Tuesday 18 August 2015

Một luận điểm sai lầm trong vụ "cậu bé 14 tuổi phê phán Bộ Giáo dục"

Một số đông dư luận đặt vấn đề, tại sao lại để một đứa bé 14 tuổi đứng lên chỉ trích Bộ Giáo dục như vậy, rồi cả đám người lớn hùa vào reo hò, tung hô nó, tiện thể “chửi” Bộ Giáo dục thêm? Như vậy, lũ người lớn kia đúng là bọn hèn nhát và cơ hội. Lẽ ra chúng phải thấy xấu hổ, nhục nhã mới phải.

Trước hết phải khẳng định rằng, việc một số người nêu vấn đề như vậy là quyền tự do ngôn luận của họ, không ai có thể cấm cản.

Tuy nhiên, thừa nhận như vậy rồi, ta vẫn phải nhận xét rằng họ nêu vấn đề sai; hay nói đúng hơn, họ không hiểu lắm về truyền thông (là chuyện bình thường). Hoặc, họ hiểu, nhưng cố tình lờ những nguyên tắc căn bản của truyền thông đi, để “lội ngược dòng” dư luận, thể hiện một chính kiến độc lập, khác biệt (cũng là chuyện bình thường).

Trong truyền thông, một trong các tiêu chí để đánh giá một sự kiện hay một vấn đề nào đó có xứng đáng được đưa lên mặt báo, có thu hút độc giả, gây sự chú ý của dư luận v.v. hay không, là: Sự kiện hay vấn đề đó có lạ, có mới không?

Sự kiện lạ, tức là sự kiện hiếm xảy ra. Ở đây, nếu người phát biểu những câu như “Suốt bao năm qua, các vị cải đi cải lại, cải tiến cải lùi mà nó vẫn không thay đổi được kết quả gì cả” là một công chức về hưu, một cô giáo cấp II, hay một nhà báo chuyên viết về giáo dục... Thì chúng ta có thể thấy ngay là những lời đó sẽ rơi tõm vào thinh không. Sẽ không ai chú ý.

Và sự thực là những phát biểu chê trách Bộ Giáo dục đã xuất hiện quá nhiều, nhan nhản khắp nơi trong nhiều năm qua. Chúng có thể phát ra từ miệng các giáo sư đại học đầu bạc hay hói, từ các quan chức về hưu đang mon men “phản tỉnh”, từ các thầy cô giáo sống đời công chức tương tự như “giáo Thứ” năm nào...

Chúng chẳng gây được ấn tượng gì cả. Càng nói càng nhàm.

Vậy nên, dễ hiểu tại sao những câu nói thẳng thắn, không lập luận, không lý lẽ, của một cậu bé 14 tuổi, lại gây “bão” dư luận. Video clip ghi âm cậu bé được gần nửa triệu lượt người xem chỉ sau 4 ngày.

Đơn giản vì sự kiện này quá lạ, quá hiếm khi xảy ra. Đã bao giờ có một đứa trẻ lên tiếng công khai chỉ trích Bộ Giáo dục chưa?

Và khi nó lạ, nó hiếm, thì nó khiến dư luận sôi lên là điều dễ hiểu, dễ thông cảm. Chẳng việc gì mà ai đó phải trách móc, đay nghiến đám đông: Tại sao các vị không phát biểu, lại để thằng bé đứng ra nói hộ rồi các vị vỗ tay? Chẳng có “đám đông ngu ngốc”, chẳng có “hiệu ứng bầy đàn” nào ở đây cả. Tất cả đều chỉ tuân theo những quy luật tâm lý và những nguyên tắc rất căn bản trong truyền thông.

Còn những ý kiến mạ lị vô căn cứ theo kiểu thuyết âm mưu “chắc chắn thằng bé có người giật dây” thì chúng ta khỏi cần bàn sâu ở đây. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm cá nhân, người viết bài này tin chắc rằng phần lớn học sinh trường Hà Nội-Amsterdam, đặc biệt là khối chuyên ngữ (nơi vốn được tiếng là năng động, hướng ngoại và... vọng ngoại), có thể phát biểu được như em Vũ Thạch Tường Minh. 

