên phủ sóng trên mạng bằng hàng chục blog và hàng nghìn comment từ mỉa mai, khiêu khích tới mạt sát, chửi rủa.

Tất cả chỉ cho thấy sự hiếu thắng đến điên cuồng như một côn đồ vị thành niên, thay vì hành xử một cách trưởng thành và có trách nhiệm, ở bá quyền Trung Quốc và công an Việt Nam.

Xin lỗi ư? Hoang đường

Trong lịch sử hàng nghìn năm đô hộ, kéo dài sang hàng chục năm khống chế, can thiệp, xung đột vũ trang dưới thời hai chính quyền cộng sản, Trung Quốc chẳng bao giờ xin lỗi Việt Nam một lời. Tương tự, từ ngày thành lập ngành đến giờ, công an Việt Nam cũng không có tiền lệ xin lỗi dân. Nói cách khác, trong quan hệ với Việt Nam, Trung Quốc không bao giờ sai, và công an Việt Nam cũng vậy trong quan hệ với nhân dân.

Từng có hàng chục vụ dân thường bị hành hung, đánh đập, thậm chí bị thiệt mạng trong đồn công an. Và đó chỉ là những vụ mà dư luận được biết, thông qua báo chí hoặc truyền thông mạng, rất có thể còn hàng trăm trường hợp bị đòn oan, chết oan, không ai hay. Nhưng cho dù thế nào thì ngành công an đều không bao giờ xin lỗi. Trung tá Vũ Văn Ninh, kẻ gây ra cái chết “vì không đội mũ bảo hiểm” của ông Trịnh Xuân Tùng (tháng 2-3/2011), và cấp trên, đều chưa từng một lần công khai xin lỗi gia đình nạn nhân.

Trong những cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội và Sài Gòn năm 2011-2012, chỉ có những người dân bị bắt, bị bóp cổ, bẻ tay, đưa về đồn hoặc về trại phục hồi nhân phẩm, rồi bị xử lý về tội “gây rối trật tự công cộng” mà không cần bằng chứng. Ngược lại, chưa từng có một nhân viên công lực nào bị xử lý hoặc phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra những vụ bạo lực nhằm vào dân thường trong các cuộc biểu tình ở Việt Nam suốt từ năm 2007 đến nay. Đơn giản vì công an không bao giờ sai.

Bạo lực dưới mọi hình thức đều phải bị lên án và trừng phạt. 
Nhưng bạo lực do công an gây ra, thì không!

Tương tự như Trung Quốc trong quan hệ với Việt Nam, công an trong quan hệ với người dân cũng mang nặng tư tưởng của kẻ bá quyền, và thực tế là họ cũng có đầy đủ điều kiện để trở thành một dạng “bá quyền”: 1. Công an có sức mạnh; 2. Công an hiện giờ là giới mạnh nhất ở Việt Nam, Bộ Công an là một dạng “siêu Bộ”, ở một đất nước trong tình trạng gần như vô chính phủ; 3. Công an coi sự tồn vong của chế độ là quan trọng nhất.

Tình trạng gần như vô chính phủ ở Việt Nam là chuyện có thật. Ngay từ năm 2000, ông Nguyễn Gia Kiểng, một nhà nghiên cứu chính trị người Việt ở Pháp, đã viết trong cuốn Tổ quốc ăn năn: “Hiện nay nước ta đang hỗn loạn, và – hơn thế nữa – đang rất hỗn loạn. Trộm cướp hoành hành như chỗ không người. Buôn lậu có kho nhà nước, tàu chiến, xe tăng. Móc ngoặc, tham nhũng, hối mại quyền thế trở thành một nếp sống. Cây rừng, bờ biển, danh lam thắng cảnh, ngay cả di tích lịch sử, bị phá hủy một cách vô tội vạ. Chưa kể loạn sứ quân, bắt người tuỳ hứng, giam giữ, tra tấn…”.

Trong bối cảnh đó, công an, với sức mạnh về chính trị, kinh tế, vũ lực, quả thật có thừa điều kiện để trở thành một thứ “bá quyền”, kiêu binh, đầy hung hăng, kiêu ngạo và hiếu thắng.

Ứng xử với bá quyền

Điểm tương đồng thứ hai, xuất phát từ điểm tương đồng kể trên, là: Trong quan hệ giữa kẻ bá quyền và nạn nhân, không có chuyện bên yếu cứ nhún nhường, nhịn nhục, thì bên mạnh sẽ buông tha.

“Một điều mà những quốc gia nạn nhân cần đặc biệt lưu ý, là không có sự mặc cả giữa bá quyền và đối tượng của bá quyền. Nói cách khác, tham vọng bá quyền của một nước lớn sẽ không bao giờ dừng lại… Nước nhỏ không thể thỏa thuận với nước lớn rằng sự bành trướng của nước lớn sẽ chỉ giới hạn ở một mức độ nào đó để không ảnh hưởng tới nước nhỏ. Bá quyền luôn không đơn thuần là sức mạnh bạo lực, vì vậy, để có được bá quyền, không thể thiếu được cách cư xử mang tính đồng thuận, chấp nhận và góp phần, một phần hoặc toàn thể, của những kẻ bị bá quyền” (trích “Chủ nghĩa bá quyền và cách ứng xử của Việt Nam”).

