Thursday 29 April 2010

Ông Nguyễn Dy Niên: "Giá mà chúng ta khôn khéo hơn..."

Lần đầu tiên, tôi được nghe một nhà ngoại giao, chính trị gia Việt Nam nói những điều này: “Ngày ấy (năm 1975) chúng ta đã thực hiện những chính sách mà… đáng lẽ nếu tỉnh táo hơn, được một phần của Đổi Mới sau này thôi, thì Việt Nam bây giờ đã mạnh lắm, cường thịnh lắm... Nhưng thay vì khoan dung và khéo léo trong đối nội, chúng ta lại có những chính sách như cải tạo công thương nghiệp. Những chính sách ấy từ khi áp dụng ở miền Bắc đã thấy trục trặc rồi, vậy mà ta lại tiếp tục áp dụng ở miền Nam. Hậu quả là làm nền sản xuất không thể nào đứng vững được, người dân thì hoang mang”.

Người nói câu ấy là ông Nguyễn Dy Niên, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam.

+++++++

- Phóng viên: Đã công tác suốt hơn 50 năm trong ngành ngoại giao (từ năm 1954 khi mới 19 tuổi), chứng kiến nhiều thăng trầm của đất nước và tham gia nhiều cuộc đàm phán quốc tế, ông đánh giá sao về tình hình Việt Nam và bối cảnh quốc tế sau ngày thống nhất đất nước, 30-4-1975?

- Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên: Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta bước vào một thời kỳ hòa bình và xây dựng. Nhưng phải nói rằng khúc khải hoàn ngắn quá, bởi ngay sau đó, chúng ta lại vướng vào chiến tranh ở biên giới Tây Nam, Pol Pot bắt đầu quấy phá, rồi chiến tranh Campuchia. Đó là thời kỳ cực kỳ khó khăn, miền Bắc kiệt quệ, xơ xác sau những năm tháng dốc toàn lực cho chiến trường, miền Nam đổ vỡ vì chiến tranh, các vấn đề kinh tế - xã hội đặt ra rất lớn, công việc thì bề bộn. Đất nước hồi đó khó khăn lắm.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, thời gian sau ngày 30-4-1975 là một cơ hội cực kỳ tốt mà chúng ta chậm khai thác. Hầu như tất cả các nước phương Tây khi ấy đều muốn thiết lập quan hệ với Việt Nam. Mỹ cũng muốn bình thường hóa quan hệ với ta. Bởi vì vị thế của Việt Nam lúc đó là vị thế của người chiến thắng, ngời ngời vinh quang, các nước rất nể trọng, quý mến. Nhưng rất tiếc là chúng ta còn dè dặt – cũng một phần do những ràng buộc của lý luận - nên đã bỏ lỡ, không tận dụng được cơ hội ấy.

Đến lúc ta vướng vào vấn đề Campuchia thì tất cả những thuận lợi đó đều mất đi: Trước hết là những người ủng hộ ta bắt đầu hoang mang, không hiểu tại sao một dân tộc đã tự giải phóng mình nay lại đưa quân sang nước khác. Rồi tới những người trước đây đã lưỡng lự, chưa hoàn toàn ủng hộ Việt Nam, thì đến lúc này họ quay hẳn sang chống lại chúng ta. Họ đâu biết rằng Việt Nam đang làm một nghĩa vụ quốc tế cực kỳ quan trọng mà không dân tộc nào lúc đó làm được, đâu biết rằng vào Campuchia là Việt Nam phải hy sinh ghê gớm lắm, mất đi sự ủng hộ của thế giới, mất bao xương máu, mất cả nguồn lực kinh tế dồn vào để bảo vệ, giúp đỡ Campuchia. Đến bây giờ, khi đã hiểu ra tình hình rồi, người ta mới cảm ơn Việt Nam. Chúng ta luôn mong muốn hòa bình, nhưng vào giai đoạn ấy, chúng ta bắt buộc phải làm những việc khiến vị thế quốc tế của mình gặp khó khăn.


- Như vậy, có phải những khó khăn mà Việt Nam gặp phải vào những năm sau chiến tranh là bất khả kháng?

- Không hẳn như thế, còn do phần nguyên nhân chủ quan nữa. Lúc ấy, giá chúng ta khôn khéo hơn trong chính sách đối nội, thì đã trấn an được lòng người. Tôi muốn nói rằng, nếu ngày ấy chúng ta đẩy mạnh hòa hợp dân tộc, chúng ta có cái khoan dung của người chiến thắng, thì sẽ làm yên lòng người dân, nói chính xác là sẽ làm một bộ phận không nhỏ người dân miền Nam yên lòng với chế độ mới. Nhưng thay vì khoan dung và khéo léo trong đối nội, chúng ta lại có những chính sách như cải tạo công thương nghiệp. Những chính sách ấy từ khi áp dụng ở miền Bắc đã thấy trục trặc rồi, vậy mà ta lại tiếp tục áp dụng ở miền Nam. Hậu quả là làm nền sản xuất không thể nào đứng vững được, người dân thì hoang mang.

