Tuesday 11 May 2010

Ngày xưa của những ngày xưa

(Nhân đọc lại một bài viết rất nên đọc của tác giả Hồ Trung Tú về nghệ thuật tuồng)

Tôi muốn dùng từ “xưa” để nói về tuồng đồ, vì nó gợi lên cảm giác về một thời xưa rất xưa…

Trong các bạn bè cùng tuổi, tôi không gặp bạn nào cũng mê tuồng như tôi. Tuồng rất đẹp. Nó là thứ nghệ thuật trình diễn đầy tính hình tượng, khi mà chỉ trên một khoảng không gian nhỏ hẹp, thiết kế còn giản đơn hơn sân khấu kịch nói hay chèo, cải lương, mà người xem như thấy dựng lên chập chùng những thành thành quách quách, hay miền rừng núi âm u – những chốn lam sơn chướng khí mà người Việt xưa tụ nghĩa để chống giặc ngoại xâm, chống triều đình hủ bại… Những động tác múa, di chuyển trên sân khấu khi người nghệ sĩ giơ cao chiếc roi màu, là đủ thể hiện cảnh cưỡi ngựa vượt muôn trùng vây. Một vài dải lụa đỏ lượn sóng là đủ thể hiện vùng lửa đốt cháy thành, hay cảnh hỏa thiêu khốc liệt. Vị tướng ôm chặt đứa bé (thật ra là một bó vải buộc ở ngực) trong tiếng trẻ con khóc oe oe, những động tác run run, căng thẳng là vẽ nên cái không khí ngột ngạt đáng sợ của một ngôi thành bị vây hãm, lương thảo cạn dần, trong khi vòng vây địch vẫn xiết chặt bên ngoài v.v.

Ngày nhỏ, tôi mê tuồng, mê lắm. Nhưng đến tận bây giờ tôi mới dám nói điều ấy, vì hình như đấy là một sở thích không mấy phổ biến. Trong không gian tuồng, mọi tính cách – cái đẹp, cái tốt, cái xấu, cái ác – đều được đẩy lên đến tột cùng. Nhân vật nào trong tuồng cũng có một tính cách rõ nét: anh hùng bất khuất, đại nhân đại nghĩa, hay là kẻ nhu nhược đớn hèn, tiểu nhân xảo quyệt, bạo tàn gian ác… và họ thể hiện phẩm chất của họ trong những hoàn cảnh đầy kịch tính.


Tôi nhớ tích Sơn Hậu: Đổng Kim Lân phò ấu chúa chạy giặc, Khương Linh Tá ở lại chặn đường kẻ thù. Quân địch đông hơn, Khương Linh Tá bị chém cụt đầu, nhưng cái thân không đầu lại chồm dậy, vãi máu vào giặc, rồi xách đầu đuổi theo Đổng Kim Lân. Đêm tối trong rừng, Đổng Kim Lân lạc bước, ấu chúa gào khóc, giặc đuổi sát đến nơi. Giữa lúc ấy thì hồn Khương Linh Tá hiện về dẫn đường cho bạn. Không một lần nào nhớ tới cảnh này mà tôi không sởn gai ốc.

Đổng Kim Lân (thét): Ai…?
Khương Linh Tá: Em…… đây…….
Đổng Kim Lân (kinh hoàng): Em là ai?
Khương Linh Tá: Em…… đây…… là Khương… Linh…… Tá……

(Tiếng trống chầu dồn dập…).

Ngày xưa, xem tích “Kim Lân qua đèo” này, tôi rợn tóc gáy trước hình ảnh Khương Linh Tá hiện hồn về bên bạn, trong ánh lửa le lói của rừng đêm. Cũng như trước đó là cảnh Khương Linh Tá ở lại chặn giặc cho bạn, bị chém mất đầu, nhưng vẫn quỳ lên, gạt máu trên cổ và hắt vào mặt giặc. Có tình bạn nào đẹp và bất diệt như tình bạn của Đổng Kim Lân và Khương Linh Tá?