Và rồi sẽ tới lúc, dù có thể là rất lâu nữa, một tỷ lệ cao hơn học sinh Việt Nam có thể công khai, lớn tiếng chỉ trích Bộ Giáo dục và bất kỳ cơ quan nhà nước nào làm ăn tồi tệ... cũng như cả cái chính quyền bất tài thất đức hiện nay.

Sunday 16 August 2015

"Bộ trưởng Giáo dục" tương lai, đừng sợ!

Đôi khi, phản ứng của “một bộ phận dư luận” thật đáng ngạc nhiên.

Khi nhà báo Mỹ Thomas A. Bass viết một loạt bài dài về tình trạng kiểm duyệt ở Việt Nam (năm 2014), ông cứ hí hửng tưởng đâu các bài viết của mình sẽ gây một làn sóng dư luận về vấn nạn kiểm duyệt văn hóa, xuất bản tại đất nước này. Điều khiến ông bất ngờ là khi các bản dịch của loạt bài được công bố, quả thật đã có một làn sóng, nhưng nói chung đó là sự phẫn nộ dành cho một tên “nhà báo-chỉ điểm” đã không bảo vệ nguồn tin, đã lôi tuột hết danh tính các nạn nhân của kiểm duyệt lên truyền thông, khiến cho họ có nguy cơ gặp rầy rà, phiền nhiễu với chính quyền sau đó.

Ông nhà báo Mỹ kêu trời: “Nhưng tại sao tôi phải chịu trách nhiệm về những gì chính quyền Việt Nam làm? Họ mới là kẻ kiểm duyệt. Họ mới là kẻ sẽ xử lý người này, trừng phạt người kia vì đã tiết lộ thông tin về kiểm duyệt ở Việt Nam”.

* * *

Ngày 12/8 vừa qua, tại một hội thảo giới thiệu sách của nhóm Cánh Buồm ở Hà Nội, em Vũ Thạch Tường Minh, học sinh trường Hà Nội-Amsterdam, phát biểu: “... Con không có tính từ nào khác nên con phải dùng tính từ này, là giáo dục Việt Nam bây giờ con thấy là quá ‘thối nát’ rồi. Mà suốt bao năm qua các vị cải đi, cải lại, cải tiến, cải lùi mà nó vẫn không thay đổi được kết quả gì cả.... Giáo dục Việt Nam không cần cải cách gì nữa, giáo dục Việt Nam cần được cách mạng. Đó mới là điều các vị trong Bộ Giáo dục nên làm. Còn nếu bây giờ các vị không làm thì đến khi nào con thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục con sẽ làm”.

Phát biểu của em Minh tạo nên không chỉ một mà nhiều làn sóng dư luận: Một bên hoan hỉ, khen ngợi cậu bé “hậu sinh khả úy”, tranh thủ đả kích thêm một nền giáo dục thối nát tới mức “thằng bé 14 tuổi nó cũng phải chửi”.

Một bên khác, đáng kinh ngạc thay, lại ném đá - nhưng không phải vào nền giáo dục nước nhà, vì chắc họ cũng thấy không thể tình trạng giáo dục Việt Nam hiện giờ là không thể đỡ nổi nữa.

Họ ném đá vào em Minh, vì cho rằng phát biểu như thế chỉ là thỏa mãn cái bức xúc cá nhân, tức thời, chứ chẳng mang lại điều gì tốt đẹp.

Họ cũng ném đá em, vì họ khẳng định một thằng bé 14 tuổi thì không thể phát biểu như thế được. Từ đây họ gợi ý rằng hẳn đã phải có những kẻ xấu, những người lớn xấu xa, cơ hội, phản động, thù địch “gài” cho em Minh có những phát ngôn “lạ”, không đúng lứa tuổi của em.

* * *

Họ đã suy đoán và gợi ý như vậy, thì chúng ta cũng có thể suy đoán và gợi ý như sau:

Phần tiếp theo hội thảo này, sẽ có những người lớn đến gặp gia đình em Tường Minh và khuyên nhủ:

“Anh chị ạ, vừa rồi chắc anh chị cũng biết là trên mạng, người ta có phản ánh chuyện cháu Minh nhà mình đi dự một cái hội thảo giáo dục gì đấy của nhóm Cánh Buồm... Rồi ở đấy cháu nó có phát biểu mấy câu, được hoan nghênh lắm. Thật ra nội dung thì cũng không có gì đâu, nhưng khổ cái là nó lại bị đưa lên mạng anh chị à. Rồi thì mạng người ta làm dữ quá, thế là ầm ĩ cả lên, bây giờ cái video đó phải tới hơn 200.000 lượt người xem.

