Sunday 6 June 2010

Phong thủy xây thành (bài 3): Giữ vượng khí muôn đời cho đất Thăng Long

Đây là bài thứ ba trong loạt bài về phong thủy xây thành. Xin trần tình trước với bạn đọc: Các bài viết của tôi về chủ đề này không nhằm khẳng định bất cứ điều gì về tính khoa học hay phi khoa học của phong thủy, không mang hàm ý hoan nghênh hay bài bác phong thủy, hoặc phân biệt địa phương này với địa phương khác ở Việt Nam. Nếu có câu từ nào khiến bạn đọc hiểu theo ý ngược lại điều này thì đó là lỗi diễn đạt của tôi.

* * *

Dạo bước dưới chân thành cổ nhà Hồ, tha thẩn trong thành nội Huế, hay thắp nén nhang trong thành Cổ Loa, người ta khó mà không bồi hồi khó tả, khi cảm thấy quá khứ xa xưa như đang vọng về trong từng ngọn cỏ, lớp đá, từng viên gạch cũ…; khi nhìn lại những nơi mà theo sử sách mô tả, từng là chốn lầu son gác tía nguy nga tráng lệ ngày xưa, nay chỉ còn là phế tích.

Việt Nam từ buổi lập nước tới nay, trải qua các thời đại, đã có nhiều kinh đô: thành Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội), Hoa Lư (Ninh Bình), Thăng Long - Đông Đô (Hà Nội), kinh thành Huế. Nhà Hồ (1400-1407) và nhà Mạc (1527-1592) bị sử cũ coi là “ngụy triều”, cũng có lập thành Tây Đô ở Thanh Hóa và thành nhà Mạc ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang. Theo các chuyên gia sử học và khảo cổ học, về kiến trúc mà xét, cấu trúc điển hình của một tòa thành, với tư cách một kinh đô, bao giờ cũng gồm ba phần căn bản làm nên “tam trùng thành quách”: La Thành là vòng bảo vệ ngoài cùng, Hoàng Thành là lớp giữa, và Tử Cấm Thành là vòng trong cùng, nơi chỉ có vua và những người cực kỳ thân cận của vua được đi lại. Đến nay, ở nước ta, phần lớn các ngôi thành đều đã hoang phế, nhiều chỗ chỉ còn để lại dấu vết.

Còn về phương diện phong thủy, xây thành bao giờ cũng được coi là một câu chuyện đậm tính tâm linh, từ chọn hướng đất tới hoạch định kiến trúc, rồi trấn yểm, giữ thành. Những chuyện ấy luôn thần bí và chính vì thế, luôn thu hút sự tò mò của dân chúng. Người viết bài này đã tìm gặp một vài chuyên gia phong thủy địa lý chân truyền (ẩn danh) ở Hà Nội để tìm hiểu về thuật phong thủy của người xưa khi xây thành, và được nghe khẳng định rằng: “Trong tất cả các kinh thành trên toàn cõi nước Nam, chỉ Hà Nội là có vượng khí rực rỡ với thế phong thủy hoàn hảo và rộng lớn, sẽ là thủ đô muôn đời của Việt Nam, không thể nào di chuyển”.


Từ truyền thuyết “Cao Biền trấn yểm”…

Theo các nhà nghiên cứu về phong thủy này, tất cả thành quách dù lớn dù nhỏ đều là nơi phồn hoa đô hội, dân chúng tụ tập, “bé thì là thị trấn, thị tứ, lớn thì làm thành phố, cực thủ thì trở thành thủ đô”. Tất cả thành quách đều có sông núi bao quanh, như Tây Đô có sông Mã, sông Bưởi và núi Thổ Tượng, Đún Sơn; kinh đô Huế có sông Hương, núi Ngự… Hà Nội lấy núi Ba Vì làm tọa sơn, phía tả có tay long chạy từ Tam Đảo chạy ra tận Quảng Ninh, phía hữu có tay hổ là dãy núi chạy dài qua Ninh Bình, Tam Điệp, ra cửa biển Thần Phù. Tay long dài, tay hổ ngắn, tạo thành thế “Long bão Hổ” không gì quý bằng. Đằng trước là cả một vùng châu thổ sông Hồng làm “minh đường” (được hiểu như khoảng đất, khoảng sân trống trước cửa nhà), rộng mênh mông, xa hơn nữa là Biển Đông vỗ sóng. Đó là một thế đất cực vượng, đúng như Lý Thái Tổ đã tuyên trong chiếu dời đô năm Canh Tuất 1010: “Thành Đại La (…) ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời” (Đại Việt Sử ký Toàn thư, bản dịch của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam).

Đi sâu hơn, các nhà nghiên cứu phong thủy trên cho rằng thành Hà Nội dồi dào vượng khí là nhờ có long mạch quá đẹp, long mạch đó chính là Hồ Tây và các con sông, hồ khác ở Hà thành chứ không nằm ở Ba Vì: “Hồ Tây lấy nước từ sông Hồng, rồi đổ vào các con sông chảy quanh Hà Nội, đó là mạch long cực đẹp. Về mặt địa lý mà nói thì Hà Nội có thế rồng hổ vững như thế, có sông hồ đẹp như thế, là nơi tụ khí rất tốt. Mà nguyên tắc của phong thủy là khí tụ thì vật tụ, vật tụ thì tài tụ, tài tụ thì người tụ lại. Hội được nhiều yếu tố tốt đẹp như thế nên Lý Thái Tổ mới lấy đất này làm nơi đóng đô nghìn năm, và nó sẽ còn thịnh vượng mãi mãi, nếu được tu bổ”.

