Monday 2 March 2009

Ma Chiến Hữu




Gửi tác giả Vũ Hoàng Linh của bài viết “Ma chiến hữu – bản tụng ca hay khúc tưởng niệm?”


Chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin: Bài viết của tác giả đã được đẩy lên mạng vào hồi 10h sáng thứ hai, ngày 2/3, và tới 14h30 cùng ngày đã bị dỡ bỏ.


Để tỏ lòng trân trọng đối với tác giả, chúng tôi xin đăng toàn văn bài viết này trên blog (như ở dưới). Chúng tôi rất tiếc không thể làm gì hơn.


Tiếp ngay sau đây sẽ là một phần việc hứa hẹn mang lại nhiều mệt mỏi và buồn tẻ. Đó là phần QUY TRÁCH NHIỆM. Mặc dù vậy, chúng tôi xin hứa sẽ đảm bảo sự trong sạch tuyệt đối cho tác giả.


Trân trọng



++++++

Ma chiến hữu - bản tụng ca hay khúc tưởng niệm?

02/03/2009 11:29


"Một cách nghĩ khác về chiến tranh. Một cách ca tụng riêng về chủ nghĩa anh hùng. Cuộc đối thoại giữa hai cõi âm dương, sự vướng lụy giữa con người và ma quỷ". Đó là lời giới thiệu nằm ở bìa 4 tiểu thuyết Ma chiến hữu của nhà văn Mạc Ngôn, tác phẩm kể về số phận những người lính Trung Quốc sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1979.

Tên sách: MA CHIẾN HỮU

Tác giả: Mạc Ngôn

Dịch giả: Trần Trung Hỷ

Phát hành: NXB Văn học và Công ty Văn hóa Phương Nam

*****


Cuốn sách này nằm trong bộ sách 7 cuốn (*) của nhà văn Trung Quốc nổi tiếng Mạc Ngôn do dịch giả Trần Trung Hỷ chuyển ngữ.


Mạc Ngôn hẳn là một cái tên không còn xa lạ với độc giả Việt Nam. Các tiểu thuyết nổi tiếng của ông như Báu vật của đời, Đàn hương hình… từng gây xôn xao trên văn đàn Việt Nam, và nằm trong những cuốn sách bán chạy nhất trên thị trường. Chúng cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới cách viết và đề tài viết của các nhà văn Việt Nam.


Không có độ dày đồ sộ như Báu vật của đời và Đàn hương hình, Ma chiến hữu là một cuốn sách mỏng, chưa đầy 200 trang.


Tiểu thuyết Ma chiến hữu (dịch từ tên tiếng Trung “Chiến hữu trùng phùng”, Nhà xuất bản Dân tộc xuất bản năm 2004) kể về số phận những người lính Trung Quốc sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1979.


Mở đầu tiểu thuyết là cuộc hội ngộ giữa hai cựu chiến binh Quân Giải phóng Trung Quốc nhiều năm sau chiến tranh: Triệu Kim - cũng là nhân vật kể chuyện, giữ chức Tiểu đội phó trong chiến tranh và nay là sĩ quan Quân Giải phóng, và Tiền Anh Hào - thượng sĩ trong chiến tranh, nay là một hồn ma.


Triệu Kim và Tiền Anh Hào là hai người bạn thân từ thuở nhỏ, cùng lớn lên ở một làng quê nghèo tại một tỉnh miền nam Trung Quốc, từng cùng nhập ngũ và ở chung đơn vị, từng cùng mê say một cô gái, nhưng lúc này, họ thuộc hai thế giới vừa cách biệt lại vừa hòa quyện vào nhau.


Cuốn tiểu thuyết phảng phất chất u linh như trong Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh: Các nhân vật người và ma gặp gỡ nhau trên cành cây, cùng uống rượu, câu cá, tán chuyện với nhau, hồi tưởng lại các kỷ niệm hồi nhỏ, và nhất là các kỷ niệm trong quân ngũ.


Thân phận người lính Quân Giải phóng Trung Quốc đi qua chiến tranh được Mạc Ngôn mô tả bi thảm, ngậm ngùi. Đó là người lính “đại anh hùng” Tiền Anh Hào sau khi thành ma: “Bộ quân phục của anh ta đã mục nát, tôi vừa chộp tay vào là nó đã rách toác trông như một loại giấy bồi bị thấm nước… Gương mặt đầy mụn sần sùi màu đỏ bầm đã kề sát mặt tôi: té ra là người cùng làng, là đồng đội của tôi, là Tiền Anh Hào, người đã hy sinh vào tháng hai năm một ngàn chin trăm bảy mươi chín trong một trận phản kích”.