Trong tuồng, cái khí phách, trung nghĩa, hào hiệp… được đẩy lên đỉnh điểm, có lẽ vì thế mà nó thích hợp với những câu chuyện anh hùng chiến đấu của thời xưa. Vở tuồng hiện đại nhất mà tôi xem (không nhớ tên) khắc họa cuộc đấu tranh của một “vùng mỏ” với thực dân Pháp, có cả nhân vật chiến sĩ cách mạng lẫn quan ba Pháp, xem cũng hay nhưng cứ… thế nào ấy, hình như tuồng không thích hợp với những không gian hiện đại, nơi cái xấu và cái tốt đan xen, tranh tối tranh sáng, các nhân vật tính cách đều phức tạp và nhập nhờ…

Tuồng cũng có những đoạn rất hài hước nữa. Ngày xưa, tôi đã từng cười lăn lóc khi xem vở Lý Phụng Đình, cảnh yêu quái giả làm Lý Phụng Đình ghẹo gái: “Này các cô em… ta đây là Lý Phụng Chùa”. (Có lẽ đây là một chi tiết “hiện đại hóa” tuồng, chứ tôi không nghĩ các cụ ta ngày trước đem chùa và đình ra để cười chơi như vậy – nhưng dù sao tôi vẫn cứ thích). Còn nhớ cả chi tiết con gái quan tể tướng (cũng không biết tên là gì, nhưng vai này do NSND Đàm Liên thể hiện) (***) mếu máo với cha: “Cha, cha… cha đi nuôi cái thằng Lý Phụng Đình ấy… để nó ve con”. NSND Tiến Thọ đã thể hiện tuyệt vời một vai Lý Phụng Đình thư sinh nho nhã, lịch thiệp, gặp phụ nữ thì run đến… cả ngực (“Chết chết, cô nương, cô nương buông tôi ra…”), và một yêu quái giả Lý Phụng Đình vừa ma mãnh lại vừa mê gái. (Nghiêm túc nhé: Bạn nào tưởng tuồng dễ như các nghệ sĩ của Gặp nhau cuối tuần vẫn làm, thì thử diễn cảnh… run ngực xem).

Tuồng đầy tính hình tượng, ước lệ, có những lúc xem tuồng mà tôi thích thú thấy tính hình tượng của tuồng còn cao hơn ballet (so sánh khập khiễng quá!). Ví dụ đoạn Tiết Giao quyến rũ Hồ Nguyệt Cô, có nhà phê bình từng viết: “Cảnh này xem ra không quá khó với các nhà điện ảnh hiện đại, và một đầu óc tưởng tượng tầm thường nhất cũng biết rằng một pha sex mô tả nó là điều đương nhiên. Nhưng tuồng không thế”. Tuồng thể hiện cảnh Tiết Giao và Hồ Nguyệt Cô xxx theo một cách tất nhiên là khác, vô cùng tinh tế, như thế nào thì ngôn từ của tôi không đủ diễn đạt. Nói cho đúng là tôi chỉ có thể diễn đạt nó… như phim thôi.

Tuồng đầy kịch tính và đậm màu sắc lịch sử. Nhiều khi tôi nghĩ nếu nói về “cổ vũ tinh thần dân tộc và lòng yêu nước”, không gì bằng tuồng – tất nhiên là nếu khán giả chịu ngồi xem. Nếu một lúc nào đó có thể dàn dựng một vở tuồng về trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974, Trường Sa năm 1988, hay cuộc biểu tình của thanh niên Việt Nam tháng 12/2007 với khẩu hiệu “Trường Sa – Hoàng Sa là của Việt Nam”, tôi nghĩ… sẽ là những vở tuồng tuyệt vời lắm. Nhưng dĩ nhiên đấy chỉ là tưởng tượng mà thôi!

Và… tuồng đã xưa, xưa lắm rồi, ít nhất là với tôi. Năm 10 tuổi, tôi mê mẩn tuồng, khóc ầm lên khi cả khu tập thể mất điện, không có cách nào để xem được tuồng trên tivi. Năm 20 tuổi, tôi xem Trần Bình Trọng, hay thì vẫn thấy hay, nhưng cảm xúc không còn được như xưa. Rồi đi làm báo, mà lại là báo chính trị, tôi không xem tuồng nữa. Có lẽ, xem tuồng, thưởng thức tuồng cũng đòi hỏi phải là người có chút lãng mạn.

