Saturday 15 March 2008

In Praise of Creativity (Tôn vinh sự sáng tạo)




(hay Chuyên đề về nghệ thuật đương đại, kỳ 2)

Ngày thơ Việt Nam lần thứ tư vừa diễn ra tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) hôm 21/2. Nhờ trời, hôm đó trời đẹp, không mưa, hơi rét. Ngày thơ có rất đông người yêu thơ tham dự, và hội tụ nhiều gương mặt đang nổi trong nghệ thuật đàn của nước nhà hiện nay. (Không phải là thi đàn, văn đàn hay cái gì đàn, mà chính xác là nghệ thuật đàn, vì phổ hoạt động của các nghệ sĩ này rất rộng, vượt ra ngoài khuôn khổ thơ, văn, họa, hay nhạc.)

Sự kiện nổi bật (theo nghĩa được nhiều người đứng xem và được báo chí phản ánh đậm) trong ngày thơ là buổi trình diễn thơ phối hợp giữa nhiều nhà thơ - nghệ sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến, Vi Thùy Linh, Dương Tường, Dạ Thảo Phương, Bùi Tuyết Mai… Trong buổi trình diễn, có đoạn (tôi chép lại theo mô tả của báo DDDN): “Nhà thơ (Dương Tường) bắt đầu cởi áo, bỏ túi xách lấy cuộn giấy quấn quanh thân thể như một người đang đầy thương tích. Đó là sự bị thương trong tâm hồn trong cõi lòng! Thế rồi, bài thơ kết thúc cũng là lúc những mảnh giấy bị xé tan nát, là sự dữ dội muốn bứt phá phá tan tất cả. Trong khi Dương Tường chỉ đứng yên một chỗ lẩm nhẩm những câu lặp lại “ Thả đỉa ba ba, chớ bắt đàn bà, phải tội đàn bà…”. Tiếng thơ cứ ngân dài và rồi kết thúc là sự tĩnh lặng bi thương, tang tóc…

Có thể thấy tinh thần nổi bật trong những buổi trình diễn thơ nói riêng và nghệ thuật đương đại nói chung, là tôn vinh sự sáng tạo.

Mà cứ nói đến sự sáng tạo, nghệ thuật đương đại, cách tân trong thi ca… là Trang the Ridiculous lại nhớ tới một bài thơ được một nghệ sĩ tặng cách đây đã lâu. Bây giờ tôi xin phép đăng tải bài thơ này trên blog để mọi người cùng thưởng thức. (Xin lưu ý các bạn: Tác giả giữ bản quyền. Nghiêm cấm việc mang bài thơ dưới đây đi phổ biến, cho dù vì bất cứ mục đích gì).


Vô đề


Ngắm bông hoa nở trong nồi,

Lòng chợt bồi hồi nhớ chuyện ngày xưa:

Ngày xưa lợn khoác áo mưa

Có một chú kiến tuổi vừa trăng lên

Ông sư ngồi ị bên thềm, (*)

Có con bò cái leo lên cái này.

Ông sư vung vẩy cái chầy,

Thấy con bò cái đã bay mất rồi…



(*) Ấy, các bác ơi, khoan đã, em biết là bậy rồi ạ. Khổ lắm, nhưng vấn đề ở đây là sự sáng tạo, mọi người hiểu không, vấn đề ở đây là sự sáng tạo, sự sáng tạo, sự sáng tạo… Bài thơ thật sự là một cái tát, không, một cú đạp vào mặt bọn người không sáng tạo.

“Vô đề” đã phá vỡ mọi ý niệm của chúng ta về không gian, thời gian. Những hình ảnh dữ dội, dào dạt, xô đẩy, sắc nhọn khôn cùng, như gào thét, đập phá, nổi loạn rồi vụn vỡ. Ám ảnh, bất lực, hay những ẩn ức trong đời sống thật? Tất cả đều được tác giả đẩy đến cao trào trong một sự liên tưởng kỳ ảo “theo đuổi giòng ý thức” (stream of consciousness)…