Wednesday 18 February 2015

Lời tự thú trước đêm giao thừa

Thật chẳng vui vẻ gì khi phải viết những dòng này, vào lúc này.

Trong khoảng nửa năm nay, kể từ mùa hè 2014 khi còn đang ở Mỹ, tôi đã thường xuyên nhận được từ nhiều trang Facebook nặc danh những tin nhắn đe dọa với một nội dung chung: Sẽ đưa các clip và hình ảnh nude, sex của tôi – Phạm Đoan Trang – lên mạng Internet, nếu tôi tiếp tục các hoạt động mà họ gọi là “chống phá”.

Tôi im lặng không trả lời một tin nhắn nào, vì tôi biết tác giả của chúng chỉ có thể là ai hoặc làm việc cho ai, và tôi… không biết phải nói gì.

Đó là một câu chuyện buồn, đã xảy ra từ gần 6 năm về trước, trong một vụ việc mà tôi tự gọi là “vụ bê bối 2009” của tôi với cơ quan an ninh điều tra của Việt Nam.

Hẳn nhiều người còn nhớ, vào cuối mùa hè năm 2009, có ba blogger bị bắt tạm giam 9 ngày ở một trong những vụ bắt nổi tiếng của năm (nối sau vụ bắt doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức và luật sư Lê Công Định). Ba blogger ấy là Mẹ Nấm, Người Buôn Gió, và tôi – khi đó còn là phóng viên của chuyên trang Tuần Việt Nam thuộc báo điện tử VietNamNet.

Cả ba blogger bị bắt vì bị cho là có dính líu đến một “âm mưu” in áo phông chống dự án khai thác bauxite Tây Nguyên.

Trong ba blogger, có lẽ tôi là người “oan” nhất, theo nghĩa tôi không hề tham gia in áo, chưa từng trông thấy áo, cũng như không một lần được hỏi ý kiến về vụ áo xống đó. Sau này, thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ lại câu chuyện ấy, với một ý nghĩ buồn trong đầu: “Áo em chưa mặc một lần…”.

Cũng về sau này, trong ba blogger, có lẽ tôi là người ít nói về câu chuyện năm ấy nhất, không phải vì sợ an ninh, sợ bị trả thù, hay sợ bất kỳ điều gì khác, mà vì hai lý do chính:

Lý do thứ nhất, tôi xấu hổ. Xấu hổ vì mình bị bắt một cách lãng xẹt, và hồi ấy, tôi ngu ngơ lắm, đần độn lắm, tôi đâu biết gì về chính trị, luật pháp, nhân quyền, v.v. Tôi đã là một người hoàn toàn ngây thơ và nhút nhát. Tôi đã khóc mếu, đã van lạy, xin khai báo thành khẩn – những việc mà không bao giờ tôi nghĩ mình có thể làm trong đời nếu mình vô tội. Nhưng than ôi, làm sao một đứa con gái nhà lành, chưa từng có chuyện dính dáng đến pháp luật và cơ quan công quyền, sống một thời tuổi trẻ và tuổi thơ tràn đầy thi ca nhạc họa, lại có thể có đủ bản lĩnh để đương đầu với những kẻ được đào tạo để thị uy, trấn áp người khác?

Mà cũng chính vì thế, tôi thấy xấu hổ thay cho cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an: Làm sao mà họ có thể biến chuyện in mấy cái áo phông thành một âm mưu xâm hại an ninh quốc gia được? Làm sao mà họ có thể thấy tự hào, hãnh diện vì đã cả phá thành công một “chuyên án” như thế? Nói cách khác, người bị bắt đã lố bịch, kẻ đi bắt người còn lố bịch hơn.

Lý do thứ hai, tôi đã trải qua những giờ phút rất đau khổ. Và đó là lý do còn ám ảnh tôi mãi mãi về sau này, cho đến tận bây giờ.

Họ – cơ quan an ninh điều tra của Bộ Công an – đã thu giữ máy tính của tôi trái phép, trong lúc tôi đang bị giam ở B14.

