Tuesday 27 May 2014

Chủ quyền đối với Hoàng Sa: Về một bài báo thiên vị Trung Quốc

ENGLISH

Vào ngày 15/5/2014, Sam Bateman, nghiên cứu viên cấp cao của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS, thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore), đã có bài phân tích đăng trên Eurasia Review, nhan đề “Công hàm Phạm Văn Đồng làm lung lay yêu sách chủ quyền của Việt Nam”.

Đại ý tác giả cho rằng: Do Công hàm Phạm Văn Đồng 1958 thừa nhận Hoàng Sa là của Trung Quốc và từ đó đến năm 1975, Việt Nam cũng không phản đối gì; cho nên nếu bây giờ Việt Nam đòi chủ quyền đối với Hoàng Sa thì sẽ yếu thế.

Vài ngày sau đó, hai học giả Việt Nam là TS. Dương Danh Huy và TS. Phạm Quang Tuấn đã có bài viết phản bác tác giả Sam Bateman. Hai ông gửi đăng bài này ở RSIS. Ngày 26/5, RSIS đăng tải bài viết của Dương Danh Huy và Phạm Quang Tuấn (số thứ tự 99), cùng ngày, đăng luôn một bài viết mới của Sam Bateman phản biện hai học giả Việt Nam (số thứ tự 100).

Dưới đây là nội dung bài viết của TS. Dương Danh Huy và TS. Phạm Quang Tuấn.

* * *

CHỦ QUYỀN ĐỐI VỚI HOÀNG SA: VỀ MỘT BÀI BÁO THIÊN VỊ TRUNG QUỐC

  • Huy Duong – Tuan Pham

Tóm tắt

Trong bài bình luận của RSIS, số 88/2014, “Căng thẳng trên Biển Đông: Ai có chủ quyền đối với Hoàng Sa?”, Sam Bateman cho rằng Trung Quốc đang thực hiện đúng quyền của mình khi triển khai giàn khoan Haiyang 981 ở tọa độ hiện tại. Bài viết của ông không bảo vệ được quan điểm đó và cho thấy một cái nhìn không công bằng về những mặt mạnh tương đối trong từng trường hợp – Việt Nam và Trung Quốc.

Bình luận

Trong bài bình luận gần đây của RSIS, số 88/2014, Sam Bateman đã nêu ý kiến về tranh cãi giữa Việt Nam và Trung Quốc xoay quanh việc Bắc Kinh đặt giàn khoan dầu của họ tại một địa điểm gần Việt Nam. Ông Bateman cho rằng “giàn khoan nằm ở vị trí chỉ khoảng 14 hải lý tính từ một hòn đảo nhỏ thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc có yêu sách chủ quyền, và 80 hải lý tính từ đảo Phú Lâm (Woody Island, thuộc Hoàng Sa – ND), một cấu trúc địa lý lớn, với diện tích khoảng 500 hecta, mà Trung Quốc đang chiếm hữu”. Câu này có một số lỗi và thiếu sót, mà tất cả đều thiên về bênh vực Trung Quốc.

Cấu trúc địa lý gần giàn khoan nhất là đảo Tri Tôn (Triton, thuộc Hoàng Sa – ND), cách đó 17 hải lý. Chênh lệch giữa con số 14 và 17 hải lý có vẻ nhỏ, tuy nhiên, con số 14 ngụ ý rằng giàn khoan chỉ nằm ngoài lãnh hải (territorial waters – vùng biển rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở – ND) của đảo Tri Tôn có 2 hải lý, trong khi khoảng cách thực sự là 5 hải lý.

Đảo Phú Lâm nằm cách giàn khoan 103 hải lý chứ không phải 80, và diện tích của đảo nhìn chung được ghi nhận là khoảng 200 hecta, thống nhất với Google Map (bản đồ của Google).

Còn cái thiếu sót ở đây là tác giả đã không đề cập rằng quần đảo Hoàng Sa là nơi Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền.

Tọa độ của giàn khoan Haiyang 981. Nguồn: CSIS/CNN

Xem nhẹ các yêu sách của Việt Nam

Tác giả Bateman viết rằng: “Một đường biên giới hàng hải đã được đàm phán trong khu vực này thì chắc chắn sẽ xác định rằng giàn khoan dầu nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, ngay cả khi những lập luận của Trung Quốc khẳng định các đặc tính của đảo có kém sức thuyết phục đi chăng nữa”.

Một bài phân tích thận trọng sẽ cho thấy điều ngược lại: Thứ nhất, cả Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa; do đó, sẽ là sai lầm nếu mặc định rằng tất cả các đảo thuộc Hoàng Sa và phần vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) bao quanh mỗi đảo đều tự nhiên thuộc về Trung Quốc và đàm phán hay các thủ tục trọng tài đều phải dựa trên cơ sở đó.

