Monday 14 June 2010

Lại "ôn cố tri tân": Nhân chuyện Ba Vì, nhớ thủ đô hụt Xuân Hòa

Ngoài lề một tí, vui vui một tí: Khi tôi hỏi một nhân chứng (quan chức thời trước) rằng chủ trương mở rộng lên Xuân Hòa có đưa ra Quốc hội không (cũng biết câu trả lời rồi), ông nói như gắt lên: "Bù nhìn!".

Thế nghĩa là kiểu gì bây giờ cũng hơn, các bạn ạ. Vì bây giờ Quốc hội còn được hỏi ý kiến (có được lắng nghe hay không là chuyện khác, tính sau nhé).


http://phapluattp.vn/20100613113955584p0c1085/nhan-chuyen-ba-vi-nho-thu-do-hut-xuan-hoa.htm

+++++++

Gần đây, khi Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long tới gần và dự án chuyển thủ đô hành chính lên Ba Vì bắt đầu gây dư luận, những câu chuyện về các ngôi thành cổ và thủ đô cũ của Việt Nam, cũng như các mốc phát triển Hà Nội, được nhắc tới nhiều. Thảng hoặc cũng có người nói tới một dự án diễn ra cách đây đã hơn 40 năm ở mảnh đất phía tây bắc Hà Nội ngày nay – Xuân Hòa. Rất ít người biết, hoặc còn nhớ rằng đã có một thời kỳ Xuân Hòa “suýt” trở thành thủ đô hành chính của Việt Nam.

Nằm cách Hà Nội khoảng 30 km về phía tây bắc, thị trấn Xuân Hòa giờ đây đã có dáng dấp của một đô thị với đường trải nhựa thẳng tắp, bùng binh và nhà hàng, quán nhậu… Mọi thứ thay đổi quá nhiều. Ít người biết rằng tại đây, vẫn còn lại dấu vết của một số công trình ngày xưa: Nền móng cũ của một tòa nhà dự định làm khách sạn 11 tầng, nay đã thành quán bia. Nhiều căn nhà “lắp ghép” thời bao cấp đã bị đập bỏ hết. Nhà máy xe đạp Xuân Hòa, chuyên sản xuất xe đạp, giờ là công ty nội thất Xuân Hòa, sản xuất bàn ghế và trang thiết bị nội thất.

Ông Mạc Hồng Quỳnh, sinh năm 1923, là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 247 – đơn vị tham gia việc xây dựng ở Xuân Hòa thời ấy. Ông nhớ lại, câu chuyện bắt đầu từ khoảng năm 1968-1969, khi Bộ Chính trị dự đoán máy bay Mỹ có thể đánh phá ác liệt vào Hà Nội. Nếu bị ném bom, đê vỡ, thì rất nguy hiểm vì Hà Nội đất thấp, sẽ thành vùng trũng. Do đó, ngày 2-8-1969, Bộ trưởng Bộ Kiến trúc lúc đó là ông Bùi Quang Tạo đã có báo cáo và trình bày quy hoạch mở rộng thủ đô. Bộ Chính trị quyết định: Xuân Hòa là địa điểm mở rộng Hà Nội. Tới ngày 22-11-1969, Phó Thủ tướng Đỗ Mười ký Quyết định 128/TTg về việc xây dựng lại thị xã Phúc Yên và xây dựng mới Xuân Hòa. (Trung đoàn 247 trực tiếp tham gia công việc này, và họ chính là tiền thân của công ty Cổ phần Xây dựng số 2 hiện nay, trực thuộc Vinaconex).

Như vậy, theo ông Mạc Hồng Quỳnh, đây đơn thuần là việc mở rộng Hà Nội, và xuất phát từ một lý do thuần túy “thời chiến”: tìm nơi đất cao để tránh nguy cơ ngập nước. Kiến trúc sư Phạm Sỹ Liêm - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội từ năm 1973 tới năm 1982 – cũng cho hay: “Xuân Hòa gần núi, tiện cho việc phòng thủ, phòng không. Quan trọng nhất là đất ở đó cũng khá cao, an toàn hơn. Hà Nội chỉ cao 6 mét so với mực nước biển, trong khi nước sông Hồng tới mùa lũ có thể đến 13-14 mét, nguy cơ gây ngập lụt rất cao, lúc nào Hà Nội cũng có thể bị uy hiếp một khi Mỹ ném bom vỡ đê. Nếu sang phía Xuân Hòa thì mối nguy ấy đỡ đi. Thế là bắt đầu triển khai xây dựng ở khu vực Xuân Hòa”.