Họ đã xâm nhập máy tính của tôi – đương nhiên là trái phép – và tệ hơn thế nữa, phục hồi lại toàn bộ một số bức ảnh riêng tư mà tôi hoặc đã xóa đi, hoặc đang lưu trong một folder bí mật nào đó mà chính tôi cũng không ý thức nhớ (vì có bao giờ tôi từng nghĩ đến chuyện mình có thể bị bắt, máy tính có thể rơi vào tay an ninh).

Đó là những bức ảnh ghi lại cảnh quan hệ của tôi – vào cái thời mà tôi cho là mình lãng mạn nhất và cũng ngây thơ nhất. Thời mà tôi quan niệm “yêu là phải hết mình”. Thời mà tôi như sống trong một thế giới đầy những hình ảnh đẹp đẽ, những giai điệu huyền ảo: làm báo, yêu anh, và nghe guitar cổ điển, nghe nhạc Beatles. Tôi đi đâu, trong đầu cũng rực sáng những hình ảnh ấy: bóng nụ cười của anh, ánh mắt của anh, đôi môi, bàn tay…

Tôi đã nghĩ về tình yêu (và tình dục) như cái gì đó thật sự thiêng liêng, rất đỗi thiêng liêng.

Và vì thế, tôi đã đau khổ đến mức nào khi những điều thiêng liêng ấy bị làm cho vấy bẩn, khi sự riêng tư của mình bị xâm phạm, chà đạp. Tôi không bao giờ quên cảm giác chua xót khi hàng chục cặp mắt an ninh cùng soi vào những bức ảnh đó. Tôi không bao giờ quên được ý nghĩ đau đớn lướt qua đầu mình khi đó: Phải rồi, tôi đã có vài mối tình, và đã chụp ảnh ghi lại một số khoảnh khắc nhạy cảm. Nhưng tôi làm thế chỉ vì tình cảm – đối với người mình yêu, và với chính cơ thể mình, tuổi xuân của mình. Tôi làm thế không phải để cho cả một tiểu đội an ninh xem, rồi đem ra bình phẩm và răn dạy rằng phàm là trí thức, là người có đạo đức, thì phải thế này, thế kia…

Tôi đã im lặng, cố gắng để câu chuyện buồn thảm của năm 2009 ấy trôi vào quá khứ vĩnh viễn. Nhưng ký ức của tôi không ngủ được, cứ lâu lâu nó lại bị đánh thức bởi những tin nhắn đe dọa nặc danh, những lời lẽ của dư luận viên bóng gió trên mạng. Tôi hiểu rằng, không sớm thì muộn, những bức ảnh ấy cũng sẽ bị tung ra, chúng có thể bị rò rỉ trên một trang mạng “chống phản động” nào đấy, và/hoặc sẽ được gửi đến những người mà tôi không muốn họ biết đến chúng nhất. Tệ hơn nữa, chúng có thể được xử lý, được chỉnh sửa, được công bố kèm những thông tin thêm thắt, nhào nặn và bịa đặt khác (giống như cách mà dư luận viên lâu nay vẫn làm đối với người đấu tranh dân chủ) để cố tình tạo ra những câu chuyện kinh khủng về tôi.

Tôi không muốn thanh minh gì, ngoài một điều duy nhất: Tôi đã làm thế chỉ vì tình cảm đối với người mình yêu và với chính cơ thể mình, tuổi xuân của mình.

Và bây giờ, tôi buộc lòng phải viết những dòng này, trong một đêm cuối năm mà lẽ ra tôi phải thấy rất vui, vì tôi đang được ăn Tết ở Việt Nam, sau hơn hai năm xa nước.

Tôi thích thú gì khi phải tung lên mạng những chuyện hết sức riêng tư, mà lại là vào đêm trước giao thừa?

Tôi thích thú gì khi phải tố cáo những chuyện liên quan đến một cơ quan công quyền thật sự rất lớn và rất oai, là cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an Việt Nam?