Năm 14 tuổi, tôi mê như điếu đổ “chú Tiến Thọ” vai Đổng Kim Lân, “chú Minh Ngọc” vai Khương Linh Tá, lục từng mảnh báo sân khấu tìm xem có tin bài nào về “các chú” không (tất nhiên là không rồi). Rồi một lần tôi buồn rũ khi biết tin “chú Minh Ngọc” đã mở một quán cháo lòng tiết canh để kiếm sống thêm. Rồi tôi lớn lên, đi làm báo, cũng là khi NSND Tiến Thọ trở thành Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Thứ trưởng Bộ này Bộ kia. Dân báo kháo nhau nhiều chuyện: Tiến Thọ ngồi xổm xem duyệt biểu diễn nhạc rock rồi chê ỏng eo, đòi sửa lại hết lời mấy bài nhạc ngoáy đít. Tiến Thọ xem phim (phim này tên gì thì tôi xin giấu, đại khái cũng là thể loại tuyên truyền đấu tranh cách mạng), chả biết nhận xét gì, chỉ đứng dậy vỗ tay bành bạch mà rằng: “Hay vô cùng, đẹp vô cùng. Các đồng chí mà không mang phim này ra giới thiệu với nhân dân là các đồng chí có tộiiiii…”. Đám phóng viên kể cho nhau nghe những chuyện ấy và cười rinh rích.

Còn tôi thấy trong lòng buồn biết bao nhiêu. Hỡi ơi, Đổng Kim Lân, Lý Phụng Đình, Trần Bình Trọng… người anh hùng tuổi thơ của tôi! Và những vở tuồng nữa, những “ánh đèn sân khấu” rực rỡ ngày xưa, giờ đâu rồi?


(***) Google cho biết nhân vật có tên Loan Dung. Không phải con gái tể tướng mà là con của một vị lão quan nào đó - đến đây thì thật sự tôi không nhớ được tên ông quan già.

+++++++

Còn dưới đây là bài viết của tác giả Hồ Trung Tú:

LÀM SAO ĐỂ XEM TUỒNG?

Lâu nay, cứ nói đến nghệ thuật tuồng thì hầu như ở đâu và bao giờ người ta cũng lại nói đến việc bảo tồn di sản, phải kế thừa truyền thống, phải dân tộc và tiên tiến, v.v.... Nhưng suốt chừng ấy năm qua, ở đâu không biết chứ đối với nghệ thuật tuồng, người ta vẫn chưa biết phải kế thừa và hiện đại nó như thế nào. Nhiều vở mới đã được viết, đã được dựng như “Êđíp làm vua”, “Ôtenlô”, “Tarát Bumba”, “Le Cid”... Sân khấu thì đèn chớp sáng đủ màu, những màn đấu võ bay lượn như phim, thậm chí một con voi đã được dắt lên sân khấu trong vở “Quang Trung đại phá quân Thanh”... Nhưng, như một quả bóng, tất cả đều nẩy lên và lăn đi… Riết rồi hiện đại hoá tuồng thì chẳng thấy đâu trong khi sân khấu tuồng thì vắng bóng dần, như đã lui hẳn về ký ức, còn người nghe thì như có cảm giác người nói là nói về mình chứ không phải nói về tuồng, và sự việc nhuốm vẻ như là... xem thơ Quỳnh vậy!


