Saturday 16 January 2010

BẢN GỐC ĐÂY - mình không chịu trách nhiệm về bài trên VNN

PHÁT NGÔN ẤN TƯỢNG: KHUYẾN KHÍCH SV DẤN THÂN VÌ CHỦ QUYỀNn

Bên cạnh phát ngôn khẳng định và huy động sức mạnh của sinh viên, tuần vừa qua cũng chứng kiến nhiều phát ngôn khác liên quan tới “dân”, tới “trí tuệ tập thể”, tuy nhiên lại không mang nhiều tích cực như vậy.

*****

Khuyến khích sinh viên dấn thân bảo vệ chủ quyền đất nước

Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua khẳng định tại Đại hội Đải biểu Sinh viên Việt Nam: “Chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, bảo vệ chủ quyền đất nước là nghĩa vụ của mọi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ… Chúng ta cần nhận thức rõ điều đó và thực hiện nó bằng sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc. Hơn ai hết và hơn lúc nào hết, tôi nghĩ đây chính là lúc các bạn trẻ thể hiện bản lĩnh và trí tuệ của chính mình...”. (VietNamNet)

Nếu ông Nguyễn Văn Đua là thầy giáo, sau khi phát biểu như vậy trên bục giảng, chắc chắn ông sẽ được sinh viên vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt. Bởi vì lời khẳng định ấy quá “trúng” tâm lý sinh viên.

Lời khẳng định ấy là sự bác bỏ những ý kiến theo kiểu “truyền thống” trước đây, rằng nhiệm vụ của lớp trẻ là học cho giỏi, lao động cho hăng say, còn những chuyện quốc gia đại sự như biên giới, quan hệ quốc tế, chủ quyền của đất nước… là việc của lãnh đạo, của Nhà nước, đã có Nhà nước và các cấp lãnh đạo lo, các bạn trẻ chỉ nên làm tốt nhiệm vụ của mình.

Trên thực tế, việc sinh viên muốn dấn thân bảo vệ chủ quyền đất nước vừa xuất phát từ tình cảm rất thiêng liêng, từ lòng nhiệt tình và tự hào dân tộc của tuổi trẻ, vừa từ bổn phận, trách nhiệm công dân.

“Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, huống chi sinh viên là những trí thức trẻ. Trong điều kiện đất nước hiện nay, tài năng và nhiệt tình của tầng lớp trí thức trẻ này càng cần được huy động, hay như ông Đua nói, “đây chính là lúc các bạn trẻ thể hiện bản lĩnh và trí tuệ của mình”. Sinh viên không thể chỉ cắm cúi học và học, mặc kệ quốc gia, nhường phần yêu nước cho người khác “lo hộ”.

***

Giá công an khẩn trương vào cuộc

Trả lời phỏng vấn về vụ ba phóng viên (của báo Tiền Phong và Người Lao Động) bị hành hung cùng một ngày, ông Nguyễn Quang Thống, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, cho rằng cần xử lý rốt ráo vụ việc; nếu không, các phóng viên không được bảo vệ sẽ nản lòng trong việc đấu tranh với tiêu cực xã hội.

Tiếc thay, trên thực tế, theo như ông Thống phản ánh, tỷ lệ hồi đáp cho các vụ việc mà Hội Nhà báo có yêu cầu xử lý chỉ đạt khoảng 50%. Ông giải thích là do “có những vụ họ vẫn làm nhưng không thông tin lại cho mình; có những vụ cơ quan chức năng không vào cuộc do cho rằng vụ việc không nghiêm trọng, hoặc cho rằng vụ việc xảy ra do lỗi giữa nạn nhân (phóng viên) và hung thủ là ngang nhau…”. (Tiền Phong)

Có thể tin tưởng rằng, các chiến sĩ công an của chúng ta có nghiệp vụ rất tốt (cứ nhìn vào sự ổn định chính trị và tỷ lệ tội phạm thấp trong một số lĩnh vực ở ta, đặc biệt nếu so với các nước trong khu vực) là thấy. Thậm chí có thể phát biểu một cách khách quan rằng trong vô số vụ việc phải xử lý, cơ quan điều tra có thể phá án trong thời gian ngắn ngủi, gần như “muốn là được”.

