Wednesday 18 May 2016

Tại sao Đảng cố "lùa" dân đi bầu cử?

Do kiểm phiếu không độc lập, báo chí chỉ là công cụ tuyên truyền, không có một cơ chế giám sát độc lập nào, cho nên, sự thật là: Dù bạn tẩy chay bầu cử, dù bạn không đi bỏ phiếu, dù bạn gạch tất cả các ứng viên Đảng cử, thì cuối cùng tỷ lệ người đi bầu vẫn xấp xỉ 100%, các ứng viên Đảng cử vẫn nghiễm nhiên vào Quốc hội ngủ và im lặng suốt ít nhất 5 năm nữa.

Và cuối cùng, tỷ lệ người đi bầu, tỷ lệ phiếu tín nhiệm bao giờ cũng cao ngất ngưởng.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao Đảng Cộng sản phải tổ chức bầu cử Quốc hội cho bằng được, dù rất tốn kém (ngân sách nhà nước) và dù Đảng thừa biết bầu cử Quốc hội chỉ là màn kịch do Đảng đạo diễn toàn diện?

Trả lời: Ấy là bởi vì Đảng Cộng sản Việt Nam là một đảng độc tài.

Chế độ độc tài có nhiều biểu hiện, trong đó có một biểu hiện bề ngoài rất rõ nét là: Trong một chính thể độc tài, tỷ lệ người đi bầu và tỷ lệ bỏ phiếu ủng hộ (lãnh đạo hoặc chủ trương, chính sách của lãnh đạo) luôn luôn rất cao, ngược lại, tỷ lệ phiếu tín nhiệm phe đối lập phải rất thấp.

Đó là những gì đã xảy ra với các ứng cử viên ĐBQH độc lập (ví dụ Nguyễn Trang Nhung không nhận được một phiếu thuận nào, Kim Anh hay Nguyễn Quang A chỉ được 6-7 phiếu trên tổng số 70-80 phiếu). Đảng nhất định phải khiến họ thua một cách tuyệt đối. Cũng như Đảng sẽ nhất định lùa bằng được “toàn dân đi bầu cử”, để cuối cùng tỷ lệ người đi bầu phải cao chót vót, gần 100%, và Đảng phấn khởi tuyên truyền về thành công của cuộc bầu cử.

Tốn kém mấy cũng phải chơi

Một trong các chức năng của bầu cử là tạo dựng và/hoặc củng cố tính chính danh cho nhà cầm quyền. Nhất là khi cuộc bầu cử được đông đảo dân chúng tham gia - khi ấy nó sẽ bao biện cho sự cai trị của nhà cầm quyền, nó là một cơ hội để nhà cầm quyền tuyên truyền thật lực trong nước và quốc tế về tính dân chủ của chế độ mình, và đặc biệt, nó tạo cho người dân cảm tưởng rằng họ đang thực thi quyền lực của nhân dân. (Điều này cũng giải thích cho việc dân chúng tại các hội nghị cử tri ở nơi cư trú, một khi được/bị cán bộ của Đảng kích động, rất dễ hăng hái vào cuộc đấu tố ứng viên).

Chính vì thế, Đảng Cộng sản phải tổ chức bầu cử Quốc hội, phải mạnh tay chi tới hàng nghìn tỷ đồng cho vở kịch của Đảng. Và đã tổ chức rồi thì Đảng sẽ phải cố xua dân đi bầu cho bằng được, càng đông đảo càng tốt.


"Đồng thuận" trong Quốc hội cao như thế này 
không chứng tỏ Đảng được lòng dân, 
mà chỉ chứng tỏ Đảng độc tài thôi.

Độc tài và sở thích "đồng thuận cao"

Độc tài đúng là rất thích các con số, thích lượng hóa, kiểu như “ba xây, bốn chống”, “ba phe, bốn mâu thuẫn”, “ba dòng thác cách mạng”, “ba sẵn sàng”, “ba đảm đang”, v.v.

Độc tài cũng đam mê những con số thống kê có lợi cho họ, tức là phải rất cao, ít nhất là trên 90%, còn thì càng gần sát mức tuyệt đối càng tốt.