Chúng tôi thì cũng không dám có ý kiến gì đâu, nhưng mà anh chị cũng biết rồi đấy, bây giờ tình hình xã hội nó phức tạp lắm. Tệ nạn thì nhiều, game online, chat sex, lừa đảo trên mạng... xểnh ra một cái là có chuyện. Nhiều vị cứ thương con, chiều con, cho nó giao du, cho nó lên mạng, đi chơi v.v. nhiều rồi tới ngày xảy ra chuyện xấu, công an đến nhà hỏi, mới ngớ người “Chúng tôi có biết đâu, thường ngày cháu nó ngoan lắm mà”.

Chuyện dạy con thì nhà ta đây là gia đình trí thức, có ăn học có hiểu biết cả, chúng tôi không dám can thiệp. Nhưng chỉ xin nhắc để anh chị lưu ý, anh chị bảo ban cháu Minh, là lần sau tránh những hội thảo kiểu như vậy, mà nếu có đi dự thì nên hạn chế phát biểu linh tinh... Ấy, ý chúng tôi là nên hạn chế phát biểu tiêu cực, dễ bị bọn xấu nó lợi dụng, nó tung lên mạng, rồi thiên hạ lại ầm ĩ lên, phức tạp lắm mà chả giải quyết được việc gì cả... Anh chị công nhận không ạ?”.

Những người lớn đó cũng có thể sẽ đến gặp Ban Giám hiệu trường Hà Nội-Amsterdam nữa, để nhắc nhở, lưu ý các thầy cô về một trường hợp học sinh “có thể nói là cá biệt, dễ bị bọn xấu lợi dụng”.

Và sau đó Ban Giám hiệu nhà trường sẽ phải có biện pháp phối hợp giữa gia đình và nhà trường để tăng cường quản lý học sinh, nhất là về tư tưởng, tránh để các em bị thế lực thù địch tác động, lôi kéo, lợi dụng...

“Bộ trưởng Giáo dục”” tương lai ơi, đừng sợ. Và các thầy cô, Ban Giám hiệu trường Hà Nội-Amsterdam (trường cũ của tác giả bài này) cũng đừng e ngại điều gì từ những “người lớn” đầy tinh thần cảnh giác kia, nếu họ xuất hiện.

Một đứa trẻ trung thực và thông minh lớn lên sẽ là một công dân tốt. 

Em Vũ Thạch Tường Minh tại hội thảo giáo dục của nhóm Cánh Buồm, 
chiều tối 12/8/2015 tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Đình Hà

* * *

Những suy đoán và gợi ý trên chắc chắn là có cơ sở thực tế hơn nhiều so với suy đoán và gợi ý rằng em Tường Minh đã bị người lớn nào đó gài bài.

Còn chuyện một cậu bé 14 tuổi có thể phát ngôn như em Minh hay không, thì có một câu chuyện có thật thế này:

Tháng 11/1989, nhân một kỳ bầu cử Quốc hội nào đó, toàn bộ khối học sinh lớp 6-7-8 của một trường cấp II tại Hà Nội được huy động ra ngoài đường diễu hành. Các em phải đi bộ khoảng 2km từ cổng trường, vòng vèo qua khu Chợ Giời, ra phố Huế, rồi quay lại trường; vừa đi vừa đánh trống và hô khẩu hiệu: “Toàn dân bầu cử”, “Bầu cử là quyền và nghĩa vụ của công dân”...

Có một em học sinh lớp sáu, 11 tuổi, đã không hô mà còn cằn nhằn suốt buổi: “Bầu cử là gì? Trẻ con biết bầu cử là cái đếch gì mà các cô bắt bọn em đi thế này?”. Được cái em ấy không bị ai để ý. Bạn bè của em thì chỉ thấy được đi cùng nhau trên phố và gõ trống là vui rồi.