Tôi thích thú gì khi phải nói rằng an ninh Việt Nam đã “mẫn cán” đến mức thọc mũi vào đời tư của một phụ nữ và ra sức huấn thị, dạy đạo đức cho người phụ nữ (độc thân) ấy?

Nhưng, dù chua xót đến mấy, tôi cũng đành phải viết lời “tự thú” cuối năm này, bởi vì biết đâu, một ngày nào đó những bức ảnh riêng tư của tôi sẽ được bôi đen bôi đỏ, khoanh tròn, v.v. trên mạng?

Tôi muốn có lời xin lỗi trước đến những người sẽ bị ảnh hưởng vì sự cố đó, nếu nó xảy ra. Tôi muốn nói rằng, tôi đã không thể tự vệ được, cũng như đang không thể chịu trách nhiệm về những bức ảnh riêng tư của mình một khi nó đã được lưu đầy đủ trong hồ sơ của cơ quan an ninh.

Tôi cũng muốn cầu nguyện một điều trước phút giao thừa – dù tôi không phải người có đạo – rằng ước sao những câu chuyện đau lòng tương tự do an ninh Việt Nam gây ra sẽ không bao giờ xảy ra với bất kỳ ai trên đất nước này nữa. Ước sao lực lượng an ninh Việt Nam cũng biết bảo vệ, tôn trọng nhân quyền, trong đó có quyền riêng tư của công dân, như họ đã và đang tích cực bảo vệ chế độ.

Hà Nội, 11h đêm 17/2/2015 (29 Tết)

Friday 13 February 2015

Bộ 4T “đánh” báo Người Cao Tuổi: Khi hành pháp làm càn

  • Phạm Đoan Trang - Nguyễn Anh Tuấn - Trịnh Hữu Long

Tóm tắt vụ “Bộ 4T vs. báo Người Cao Tuổi”

Thứ hai, ngày 9/2/2015, Bộ Thông tin Truyền thông (sau đây gọi tắt là Bộ 4T) tổ chức họp báo đấu tố báo Người Cao Tuổi, tiến hành xử phạt hành chính, thu hồi giấy phép của phiên bản điện tử của báo, thu hồi thẻ nhà báo của Tổng Biên tập Kim Quốc Hoa, đề nghị cách chức ông Hoa, và chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an.

Sau đó, thứ ba, 10/2, theo một nguồn tin riêng, Ban Tuyên giáo đã chỉ thị cho các báo không được đưa tin “ngược chiều” về vụ việc của báo Người Cao Tuổi. Và có lẽ đó là lý do khiến các bài báo ủng hộ Người Cao Tuổi nói chung và ông Kim Quốc Hoa nói riêng không còn trên báo chí chính thống. Ngay cả các bình luận (comment) của độc giả bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Kim Quốc Hoa cũng biến mất dưới mỗi bài báo được đăng tải.

Chỉ đạo báo chí xong, từ thứ tư, 11/2, cơ quan chức năng bắt đầu xử lý Người Cao Tuổi. Tổng Biên tập Kim Quốc Hoa phải làm việc với công an, cùng lúc đó, hai tờ báo của Bộ 4T là VietNamNet và Info.net tích cực đăng hàng loạt bài viết ủng hộ Bộ nhà: “Việc thanh tra báo Người Cao Tuổi là đúng quy định”, “Tướng quân đội nói về xử lý sai phạm báo Người Cao Tuổi”, “Làm báo như Người Cao Tuổi không sai mới lạ”, “Người Cao Tuổi sai phạm, chủ quản ở đâu”… Chắc rằng chuỗi bài này chưa dừng lại, khi mà Bộ 4T tuyên bố “sẽ cứng rắn hơn nếu báo Người Cao Tuổi gây phức tạp tình hình”.

Một mặt không cho báo chí đưa tin “ngược chiều” với mình, mặt khác vẫn chỉ trích và kết tội một tờ báo nhỏ, giới chức quản lý ở Việt Nam đã thể hiện một thái độ rất không đẹp. Tuy nhiên, chưa bàn tới lối hành xử đó, thì cung cách phát ngôn của Bộ 4T cũng đã cho thấy nhiều bất cập trong tư duy và năng lực của một đội ngũ được nắm quyền quản lý giới truyền thông.

