Thursday 1 July 2010

7 câu hỏi về EVN và giá điện

Bài này mình viết tháng 11/2008, bị ném đá tơi bời. Nay tranh thủ lúc nhà có điện (theo lịch cúp điện ở Hà Nội thì hôm nay quận bạn bị cúp chứ không phải quận ta, hehe), post lại bài để bà con đọc bớt nóng.

+++++++++++++


Ngành điện bị lên án dữ dội sau những nguyện vọng như đòi tăng giá điện, xin tiền thưởng, cùng cách hành xử đầy tính độc quyền. Một cái nhìn công bằng hơn từ các chuyên gia có thể "giải oan" phần nào cho ngành điện (tuy có những biểu hiện cho thấy họ chưa biết tận dụng cơ hội này để "phục thiện"). Trước hết, có lẽ công luận sẽ không bức xúc với đòi hỏi tăng giá điện đến thế nếu biết rằng giá điện tăng là xu hướng tất yếu.

Phương án tăng giá điện đã được trình Chính phủ xem xét. Tuần cuối tháng 10 năm 2008, một nhóm nghiên cứu ở Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (CEPR - nay là Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam, VEPR), Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, có công bố một bản đánh giá ảnh hưởng của việc tăng giá điện lên chi tiêu hộ gia đình và toàn bộ nền kinh tế. Bản đánh giá được báo chí đăng tải và lập tức gây sự chú ý từ phía dư luận: chống tăng giá điện để cắt thêm vào túi tiền của người tiêu dùng, chống cách hành xử quá quắt (cắt điện tùy tiện, không chịu đầu tư), nhất là chống nhà độc quyền - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Nhưng giữa làn sóng phản đối, vẫn có những lập luận ủng hộ việc tăng giá điện. Ngay cả bản đánh giá của nhóm nghiên cứu thuộc CEPR cũng chỉ dừng lại ở việc khảo sát và đưa ra những đánh giá, thay vì kết luận “tăng hay không tăng giá điện”. Nếu tinh ý sẽ nhận thấy bản thân Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cũng tránh có những kết luận mang tính định hướng dư luận. Trong phần kết của bản đánh giá, ông Thành và đồng sự viết: "Rút kinh nghiệm từ những bài học như tăng giá xăng, các cơ quan chính sách có thể đẩy mạnh tuyên truyền trước khi tăng giá, để người dân ước tính được mức ảnh hưởng dây chuyền của việc tăng giá". Đây là một cách hàm ý rằng việc tăng giá điện là không tránh khỏi và có thể chấp nhận được.

Trong một lần trả lời chất vấn Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, với lợi nhuận 5%, là mức thấp với EVN. Với giá thành và giá bán hiện nay trong khi ngân sách không bù lỗ mà bù chéo, bán cao bù cho bán thấp, ngành điện đang gặp nhiều khó khăn. Và khả năng tăng giá điện là khó tránh khỏi.

Rắc rối và tranh cãi chỉ có thể giải quyết nếu chúng ta trả lời được "7 câu hỏi căn bản" sau đây.


1. EVN có độc quyền không?

Thật ra, nếu so với một số ngành khác thì giá điện ở Việt Nam hiện giờ là khá rẻ và đa số người tiêu dùng cũng thừa nhận điều đó. Ngoài ra, điểm quan trọng là giá điện do Nhà nước điều tiết (trên cơ sở thỏa thuận với EVN), chứ EVN không tự đặt giá.

Một chuyên gia kinh tế năng lượng thuộc Bộ Tài chính khẳng định: EVN thực sự không độc quyền. Theo ông, báo chí cũng như công chúng lên án EVN độc quyền là sai về khái niệm. "Ngành điện ở Việt Nam hiện nay đang bị EVN độc quyền, nhưng bản thân EVN không có hành vi độc quyền vì họ đâu có tự động đẩy giá thị trường lên để hưởng lợi nhuận độc quyền" - chuyên gia này nhấn mạnh.

Hiện nay, giá điện ở Việt Nam đang thấp hơn khu vực, và điều này không kích thích các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài tham gia sản xuất điện. Khi trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, có nhiều nhà đầu tư nước ngoài xin được đầu tư vào các dự án điện phải dừng lại vì họ đòi giá bán cao, Chính phủ không thể mua được.

Một mình EVN nắm cả sản xuất (74% thị trường) lẫn truyền tải (100%) và phân phối điện (95%) (nguồn: EVN, 2008). Họ không ngăn cản việc mở rộng thị trường cho các nhà sản xuất và cung cấp khác, nếu không họ đã chẳng lấy lý do “khuyến khích đầu tư” để tăng giá điện.


2. EVN có lãi nhiều không?

Câu trả lời chắc chắn là EVN luôn luôn có lãi.