Chuyện kể, ông Đội Tảo diễn vai Đổng Kim Lân hay đến nỗi bà phi của một vị hoàng thân nọ của triều Nguyễn mê như điếu đổ, đến mức phải phụ chồng mới thỏa tấm lòng vì nghệ thuật hát bội. Chuyên bại lộ, quả tang trai trên gái dưới, nhưng vị hoàng thân nọ không nỡ chém tên “gian phu” ấy, ông nói:”Chém mi rồi thì ai diễn Đổng Kim Lân cho mệ xem?” Chuyện thì vui nhưng nó phản ảnh một điều rất thật rằng vị hoàng thân nọ đã xem đi xem lại không biết bao nhiêu lần, và sẽ còn xem nhiều lần nữa vở tuồng Sơn Hậu mà không hề thấy chán. Trong khi đó bộ phim hay nhất của Hollywood cũng thành ra tra tấn nếu buộc phải xem lại lần thứ hai. Điều gì làm nên cái sự tuyệt vời ấy của nghệ thuật tuồng?

Cứ mỗi lần nói đến đặc tính, tính chất của nghệ thuật tuồng là người ta nói đến tính ước lệ cao của tuồng mà quên đặt tiếp câu hỏi rằng nó ước lệ như thế để làm gì. Nếu ước lệ chỉ để ước lệ chẳng hoá ra sân khấu tuồng vì nghèo nàn, túng bấn nên phải làm thế!

Đã hình thành cách nay hơn 500 năm nếu không nói rằng ngay từ ngàn năm trước, thời lễ nhạc Lý, Trần; nghệ thuật tuồng đã đi cùng với dân tộc ta theo suốt chiều dài lịch sử. Dĩ nhiên sẽ có người nói rằng nghệ thuật tuồng chính là bản sao của nghệ thuật Kinh kịch Trung Quốc, các nhà nghiên cứu không phủ nhận điều này, có thể là như vậy. Tổ của nghệ thuật Kinh kịch là Đường Minh Hoàng và Đông Phương Sóc, tổ của nghệ thuật tuồng là một cậu hoàng con không tên, là một khán giả. Các nhà nghiên cứu muốn dùng đến từ ảnh hưởng hơn là bản sao. Vâng, dầu có xuất phát từ đâu chăng nữa thì nghệ thuật tuồng cũng đã gắn bó với dân tộc ta suốt một ngàn năm qua, nó giữ và truyền cái yêu cái ghét, cái độ nhạy rung cảm của tâm hồn người Việt từ đời này qua đời khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Nếu chúng ta hôm nay đã quen với cách thưởng thức nghệ thuật thiên về tình huống, tiếp nhận thông tin mới và chỉ có thông tin mới, thì cha ông ta ngày xưa lại có cách thưởng thức khác đó là: Nội dung biết rồi, thậm chí đã xem hàng trăm lần nhưng vẫn hào hứng xem lại, vì chỉ xem diễn chứ không xem tình huống hoặc chờ đợi tiếp nhận thông tin mới. Với cách thưởng thức nầy người xem không hề thụ động mà trở thành như một giám khảo có thể cảm nhận được những nét diễn tinh tế nhất và bình phẩm nó thông qua chiếc trống chầu. Như vậy là khán giả đến với sân khấu hát bội đồng thời cũng mang theo cả sự hiểu biết về cuộc sống mà họ đã nếm trải.

Nếu cải lương, chèo hoặc các loại hình dân ca kịch khác thiên về hát, thì tuồng là nghệ thuật của sự biểu diễn. Nói chính xác hơn, nghệ thuật tuồng là nghệ thuật sân khấu toàn diện, nó cho phép diễn viên mô tả một cách đặc sắc tâm hồn của nhân vật thông qua toàn bộ cơ thể họ với một loại ngôn ngữ sân khấu khá độc đáo. Để dễ hình dung, có thể dùng hình tượng chiếc kính lúp để ví với ngôn ngữ nghệ thuật sân khấu tuồng. Với chiếc kính lúp ta nhìn mọi vật đều lớn hơn bình thường , ngôn ngữ nghệ thuật tuồng cũng vậy, nó khuếch đại tất cả mọi diễn biến tâm lý và người xem như nhìn thấy tất cả "ruột gan" nhân vật. Chính vì thế nghệ thuật tuồng rất thích hợp với các tình huống bi thiết, uẩn khúc, tâm trạng và những nỗi đau lớn. Cái " ruột gan" được phơi bày ở đây mang vẻ đẹp của những viên ngọc quý trong tâm hồn con người, và vì thế mà người ta xem đi xem lại, ngắm đi ngắm lại hàng trăm lần không biết chán.