Em học sinh ấy còn viết thư gửi cô chủ nhiệm, có ghi một câu là “Em không thích tham gia các hoạt động phù phiếm, vô bổ”. Sau đó, em cũng quên bẵng lá thư ấy đi, cho đến một buổi họp phụ huynh cuối năm, cô chủ nhiệm mới gặp riêng mẹ em và khuyên nên chú ý đến trường hợp này. Cô nói: “Nó mới 11 tuổi, mà nó dùng từ lạ lắm chị ạ, nó bảo làm như thế là “phù phiếm, vô bổ”, nó không thích”. Cũng may, mẹ em chỉ kể lại chuyện đó cho em, và cả cô và mẹ đều không nhắc nhở gì em.

Nhưng đúng là em học sinh 11 tuổi đó đã dùng từ ấy thật, để nói về việc học sinh phải đi vận động bầu cử, cấp II thì phải làm “phụ trách Đội” cho cấp I, mùa hè thì không được nghỉ mà sáng nào cũng phải dậy từ 5h để ra tập thể dục tập thể cạnh bãi rác của khu phố..., và nhiều chuyện khác.

Em học sinh 11 tuổi ấy là người bây giờ ngồi viết những dòng này.

Friday 7 August 2015

Vì các vị độc tài, chúng tôi mới phải đi vận động quốc tế cho nhân quyền

Cách đây hai năm, ngày 7/8/2013, 5 blogger Nghiêm Việt Anh, Nguyễn Đình Hà, Lê Thiện Nhân, Nguyễn Thu Trang, Nguyễn Văn Viên, đã thành công trong việc vượt qua nhiều vòng công quyền thù địch (đúng ra từ “thù địch” phải dành cho cơ quan công quyền mới phải, vì lâu nay công an, dân phòng, dư luận viên chính là lực lượng công khai thể hiện sự thù địch và căm ghét với những người ủng hộ dân chủ), vào được bên trong Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam để trao bản Tuyên bố 258. 

Trước đó, chiến dịch 258 đã bắt đầu từ trong nước với việc một nhóm blogger đến gặp Đại sứ quán Mỹ (chiều 24/7 tại Hà Nội), nhưng cuộc gặp này không được thông báo rộng rãi từ trước. Có lẽ vì thế nên các blogger tiếp xúc với tùy viên báo chí của phía Mỹ không mấy khó khăn. Họ không bị an ninh cản trở nhiều như nhóm viếng thăm Đại sứ quán Thụy Điển. 

Hàng tốp công an đã đứng vây lấy cổng Sứ quán Thụy Điển từ 7h30 sáng - điều này làm cho chính người chủ nhà và là người tổ chức cuộc gặp, bà Elenore Kanter, cũng phải “choáng”. Khi các blogger chuẩn bị tới nơi, công an ra sức đuổi tất cả các taxi chạy ngang qua khu vực, không cho họ dừng lại. Thậm chí một phụ nữ nước ngoài muốn vẫy taxi cũng không được, đành phải đi bộ ra phía ngoài đường Kim Mã. 

Khi cuộc gặp kết thúc, các blogger định ra về, thì lại thấy an ninh đã chờ sẵn ở cổng với ánh mắt gườm gườm, đầy thù địch. Bên trong Sứ quán lúc đó, chủ nhà (toàn là phụ nữ) lo lắng đến mức cuối cùng họ phải bố trí cho nhóm blogger tạm lánh vào tư gia của bà Elenore Kanter trong khuôn viên khu nhà, chờ cho “các anh” ở ngoài bớt nóng rồi họ sẽ đi tay chân không ra, gửi đồ đạc lại.


Bà Elenore Kanter và người trợ lý phải đưa các blogger ra tận cổng để đảm bảo họ được an toàn.

* * *

Tuyên bố 258 là tiếng nói độc lập từ các blogger yêu cầu chính quyền Việt Nam chấm dứt việc lợi dụng Điều 258 Bộ luật Hình sự để bắt giữ, đàn áp những người có "góc nhìn khác".