Giá điện ở Việt Nam được tính dựa trên chi phí bình quân dài hạn (long-term average cost). Chi phí này hình thành không từ thị trường tự do cạnh tranh mà từ kế toán nội bộ ngành, có sự kiểm soát và điều tiết của Nhà nước. Nó bao gồm bốn yếu tố: chi phí vốn, chi phí nguyên nhiên vật liệu, chi phí thường xuyên (lương cán bộ công nhân viên ngành điện), và lợi nhuận dự kiến của nhà sản xuất - ở đây là EVN.

Trong giá đã có tính đến lợi nhuận dự kiến của EVN. "Vì vậy, kiểu gì EVN cũng có lãi" - cũng chuyên gia kinh tế năng lượng nói trên khẳng định. Tuy nhiên, EVN lãi nhiều không thì câu trả lời chỉ họ và cơ quan quản lý Nhà nước mới nắm được.


3. Lập luận nào ủng hộ tăng giá điện?

Các chuyên gia cho biết, phần lớn nhất trong cấu thành giá điện là chi phí vốn, tức chi phí đầu tư, khai thác các nguồn sản xuất: thủy điện, khí, than, dầu, sắp tới có thể là điện nguyên tử. Phần lớn thứ nhì là chi phí nguyên nhiên vật liệu: nước, khí đốt, than, dầu mỏ. Còn chi phí thường xuyên, ví dụ lương nhân công, chỉ chiếm một thành phần nhỏ.

Giá điện bán lẻ bình quân ở Việt Nam khoảng 3 cent/kWh, so với Trung Quốc 8-9 cent/kWh, Campuchia 13 cent/kWh. Giá điện của chúng ta ở mức thấp nhất khu vực, nhưng điều đó không phải chỉ do lương nhân công Việt Nam thấp hơn lương trong khu vực. Thay vì thế, giá thấp chủ yếu là do nguồn sản xuất điện (nước, khí đốt, than, dầu) của chúng ta ban đầu còn dồi dào. Theo thời gian, các nguồn dễ khai thác sẽ cạn kiệt dần, chi phí vốn và chi phí nguyên nhiên vật liệu sẽ phải tăng lên. Và như thế, giá điện tăng là xu hướng tất yếu (cũng như giá dầu mỏ). Điều đó đúng cho toàn thế giới. Chẳng hạn, tại Mỹ (quốc gia có thị trường điện tương đối tự do cạnh tranh), trong 10 năm từ 1996 đến 2006, mức giá điện bán lẻ trung bình đã tăng từ 6,8 cent/kWh lên 10 cent/kWh.

Theo Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Đức Thành, "khuynh hướng chung về dài hạn là giá năng lượng sẽ tăng, nếu không có cải tiến đột xuất trong lĩnh vực công nghệ sản xuất năng lượng". Tuy nhiên, ông Thành cho biết: "Trong đề án tăng giá điện, vấn đề năng suất không hề được EVN đề cập đến. Họ không muốn thừa nhận, bởi năng suất phụ thuộc nhiều vào khả năng quản lý".

Cũng có chuyên gia cho rằng, trong ngành điện, tăng năng suất đến mấy cũng không bù đắp nổi sự khan hiếm về nguồn. Vì thế, trước sau, giá điện cũng sẽ phải lên để thu hút đầu tư khai thác. Nhưng dù sao thì trong một thị trường cạnh tranh, giá sẽ tăng chậm hơn và động lực cải thiện năng suất cũng như tìm ra các phương thức khai thác nguồn năng lượng mới sẽ nhiều hơn.


4. Tại sao EVN không đầu tư?

EVN kêu thiếu vốn, nhưng đó là vốn để đầu tư vào chính ngành điện. Còn trên thực tế, tập đoàn vẫn có lãi để đổ vào các lĩnh vực "phi điện" như ngân hàng, bất động sản, resort, viễn thông... Lý do đơn giản bởi EVN là một doanh nghiệp, và họ có quyền lựa chọn đầu tư vào những lĩnh vực ra lợi nhuận nhanh hơn, "ngon" hơn.

Trong bối cảnh lạm phát, lạm chi ngân sách, Nhà nước cũng không thể dồn vốn ngân sách hoặc tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hay Ngân hàng Thế giới (WB)… cho việc đầu tư vào ngành điện. Đã đến lúc cần có sự đầu tư từ các nhà sản xuất và cung cấp khác (cả trong và ngoài nước), như các công ty trong lĩnh vực than, dầu khí, thủy nông v.v. Nhưng các đơn vị khác cũng là doanh nghiệp nên họ cũng đòi hỏi thị trường phải hấp dẫn thì mới đầu tư.


5. Thiếu điện, ai chịu trách nhiệm?

Kẻ chịu trách nhiệm ở đây là là cơ chế và người tuân theo nó là EVN - nhà sản xuất, truyền tải và phân phối gần như duy nhất trên thị trường Việt Nam.