Với cách nhìn nầy chúng ta dễ dàng hiểu được những cái như là bí ẩn, khó hiểu của nghệ thuật tuồng ví dụ như là mặt nạ, râu, cờ (cắm sau lưng), đôi hia, ngựa, v.v...Tất cả đều giúp người diễn viên khuếch đại các động tác và qua đó tâm lý nhân vật cũng được khuếch đại lên. Chúng ta hãy thử hình dung tâm hồn của con người ta trong những tình huống như “Hoàng Phi Hổ quá giới bài quan”, “Đổng Kim Lân biệt mẹ”... được khuếch đại lên, khi mà cái đau, cái bi tráng, cái uẩn khúc của tâm trạng đều được bộc lộ ra và nhìn thấy rõ ở đầu ngón tay, đầu mũi hia. Cách run tay, run chân, cách chỉ ngón, đi hia, vuốt râu, trợn mắt... tất tất đều một mục đích tối hậu và duy nhất là để người xem nhìn thấy cái sắc thái tâm lý, hay nói cách khác là cái tâm hồn của nhân vật. Mặt đen, mặt đỏ, râu ngắn, râu dài... tất thảy cũng đều vì cái mục đích ấy: Người xem không phải mất thời gian đoán già đoán non rằng đó là người trung hay tên nịnh, kẻ ác hay người hiền mà đi ngay vào việc nhìn ngắm cái tâm hồn phía trong cái mặt đen, mặt đỏ, râu ngắn, râu dài ấy. Ngay cả ở cách hát thì tuồng cũng khác với cải lương nhiều lắm. Nếu cải lương thiên về biểu diễn chất giọng của diễn viên thì ở tuồng đó là sự lột tả quá trình diễn biến tâm trạng của nhân vật. Ví dụ mà các nhà nghiên cứu hay đưa ra là câu nói lối của Hoàng Phi Hổ khi ngóng trông vợ vào cung gặp vua Trụ vốn là ông vua dâm dục: “Từ phu nhân gác giá. Hầu Khánh đản cung trung. Trời đã xế vừng hồng. Sao chưa về phủ tía...” Thường những diễn viên không sành nghề không sao diễn tả được cái tâm trạng lo âu của nhân vật, họ chỉ lo hát sao cho ngọt cho mùi là đạt mục đích. Cái chữ vừng hồng phải hát lên như là hỏi đất hỏi trời, hỏi cả cái lòng kẻ quân tử sao trời lại bắt phải rơi vào cái cảnh ngộ éo le đến thế. Các bạn thử nói một mình mà diễn tả cho hết cái tâm can ấy thử xem?

Và vì thế chúng ta cũng chợt hiểu vai trò của chiếc trống chầu, cái thứ khá ồn ào không thể xuất hiện trong kịch hoặc cải lương, nó tham gia vào diễn xuất bằng cách bình phẩm. Như vậy là khán giả đến với sân khấu hát bội đồng thời cũng mang theo cả sự hiểu biết về cuộc sống mà họ đã nếm trải, mang theo cả cái tình cảm yêu ghét mà họ đã kế thừa từ cha ông. Họ bình phẩm và vì vậy họ tham gia vào diễn xuất, không còn màng đến cốt chuyện nữa, họ như nhẩm hát, nhẩm nói theo nhân vật, và sẽ sung sướng đến tê người mỗi khi diễn viên xuất sắc lột tả được một nét tinh tế nào đó của tâm lý nhân vật.