Lịch sử thế giới thế kỷ 20 và 21 đã có rất nhiều thành viên của “câu lạc bộ 90 phần trăm”, mà sau đây chỉ là một vài ví dụ:

- Năm 1973, Tổng thống Ferdinand Marcos của Philippines tuyên bố thông qua Hiến pháp mới với tỷ lệ 95% đại biểu Hội đồng Nhân dân ủng hộ. Cũng năm đó, Philippines tiến hành trưng cầu dân ý với câu hỏi “có muốn Tổng thống Marcos tiếp tục tại vị không”, và 90,67% câu trả lời là có.

- Năm 1979, cuộc trưng cầu dân ý của Giáo chủ Khomeini ở Iran thu được kết quả 98% người bỏ phiếu tán thành việc xây dựng nước cộng hòa Hồi giáo Iran.

- Năm 2002, Tổng thống Iraq Saddam Hussein tái đắc cử, được 100% phiếu bầu.

- Năm 2012 Tổng thống Turkmenistan (Turkmenia) Gurbanguly Berdimuhamedov tái đắc cử với tỷ lệ 97% số phiếu ủng hộ. Trước đó, năm 1992, người tiền nhiệm của ông này, Saparmurat Niyazov, còn được “tín nhiệm” cao hơn thế nữa: 99,5%.

- Anh em nhà Tổng thống Cuba, Fidel và Raul Castro, thường xuyên được 99% phiếu bầu.

- Các cuộc bầu cử ở Liên Xô ngày trước, tỷ lệ trúng cử của đảng viên cộng sản vào các xô viết địa phương trung bình là 99%.

- Ngày 28/11/2013, Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu thông qua bản Hiến pháp sửa đổi (tiếp tục khẳng định ngôi vị lãnh đạo toàn diện của đảng Cộng sản) với tỷ lệ 97,59% tán thành (xem ảnh trên).

Và bây giờ chúng ta chờ tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu, tỷ lệ phiếu tín nhiệm Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội cấp cao của Đảng sẽ cao chót vót, từ 80 đến 100%.

Đằng nào cũng vậy, cho nên... CHÚNG TA HÃY DÀNH NGÀY CHỦ NHẬT 22/5 CHO NHỮNG VIỆC CÓ ÍCH, CÓ LỢI, thay vì đi bỏ phiếu.

Monday 16 May 2016

Toàn dân nâng cao cảnh giác, không để bị dụ dỗ, xúi giục

Càng gần đến ngày chủ nhật 22/5, các đối tượng xấu, các thành phần phá hoại dân chủ... càng hoạt động ráo riết.

Chịu sự giật dây của công an, đồng thời nhận tiền tài trợ của tổ chức khủng bố có tên Đảng Cộng sản Việt Nam, các đối tượng phò Đảng, đặc biệt là số đối tượng cầm đầu của cái gọi là “tổ dân phố”, “hội phụ nữ”, “đoàn TNXP”, đã và đang liên tục đến nhà mỗi người dân, dụ dỗ, xúi giục họ đi bỏ phiếu bầu ra thành viên của cái gọi là “quốc hội” và “hội đồng nhân dân các cấp”.

Chúng tích cực tuyên truyền, rỉ tai người dân đi bầu cho đủ số lượng đông đảo nhất có thể, hòng đạt được “thành tích”, “thi đua” cho tổ. Thậm chí đội ngũ dư luận viên của chúng còn trơ trẽn lừa mị người dân rằng bầu cử là ngày hội của toàn dân, và bịa đặt nên chuyện "bầu cử là nghĩa vụ công dân" (?!).

Táo tợn hơn nữa, được sự bảo kê của công an, các đối tượng là tay chân của tổ chức khủng bố có tên Đảng Cộng sản Việt Nam ngang nhiên dọa nạt người dân, nhất là giới trẻ, rằng không đi bầu thì sẽ bị xử lý kỷ luật, nếu là sinh viên thì bị trừ điểm thi đua, hạ hạnh kiểm, vân vân.

Trước đó, các tay chân của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện nhiều chiêu trò đê tiện để hạ thấp uy tín, khủng bố tinh thần những người tham gia ứng cử ĐBQH mà không phải thành viên của tổ chức phá hoại này, để bằng mọi cách đảm bảo cho Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục duy trì vai trò thống trị cái gọi là “quốc hội” của nước Việt Nam XHCN.