Bài toán đặt ra cho ngành điện giờ đây là phải làm sao để thu hút đầu tư khai thác nguồn (muốn vậy cần một mức giá hấp dẫn), khuyến khích tăng năng suất trong ngành.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A gợi ý việc ưu tiên tự do hóa thị trường sản xuất điện. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu của CEPR cho rằng "nên tạo một môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực truyền tải và phân phối điện, trên cơ sở tách một số công ty từ EVN, để chúng trở nên độc lập với nhau".

Song song với đó là việc chuyển từ cơ chế tính giá dựa trên chi phí bình quân dài hạn - hoạch định nội bộ, do Nhà nước điều tiết - như hiện nay sang một hệ thống giá cả có yếu tố cạnh tranh giữa nhiều nhà sản xuất và cung cấp độc lập. Trước những năm 80 của thế kỷ trước, thị trường điện của tất cả các nước đều do Nhà nước điều tiết toàn bộ (như Việt Nam hiện tại). Quá trình giải điều tiết, tự do hóa đang diễn ra ở nhiều nơi.


6. Tăng giá điện có gây lạm phát không?

Nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành đưa ra ba kịch bản tăng giá điện:

1. Giá điện sinh hoạt tăng 20%, giá điện cho sản xuất không tăng: GDP giảm 0,04% và CPI tăng 0,13%;
2. Giá điện sinh hoạt tăng 20%, điện cho sản xuất tăng 10%: GDP giảm 0,15% và CPI tăng 0,73%;
3. Giá điện cả hai khu vực đều tăng 20%: GDP giảm 0,16% và CPI tăng 1,25%.

Như thế là trong cả ba trường hợp, tăng giá điện đều gây lạm phát và làm giảm GDP (trong ngắn hạn: 1 năm).

Dù vậy, trong dài hạn, việc tăng giá điện (đi đôi với tự do hóa thị trường trên cả ba khâu sản xuất, truyền tải, phân phối) sẽ kích thích đầu tư tăng năng suất, cạnh tranh, đi tới kìm lại tốc độ tăng giá. Thêm vào đó, việc tăng giá điện sẽ không gây sốc cho thị trường như đợt tăng giá xăng dầu hồi tháng 7 năm 2008, nếu có lộ trình rõ ràng để doanh nghiệp và người dân chuẩn bị tinh thần, cùng "thắt lưng buộc bụng", tự điều tiết.

Ở nhiều nước trên thế giới, dù thị trường do Nhà nước điều tiết hay là tự do hoàn toàn, thì giá năng lượng cũng không thể tăng giảm tùy tiện, mà luôn phải theo một lộ trình đã vạch rõ và được công bố từ trước. Ví dụ, nếu giá điện từ ngày 1/7 năm nay tăng 3%, thì người dân đã phải được thông báo từ tháng 11 - 12 năm ngoái. Không thể viện lý do "năm nay thiếu nước nên thiếu điện" để tăng giá, đồng thời hô hào, bắt ép người tiêu dùng... tiết kiệm!


7. EVN có thể làm gì?

Để không còn những tranh cãi và phản đối hiện nay, EVN hoàn toàn có thể công khai cơ chế tính giá, lợi nhuận của họ, cùng những lý do giải thích sự cần thiết phải tăng giá điện (khan hiếm nguồn nguyên nhiên vật liệu, thiếu vốn đầu tư v.v.). Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh việc EVN phải đưa ra được một lộ trình vừa tăng giá vừa cải cách ngành điện hợp lý nhất.

Một chuyên gia trong ngành nhận xét: "EVN không minh bạch đã đành, hoạt động tuyên truyền của bản thân họ cũng kém. Người dân đến nay vẫn không hề biết là nguồn tài nguyên để sản xuất điện của chúng ta hiện giờ đang khan hiếm đến mức báo động, nhất là các nguồn giá rẻ như than, khí đốt".

Bản đánh giá của nhóm nghiên cứu thuộc CEPR cũng viết: "Nếu ngành điện có thể công bố được mức tăng năng suất của ngành, thì sức thuyết phục của việc tăng giá sẽ cao hơn rất nhiều. (Mức tăng giá = mức trượt giá - mức tăng năng suất)".

Trong tình hình hiện nay, sự lảng tránh báo chí và công chúng của EVN chỉ càng làm người ta thêm nghi ngờ và phẫn nộ. Trước đó, EVN còn xin tiền thưởng từ ngân sách, rồi không chịu đầu tư, rồi đổ trách nhiệm "tiết kiệm" lên đầu người tiêu dùng...

Có người nói vui rằng, thời bao cấp, điện là ngành được hoan hô nhiều nhất, vì cứ mỗi lần không gian bừng sáng lên sau lúc mất điện là cả làng cả tổng lại reo: "Có điện rồi!". Còn bây giờ, thời hội nhập, hình như điện đang trở thành (một trong những) ngành bị chê trách nhiều nhất. Trong khi trên thực tế, EVN cũng có "nỗi oan không chịu tỏ cùng ai".