Tóm lại, có thể nói rằng tất cả những gì độc đáo trong ngôn ngữ nghệ thuật tuồng đều dường như xuất phát từ mục tiêu là tạo điều kiện cao nhất cho người diễn viên phô diễn tài nghệ diễn xuất. Các mô hình nhân vật như đào, kép, vua, quan, lão, mụ... các đạo cụ, vẽ mặt, hát múa khi ra sân khấu sẽ trở thành những tín hiệu ước lệ để người xem thoạt nhìn đã có thể biết ngay đó là con người ở tầng lớp nào, trung hay nịnh, làm ruộng hay chài lưới, lính hay quan, văn hay võ... Thoạt nhìn nó như đơn điệu nhưng lại vô cùng cần thiết để người xem không phải đoán mà nhập ngay vào diễn xuất của diễn viên (không như điện ảnh, hoặc kịch nói, tên giết người xuất hiện đó nhưng chẳng ai biết). Tương tự như vậy, nghệ thuật ước lệ cũng chính là sự tiết giản tối đa cảnh trí sân khấu để mọi chú ý được dồn vào diễn xuất. Xét cho cùng thì tuồng làm điều đó là chính xác. Người xem đâu cần quan tâm đến con ngựa màu gì mà chỉ muốn biết cái tâm trạng của người đang cưỡi trên cái con ngựa đó như thế nào. Tương tự như vậy, sông núi, chiến trường, núi cao, đèo thấp... tức ngoại cảnh hoàn toàn không đáng và không nên dựng lên trên sân khấu, diễn viên sẽ là cái tấm gương phản chiếu tất cả cái ngoại cảnh ấy nếu nó thực sự có cái gì đó đáng để nói.

Kể ra xét ở góc độ nào đó thì tuồng khá là dân chủ, nó đặt người xem lên trên mọi thứ, trên cả tình huống, cốt chuyện, nhân vật, diễn xuất... người xem còn cao hơn cả Thượng Đế, như bây giờ chúng ta hay nói, người xem là ông tổ, vừa xem vừa sáng tạo ra nghệ thuật tuồng! Theo truyền thuyết, tổ của nghệ thuật tuồng là một cậu Hoàng con, vì say mê xem hát bội, xong vở vẫn không muốn về, nằm lại trên chái rạp mà sống cùng các nhân vật. Cuối cùng khi mọi người phát hiện ra thì thân xác cậu đã héo khô trên mái rạp. Nói cách khác, Tổ của nghệ thuật tuồng chính là khán giả.

Hình như cứ mỗi lần cố gắng để hiện đại hoá, đổi mới nghệ thuật tuồng thì người ta lại cảm thấy xa tuồng hơn một bước. Nhiều người nhìn thấy sự lụi tàn của nghệ thuật tuồng đã đau đớn nghĩ rằng trách nhiệm thuộc về thời đại hôm nay đã thua kém cha ông trong việc sáng tạo các vở mới. Hằng năm, các cuộc liên hoan được mở ra. Các tỉnh, các sở lại rót về cho các đoàn nghệ thuật tuồng hằng trăm triệu để dàn dựng vở mới. Diễn báo cáo vài lần, mang đi liên hoan, ban giám khảo nhìn cái quy mô của vở mà biết rằng cơ sở đã mất bao nhiêu tiền vào đấy để cân nhắc mà trao huy chương, rồi... xếp lại, hầu như không diễn bao giờ nữa. Chuyện này không riêng chi của sân khấu tuồng, nhưng với tuồng điều này cứ cảm thấy nó không phải thế nào ấy. Người viết bài này cứ có dịp đến Hội An và ở lại trúng đêm thứ tư thì cố gắng đến sân khấu diễn cho các du khách nước ngoài để xem trích đoạn Hồ Nguyệt Cô Hoá Cáo. Đã xem không biết bao nhiêu lần rồi nhưng lần nào cũng vậy, kinh khiếp và sợ hãi. Các du khách cũng thế, họ không thể hiểu được diễn viên đang nói gì, hát gì nhưng, không kể số đàn ông cứng rắn, mười người phụ nữ là mười người đưa tay ôm miệng như sợ bật ra tiếng kêu kinh hãi khi nhìn thấy cảnh Hồ Nguyệt Cô bị tình yêu lừa dối cướp mất ngọc nên phải trở lại lốt cáo. Lông mọc lên ở tay rồi mặt, tay chân mọc vuốt rồi tiếng nói cũng mất dần để chỉ còn lại những tiếng tru đau đớn của loài cáo!