Tham chiếu vào quan hệ giữa công an và người dân ở một xứ công an trị, chúng ta sẽ thấy: Người dân ở một nước công an trị đừng tưởng rằng cứ chấp nhận “thôi thì nhịn một tí cho nó xong việc” mà những viên công an lạm quyền kia sẽ buông tha cho họ.

Trong chính trị quốc tế, học giả Frederick Schuman viết rằng, “nước càng yếu thế về kinh tế - quân sự, thì càng phải phát triển sức mạnh ngoại giao và sự liên kết với các nước khác. Điều tối kỵ là một quốc gia vừa nhỏ yếu vừa bị cô lập trên thế giới”. Một học giả khác, người Việt Nam, TS. Vũ Hồng Lâm (Alexandre Vuving) nhận định, nếu những sức ép mà Trung Quốc gây cho Việt Nam được dư luận quốc tế quan tâm thì điều đó sẽ khiến Trung Quốc phải cân nhắc hơn trong quan hệ với Việt Nam, nhất là khi Trung Quốc lại luôn muốn tự vẽ mình như một nước lớn thân thiện. (2)

Trong quan hệ công an - công dân, kinh nghiệm ứng xử cũng tương tự: Không có sức mạnh, không có khả năng sử dụng vũ lực, người dân thấp cổ bé họng càng phải biết phát triển sự đoàn kết, liên kết với nhau, cũng như phát huy vai trò của truyền thông (không nhất thiết chỉ truyền thông quốc doanh). Điều tối kỵ là vừa nhỏ yếu vừa lẻ loi, cô độc, không được dư luận biết đến. Thực tế cho thấy, các nạn nhân càng im lặng và bị cô lập, thì càng bị đàn áp mạnh, bởi khi đó những kẻ lạm quyền không hề thấy bị đe dọa hay có sức ép phải chịu trách nhiệm nào.

Nói đơn giản là, càng thiếu sức mạnh quân sự, càng phải khôn khéo về ngoại giao - chính trị. Càng yếu về thể chất, càng phải to mồm. Nếu những việc làm sai trái, lạm quyền của công an bị phơi bày ra dư luận, thậm chí dư luận quốc tế, thì điều đó sẽ khiến công an phải chùn tay, nhất là khi chế độ luôn muốn vẽ mình như một chính quyền của dân, do dân, vì dân.

Tuy vậy, tất nhiên, sự “to mồm” phải dựa trên nền tảng kiến thức; và ở đây, kiến thức đó là sự hiểu biết về pháp luật, chính trị, ngoại giao v.v. Trung Quốc tuy giữ tham vọng bá quyền, nhưng vẫn còn phải nể nang luật pháp quốc tế chứ không đến mức ngang ngược như thể một mình một cõi. Và công an Việt Nam cũng vậy, luôn muốn dư luận tin rằng họ làm đúng pháp luật – cho dù đó là thứ luật được vẽ ra để phục vụ chế độ đi chăng nữa. Kiến thức, nhất là kiến thức về luật, chính trị, xã hội, luôn là điều tối cần thiết đối với các nạn nhân của kẻ bá quyền.

Giữa một người không hiểu biết về chính trị, pháp luật, do đó yếu thế và run sợ trước bạo quyền, và một người đàng hoàng, hiểu biết, ít nhất là biết quyền của mình khi đối phó với những kẻ ngạo ngược, chúng ta nên chọn là ai hơn? Và kẻ bá quyền/ kiêu binh sẽ thích “bắt nạt” ai hơn? Câu trả lời có lẽ đã rõ ràng.

----------

Chú thích:

(1) Theo John Mearsheimer và Kenneth Waltz, hai học giả có những nghiên cứu về chủ nghĩa hiện thực trong quan hệ quốc tế – tức là trường phái lý thuyết cho rằng các nhà nước, quốc  gia không thể là bạn, mà luôn phải cạnh tranh để giành lợi thế, giành ảnh hưởng và quyền lực như một cách tự vệ trong thế giới hỗn loạn và bất an. Bá quyền tồn tại khi: 1. Các siêu cường là những nhân vật chính, những tay chơi chủ chốt trong hệ thống chính trị quốc tế vô chính phủ; 2. Các siêu cường có sức mạnh quân sự; 3. Không nước nào có thể tin vào nước nào; 4. Các quốc gia coi sự tồn vong của mình là quan trọng nhất; 5. Các quốc gia hành xử một cách duy lý nhằm tối đa hoá khả năng sống sót của mình.

Từ “vô chính phủ” ở đây được hiểu là tình trạng hỗn loạn, không có trật tự của thế giới, không có một nhà nước, một siêu chính quyền nào đảm bảo trật tự chung.

(2) BBC, 2009