Nhà báo Kim Quốc Hoa, Tổng Biên tập báo Người Cao Tuổi. 
Nguồn ảnh: báo Pháp luật (tháng 4/2014)

Đôi co với một tờ báo

Ngày 12/2/2015, VietNamNet đăng bài “Làm báo như Người Cao Tuổi không sai mới lạ”, phỏng vấn Phó cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc – Trưởng đoàn Thanh tra của Bộ 4T. Bài phỏng vấn được đăng trên trang chủ, với nhiều thông tin được nhấn mạnh, như các phát biểu của ông Phúc kết tội báo Người Cao Tuổi khoác danh nghĩa chống tham nhũng để “tham nhũng, tiêu cực”.

Mặc dù vậy, quá nửa bài báo vẫn chỉ là những ý kiến của ông Phúc loanh quanh về trình tự, thủ tục của quá trình thanh tra – mà theo đó thì giữa những thông tin mà ông đưa ra và ba bài viết của báo Người Cao Tuổi có một số điểm không thống nhất. Chẳng hạn như ông bảo, “tổng số thời gian thanh tra tại báo Người Cao Tuổi… là 45 ngày làm việc… không phải là 64 ngày làm việc như nội dung bài viết trên báo Người Cao Tuổi đã nêu”.

Trước đó, báo Người Cao Tuổi đã có ba bài viết chỉ ra rằng Đoàn Thanh tra của Bộ 4T có nhiều sai phạm, nhiều điểm trái pháp luật – Luật Thanh tra, Luật Báo chí, Luật Khiếu nại, v.v. Báo chỉ ra đầy đủ các điểm vi phạm, hoặc nói rõ rằng các bài viết “sai phạm” mà Thanh tra nêu ra thì đến nay đều đã quá thời hiệu, mà báo chưa từng nhận được đơn thư khiếu nại nào của các cá nhân và tổ chức liên quan. Song, ông Cục phó Lưu Đình Phúc không bàn cụ thể đến một điểm nào trong những điểm Người Cao Tuổi đã nêu.

Ông Phúc cũng lờ đi chi tiết quan trọng, là ngày 31/1, Đoàn Thanh tra của ông mới làm việc với Tổng Biên tập Kim Quốc Hoa để trao đổi về nội dung thanh tra, mà lại đòi phải có giải trình về trên 52 nội dung “chậm nhất là ngày 3/2/2014”. Bản thân báo Người Cao Tuổi cũng đã có công văn (số 32/CV-BNCT) ngày 4/2 gửi Đoàn Thanh tra kiến nghị cần thời gian giải trình.

Bộ 4T chơi khó như vậy, có khác nào mụ dì ghẻ trộn đỗ với gạo, bắt cô Tấm nhặt xong hết mới được đi chơi?

Vậy nhưng ông Lưu Đình Phúc lờ chuyện đó đi, ông bảo “hết thời hạn, Người Cao Tuổi không gửi báo cáo giải trình theo yêu cầu”, rồi ông suy đoán: “Có thể thấy báo đã không hợp tác với Đoàn Thanh tra, cố tình kéo dài thời gian giải trình…”.

Đôi co với báo Người Cao Tuổi ở một số chi tiết và tránh né, tảng lờ nhiều chuyện khác, đó là lối hành xử không nên có ở một quan chức (“quan báo”) đối với dân.

Loanh quanh hết nửa bài rồi vị đại diện Bộ 4T bắt đầu dùng chiêu ngụy biện “đánh vào tình cảm” khi ông quay sang răn báo chí: “Chống tham nhũng phải khách quan, trung thực”, “phải đưa tin có trách nhiệm”, “nâng cao ý thức công dân”, v.v.

Phàm là ngụy biện đánh vào tình cảm của số đông thì các nội dung nghe đều bùi tai và thuyết phục cả. Có điều, trong trường hợp này, phát biểu của ông Lưu Đình Phúc chỉ cho thấy nhận thức về pháp luật và quản trị của ít nhất là một bộ phận quan chức, công chức Việt Nam còn nhiều bất cập.

