Saturday 11 April 2009

Tóm lược hội thảo khai thác bauxite Tây Nguyên




Truyền thống của làng báo điện tử Việt Nam là bài nếu có cái sai nhỏ thì len lén vào sửa, có cái sai lớn thì rút xuống phi tang. Nay Trang the Ridiculous xin phép giẫm đạp lên truyền thống: không sửa, để nguyên các lỗi và khuyến cáo bạn đọc thận trọng với đoạn có gạch dưới.

Cảm ơn chị Lilia đã nhắc nhở. Tiếc là em không có thời gian để làm một entry chi tiết về tranh cãi Trương Nhân Tuấn và Dương Danh Huy và một entry nghiêm túc về hội thảo bauxite hôm 9/4 vừa rồi.


+++++++

Kể ra cũng thú vị khi chứng kiến những cuộc tranh luận dữ dội như vụ Trương Nhân Tuấn vs. Dương Danh Huy (về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông), Trịnh Cung vs Trịnh Công Sơn và các độc giả vs nhau, hoặc bên ủng hộ và bên chống các dự án bauxite ở Tây Nguyên.


Sẽ rất ngạo mạn nếu tôi nói rằng các cuộc tranh luận tuy có rất nhiều ý kiến và các bài viết, tham luận dài dằng dặc, nhưng đều có thể được tóm tắt lại chỉ trong một số ý chính khá… đơn giản (nhưng ra phán quyết ai đúng ai sai, giải pháp cuối cùng v.v. thì lại không đơn giản).


Vụ Trương Nhân Tuấn đả Dương Danh Huy (từ “đả” ở đây không hàm ý xấu, tôi dùng chỉ vì nó là một từ ngắn) chẳng hạn. Tranh cãi quyết liệt, người này bảo người kia thỏa hiệp (thậm chí nặng hơn - gián điệp Tàu), hoặc sai lầm trên phương diện khoa học… Tôi không hiểu mình có nhầm không – cái óc nặng nề ấy phải lâu mới nhớ ra và lâu mới hiểu. Nhưng vừa theo dõi vừa nghĩ thì thấy hai ông khác biệt nhau ở điểm này:


Dương Danh Huy: Việt Nam nên đề nghị vùng lãnh hải 12 hải lý quanh Hoàng Sa và quanh Trường Sa. Ít thế thôi, để còn giữ hòa khí với các nước Đông Nam Á, cùng các nước đó chống lại đối thủ lớn là Trung Quốc. Đừng tiếc. Ở đời phải biết mình là ai chứ.

Trương Nhân Tuấn: Việt Nam dứt khoát phải có vùng lãnh hải, đặc quyền kinh tế 200 hải lý quanh Hoàng Sa và Trường Sa, để mất vào tay Trung Quốc là cực kỳ nguy hiểm, coi như mất cả chủ quyền trên Biển Đông. Không lùi bước, không có mặc cả gì cả, biết Trung Quốc thế nào mà thỏa hiệp; hay là muốn bán nước à?


Về mặt luật quốc tế, 12 hải lý hay 200 hải lý là đúng thì tùy định nghĩa về HS – TS, là đá hay là đảo. Chỗ này luật quốc tế lại không quy định rõ ràng, cụ thể nên giải thích kiểu gì cũng được; HS – TS là đá mà cũng có thể là đảo... Vậy vấn đề chốt lại chỉ là phản ứng của Trung Quốc và khu vực sẽ thế nào với các đòi hỏi của VN, và cách ứng xử với Trung Quốc nên ra sao… Nhưng cái này thì ai mà biết! Có khi Trung Quốc và cả khu vực sẽ lồng lên, bảo Việt Nam tham lam, rồi căng thẳng gia tăng, tranh chấp mãi không bên nào nhịn bên nào. Có khi Trung Quốc sẽ nhún vì thấy đuối lý hoặc vì “mềm nắn rắn buông”. Chịu, không đoán được.


Vụ bauxite Tây Nguyên cũng vậy. Hội thảo 9/4 tại khách sạn lớn Melia Hà Nội được xem như sự kiện lịch sử - hình như đây là lần đầu tiên từ năm 1975 có phản biện, chất vấn công khai giữa các nhà khoa học và nhà đầu tư dự án (mà đứng sau lưng là chính quyền), đại biểu ngồi nghe ai cũng cho mình là đúng, và rất chăm chú, không ai bỏ về trước (như đa số hội thảo khác).


Tuy nhiên toàn cuộc tranh luận kéo dài từ 8h30 sáng đến 6h30 tối này, theo thiển ý của ngu Trang the Ridiculous, cũng có thể được tóm tắt lại như sau:

Bên phản đối dự án nêu các lý do môi trường, quốc phòng, hiệu quả kinh tế… để đề nghị stop dự án. Bên ủng hộ (nhà đầu tư + chính quyền TW và địa phương) đáp (cực kỳ thành khẩn): Vâng, vâng, chúng tôi biết, chúng tôi xin tiếp thu hết các ý kiến tâm huyết và xác đáng của các nhà khoa học. Chúng tôi cam kết sẽ không để những rủi ro đó xảy ra. Chúng tôi sẽ có trách nhiệm xã hội chứ, các vị yên tâm. Chúng tôi hứa. Chúng tôi thề.