Chiến dịch 258 có thể được coi như nỗ lực chung đầu tiên của các blogger chính trị ở Việt Nam nhằm vận động cho nhân quyền và dân chủ. Đó cũng là lần đầu tiên những người hoạt động dân chủ-nhân quyền Việt Nam công khai tiếp xúc với các cơ quan đại diện ngoại giao (Mỹ, Thụy Điển, Úc, Đức, Phái đoàn EU) và tổ chức nhân quyền quốc tế và khu vực (HRW, Freedom House, SEAPA...) để kêu gọi họ quan tâm đến tình hình nhân quyền và cuộc đấu tranh của các blogger vì dân chủ-nhân quyền cho Việt Nam.

Cũng kể từ đó, "cuộc chiến diệt rận" của đám dư luận viên, mà thực chất là chống lại các giá trị dân chủ-nhân quyền, bắt đầu leo thang.

* * *

Ngay cả những người không phải là dư luận viên thì sau này, cũng có không ít ý kiến hỏi (hoặc chỉ trích) rằng việc đưa Tuyên bố 258 ra cộng đồng quốc tế có phải là hành động gián điệp, vọng ngoại, "cõng rắn cắn gà nhà", đem chuyện trong nhà ra nước ngoài tố cáo, trong khi lẽ ra việc của Việt Nam phải do người Việt Nam giải quyết.

Là người tham gia Chiến dịch 258 từ đầu và trực tiếp đưa Tuyên bố 258 tới Cao ủy Nhân quyền LHQ, tôi xin trả lời những ý kiến trên như sau:

1. Tôi không biết có ai cảm thấy tự hào khi phải phản ánh tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam ra thế giới; tôi thì không.

Việc này cũng tương tự như chuyện có thể có một số rất ít nhà báo mong có tai nạn giao thông thảm khốc, cháy, nổ, thiên tai, vụ án giết người... để đưa tin, viết bài, câu view, bán báo... nhưng đại đa số nhà báo không mong muốn phải tác nghiệp về những chuyện như thế.

Là một nhà báo và là một blogger, tôi cũng chỉ ước mình có thể viết, có thể nói những điều tốt đẹp về Việt Nam mà thôi, rằng Việt Nam đẹp lắm, con người Việt Nam dễ thương lắm, chính quyền Việt Nam dân chủ và tiến bộ lắm. (Riêng ý thứ ba này thì hơi khó, vì trên cả thế giới, nói chung các bạn dư luận viên sẽ không tìm ra người dân nước nào ca ngợi chính quyền của mình cả - trừ phi các bạn đến Bắc Triều Tiên hay một vài xứ độc tài tương tự).

Khi đã phải nói những sự thật chẳng hay ho gì về nước mình, là khi người ta đau lòng và khổ sở, và cũng đã cảm thấy tuyệt vọng vì không có khả năng thay đổi tình hình.

2. Không ai không hiểu rằng việc của người Việt Nam phải do người Việt Nam giải quyết. Nhưng nếu vậy thì là công dân Việt Nam, chúng ta phải làm gì để thay đổi chính sách?

Hãy chỉ cho tôi cách làm thế nào để vận động chính sách ở Việt Nam mà không phải hối lộ, đút lót, không cần phải là đảng viên ĐCS, không cần có chức quyền, không cần nhờ "Anh Hai/ Anh Ba/ Anh Tư" nào đó tác động, không phải gửi hàng chục cân kiến nghị/ đề đạt và mòn mỏi chờ đợi phản hồi, để rồi nhận những phản hồi (nếu có) kiểu "chúng tôi đã nhận được thư của ông/bà và đã chuyển tới cơ quan chức năng xem xét giải quyết", v.v.?

Hãy chỉ ra xem nào.

3. Việc tiếp xúc và phản ánh thông tin đến cộng đồng quốc tế cũng chỉ là một hành động chính trị như vô số hành động chính trị khác (làm truyền thông, tuần hành, biểu tình, khiếu kiện, v.v.).

Và, có vẻ như nó là hành động chính trị đặc thù của người dân ở những xứ sở độc tài. Nếu Việt Nam là một thể chế dân chủ, nơi các quyền dân sự và chính trị (như quyền biểu đạt ý kiến, quyền tham gia chính trị) của người dân được đảm bảo, thì các blogger cần gì phải đi vận động quốc tế cho những việc trong nước?