Đó là Quách Kim Khố, cựu chiến binh, trở về quê cùng quẫn, cay đắng, chỉ biết đánh vợ, chửi bới, uống rượu và đập phá. Đó là Triệu Kim, cô độc sau chiến tranh, bạn bè thì kẻ chết, người như hóa dại.


“Chẳng cần người chết phải bận tâm”


Sự vô nghĩa của cuộc chiến tranh này (từ phía Trung Quốc) được Mạc Ngôn mô tả rất tài tình. Nhân vật trung tâm của tiểu thuyết là Tiền Anh Hào, người làm gì cũng dễ dàng, từ ném lựu đạn, đánh giáp lá cà cho tới “cưa gái”. Tiền Anh Hào được bạn bè dự đoán sẽ nổi bật trong chiến tranh, sẽ thành tư lệnh trong tương lai, sẽ lập nên sự nghiệp hiển hách, hùng tráng…


Nhưng kết cục của vị tráng sĩ này lại hết sức lãng xẹt. Anh ta tử trận trong trận đánh đầu tiên của mình, khi chưa lập được “chiến công” nào cho Giải phóng quân Trung Quốc. Nguyên nhân chỉ tại cái mông nhô lên quá cao của viên Tiểu đội trưởng nhát gan khiến cả tiểu đội lính Trung Quốc trở thành mồi cho pháo kích của đối phương. Ở đây như thể có một tiếng cười mỉa mai của tác giả, hay một lời than tiếc cho một cuộc chiến tranh “đầu voi đuôi chuột”, danh bất xứng nên ngôn cũng bất thuận.


Cái nhìn phê phán của Mạc Ngôn với cuộc chiến tranh tháng Hai năm 1979 còn được thể hiện qua tâm trạng đau xót của một ngàn hai trăm linh bảy hồn ma lính Trung Quốc tử trận. Đó là nỗi đau về thể xác, như lời bài thơ của một thi sĩ - tử sĩ trong quân đội Trung Quốc:


“Ai da! Đau quá! Đau quá, mẹ ơi! Đau quá,

Thân hình con đã bị đạn xuyên qua.

Viên đạn xuyên qua đập vào thân cây con đang tựa,

Nó cũng bị thương rồi kêu lên thê thảm: Mẹ ơi!”


Nhưng còn nữa là nỗi đau tinh thần, là tâm trạng bàng hoàng, cay đắng của hàng ngàn hồn ma quân sĩ từng hăm hở xông trận khi nhận ra họ chết vô nghĩa. Dẫu cho những lời huấn thị của viên chính trị viên sư đoàn có hăm hở thế nào cũng không làm khuây khỏa được tâm sự của họ.


Thêm một chi tiết đáng chú ý: Khi những người lính này chết trận, họ vẫn sinh hoạt quân ngũ như khi còn sống, và vẫn được chính trị viên chỉ đạo tư tưởng: “Không hiểu cũng chẳng sao, chuyện quốc gia đại sự không cần dân đen lo lắng, cũng chẳng cần người chết phải bận tâm”.


Có thật là “chủ nghĩa anh hùng”?


Trên lời quảng cáo ở bìa 4 bản dịch tiếng Việt của cuốn sách có nhắc tới “chủ nghĩa anh hùng”. Tôi không rõ đó là lời đề tựa của tác giả, của dịch giả, của nhà xuất bản phía Trung Quốc, hay nhà xuất bản Việt Nam.


Cũng không rõ dụng ý của Nhà Xuất bản Văn học và Công ty Văn hóa Phương Nam là gì khi giới thiệu cho bạn đọc về “chủ nghĩa anh hùng” của những người lính nước ngoài từng tham chiến ở Việt Nam.


Dù sao đi nữa, tôi cũng không tìm thấy lời ca ngợi chủ nghĩa anh hùng trong Ma chiến hữu, chỉ tìm thấy trong đó tâm trạng rã rời, xót xa của những người lính Trung Quốc. Điều Mạc Ngôn muốn nói hẳn không phải là chủ nghĩa anh hùng mà là tình đồng đội của những người lính cùng đi qua chiến tranh, ngay cả khi cuộc chiến đó bị lột trần, trở nên vô nghĩa trong mắt họ.