Truyền thuyết kể rằng, viên Tiết độ sứ của nhà Đường là Cao Biền, ở Giao Châu từ năm 866 tới năm 875, đã cưỡi diều giấy nhìn về Hà Nội ngắm địa thế, thấy khí vàng tía bốc lên. Biền biết đây là đất của đế đô và xứ Giao Châu này có khí đế vương, tức là khí độc lập dân tộc rất mạnh, người tài đời nào cũng có, không khi nào chịu làm nô lệ, làm quận huyện cho ngoại bang. Y bèn tìm cách trấn yểm, cắt đứt các long mạch để dứt mầm “phản loạn” đi. Nhưng cao tay mấy cũng không thắng nổi mệnh trời vì vượng khí nước Nam quá mạnh: Cao Biền đang hành sự thì bị đá trên núi lăn xuống làm gãy chân, không bắt quyết niệm chú được... Câu chuyện đầy màu sắc hoang đường này có lẽ nhằm nói rằng khí phách của dân tộc đã làm cả đến thế lực phù thủy hắc ám cũng phải bó tay thất bại. Và quả thực, Việt Nam từ buổi Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long, dù mạnh dù yếu, đã luôn ở thế độc lập với ngoại bang: “Non sông bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc Nam cũng khác”, “Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau/ Song hào kiệt thời nào cũng có”. Những đời vua luồn cúi ngoại bang đều thảm bại nhanh chóng và bị dân chúng lên án nghìn năm, như vua nhà Mạc hay Lê Chiêu Thống nhà Lê.


… đến chuyện giữ gìn long mạch cho Hà Nội

Thuật phong thủy khẳng định, các thành phố lớn trên thế giới đều phải gắn liền với sông hồ, có sông hồ làm nơi tụ khí. Nhìn trên giác độ khoa học, đó phải chăng là do thời xưa, khoa học kỹ thuật chưa phát triển, giao thông khó khăn, người ta cần “tụ” về các khu vực có sông có nước để dễ bề đi lại, vận chuyển (bằng đường thủy)? Ngoài ra, điều này còn có thể xuất phát từ những lý do đã được nhắc tới nhiều, như môi trường sông nước thường là nơi khí hậu trong lành, mát mẻ, tốt cho sức khỏe và sinh hoạt của con người. Trong lịch sử, các đô thị lớn ở nhiều nước trên thế giới đều có một dòng sông lớn chảy trong lòng thành phố. Như thủ đô Washington DC của nước Mỹ có sông Potomac, Paris có sông Seine, London có sông Thames, Thượng Hải có sông Hoàng Phố… Đó đều là những con sông đẹp đẽ, thơ mộng, tô điểm cho cảnh quan. Có lẽ chẳng phải ngẫu nhiên mà trong quá khứ, khi còn chưa có khái niệm “quy hoạch” hiện đại, mảnh đất nơi những sông này chảy qua đã được dân chúng lựa chọn mà tụ về, dần dà trở thành thủ đô hay thành phố lớn.

So với các kinh đô cổ khác ở Việt Nam (cũng đều có núi có sông bao bọc), thì Thăng Long – Đông Đô - Hà Nội vẫn là nơi linh khí mạnh nhất do hội đủ các yếu tố tích cực về địa thế. Những nơi khác, dù sông núi bao quanh, thảy đều không đủ mạnh, không đủ lực. Ví như thành Tây Đô của nhà Hồ ở Thanh Hóa chỉ là phần kéo dài của “tay hổ” ở Hà Nội, nên không tồn tại được lâu. Nhà Mạc chọn Cao Bằng tuy đất đai hiểm trở nhưng chỉ có núi đồi, đường đi khó khăn, không chứa được muôn dân, không thể hội tụ dân về định đô muôn đời. Xứ Huế với sông Hương núi Ngự, thì núi không cao, sông không sâu, nước chảy lờ đờ, đất không rộng rãi, nên chỉ làm thành phố chứ không làm thủ đô được. Giới phong thủy cũng có người nghiên cứu cả Sài Gòn – thủ phủ của miền Nam trước 1975: “Ở đây chỉ có sông nước mênh mông bao la chứ không có thế rồng cuộn hổ chầu. Thành quách trống trải, đất rộng nhưng mỏng... Đó là thế đất không chỗ dựa, có thể tụ tập được muôn dân nhưng không giữ được muôn dân. Không thể là thủ đô muôn đời, đại diện cho đất nước được”.

Gạt bỏ những yếu tố tâm linh chưa giải thích được ngay một cách rộng rãi, thì thuật phong thủy nhấn mạnh rằng Hà Nội, với long mạch rất đẹp là Hồ Tây, sông Hồng, vượng vô cùng cho nên sẽ là đế đô muôn đời của Việt Nam. Đất nước Việt Nam cũng sẽ trường tồn, với điều kiện Hà Nội được vững mạnh. Nhưng thế phong thủy của Hà Nội đã bị đã bị hư hại đi nhiều, cần phải được chấn chỉnh khẩn trương và toàn diện để làm kinh đô của một quốc gia độc lập và hùng mạnh. Muốn vậy thì con người phải hiểu biết về quê hương đất nước, về địa lý, lịch sử, văn hóa… để cải tạo, bảo vệ, khơi thông cho sông hồ sạch sẽ, nhằm giữ long mạch, nuôi khí thiêng. Một nhà nghiên cứu phong thủy lâu năm khẳng định: “Sông hồ là mạch máu của Hà Nội, Hà Nội muốn tụ khí phải có hệ thống sông hồ đẹp đẽ, trong mát, thay vì đen sì như nước “cống Tô Lịch” hay bị lấp kín như hồ Bảy Mẫu, làm mạch máu yếu đi. Đấy mới là tâm linh, chứ chẳng có cái trục nào cả”.