Song song với đó, các tay chân của Đảng Cộng sản Việt Nam còn tổ chức rất nhiều chiến dịch tuyên truyền, vận động dưới các hình thức “loa phường”, “nói chuyện thời sự”, “ca múa nhạc”, phát tờ rơi, truyền đơn cổ vũ cho trò hề bầu cử của chúng. Các hoạt động này tốn kém hàng tỷ đồng, đều do một tay Đảng Cộng sản Việt Nam tài trợ. Câu hỏi đặt ra là Đảng lấy đâu ra lắm tiền thế? Câu trả lời là, số tiền khổng lồ mà Đảng rót cho màn kịch bầu cử, thực chất là moi rút từ ngân sách nhà nước. Đây vốn là nguồn tiền thuế của nhân dân do lao động mồ hôi nước mắt mà có được, bị Đảng Cộng sản Việt Nam khống chế, chi xài vô tội vạ đã hàng chục năm nay.

Người dân Việt Nam hãy tỉnh táo, sáng suốt, nâng cao cảnh giác trước mọi thủ đoạn lừa đảo, cưỡng ép và bạo lực của Đảng Cộng sản và các đối tượng phò Đảng, để không vô tình tiếp tay cho các hoạt động phá hoại dân chủ-tự do của chúng. Chúng ta quyết không để bị xúi giục, lợi dụng, quyết không tham gia vào các trò hề dân chủ do Đảng Cộng sản giật dây nhằm phục vụ ý đồ chính trị đen tối của chúng.

Ý đồ đó, dã tâm đó, đến nay đã bộc lộ quá rõ ràng, ấy là phải đè đầu cưỡi cổ dân ta lâu hơn nữa.

Sunday 15 May 2016

Các kịch bản phá biểu tình được sử dụng dưới chiêu bài "chống bạo động"

Gửi những người yêu nước, những người đã, đang và sẽ xuống đường đòi môi trường trong sạch, chính quyền minh bạch...

Chúng ta đều biết là Đảng Cộng sản Việt Nam, với “bề dày thành tích” một mình cầm quyền hơn nửa thế kỷ ở miền Bắc và hơn 40 năm qua trên cả nước, là một đảng có thừa kinh nghiệm trong việc trấn áp và tiêu diệt đối lập. Nói về Đảng, chỉ đơn giản một câu thế này: Phàm cái gì liên quan đến phạm trù “xây” thì Đảng yếu kém, còn cái gì liên quan đến phạm trù “phá” thì Đảng rất giỏi, và là học trò xuất sắc của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đối với các cuộc biểu tình, tuần hành ở Việt Nam trong 5 năm qua, chúng ta thấy: Về mặt cơ sở lý luận cho việc phản đối, ngăn cản và loại trừ biểu tình, đội ngũ an ninh và tuyên truyền không có thêm lý lẽ, lập luận gì mới. Quanh đi quẩn lại chỉ có “đã có Đảng và Nhà nước lo”, “đi biểu tình được tiền”, “biểu tình là gây rối”, “biểu tình là chọc giận Trung Quốc”, “biểu tình là bạo động”... Những lý luận này đã bị bác bỏ hết trong 5 năm qua.

Thế nhưng, về mặt kỹ thuật chống phá biểu tình, bằng sức mạnh, thì đội quân của Đảng làm rất tốt và ngày càng càng điêu luyện hơn, từ việc chia tách đoàn biểu tình đến việc che ống kính, giật máy quay của người tham gia, từ đánh lén, đấm trộm, điểm huyệt đến các kỹ thuật công khai bẻ tay, bóp cổ, đấm vào mặt người tuần hành... Công an Việt Nam quả thật là những học trò chăm ngoan của công an Trung Quốc. 

Ngày 3/6/1989, trên quảng trường Thiên An Môn: 
Một sinh viên kêu gọi quân đội về nhà. 
Thảm sát đã diễn ra vào ngày hôm sau. 

Đàn áp. Cảnh tượng ngày 3/6/1989
trên quảng trường Thiên An Môn (Bắc Kinh).

Do đó, để chuẩn bị cho các cuộc tuần hành, tọa kháng tới đây, rất mong mọi người chú ý để cảnh giác và xử lý, hóa giải các kỹ thuật phá biểu tình mà công an sẽ sử dụng (đã từng được quan thầy Trung Hoa dùng). Công an sử dụng chúng tới mức độ nào thì tùy hoàn cảnh; không loại trừ việc công an sẽ phối hợp với quân đội, dùng cả hơi cay, súng đạn... khi cảm thấy mất khả năng kiểm soát. 