Bản thân ông Thống cũng nói thêm: “Kinh nghiệm cho thấy, chỗ nào mà sau khi xảy ra sự việc cơ quan công an vào cuộc rốt ráo, thì xử lý rất nhanh...”.

Như vậy có lẽ nguyên nhân quan trọng của việc cơ quan chức năng chậm xử lý các đề nghị của Hội Nhà báo là “không vào cuộc do cho rằng vụ việc không nghiêm trọng”, hoặc tồn tại một lý do nào khác khiến cơ quan chức năng cảm thấy chưa cần ra tay xử lý rốt ráo vụ việc. Hay đó là…

***

… vụ việc nhạy cảm?

Cũng liên quan tới vụ phóng viên bị hành hung, ngày 12/1, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Bình có cuộc trao đổi với báo Tiền Phong, là tờ báo có phóng viên gặp nạn: “Vụ phóng viên Tiền Phong bị hành hung là vấn đề nhạy cảm, được báo chí và dư luận cả nước quan tâm theo dõi. Quá trình xử lý phải đảm bảo đúng trình tự pháp luật”.

Không rõ có gì “nhạy cảm” trong vụ việc này? Chẳng cần phải là một chuyên gia về luật pháp, cũng biết rằng hành hung người là tội hình sự cho dù người đó là ai (cho dù kẻ côn đồ đánh trọng thương nhà báo Võ Minh Châu được xác định là Dương Đình Trang - em trai Chủ tịch UBND xã Kỳ Thọ - đi nữa, thì bản chất sự việc cũng vẫn vậy).

Nếu nạn nhân bị hành hung là nhà báo đang tác nghiệp, thậm chí còn có thể coi đó là ngăn cản, chống người thi hành công vụ. Cơ quan chức năng cứ căn cứ vào đó để điều tra, xử lý theo đúng pháp luật mà thôi, chứ nếu coi đó là “vấn đề nhạy cảm”, e lại khó làm việc.

Hy vọng Bí thư Nguyễn Thanh Bình dùng từ “nhạy cảm” ở đây là theo một nghĩa khác của riêng ông, ví dụ nó tương đương với nghĩa “nghiêm trọng”.

***

“Dân bức xúc chủ yếu với các vụ tham nhũng nhỏ”

Tại cuộc họp triển khai công việc năm mới, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương, ông Vũ Tiến Chiến, dẫn ra một số vụ tham nhũng quy mô nhỏ, như trưởng thôn biển thủ 80kg ngô giống, người khác tư túi 90 triệu đồng tiền công đức... Ông đi tới kết luận: “Dân bức xúc chủ yếu với các vụ việc nhỏ. Chủ yếu là quan hệ của cán bộ với dân”.

Mới nghe qua phát biểu này thì người ta có thể nghĩ, như vậy nước ta cũng ít vụ tham nhũng lớn, không có nhiều vụ nghiêm trọng tới mức dân phải bức xúc. Tuy nhiên, nghĩ kỹ thì có thể thấy điều bất ổn: Tại sao người dân lại không bức xúc với các vụ tham nhũng quy mô lớn?

Tất nhiên, dân chúng sẽ bất bình với những trường hợp “ăn nhỏ”, “ăn vặt” mà họ chứng kiến hàng ngày ở nơi họ ở, hay tại cơ quan họ làm việc, tại công sở mà họ bị “hành”. Nhưng như thế không có nghĩa là họ bỏ qua những vụ tham nhũng lớn tầm quốc gia, ảnh hưởng đến lợi ích chung của đất nước, thậm chí đến quốc thể, đến các thế hệ tương lai. Nói cho đúng là, do nhiều khi thông tin “nhạy cảm” bị giữ kín, người dân không được biết tới nội tình các vụ tham nhũng quy mô lớn.

Nếu tham nhũng nhỏ có thể chỉ là một hành vi sai phạm, thì tham nhũng lớn phải bị coi là tội ác cần tiêu diệt. Nếu “dân bức xúc chủ yếu với các vụ việc nhỏ”, thì chứng tỏ họ không được biết tới các vụ việc lớn, và sự minh bạch thông tin của xã hội chúng ta “có vấn đề”. Quan chức nên lấy thực tế đó làm điều lo ngại.

***

“Người dân cần thông cảm với nhà đầu tư”

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng cho biết, thanh tra Bộ đã kết luận không có tiêu cực ở các trạm thu phí trên đường Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội).

