Friday 18 December 2015

Cơ quan An ninh Điều tra lợi dụng việc thăm nuôi để ép cung?

Chiều 18/12, trong cái lạnh của mùa đông Hà Nội 2015, một nhóm các blogger gồm Đặng Bích Phượng, Anh Chí (tên thật là Nguyễn Chí Tuyến), Gió Lang Thang (Trịnh Anh Tuấn), Mai Tuyết Thanh, Trung Nghĩa, Hà Vân, Lee Nguyễn, Mạnh Cường, Lý Quang Sơn... đã đến văn phòng tiếp dân của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao để hỏi thông tin về tình trạng của chị Lê Thu Hà (SN 1982), người vừa bị Cơ quan An ninh Điều tra (ANĐT) Bộ Công an bắt giam sáng 16/12 cùng luật sư Nguyễn Văn Đài.

Ba vấn đề mà các blogger muốn tìm hiểu là: 1. Chị Lê Thu Hà bị bắt vì tội gì? 2. Hiện tại, chị đang bị giam giữ ở đâu, và tình trạng sức khỏe của chị ra sao trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ ngoài trời 12-13 độ C? 3. Quy chế thăm nuôi, tiếp tế cho chị Hà?

Tuy nhiên, chuyến viếng thăm của các blogger đến văn phòng tiếp dân của Viện KSND TC không đạt kết quả gì vì văn phòng... nghỉ họp (và ngày hôm nay nghỉ thì sáng nay mới ra thông báo, tình trạng cũng tương tự như ở Ban Tiếp dân TƯ ở số 1 Ngô Thì Nhậm).

Các blogger lại tiếp tục đến số 7 Nguyễn Đình Chiểu, nơi được cho là một trong các trụ sở của cơ quan ANĐT Bộ Công an. Tại đây, cán bộ trực văn phòng xác nhận với họ rằng chị Lê Thu Hà “đang bị tạm giữ” ở B14, là trại tạm giam thuộc Cục ANĐT, Tổng cục II, Bộ Công an.

Do tiết trời những ngày này quá lạnh, các blogger khá lo ngại về điều kiện ăn ở và tình hình sức khỏe của chị Lê Thu Hà, và họ mong muốn gửi cho chị Hà một ít quần áo ấm. Trực ban của Cơ quan ANĐT nhận gửi giúp, song họ cũng nói rõ “nơi đây chỉ tiếp nhận đơn từ thôi chứ không làm việc này”, “chúng tôi không có thẩm quyền”.

Các blogger tỏ ý muốn trực tiếp thăm nuôi chị Hà. Người trực ban nói: “Bây giờ không vào thăm được đâu. Phải có đơn, mà phải qua gia đình cơ, chứ bạn bè thì hơi khó đấy”. Ông hướng dẫn thêm, rằng bạn bè muốn gửi đồ cho chị Hà thì phải làm đơn gửi cơ quan ANĐT, đơn phải kèm xác nhận của CA phường nơi chị Hà đăng ký hộ khẩu thường trú (ở tận Quảng Trị). Hỏi: “Xác nhận cái gì?”. Đáp: “Xác nhận nhân thân chị Hà... À mà thế thì phải là người nhà cơ, bạn bè không thăm nuôi được đâu”.

Hỏi: “Trời, thế là người độc thân thì sao? Chúng tôi là bạn của Hà, chúng tôi biết. Cô ấy là phụ nữ, chưa có gia đình, bố mẹ ở Quảng Trị, em gái thì đang ốm bệnh, chỉ có mỗi người anh trai ở đây. Hoàn cảnh neo đơn mà sức khỏe cô ấy cũng kém lắm”.

Đáp: “Chúng tôi cũng chả biết nữa. Nhưng mà các anh chị không phải lo. Trong đấy, có bác sĩ, có chăn đệm, có quần áo. Bây giờ thì không được gặp nhưng sau này các anh chị gửi tiền cho cô ấy được mà. Có quy định rồi, mỗi tháng cứ gửi 1 triệu (đồng) là đủ”.

Các blogger bật cười: “Nghe cứ như ở khách sạn ấy nhỉ?”. Blogger Trung Nghĩa hỏi tiếp: “Vâng, nhưng vấn đề là hiện giờ Hà không có đồng nào trong người cả. Hoàn cảnh cô ấy như vậy, là bạn bè, chúng tôi không đành lòng. Vậy phải làm thế nào?”.

Người trực ban của cơ quan ANĐT cười trừ. Hỏi thêm nhiều lần, ông chốt lại rằng “phải làm đơn xin thăm gặp, gửi cơ quan ANĐT, mà cũng phải là người nhà mới được”.

Cơ quan ANĐT giữ quyền xét duyệt đơn "xin" thăm nuôi

Vấn đề đặt ra là: Tại sao việc thăm nuôi một người đang bị tạm giam/ tạm giữ lại không phải do trại giam quyết định, mà do cơ quan ANĐT kiểm soát? Tại sao cơ quan ANĐT lại có thể có quyền yêu cầu thân nhân của người bị tạm giam/ tạm giữ “làm đơn xin thăm gặp” và xét duyệt đơn đó?

Với cái quyền to lớn ấy, lấy gì đảm bảo cơ quan ANĐT không lợi dụng để gây sức ép lên người bị tạm giam/ tạm giữ, theo kiểu “anh/chị có thái độ thành khẩn, có hợp tác, thì mới được thăm nuôi” (!)

Thêm nữa, vì lý do gì mà chỉ có thân nhân (bố mẹ, anh chị em ruột, vợ/chồng, con cái) mới “được quyền” thăm nuôi người bị tạm giam/ tạm giữ, còn bạn bè, người quen thì không? Trong khi đó, cơ quan ANĐT hẳn quá biết là rất nhiều người hoạt động xã hội, người đấu tranh chính trị... phải gần như thoát ly, hoặc ít nhất cũng phải tránh mặt gia đình, để khỏi làm phiền họ. Khi hoạt động, khi đấu tranh thì hy sinh gia đình, tới lúc bị giam thì chỉ có gia đình mới được vào thăm nuôi... Cơ quan ANĐT của Bộ Công an Việt Nam thật là khéo sử dụng vũ khí tâm lý để hành hạ đối thủ.

Thực chất, những việc ANĐT đang làm - từ bắt giam người vô tội, đến việc gây sức ép lên thân nhân và lên bản thân người bị bắt qua việc “xét duyệt thăm nuôi” - là vi phạm trầm trọng quyền con người: quyền tham gia chính trị, quyền lập hội của công dân; rồi quyền được tiếp xúc với gia đình, với luật sư; quyền được tiếp cận thông tin... của người bị tạm giam/ tạm giữ/ tù.

Riêng việc gây sức ép lên người bị tạm giam/ tạm giữ - chẳng hạn bằng cách để họ nằm bệ xi măng, không chăn đệm, không quần áo ấm, giữa mùa đông giá rét - đã chính là một hình thức tra tấn.

Các blogger trước cổng phòng Tiếp Công dân, Viện KSND TC, 2h chiều 18/12/2015.
Ảnh: Lee Nguyen