Dưới đây là một vài kỹ thuật căn bản:

1. Huy động những người rất ít học vào lực lượng trấn áp, đặc biệt là tù nhân (với hứa hẹn giảm án, đối xử tốt...). Những người này hoàn toàn không có khả năng phân biệt đúng sai nên việc thuyết phục, cảm hóa họ một cách nhẹ nhàng, ôn hòa là không thể. Đây là kịch bản đã từng được Trung Quốc áp dụng trong vụ Thiên An Môn (1989), khi họ sử dụng rất nhiều tù nhân và người thuộc các sắc dân thiểu số vào việc đàn áp sinh viên ở Bắc Kinh.

2. Phất cờ vàng ba sọc đỏ và/hoặc cờ của Việt Tân vào trong đoàn biểu tình, để kích động mọi người mất tập trung, mâu thuẫn, cãi vã. Nếu không ai có ý kiến gì, thì sẽ lấy cớ là biểu tình do “bọn phản động” tổ chức để đàn áp. 

3. Luôn có một đội chuyên đi cướp máy quay, điện thoại ghi hình. 

4. Luôn có một đội chuyên đi giật băng rôn, khẩu hiệu, để người biểu tình không còn phương tiện biểu đạt ý kiến.

5. Dùng loa tuyên truyền mở hết công suất để át tiếng người biểu tình, gây nhiễu loạn âm thanh, mọi người đều ù tai và không ai “chỉ huy” được những người khác trong hoàn cảnh ấy.

6. Áp dụng chiến thuật “biển người”: Huy động thật nhiều quân - đều là trai tráng khỏe mạnh - lăn xả, chia tách người biểu tình, cô lập những người có vẻ là cầm đầu, bốc lên xe buýt. Vì có thể phải cần tới nhiều người khiêng một người biểu tình, nên khi sử dụng chiến thuật này, công an phải huy động lực lượng cực kỳ đông đảo và sử dụng các dấu hiệu riêng để nhận ra nhau, ví dụ: quần thun xanh nhạt, áo phông trắng, tay đeo vòng màu xanh...

Nhưng đương nhiên, phe trấn áp sẽ phải chùn bước khi những người biểu tình chiếm số đông hơn (chẳng hạn, có thêm hàng trăm dân oan) và xiết chặt tay nhau.

7. Tự gây bạo loạn rồi đổ tội cho người biểu tình để có cớ đàn áp, bắt bớ. Việc này có thể hóa giải được phần nào nếu người biểu tình nắm truyền thông trong tay và đưa thông tin rất mạnh, làm mọi sự sáng tỏ; nhờ đó kịch bản của công an có khi lại thành tác dụng ngược, rất phản cảm. Một ví dụ là vụ án “hai bao cao su” mà công an dựng ra với TS. Cù Huy Hà Vũ, thay vì ghép được ông Vũ vào một tội gì đó xấu xa, bại hoại về đạo đức, thì ngành an ninh Việt Nam lại lãnh đủ sự ô nhục.

v.v.

Mọi kỹ thuật gây rối, phá hoại này của công an đều được thực hành nhuần nhuyễn. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể bị hóa giải một khi những người biểu tình đã có kinh nghiệm nếm trải và đã cùng ngồi lại với nhau để bàn cách xử lý, phân công công việc...

Saturday 14 May 2016

"Chùm nho nổi giận"

Bộ Công an Việt Nam, các thể loại dân phòng, thanh niên xung phong... lau nhau nghe đây:

Các vị là một lũ ăn hại, vô tích sự, chuyên đi gây rối, phá hoại trật tự công cộng. Công dân Việt Nam biểu tình ôn hòa chống Tàu, bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường, đòi minh bạch, thì liên quan gì đến các vị mà lăng xăng phá thối? Hay là các vị yêu Tàu, thích chặt cây, thích biển độc cá chết, và thích bưng bô cho cái nhà nước đầy bưng bít, bí mật, mưu mô này?

Các vị là một lũ vô học, chữ không đầy cái lá mít, và vì ngu dốt nên lại càng không biết mình ngu dốt. Bằng chứng là các vị rất thích lên lớp, dạy đời, khuyên răn những người ở tư thế cao hơn hẳn các vị. Các vị hiểu gì về chính trị, luật pháp, nhân quyền, môi trường... mà to mồm?