Có thể nói, Ma chiến hữu là “cố gắng” hiếm thấy của Nhà xuất bản Văn học khi giới thiệu cho độc giả Việt Nam tác phẩm của một nhà văn Trung Quốc nổi tiếng viết về chiến tranh biên giới 1979. Từ đó, độc giả có thể biết thêm cách nhìn của người Trung Quốc, nước láng giềng gần gũi với Việt Nam trong hơn 1000 năm qua.


Cuốn sách cũng như một lời gợi nhớ tới những sự kiện tháng Hai năm 1979, những sự kiện mà người Việt Nam chúng ta không bao giờ được lãng quên, khi có nhiều chiến sĩ và đồng bào đã nằm lại nơi biên cương Tổ quốc vì bom đạn chiến tranh.


Chỉ tiếc rằng lời gợi nhớ ấy lại đến từ một tác phẩm của nước bạn, và cho đến nay, vì nhiều lý do, người đọc Việt Nam khó lòng tìm thấy trong rừng sách xuất bản hàng năm những cuốn sách của các tác giả Việt Nam viết về cuộc chiến tranh này. Trong khi ở Trung Quốc, các nhà văn như Mạc Ngôn có thể viết về chiến tranh 1979, các cựu chiến binh có thể viết hồi ức về nó thì ở nước ta, hình như nó lại là một đề tài “nhạy cảm” nên tránh?


Gần đây, tập truyện ngắn Rồng đá của hai nhà văn Vũ Ngọc Tiến và Lê Mai do nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành bị thu hồi vì một số truyện bị coi là “có vấn đề”, trong đó có truyện ngắn Chú Mìn Phủ và tôi lấy bối cảnh chiến tranh biên giới 1979. Trong khi đó, tiểu thuyết Ma chiến hữu đề cập tới cùng cuộc chiến tranh đó của một tác giả Trung Quốc lại được phát hành.


Ở khía cạnh nào đó, việc không in Chú Mìn Phủ và tôi cũng có những lý do nhất định: Truyện khai thác sự ghê rợn và tàn bạo trong chiến tranh với những tình huống giật gân. Thế nhưng sự có mặt của Ma chiến hữu và sự vắng mặt của Rồng đá, hay những tiểu thuyết, hồi ký khác của Việt Nam về chiến tranh biên giới, trên các kệ sách cũng cho thấy sự bất hợp lý trong công tác xuất bản tại Việt Nam. Nên chăng có một sự đánh giá cởi mở và khách quan hơn cho các nhà văn của chúng ta?


Như lời nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã nói trong một bài trả lời phỏng vấn: “Sự thực phải được nói ra. Mình chỉ nói sự thực thôi. Sự thực không được nói là cắt xén lịch sử. Như vậy sẽ nguy hiểm, bất lợi cho thế hệ mai sau”.


Đừng trách nếu các thế hệ tương lai của Việt Nam thờ ơ với lịch sử dân tộc, biết về Càn Long nhiều hơn về Quang Trung, về Đặng Tiểu Bình nhiều hơn về các nhà lãnh đạo xuất sắc của Việt Nam trong thế kỷ 20.


Có gì lạ đâu khi họ biết về “tài đức” của Càn Long qua các bộ phim truyền hình được “nhập khẩu” rộng rãi, chứ không biết rằng vị vua nhà Thanh này từng gửi hơn 20 vạn quân đưa Lê Chiêu Thống về nước năm 1789. Có gì lạ đâu khi những cuốn sách ca ngợi “nhà cải cách vĩ đại Đặng Tiểu Bình” được bày bán rộng rãi nhưng các phê phán về chuyện “đối nội, đối ngoại” của nhân vật lịch sử này lại hầu như vắng bóng.


Vũ Hoàng Linh


(*) Bao gồm các cuốn: Châu chấu đỏ, Bạch Miên Hoa, Trâu thiến, Con đường nước mắt, Ma chiến hữu, Hoan lạc (tiểu thuyết - bút ký), Người tỉnh nói chuyện mộng du (tạp văn). Tất cả các cuốn này đều do dịch giả Trần Trung Hỷ chuyển ngữ, Công ty Văn hóa Phương Nam cùng Nhà Xuất bản Văn học liên kết phát hành.