Dĩ nhiên Hồ Nguyệt Cô Hóa Cáo là một trích đoạn hay và độc đáo, dẫu biết rằng kho tàng hát bội còn rất nhiều những trích đoạn còn hay hơn nữa, nhưng đòi hỏi tất thảy phải như thế thì chẳng hoá ra khoe mãi một chiếc áo đẹp. Ở liên hoan sân khấu tuồng quần chúng của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng cũ năm 1993, trích đoạn tuồng Lã Bố Hí Điêu Thuyền được ít nhất ba đoàn chọn diễn. Sân khấu thì giống nhau, phục trang cũng giống nhau, thậm chí lời hát, lời thoại cũng giống nhau mà không đoàn nào diễn giống đoàn nào. Người xem hôm ấy đa phần là các tay phe vé, các chị bán thuốc, các em bán kẹo cao su lúc rảnh rỗi không biết làm gì kiếm một ghế vừa xem vừa ngủ. Ai ngủ thì không nói chứ người thức xem đến lần thứ ba của trích đoạn ấy cũng vẫn cứ hào hứng và thích thú xem cảnh lão già Đổng Trác vác bụng tán tỉnh cô gái xinh đẹp Điêu Thuyền. Rõ ràng ở đây sức hấp dẫn của trích đoạn không phải là ở tình huống mà là sắc thái trình diễn khác nhau của mỗi đoàn, và sự nhận xét bình phẩm của người xem đã tạo nên sự cuốn hút ấy.

Nên chăng liên hoan của sân khấu tuồng là liên hoan của các trích đoạn, hoặc đó là cuộc liên hoan của một vở duy nhất và tất cả các đoàn đều phải diễn vở ấy với những bí mật dàn dựng của riêng mình? Không hiểu sao tôi vẫn tin rằng ban giám khảo sẽ không hề thấy chán một lúc phải xem đi xem lại một vở duy nhất. Vị Hoàng Thân nọ đã chẳng xem vở Sơn Hậu hàng trăm lần đấy sao? Đó là khoái cảm gì vậy?

Và phía người xem, những vị tổ của nghệ thuật tuồng, nhất là các bạn trẻ, đừng có tin rằng thứ tuồng mà các bạn thấy trên ti vi đó là tuồng đích thực, thấy xem không vào rồi chán. Nghệ sĩ Đàm Liên nếu xếp hạng thì phải cỡ sư bác cô nghệ sĩ nghiệp dư nọ ở Hội An, nhưng xem Hồ Nguyệt Cô do Đàm Liên đóng trên ti vi thì cứ thấy nó thế nào ấy, còn ở Hội An đó thực sự là những làn sóng cảm xúc mãnh liệt tấp vào mình, không thể ngăn được. Có lẽ ti vi là cái thứ mô tả hiện thực đến mức khắc nghiệt, nó không dung nạp được cái nghệ thuật chỉ diễn tả tâm can, thứ khá là mơ hồ, của tuồng chăng? Các bạn hãy cố gắng thử một lần đến với sân khấu tuồng đích thực, nhưng trước hết để không phải chán rồi nản luôn, các bạn cần phải biết, đến thuộc lòng càng tốt, vở tuồng mà mình sẽ xem. Và cũng cần phải biết rằng có một số trường phái tuồng đang cải lương pha Hồ Quảng, dân ca hoá hoặc bị ảnh hưởng Kinh kịch của Trung Quốc, thiên về vũ đạo, biểu diễn hình thể mà bỏ qua sự mô tả nội tâm nhân vật, bỏ qua đi cái nghệ thuật phơi bày tâm can cho người xem nhìn thấy vốn là sở trường độc đáo của nghệ thuật hát bội. Sau vài lần xem các bạn sẽ phân biệt điều này không khó. Và đến một lúc, giá mà có lúc ấy, bạn cầm được cái chày trống chầu rồi giục những hồi trống gióng giả, đích đáng, sắc xảo bình phẩm trình độ của diễn viên thì đó cũng là lúc có thể nhắc lại câu hát cũ:

Tháng Ba, ngày tám nằm suông
Nghe giục trống tuồng, cố lết đi xem.