Ở trên đất nước này, các vị là những lực lượng không ai cần mà đến, không ai khiến mà lởn vởn canh nhà dân, hăng hái đánh dân, phấn khởi lĩnh lương thưởng mà tưởng như mình đang làm việc oai lắm, vinh dự lắm.

Tóm lại là thế này: Trong các cuộc tuần hành, biểu tình, tọa kháng... mọi hoạt động thể hiện thái độ chính trị (tức là thực thi tự do biểu đạt) của người dân sắp tới đây, nếu còn xảy ra bất kỳ một vụ hành hung, đánh đập, nhục mạ nào đối với người dân, thì “thành tích” đó của các vị sẽ được truyền tải đầy đủ đến Tổng thống Mỹ Barack Obama trước, trong và sau chuyến thăm của ông tới Việt Nam, đến đại sứ quán, chính phủ và quốc hội của tất cả những nước phương Tây ủng hộ dân chủ, đến Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc, đến các tổ chức nhân quyền quốc tế như Human Rights Watch, Amnesty International... và tất nhiên, lên cả báo chí quốc tế.

Tôi biết, “bạo dạn xó bếp”, “hèn với giặc, ác với dân” vốn là truyền thống của các vị, nên cho dù chẳng muốn kéo cộng đồng quốc tế vào, tôi và những người như tôi vẫn buộc phải làm.

Những chuyện như vụ “khủng hoảng cá chết” này, lẽ ra đã có thể giải quyết dễ dàng hơn nhiều nếu Việt Nam là một thể chế dân chủ, chính quyền biết sợ dân. Nhưng vì ở đây có cái nghịch lý là nhà nước công an trị giống như đứa trẻ con ít học, ngu dốt, đã thế lại hỗn hào, lưu manh, côn đồ, rất thích đánh đập người trong nhà (mà sợ người ngoài), cho nên đành phải cậy nhờ người ngoài xử lý nó thôi.

Lũ bạo dạn xó bếp chờ đấy! Chúng mày có tin là hiện giờ, hàng nghìn ánh mắt của các quan sát viên quốc tế đang nhìn vào Việt Nam không?

Saturday 7 May 2016

Kịch bản rất xấu cho phong trào "cách mạng cá"

Pháp luật TP.HCM hôm nay (7/5) vẫn đưa tin về chuyện đáy biển biến thành nghĩa địa khổng lồ. Nhưng VTV 1 đã thông báo việc tiêu thụ hải sản ở Đà Nẵng được đẩy mạnh trở lại, cung không đủ cầu rồi. 

Chúng ta luôn phải chuẩn bị tinh thần cho kịch bản sau: Nhà nước công an trị sẽ lệnh cho báo chí chính thống “hạn chế dần”, tiến tới chấm dứt đưa tin về thảm họa môi trường biển. Mà ta hãy để ý là các cuộc biểu tình từ trước đến nay đều khởi phát từ sự phẫn nộ của dân chúng, sự phẫn nộ ấy lại bắt nguồn từ những tin tức do báo chí chính thống đăng tải; mạng xã hội là nơi khuếch tán.

Cấm báo chí chính thống đưa tin rồi thì sẽ chỉ còn lại các nhà báo công dân, tức các facebooker, đến hiện trường phỏng vấn, quay phim, viết bài về đăng trên mạng xã hội. Để đối phó với những người này thì dễ thôi, đã có lực lượng hùng hậu cảnh sát, an ninh, dân quân tự vệ, thanh niên xung phong... trực chiến trong khu vực, rình rập, bám sát từng người lạ ra vào; cắm biển “cấm chụp ảnh quay phim”. An ninh thì đe dọa, gây sức ép buộc các facebooker có ảnh hưởng phải dỡ bài. Song song với đó, hành hung, cách ly, cô lập, cần thì bắt giữ các nhà hoạt động quá “rắn”, can đảm, không biết sợ.

Chỉ 1-2 tháng như vậy là Đảng và Nhà nước sẽ dẹp yên được dư luận và cho toàn bộ vụ Formosa - Vũng Áng chìm xuồng.

Không được tiếp lửa, biểu tình cũng nguội dần. Nếu số người tham gia mỗi tuần đều giảm đi thì biểu tình sẽ ngày càng nhạt, mất dần sự chú ý của dư luận. Tệ nhất là khi từ con số hàng trăm, sau vài chủ nhật, chỉ còn trơ lại một số gương mặt nổi nhất, như vậy công an rất dễ xử lý, đàn áp “hậu biểu tình”. Sẽ không có cuộc “cách mạng cá” nào cả, như nhiều người đang mong đợi.