Cần tìm hiểu thêm về hành chính

Trên nguyên tắc, trong mỗi nền hành chính, đều có những cơ quan thanh tra thực hiện chức năng kiểm soát nội bộ ngành, ví dụ Bộ Thông tin Truyền thông có thể có thanh tra làm nhiệm vụ giám sát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của Bộ. Ở Việt Nam, do Bộ 4T còn được hưởng đặc quyền “quản lý báo chí”, nên thanh tra Bộ nghiễm nhiên nắm thêm quyền sinh quyền sát với giới truyền thông.

Dù vậy, cần phải hiểu rằng đây chính là điểm mấu chốt dẫn đến khả năng hành pháp lạm quyền, cửa quyền. Để tránh vấn nạn đó, chỉ có một cách là tư pháp phải độc lập và có quyền lực ngang bằng hai nhánh hành pháp, lập pháp.

Nói đơn giản là, hành pháp - ở đây là Bộ 4T - có thể thanh tra báo chí, nhưng chỉ dừng lại ở đó mà thôi, muốn xử phạt báo chí thì họ phải chuyển hồ sơ vụ việc sang bên tư pháp - ở đây là tòa án. Ngoài ra, Bộ 4T có quyền thanh tra báo chí, song cơ quan báo chí lại cũng có quyền không chấp hành và quyền khởi kiện Bộ ra tòa. Người Cao Tuổi không nhất thiết phải tuân thủ mọi hình thức xử phạt của Bộ (thu hồi giấy phép báo điện tử, tước thẻ nhà báo hay cách chức tổng biên tập); họ có thể đâm đơn kiện Bộ 4T, kết quả thế nào sẽ do tòa án quyết định.

Tiếc rằng đó chỉ là nguyên tắc, còn trên thực tế ở Việt Nam, do nhánh hành pháp quá mạnh nên mới có thể làm càn: xử phạt hành chính, thu hồi tên miền báo điện tử, rút thẻ nhà báo của tổng biên tập Kim Quốc Hoa. Bộ 4T đã hành xử chẳng khác nào một vị quan tòa lộng quyền khi vừa đưa ra kết luận buộc tội Người Cao Tuổi, vừa thi hành án luôn.

Chưa kể, công chức của Bộ còn răn dạy báo chí tác nghiệp phải thế này, thế kia: “Tôi cho rằng, khi đã cho đăng bài viết thì Tổng biên tập phải có đủ tài liệu, căn cứ, chứ không có tài liệu gì trong tay, phóng viên các tỉnh gửi bài về cho đăng ngay là không ổn. Cũng ở báo này, khi thanh tra chúng tôi còn phát hiện, báo nhận bài của bạn đọc qua email, cho đăng ghi là nhóm phóng viên điều tra. Khi bị khiếu nại, báo trả lời bằng văn bản là không phải của phóng viên viết, đó là của bạn đọc gửi tới. Làm báo như vậy thì không sai mới là lạ!”.

Ông Lưu Đình Phúc đã không ý thức được một điều đơn giản, rằng: Tác nghiệp báo chí là công việc nội bộ của một tòa soạn, không ai có quyền yêu cầu họ giải trình. Tòa soạn chịu trách nhiệm trước dư luận về các thông tin họ đăng tải. Nếu báo đưa tin sai, ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức nào thì cá nhân, tổ chức đó mới là người có thẩm quyền kiện tòa soạn ra tòa dân sự để giải quyết việc riêng của họ với nhau. Ở đây, không có khía cạnh nào mà Bộ 4T hay bất kỳ cơ quan hành pháp nào khác có thể tham gia.

Không được hình sự hóa hoạt động báo chí!