Trước tình trạng các trạm thu phí đặt trên quốc lộ khá dày đặc và nhiều trạm có mức thu khá cao khiến người tham gia giao thông bức xúc, ông Hồ Nghĩa Dũng nói: “Mức thu phí do Bộ Tài chính quy định, với các tuyến đường do nhà nước đầu tư có mức thu thấp hơn, còn các tuyến được doanh nghiệp đầu tư theo hình thức BOT thì cao hơn 1,5- 2 lần để hoàn vốn”.

Về việc một số trạm thu phí không bán vé tháng hoặc vé trên nhiều tuyến, gây phiền hà cho người dân, Bộ trưởng nói: “Các trạm thu phí BOT do tư nhân quản lý thì họ càng phải kiểm soát chặt chẽ, vé xuất ra thì phải thu hồi ngay chứ quay lại thì dễ làm giả. Theo tôi, người dân cần thông cảm với nhà đầu tư”.

Mặc dù khuyến khích tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng là hoàn toàn đúng đắn, song nếu nhìn từ quyền lợi của người dân, sẽ thấy việc Nhà nước đấu thầu và lựa chọn nhà đầu tư như thế nào, người dân đâu có biết (càng không được tham gia chọn nhà thầu), nên nếu bắt họ phải trả phí cao hơn trên những đoạn đường Nhà nước “bán” cho đơn vị đầu tư nhân nào đó, là không công bằng đối với họ.

Ấy là chưa kể, với tư cách “khách hàng”, người dân cũng không được chọn lựa tuyến đường nào thu phí phù hợp hơn, tức không được chọn sản phẩm dịch vụ có giá cả cạnh tranh hơn. Đây là tình trạng khách hàng bị “ép” giá, Nhà nước và nhà đầu tư nên thông cảm và tìm biện pháp phục vụ quyền lợi của khách hơn là kêu gọi họ thông cảm ngược lại.

Ở những quốc gia dân chúng “khó tính”, ít chịu “thông cảm”, thì họ không cần biết đường họ đang đi là do ai xây, và không chấp nhận việc trả phí chỗ này cao hơn chỗ khác chỉ vì lý do chỗ này nhà đầu tư phải bỏ ra nhiều tiền hơn chỗ khác.

***

Đổi tên trường Ams “cần trí tuệ tập thể”

Tuần qua, diễn đàn của học sinh trường Hà Nội – Amsterdam xôn xao chuyện Thành phố định đổi tên trường vào giữa năm 2010, khi công trình xây dựng một ngôi trường mới (trên khu đất khác, do Ban Giám hiệu trường Hà Nội – Amsterdam làm chủ đầu tư) được khánh thành.

Ngay sau đó, một vị lãnh đạo thành phố đã nói với VnExpress rằng, không có chuyện đổi tên trường Hà Nội – Amsterdam hiện nay; còn tên trường ngôi mới sẽ do Ban giám hiệu của Hà Nội – Amsterdam đề xuất, có điều Thành phố sẽ quyết định một tên gọi để phù hợp với tính chất của công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.

Về phía Sở GD-ĐT thành phố, Giám đốc Sở, ông Nguyễn Hữu Độ, cho biết có hai phương án: Hoặc chuyển trường Hà Nội – Amsterdam sang vị trí mới và đổi tên, hoặc thành lập tại vị trí mới đó một ngôi trường mới.

“Điều đó sẽ được bàn bạc kỹ trong lãnh đạo Sở để quyết định… Còn đặt tên là gì, sau đây, chúng tôi sẽ tiếp tục nghĩ và bàn thêm sau khi thống nhất phương án có chuyển hay không… Đây là một vấn đề cần phải được quyết định bằng trí tuệ tập thể sau khi họp bàn thống nhất, chúng tôi sẽ thông tin với báo chí. Có thể đặt tên theo địa danh là Trường Chuyên Hà Nội”. (VietNamNet, 14/1)

Như vậy, cho đến giờ, việc trường Hà Nội – Amsterdam “được” đổi sang tên khác mới chỉ là một trong các khả năng chứ chưa phải là “Thành phố đã quyết định”. Sở dĩ có nhiều ý kiến thắc mắc và bức xúc, là bởi lẽ ngôi trường đang xây kia cũng do Ban Giám hiệu Hà Nội – Amsterdam đầu tư, nên dư luận dễ tưởng là trường mới cũng thuộc về Hà Nội – Amsterdam. Rắc rối là ở chỗ đó.