Ta hãy nhớ: Nhà nước công an trị mang tên CHXHCN Việt Nam có thể đặc biệt lúng túng trong việc xử lý các sự kiện có tính chất thảm họa, đe dọa cuộc sống của người dân. Nhưng họ là bậc thầy trong việc trấn áp đối lập, tiêu diệt “phản động”.

Suy cho cùng, đàn áp dân chúng dễ hơn nhiều và có thừa nguồn lực so với điều hành, quản trị đất nước.

Monday 2 May 2016

Vì tiền, chính quyền bắt Trương Minh Tam và Chu Mạnh Sơn

Một nhà ngoại giao phương Tây vừa hỏi tôi: “Có vẻ như có nhiều người đưa tin về thảm họa môi trường (ở Vũng Áng). Tại sao lại chỉ có hai người bị chọn ra để bắt và truy tố?”. (“It seems like a lot of people have been publishing news about the disaster. I wonder why these two men got selected to be faced with charges”).

Câu trả lời của tôi với nhà ngoại giao đó là: “Vì ông Tam là thành viên của phong trào Con Đường Việt Nam - một tổ chức đấu tranh vì quyền con người, còn Chu Mạnh Sơn bị cáo buộc là đảng viên Việt Tân”.

Tuy nhiên, tôi nghĩ nguyên nhân sâu xa của vụ bắt này là một vấn đề khác, xoay quanh chữ “tiền”.

Ai cũng biết rằng, tất cả các tổ chức - từ công ty đến chính phủ, từ NGO đến đảng phái - đều cần kinh phí để hoạt động. Nhân sự và tài chính chiếm vai trò quan trọng gần như ngang ngửa.

Tất cả các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam hiện nay, gồm cả khối NGO có giấy phép lẫn các tổ chức bị gắn nhãn “phản động, chống phá nhà nước”, đều cần tài chính. Muốn tồn tại, vận hành được, rồi muốn tiến tới chuyên nghiệp hóa, phải có tiền.

VOICE, trụ sở ở Los Angeles (Mỹ), bị an ninh
căm ghét vì đã hỗ trợ rất nhiều cho phong trào XHDS
ở Việt Nam những năm qua.
Chỉ khác là, NGO chính thống, có đăng ký, được cấp giấy phép hoạt động, thì được cái tính “chính danh” và có thể xin tài trợ công khai; họ cũng bị theo dõi, rình mò, giám sát chặt chẽ nhưng không đến mức bị đàn áp. Còn NGO phản động thì bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, chỉ có thể xin tài trợ lén lút, và đối diện nguy cơ bị đánh đập, bố ráp, tịch thu tài sản bất kỳ lúc nào.

Nói rộng ra, cả phong trào dân chủ, phong trào đối lập đều cần tài chính để ít nhất là tồn tại, duy trì được, rồi mới nói đến chuyện phát triển. Muốn chuyên nghiệp hóa, không thể không có tiền, thậm chí nhiều tiền.

Ai cũng biết như thế, và Đảng Cộng sản càng biết điều đó rõ hơn ai hết. Cho nên không có gì là lạ, khi hàng chục năm qua, Đảng dành rất nhiều công sức vào đàn áp “bọn phản động”, mà một trong các biện pháp hàng đầu là triệt tiêu nguồn tài chính của chúng, chặn đường sống của chúng. Phải lo cơm áo gạo tiền từng ngày, không được ai hỗ trợ, thì không kẻ nào còn bụng dạ mà đi đấu tranh được. Phải lo tồn tại từng ngày, thì không tổ chức nào ngóc đầu lên mà “kiện toàn bộ máy”, “nâng cao năng lực nhân viên” được. Sẽ vĩnh viễn là sự thiếu chuyên nghiệp, chưa nói tới chuyện càng khó khăn, người ta càng dễ tranh giành, cắn xé nhau vì vài xu lẻ.

Cũng vì lý do đó, trong vài năm qua, bất kỳ khi nào có một tổ chức hoạt động dân chủ - nhân quyền nào có biểu hiện chuyên nghiệp, dù chỉ một chút thôi, là an ninh vào cuộc đàn áp ngay lập tức.