Tiến về Xuân Hòa

Nhưng mọi chuyện không chỉ dừng lại ở đó. Nói cách khác, việc xây mới Xuân Hòa đã vượt hơn mức “mở rộng thủ đô”. Bằng chứng là một loạt cơ quan hành chính, sự nghiệp bắt đầu lục tục chuyển lên Xuân Hòa. ĐH Kiến trúc (trực thuộc Bộ Kiến trúc, bây giờ là Bộ Xây dựng) là một trong những đơn vị tiên phong. Rồi Ban Cơ yếu Trung ương, trường Công nhân Kỹ thuật Việt – Xô, ĐH Tài chính, ĐH Sư phạm II… đều về cả Xuân Hòa. Một loạt cán bộ của Viện Quy hoạch thủ đô được giao nhiệm vụ tháp tùng Bộ trưởng Bùi Quang Tạo thực địa, khảo sát khu vực Đầm Vạc, được dự kiến là trung tâm thủ đô tương lai. Ngoài lý do rất “thời chiến” nêu trên, theo quan điểm thời ấy, Xuân Hòa có thêm một tiêu chuẩn để trở thành thủ đô mới, bởi lẽ nơi đây là vùng trung du, đất trung du, thích hợp với việc xây dựng mà không phù hợp cho trồng trọt, làm nông nghiệp. Do vậy, chuyển dời thủ đô về Xuân Hòa cũng có lợi về mặt sử dụng đất đai.

Một thành viên trong đoàn cán bộ của Viện Quy hoạch ngày ấy, kiến trúc sư Trần Thanh Vân, kể lại rằng những năm 1968-1969, bà thường xuyên phải đạp xe hoặc đi tàu đêm tới Vĩnh Yên, để chờ sáng hôm sau tháp tùng Bộ trưởng Kiến trúc Bùi Quang Tạo đi thực địa, chuẩn bị xây dựng khu trung tâm Đầm Vạc (ngày đó các công trình lớn đều do bộ trưởng của bộ có liên quan chỉ đạo trực tiếp). Trung tâm này dự kiến bao gồm cả khách sạn, công viên, hội trường, và một nơi gọi là “trung tâm hội nghị 81 đảng cộng sản” (?) theo sự nhớ của bà Trần Thanh Vân. Bà Vân cũng cho biết, mọi việc tiến hành rất khẩn trương, răm rắp. Đêm đêm, đèn huỳnh quang thắp sáng rực. Vài quả đồi ở Xuân Hòa bị san phẳng. Một đoạn đường bê tông dài mấy cây số cũng đã được thi công.

Theo quy hoạch dự kiến, Hà Nội 36 phố phường sẽ được bảo tồn nguyên trạng, dân số tối đa chỉ khoảng 1,2 triệu. Thành phố mới mở sẽ to rộng, hoành tráng, dân số từ 3 đến 5 triệu.

Chìm vào quên lãng

Nhưng việc thi công rầm rộ chỉ kéo dài vài năm, sau đó lắng dần. Cũng phải nói là, để đi tới việc ngừng “dự án” này, đã có sự tranh luận, nhiều người không tán thành, mà phản đối mạnh nhất là kỹ sư Trần Đại Nghĩa và kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh. Nhưng phải tới lúc “bên quân sự” có ý kiến thì việc xây dựng mới Xuân Hòa mới dừng, mặc dù theo ông Mạc Hồng Quỳnh thì nó còn “lai rai” cho mãi tới đầu những năm 80.

Ông Phạm Sỹ Liêm (sau này là Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội) giải thích: “Thật ra cũng đang trong thời kỳ chiến tranh, có rất nhiều việc khác, nên chuyện quy hoạch thủ đô ấy mới chỉ dừng ở đó thôi chứ chưa thành chủ trương hay quyết định gì thật rõ ràng lắm. Nhưng cái chính là xây một khu vực mới hoàn toàn thì tốn kém quá, phải nói thật là quá sức chúng ta. Thế cho nên tuy đã xây được mấy kilômét đường bê tông ở Xuân Hòa rồi, nhiều cơ quan hành chính và hình như có cả một số cơ sở quân sự đã lên đó rồi, mà cũng phải ngừng”. Còn nói như KTS Trần Thanh Vân là: “Một quyết định trọng đại đến cũng nhanh mà hủy đi cũng nhanh. Mọi người thở phào nhẹ nhõm, không mấy ai muốn nhắc lại kỷ niệm thời đó làm gì”.

Bây giờ, câu chuyện “dời đô lên Xuân Hòa” chỉ còn lõm bõm trong trí nhớ những người từng trực tiếp tham gia công trình ở thời ấy. Phần đông cho rằng đó chưa phải là một chủ trương hoàn chỉnh, mới chỉ là ý định của một số ít người, chưa có sự nghiên cứu kỹ càng (tất nhiên không được đưa ra Quốc hội), nhưng cũng là do hoàn cảnh chiến tranh và chịu ảnh hưởng của tư duy thời chiến, tư duy nông nghiệp (chẳng hạn xây dựng ở Xuân Hòa để đỡ mất đất canh tác nông nghiệp).

Liên quan tới câu chuyện này, có một công trình lớn cũng được bắt đầu từ nửa đầu thập niên 70, kéo dài cho đến giữa thập niên 80, được mệnh danh là “công trình thế kỷ” vì tầm vóc và quy mô đồ sộ của nó vào thời gian ấy. Đó là cây cầu bắc qua sông Hồng, mang tên Thăng Long.

Kỳ sau: Cầu Thăng Long – “Hồng Hà đại kiều”