Nói vậy, nhưng tôi không tin đầu óc của dư luận viên hay quan chức Việt Nam có thể hiểu. Những cái đầu ấy không bao giờ đủ trí tuệ và sự tinh tế để hiểu nỗi đau khổ của những người đi vận động nhân quyền cho Việt Nam. 

Wednesday 5 August 2015

Dư luận viên nó thế

Vào những lúc gần như cả cộng đồng Facebook sôi lên vì những cái sai, cái lố, cái khốn nạn đã quá rõ ràng của chính quyền, như vụ "1.400 tỷ đồng cho tượng đài Bác Hồ ở Sơn La" như thế này, thì đa số dư luận viên bao giờ cũng im lặng vì khó ăn khó nói.

Tuy thế, một bộ phận các dư luận viên cao cấp thì sẽ giữ vẻ cao ngạo thường lệ để phán xét dư luận, kiểu như:

- Bức xúc quá nhỉ. Để xem được mấy ngày.

- Tuần trước chúng nó ầm ĩ lên vì Đại tướng Phùng Quang Thanh, tuần vừa rồi tới bọ cạp Lê Na, tuần này tượng đài Sơn La, xem tuần tới là trò gì.

- Ba bảy hăm mốt ngày lại quên hết ấy mà, anh em đếm nhé, một, hai...

- Đúng là dân xứ lừa, cái gì cũng chửi được. Để rồi xem, rộ lên được vài hôm rồi lại quên ngay đấy.

- vân vân.

Đặc điểm nổi bật của dư luận viên cao cấp thường là đánh vào số đông dân chúng Việt Nam (chứ không bao giờ tấn công vào lãnh đạo) theo hướng hạ thấp, miệt thị, kiểu "dân trí thấp thì phải thế thôi", "dân trí như thế, văn hóa như thế lại cứ đòi dân chủ", "cái nước mình nó thế", "dân Vịt nó thế".

Ngoài ra, một điểm nữa mà dư luận viên nói chung cũng hay xoáy vào, là "nước nào cũng thế thôi, ở đâu cũng có tham nhũng, bạo lực, cảnh sát đánh dân...". Nhưng cái rất đáng nói trong luận điểm "ở đâu cũng thế" thì dư luận viên lại lờ đi, đó là: Dân chúng ở đâu cũng có tư duy ngắn hạn trong những việc không phải là của mình, và luôn có xu hướng bị truyền thông dẫn dắt, tẩy não; không phải chỉ riêng người Việt Nam như vậy.

Dư luận viên còn ra sức tránh một sự thật quan trọng này: Rất nhiều trường hợp, dân ở đâu cũng thế nhưng lại không có chuyện "lãnh đạo ở đâu cũng thế", mà chỉ có mỗi lãnh đạo Việt Nam như thế thôi.

Nói cách khác, dư luận viên cao cấp là thế: cay nghiệt và khốn nạn với dân, nhất là với "phe dân chủ", nhưng lại đặc biệt thoáng và độ lượng với lãnh đạo - hay gọi đúng bản chất là nâng bi, bợ đít lãnh đạo.

* * *

Khi chính biến ở Ukraine xảy ra vào mùa xuân năm 2014, kịch bản chung là, nếu xảy ra bạo lực, đổ máu, thì dư luận viên sẽ bảo: "Đấy thấy chưa, cách với chả mạng, chỉ chết dân. Cứ trông gương Ukraine đấy, dân chủ chưa thấy đâu, chỉ thấy bạo lực, loạn lạc, chết người".

Còn nếu chính biến đó diễn ra êm ả, không bạo lực, không đổ máu, thì dư luận viên sẽ bảo: ''Đấy thấy chưa, dân trí người ta thế chứ. Phải thế mới xứng đáng với tự do. Ở Việt Nam, với dân trí thấp như này mà cách mạng thì chắc xác chết đầy đường. Việt Nam chưa thể có dân chủ đâu, chúng ta chưa thể thành người được''.

Tóm lại, cho dù thế nào thì toàn bộ lực lượng dư luận viên và những người mang tư duy dư luận viên vẫn đi đến kết luận một cách "khoa học và duy nhí", rằng dân trí Việt Nam thấp, Việt Nam không cần dân chủ tự do kiểu phương Tây, Việt Nam cần ổn định để phát triển, v.v.

Dư luận viên nó thế.