Luật sư Nguyễn Văn Đài bị bắt, suy cho cùng là vì an ninh nhận thấy Hội Anh Em Dân Chủ đã nhận tài trợ từ nước ngoài (mà lại nhận tới con số “nghìn đô-la” nữa chứ), phân chia cơ cấu, ban bệ rõ ràng, hoạt động có vẻ có tổ chức.

Các đảng viên Việt Tân bị bắt, tất nhiên là vì đảng này có nguồn tài chính mạnh (mà Đảng Cộng sản rất ghen tị), có khả năng tài trợ cho nhiều cá nhân, tổ chức và các hoạt động trong nước.

Ám ảnh "nhận tiền nước ngoài"

Song song với đó, bộ máy an ninh và tuyên truyền của Đảng Cộng sản ra sức nhồi vào đầu người dân cái ý nghĩ rằng “nhận tiền nước ngoài là xấu xa, bỉ ổi”. Hoạt động gì, bất kể mục đích tốt đẹp đến đâu, mà có nhận tiền nước ngoài và không qua sự quản lý của Đảng và Nhà nước, thì đều xấu xa bỉ ổi. Đi biểu tình chống Trung Quốc - được tiền cả đấy. Biểu tình đòi đất - được tiền cả đấy. Tọa kháng kêu oan cho người thân - được tiền cả đấy. Tuần hành vì cây xanh - được tiền cả đấy. Biểu tình bảo vệ môi trường biển - được tiền cả đấy. Làm thiện nguyện cho trẻ em nghèo vùng cao - được tiền cả đấy.

Đảng bị ám ảnh vì chuyện tiền đến mức còn thì thụt với báo chí rằng “có tổ chức phản động đứng sau phong trào tự ứng cử ĐBQH, thậm chí còn cung cấp tài chính để vận động, tranh thủ số phiếu của cử tri”.

Bản tin của Truyền hình An ninh tối 1/5 về vụ bắt Trương Minh Tam và Chu Mạnh Sơn cũng khoét đi khoét lại chuyện ông Tam và ông Sơn có nhận tiền nước ngoài, và nó thể hiện sự thù địch, ghen ghét đến cực độ của chính quyền với hai tổ chức “có vẻ lắm tiền” - Con Đường Việt Nam và Việt Tân.

Suy cho cùng, cũng là vì Đảng Cộng sản căm tức khi thấy có những tổ chức có thể nhận tiền nước ngoài mà không chịu sự quản lý của Đảng và Nhà nước, lại không chi cho Đảng một xu mà thôi. Chưa kể, những nguồn tài trợ đó hứa hẹn khả năng lớn mạnh và chuyên nghiệp hóa của các tổ chức đó, đi xa hơn là sự chuyên nghiệp hóa của cả phong trào dân chủ.

Bàn tay năm ngón anh vẫn vươn ra


Người đàn ông mặc áo trắng trong hình này trà trộn trong đoàn biểu tình sáng 1/5/2016 ở Sài Gòn, và có một hành động kỳ lạ là thường xuyên giật trộm các khẩu hiệu của người biểu tình rồi vò nát. (Hãy để ý là ông ta có đeo một thiết bị gì đó).

Nhớ lại, ngày 10/12/2013 khi Mạng Lưới Blogger Việt Nam tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Nhân quyền, một cán bộ Thành đoàn TP.HCM tên Nguyễn Tuấn Anh đã giật tập tờ rơi khỏi tay blogger Nguyễn Hoàng Vi rồi bỏ chạy. 

Tại các đám tang ông Lê Hiếu Đằng, nhà văn Bùi Ngọc Tấn, cụ Át Hoát (mẹ blogger Ba Sàm), an ninh cũng cải trang làm quần chúng, giật băng ở các vòng hoa tang rồi chạy mất.

Tối 23/9/2015, khi các blogger ở Hà Nội kéo đến đồn CA quận Hai Bà Trưng để yêu cầu họ thả các biên tập viên của Lương Tâm TV, công an thường phục cũng rất chăm chú giật khẩu hiệu khỏi tay mọi người.

Mình không hiểu ý nghĩa của những hành động như vậy lắm. Vẫn biết là nhà sản sợ văn bản, nhưng những khẩu hiệu in trên mảnh giấy A4, hay là dải băng tang trên hoa, có gì khiến họ cảm thấy khó ở à? 

* * * 

Nguồn ảnh: Tin Mừng Cho Người Nghèo