Việc chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Bộ Công an, và sau đó khởi tố báo Người Cao Tuổi theo Điều 258 Bộ luật Hình sự, là hành động hình sự hóa những hoạt động báo chí thuần túy dân sự. Đây là một biểu hiện của xã hội công an trị. Trong khi đó, nguyên tắc đơn giản và phổ cấp ở các nền luật pháp trên thế giới là: Không hình sự hóa các vi phạm của báo chí; ai bị hại thì người đó kiện cơ quan báo chí, chứ đó không phải việc của một bộ có tên là Bộ 4T.

Người Cao Tuổi ghi tên tác giả là “nhóm phóng viên” hay “nhóm bạn đọc” thì đó cũng chỉ là vấn đề nghiệp vụ chỉ của tờ báo mà thôi. Một anh công chức ở Bộ 4T không có thẩm quyền phán xét nghiệp vụ của báo, nhất là khi chưa có phóng viên hay bạn đọc nào cảm thấy bị xâm hại lợi ích.

Và cuối cùng, về Điều 258 Bộ luật Hình sự: Nếu điều luật này nhằm chống lại việc “xâm hại lợi ích nhà nước”, thì điều tối thiểu khi vận dụng nó là phải nêu rõ nhà nước ở đây là ai, cơ quan nào cảm thấy họ bị hại, địa chỉ giao dịch ở đâu, bị hại như thế nào? Không thể nói chung chung là “nhà nước” – một thực thể không tên tuổi, không địa chỉ.

Nếu những thông tin mà báo Người Cao Tuổi đưa ra ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước thì chỉ duy nhất Chủ tịch nước mới có quyền phát ngôn lợi ích đó là gì và bị ảnh hưởng tới đâu. Nếu “nhà nước” thấy thông tin đó ảnh hưởng tới lợi ích của mình thì phải kiện báo Người Cao Tuổi ra tòa dân sự để tranh cãi đúng sai. Còn hình sự hóa vụ việc và dùng sức mạnh cưỡng chế chỉ là cách phản ứng của những người đuối lý và ưa bạo lực.

Ảnh: Lê Anh Dũng/ VietNamNet


Wednesday 11 February 2015

Tân Hiệp Phát và chuyện người cắn chó

Vụ Tân Hiệp Phát lắm cái vô lý nhở?

1. Đường đường là một tập đoàn lớn, sở hữu thương hiệu nổi tiếng, thừa đủ tài chính và quan hệ để thuê luật sư, để làm truyền thông và giải quyết khủng hoảng... thế mà lại có thể bị "uy hiếp" bởi một cá nhân, đến nỗi phải dùng mẹo bẫy cá nhân đó rồi đi mách công an. Tân Hiệp Phát thật là mong manh yếu đuối dễ sợ.

2. Công an, sau khi nghe Tân Hiệp Phát mét, bèn bắt “đối tượng” Võ Văn Minh bỏ bót cái đã, rồi sau đó lại cũng là cơ quan giám định của Bộ Công an vào cuộc “xác minh, làm rõ” sự việc. Hay nhở, đến giờ nhà cháu mới lại càng hiểu thế nào là xã hội công an trị: Công an bắt người, công an điều tra, công an giám định, ít nữa người ta ra tòa cũng là tòa án của công an xử, sau đấy người ta vô tù thì nhà tù cũng là do công an làm quản giáo, cai tù nốt.

Giám định với pháp y với “khoa học hình sự” kiểu ấy, thảo nào lâu nay bao nhiêu người chết trong đồn công an đều được cơ quan chức năng của Bộ Công an xác định là do tự tử.

Việc cho rằng tập đoàn Tân Hiệp Phát bị một cá nhân “uy hiếp, tống tiền” khiến nhà cháu nghĩ: Nếu bây giờ một anh Nguyễn Văn Tèo nào đấy đâm đơn kiện đồng chí X. vì bị chó nhà X. cắn, có khi cuối cùng Bộ Công an sẽ chứng minh được điều ngược lại ấy chứ, rằng chính anh Tèo đã cắn con chó nhà X., buộc con chó phải tự vệ chính đáng.

Và thế là anh Tèo đã mắc tội hành hung gây thương tích lại còn thêm tội vu khống nữa.