Tuesday 12 February 2013

Vàng Anh góp ý sửa đổi Hiến pháp


Phát thanh viên: Chia tay cụ Giàng A Tráng, chúng ta cùng gặp gỡ người nhỏ tuổi nhất của cuộc thi, à, của đợt nhân dân đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp này. Đó là cháu Trần Lê Vàng Anh, học sinh lớp 9A trường THPT…, ngụ tại nhà C34, phường Tân Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Thưa quý vị và các bạn, tính theo dấu bưu điện, lá thư đóng góp ý kiến của cháu được gửi đến chương trình Hộp thư Truyền hình của Đài Truyền hình Việt Nam khi cháu mới 15 tuổi và 21 ngày. Phóng viên Ban Thời sự đã có cuộc trao đổi với cháu Vàng Anh.

Phóng viên: Vàng Anh có thể cho biết vì sao cháu tham gia đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp?

Cháu Vàng Anh: Cháu thưa chú, vì cháu thấy tham gia đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp là quyền và nghĩa vụ của công dân ạ.

(Tiếng bố Vàng Anh nhắc rất khẽ ngoài hình, bị lọt vào micro): Quyền, quyền chứ. Quyền thôi, không phải nghĩa vụ.

Phóng viên: À, tức là vì Vàng Anh biết là đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp là quyền của công dân. Thế cháu đã tham gia như thế nào nào?

Vàng Anh: Cháu thưa chú, cháu tham gia rất tích cực ạ. Ngoài việc tham gia trên lớp, cháu còn vận động các bạn cùng khu tập thể tham gia nữa ạ.

Phóng viên: Giỏi quá. Thế ý kiến đóng góp của Vàng Anh là gì nào?

Vàng Anh: Cháu thưa chú, cháu có hai ý kiến ạ. Ý kiến thứ nhất là cháu khải định, (bố Vàng Anh ở ngoài nhắc khẽ: “khẳng định, khẳng định”), à khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Thứ hai là cháu khẳng định “các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình” ạ.

Phóng viên: Giỏi quá. Tức là Vàng Anh khẳng định Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, với cả “các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết” riêng. Thế cháu có đề nghị sửa đổi điều gì không, đây là đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp mà?

Vàng Anh: Thưa chú có ạ. Cháu đề nghị sửa Điều 142 ạ.

Phóng viên: Điều 142. Tức là sửa đổi gì thế?

Vàng Anh (cầm giấy, đọc): “Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, chung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng và dòng chữ: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Cháu đề nghị thêm từ “có” vào sau từ “bánh xe” ạ, thành: “Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, chung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe CÓ răng và dòng chữ: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.


* * *

Lại xin lưu ý các cụ, đây là chuyện nhà cháu bịa. 
 
Tuy nhiên, bịa thì bịa, nó cũng xuất phát từ một ý nghĩ rất thực, rằng sau đợt trăm hoa đua nở, người người góp ý sửa đổi hiến pháp này, có thể sẽ có một số dư luận như là: 

1. Đại đa số ý kiến đóng góp đều bày tỏ nguyện vọng, thiết tha đề nghị Đảng ta tiếp tục là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội;

2. Một bộ phận người dân có những kiến nghị chưa tích cực, thiếu tính xây dựng, thậm chí gây chia rẽ xã hội. Thiết nghĩ đây là một mặt hạn chế của việc khuyến khích toàn dân tham gia đóng góp ý kiến vào một văn bản có tính chất thiêng liêng, quan trọng như hiến pháp; cho nên về lâu về dài, cần cơ chế để đảm bảo mọi ý kiến đóng góp đều mang tính xây dựng, kết hợp hài hòa giữa tự do ngôn luận và lợi ích xã hội, chống mọi ý đồ lợi dụng các quyền tự do dân chủ để... v.v. và v.v.

Thôi thì hy vọng mấy chuyện bịa của mình sẽ chỉ là chuyện bịa 100%.