Tôi nhớ năm 2008, tôi sang Ý, gặp một bạn Việt Nam khoảng 40 tuổi, thuộc diện di tản. Cậu ấy kể lại, hồi 1975, nhà cậu ấy chỉ sản xuất bút viết thôi nhưng cũng bị cho là bóc lột (vì có thuê người làm công), thế là bị “đánh”. Đánh lần thứ nhất thì gia đình còn cố gắng chịu được, nhưng đến lần thứ hai, bị tịch thu hết cả phương tiện sản xuất, thì không sống nổi nữa và buộc phải ra đi. Cậu ấy kể lại thảm cảnh của người vượt biên, nghe xót xa lắm. Gia đình dồn hết cả tiền bạc, mang theo đứa em mới có ba tuổi. Ra ngoài khơi thì thuyền thủng đáy, phải chuyển sang thuyền khác, chẳng may trong lúc lúng túng, đứa bé rơi xuống biển. Bà mẹ đã định nhảy theo xuống biển tự tử, may mà người ta giữ lại được. Cậu ấy kể: “Bố mẹ cháu hận lắm, nhưng dần dần thì cũng nguôi đi”. Tôi hỏi: “Thế bây giờ cháu có hận không?”. “Không, cháu không thù hận nữa. Cháu về nước nhiều lần rồi, lấy vợ Việt Nam rồi” – cậu ấy nói thế.

Đó, phải nói là ngày ấy mình đã thực hiện những chính sách mà đáng lẽ nếu tỉnh táo hơn, được một phần của Đổi Mới sau này thôi, thì Việt Nam đã mạnh lắm, cường thịnh lắm.

Dẫu sao, mọi chuyện đã thành lịch sử. Một con người còn khó mà hoàn hảo, huống gì là cả một cuộc cách mạng. Nhưng điều hay là sau này chúng ta biết sửa sai, đổi mới. Không thể tránh khỏi những sơ sảy và có cái giá phải trả, do những sai lầm chủ quan của mình và cả nguyên nhân khách quan thêm vào. Nhưng điều quan trọng trong bất kỳ thời nào là phải rút ra bài học để không bao giờ lặp lại những sai lầm ấy nữa, để mình đi lên.


- Từ năm 1975 đến nay, có những sự kiện nào là mốc nổi bật, có ý nghĩa nhất trong hoạt động ngoại giao của Việt Nam, thưa ông?

- Sự kiện chính trị lớn nhất là Đại hội VI của Đảng đề ra Đổi Mới. Không có Đổi Mới thì đúng là không biết Việt Nam sẽ đi về đâu, thậm chí có tồn tại như ngày nay được không. Tôi nghĩ đó là cái mốc lớn nhất, căn bản nhất. Về đối ngoại thì sự kiện quan trọng sau năm 1975 là tìm được giải pháp cho vấn đề Campuchia, rút quân khỏi Campuchia. Tiếp theo là bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Mỹ.

Mấy mốc ấy rất quan trọng. Bạn phải biết là con đường đi đến Đổi Mới cũng gặp nhiều cái vướng lắm chứ không phải dễ dàng thênh thang đâu. Cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch là người rất nhạy cảm với cái mới, ông muốn vươn lên, muốn đi rất nhanh, và trong nội bộ ban lãnh đạo cũng có nhiều người ủng hộ ông lắm, ấy vậy mà chưa được, cũng phải đến lúc có sự đồng thuận trong toàn Đảng mà nhất là trong Bộ Chính trị thì mới đổi mới được. Đổi Mới là cái mốc lớn nhất, căn bản nhất, đánh dấu việc chúng ta đã biết rút ra bài học và tìm đường đi. Còn bình thường hóa cũng không hề dễ dàng. Phải đi từng bước thật vững, thật cân bằng, cho phù hợp với tình hình trong nước, tình hình khu vực và thế giới. Những bước đi đó đều là các vấn đề phải tính toán rất kỹ.


- Nói riêng về quá trình đàm phán với Mỹ, chúng ta đã trải qua những khó khăn thế nào, thưa ông?

- Từ năm 1976 ta bắt đầu đàm phán với Mỹ. Nhưng lúc ấy mình đưa ra, như trong nghề ngoại giao chúng tôi hay nói, đưa ra cả một “cục xương” mà họ không nuốt nổi (cười), đó là bồi thường chiến tranh. Chủ trương của chúng ta ngày ấy là dứt khoát đòi bồi thường. Trưởng đoàn Phan Hiền lên đường đàm phán, lãnh đạo căn dặn đại ý “hai triệu sinh mạng đã mất trong chiến tranh, anh nhớ lấy điều đó”. Với chủ trương ấy, trong tình hình ấy, người đàm phán không thể làm khác được, thế là chúng ta bỏ mất cơ hội bình thường hóa quan hệ với Mỹ, trong khi vào thời điểm đó, mình là người ra điều kiện để bình thường hóa. Sau này, tới những năm 90 thì Mỹ lại là bên ra điều kiện. Ta bỏ lỡ mất 20 năm. Nhưng nói vậy thôi, cũng phải hiểu rằng lúc đó, chúng ta chưa chuẩn bị được đâu. Miền Nam vừa giải phóng mà lại có một Đại sứ quán Mỹ mới ở TP.HCM… thì cũng khó chứ…

CÒN NỮA