Còn vấn đề tên, nhưng ông Nguyễn Hữu Độ nói, là vấn đề “cần phải được quyết định bằng trí tuệ tập thể sau khi họp bàn thống nhất” – cũng là hoàn toàn chính xác. Tuy thế, không rõ “trí tuệ tập thể” bao gồm những tập thể và cá nhân nào, nhưng hình như trong số đó không có đại diện của học sinh hiện nay cũng như các cựu học sinh Hà Nội – Amsterdam – những người đã góp phần đáng kể làm nên thương hiệu gần 30 năm nay của ngôi trường chuyên nổi tiếng nhất Hà thành.

Ngay cả ý kiến của Ban Giám hiệu trường thì cũng chỉ là một “đề xuất”, trên cơ sở đó lãnh đạo Thành phố sẽ ra quyết định. Điều này có lẽ là hơi vô lý, nhất là khi Ban Giám hiệu trường lại là chủ đầu tư của công trình xây dựng trường mới kia – lẽ nào lại không được quyền tự chọn tên cho mình?

“Trí tuệ tập thể” có được huy động thật hay không, dân chủ cơ sở có được thực thi hay không, là thể hiện ở những trường hợp như thế này. Ngoài ra, cũng cần phải nói thêm rằng nếu đổi tên cho một ngôi trường đã có thương hiệu gần ba chục năm thì cần một lý do nào đó thật sự quan trọng hơn việc “kỷ niệm 1000 năm Thăng Long”.

***

Mê mải tri ân nền giáo dục Xô Viết trên sóng VTV

Sau năm tháng đều đặn phát các phóng sự về chủ đề “Thầy trò Xô - Việt”, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp cũng với tên gọi “Thầy trò Xô - Việt”.

Ông Trần Đăng Tuấn, Phó TGĐ VTV, phát biểu: “Không chỉ là một việc làm tình nghĩa, chúng ta cũng cần nhân dịp này để tìm kiếm và suy nghĩ lại xem nền giáo dục Xô Viết đã làm cho chúng ta được những gì. Vì tại sao đến lúc này, chúng ta đã có hàng trăm ngàn du học sinh đến hàng trăm nước khác trên thế giới, nhưng không du học sinh Việt Nam ở đâu có sự gắn bó đến máu thịt như chúng tôi ngày xưa với nước Nga?”. (Tuổi Trẻ)

Thực ra, nếu VTV tiến hành phỏng vấn nhiều lưu học sinh ở các nước khác, sẽ thấy rằng nền giáo dục khác và người dân các nước XHCN khác (Hungary, Romania, CHDC Đức…) cũng đối xử tình nghĩa không kém với lưu học sinh Việt. Cũng không có gì đảm bảo là “chúng ta đã có hàng trăm ngàn du học sinh đến hàng trăm nước khác trên thế giới, nhưng không du học sinh Việt Nam ở đâu có sự gắn bó đến máu thịt như chúng tôi ngày xưa với nước Nga”.

Có chăng, chỉ là lượng lưu học sinh Việt Nam ở Liên Xô khi trước đông gấp nhiều lần lưu học sinh tới các quốc gia khác, nên dễ tạo cảm giác như vậy. (Đấy là còn chưa nói đến chuyện ngay Mỹ và nhiều nước phương Tây khác cũng là các quốc gia mà từ thời mở cửa, đã đào tạo hiệu quả không ít học sinh, sinh viên cho chúng ta).

Ngoài ra, trên cương vị một đài truyền hình quốc gia, hoạt động chính thức bằng kinh phí Nhà nước (cũng là tiền thuế của nhân dân), VTV nên có sự cân đối giữa tình cảm (của lãnh đạo, hoặc nhiều hơn, của một nhóm – cộng đồng những người từng học ở Nga) với những lợi ích khác cho khán giả và quốc gia, tóm lại là nên công bằng hơn.

Tại sao lại không có những sự kiện được quảng bá rầm rộ như thế, tổ chức cho thầy cô giáo và du học sinh ở các nước khác? Nếu được biết VTV có sự “nhất bên trọng…” này, những nước khác có thể nghĩ gì về chúng ta?