Kiểu như, bên khoa học bảo: Dự án này gây ô nhiễm môi trường!

Bên đầu tư trả lời: Vâng, đúng là có gây ô nhiễm. Nhưng công nghệ hiện giờ cho phép xử lý ô nhiễm. Chúng tôi xin cam đoan sẽ sử dụng công nghệ hiện đại để bảo vệ môi trường.


Bên khoa học: Dự án này lôi kéo bao nhiêu người Trung Quốc vào Việt Nam, nguy hiểm lắm, hại an ninh quốc phòng lắm.

Bên đầu tư: Vâng, vâng. Chúng tôi sẽ hạn chế số người Trung Quốc vào Việt Nam. Và quả thật là cho đến giờ cũng mới có 500 người Trung Quốc tới Tây Nguyên để làm công tác giám sát dự án thôi mà, có làm gì đâu. Sau này chúng tôi sẽ đào tạo dân địa phương làm việc (mà cũng đang đào tạo rồi đấy), không tuyển người Trung Quốc đâu ạ.


Bên khoa học: Hiệu quả kinh tế của dự án thấp!

Bên đầu tư: Vâng, đúng là trước kia, theo tính toán của chúng tôi, hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhưng tính toán xong thì lại có khủng hoảng kinh tế (đời nó lại chó thế chứ! – Trang the Ridiculous), vậy nên hiệu quả chắc sẽ giảm – giảm bao nhiêu thì chúng tôi sẽ xem xét điều chỉnh lại và sẽ công khai!


(Chỗ này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói một câu mà tôi thấy rất dân dã và đi vào lòng người: “Anh San (ông Phạm Bích San, đại diện VUSTA) có nói là hiệu quả kinh tế của dự án thấp. Vâng, đúng. Thấp thôi, chỉ thấp thôi, chứ lại như các đồng chí nào đó bảo là lỗ thì buồn quá! Làm dự án mà lại để lỗ thì buồn quá!”).


* * *


Nhà đầu tư (Tập đoàn Than – Khoáng sản VN, TKV) đã chuẩn bị rất kỹ các luận điểm luận cứ để khẳng định rằng họ sẽ cư xử rất có trách nhiệm với đất nước, với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của vùng… Sẽ không để ai nghèo đói, không để môi trường bị tàn phá, không để văn hóa vùng bị mai một, không để an ninh quốc phòng bị đe dọa. Những gì các chuyên gia của TKV trình bày đều hợp lý, khoa học. Chưa kể nhiều chỗ chắc chắn là họ - những người trong ngành khoáng sản - hiểu hơn tất cả mọi chuyên gia thuộc các ngành khác, lý lẽ họ đưa ra chắc chắn chặt chẽ hơn.


Nhưng ở đây chỉ nổi lên 2 vấn đề:


1/ TKV là một doanh nghiệp. Vậy thì, chính phủ và TKV ơi, xin hãy đặt chức năng làm ra lợi nhuận của doanh nghiệp lên hàng đầu, còn chuyện trách nhiệm xã hội thì để sau đi. Ai cần TKV hy sinh tiền của đầu tư cho dự án bauxite, mà chỉ để phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên. TKV cứ lo việc làm ra lợi nhuận cho mình đi đã.


2/ TKV hứa sẽ làm tất cả để xã hội yên tâm về dự án: nhập công nghệ tốt, đào tạo nhân lực địa phương tốt, giám sát nhà thầu Trung Quốc thật cẩn thận, tóm lại là sẽ bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, giữ vững an ninh quốc phòng v.v.

Nhưng, nếu TKV không thực hiện được như thế thì sao nhỉ?


Giá như có một điều luật nào đó (hay một cái gì tương tự) nói rằng: OK, cứ triển khai đi, nhưng nếu TKV không làm được như cam kết, thì lãnh đạo TKV bị xử bắn, nhân viên TKV bị bỏ tù v.v. Thì chắc là sẽ chẳng có chuyện “Chúng tôi hứa, xin Đảng, Nhà nước và Nhân dân cứ an tâm” đâu. Khéo lại chả còn dự án nào nữa ấy chứ.


Tóm lại, xin được khái quát hóa vụ tranh luận về bauxite hôm 9/4 vừa rồi như thế này: A và B bất đồng ý kiến. A bảo B làm việc ấy, việc ấy sẽ đi vào sai lầm. B xin tiếp thu và hứa sẽ làm mọi cách để sai lầm không xảy ra. A hết nói.


+++++++


Kết: Trang the Ridiculous không bảo là A đúng B sai hay ngược lại đâu nhé, chỉ khái quát hóa, giản lược hóa cuộc tranh luận như vậy thôi. Còn A, B đúng sai thế nào, tương lai sẽ trả lời.


Dù vậy, nói nhỏ với các bạn, theo thiển ý của ngu Trang thì… khó mà tin ở trình độ quản lý, giám sát và công nghệ của nhà mình lắm, hẹ hẹ. Tuy nhiên, sau này nếu có chuyện gì xảy ra, chúng ta cũng sẽ không được biết đâu, nên khuất mắt trông coi, ta cứ yên tâm.


Còn các thế hệ sau ta phải tự lo đời chúng nó chứ. “Trẫm chết rồi, đời sau thế nào thì mặc” (Louis XIV).