Ngay cả trong một trường hợp không có khả năng xảy ra, là Việt Nam tuyên bố từ bỏ chủ quyền đối với Hoàng Sa, thì một tòa án trọng tài có thể cũng sẽ phải ra phán quyết giao khu vực bao quanh giàn khoan cho Việt Nam, bởi lẽ khoảng cách từ giàn khoan tới đất liền Việt Nam (120 hải lý) chỉ xa hơn một chút so với khoảng cách từ giàn khoan đến đảo Phú Lâm (103 hải lý). Trong quá khứ, tại nhiều phiên đàm phán và trọng tài về biên giới trên biển, có những đảo lớn hơn Hoàng Sa nhiều, nhưng chỉ được tính hệ số nhỏ hơn hoặc bằng 1/3 so với bờ biển thuộc đất liền. (xem chú thích)

Trong hiệp định biên giới Vịnh Bắc Bộ (năm 2000), đảo Bạch Long Vỹ của Việt Nam được hưởng 1/4 hiệu lực. Trong phán quyết năm 2012 của Tòa án Quốc tế (ICJ) về tranh chấp giữa Nicaragua và Colombia, các đảo của Colombia được tính cộng thêm 1/4 khoảng cách đến Nicaragua.

Các đảo liên quan trong những trường hợp trên đều có diện tích từ tương đương cho đến gấp 13 lần diện tích đảo Phú Lâm.

Đảo Tri Tôn nằm gần giàn khoan hơn, nhưng theo Điều 121 UNCLOS, đảo này khó được hưởng quy chế có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), cho nên việc giàn khoan ở gần nó chẳng có ý nghĩa gì.

Bateman viết rằng “Việt Nam tuyên bố rằng, do giàn khoan ở gần đất liền của họ hơn gần Trung Quốc và nằm hoàn toàn trong khoảng cách 200 hải lý tính từ bờ biển Việt Nam, cho nên nó rơi vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam… nhưng gần gũi về địa lý không thôi thì không phải là một cơ sở rõ ràng cho việc ra yêu sách chủ quyền hay quyền chủ quyền”. Đây là một cách mô tả rối rắm và sai lầm về căn cứ của yêu sách chủ quyền của phía Việt Nam. Sự nhầm lẫn bắt nguồn từ việc Bateman làm lẫn lộn hai khái niệm “chủ quyền” và “quyền chủ quyền”.

Thực sự là có tranh chấp chủ quyền

Quả thật là có tranh chấp chủ quyền, nhưng đó là về quần đảo Hoàng Sa chứ không phải về khu vực đặt giàn khoan.

Các yêu sách chủ quyền của Việt Nam chưa bao giờ căn cứ vào chuyện “gần gũi về mặt địa lý”, cho nên lập luận của Bateman về việc các nước có thể có chủ quyền cả với những cấu trúc địa lý nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác, là hoàn toàn chẳng ăn nhập gì.

Còn về những ví dụ mà Bateman đưa ra, về việc có những đường phân định vùng đặc quyền kinh tế được thiết lập gần một quốc gia nào đó hơn hẳn quốc gia khác, thì thật ra lập luận này lại là có lợi cho Việt Nam chứ không phải cho Trung Quốc. Đó là bởi vì, nếu Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc, thì các tiền lệ đàm phán và trọng tài về phân định vùng đặc quyền kinh tế đều ngả theo hướng ưu tiên đất liền (trong trường hợp này là Việt Nam) hơn là đảo, như đã trình bày ở trên. (Xem chú thích)

Bateman coi thường yêu sách chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, thế nhưng các lập luận của ông lại rất yếu. Đúng là Bắc Việt đã im lặng, không phát biểu gì về vấn đề chủ quyền, nhưng theo luật pháp quốc tế, đó không phải là hành vi công nhận. Trong công hàm ngoại giao năm 1958 mà Bateman nhắc đến, Thủ tướng Bắc Việt lúc đó là ông Phạm Văn Đồng đã không đề cập gì tới Hoàng Sa hay Trường Sa. Thêm vào đó, miền Nam Việt Nam đã luôn luôn khẳng định và bảo vệ yêu sách chủ quyền của mình.

Bateman viết, Hoa Kỳ đã công khai hoặc ngấm ngầm công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với một số hoặc tất cả các hòn đảo thuộc Hoàng Sa, nhưng ông không đưa ra được bằng chứng thuyết phục nào về việc này. Trên thực tế, Hoa Kỳ thậm chí còn không công nhận chủ quyền của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với lục địa Trung Hoa, cho mãi đến năm 1979. “Bằng chứng” duy nhất (mà Bateman đưa ra) là các hoạt động của quân Mỹ trong chiến tranh có thể đã bị ảnh hưởng nếu Bắc Việt chiếm được đảo Phú Lâm, nhưng Bateman cũng không giải thích được tại sao lại như vậy và cụ thể như thế nào, và ông ta bị nhầm lẫn giữa “chiếm đóng” và “có chủ quyền”.

Trung Quốc nên tuân thủ UNCLOS

Bên cạnh lập luận mấu chốt nêu trên, một quan điểm khác của Bateman, tuy không phải là chính, nhưng cũng có ý bênh vực Trung Quốc, là khi ông cho rằng Trung Quốc chỉ đang đòi quyền đánh bắt cá truyền thống cho các ngư dân của họ, trên gần như toàn bộ Biển Đông. Quan điểm này không đả động gì tới một thực tế gây tranh cãi, là Trung Quốc sử dụng lập luận “các quyền đánh bắt cá truyền thống” để đòi cả quyền khai thác dầu, mặc dù hai thứ quyền này đã được Tòa án Quốc tế (ICJ) phán quyết là chẳng liên quan gì, như trong vụ Lybia-Tunisia.

Kết luận là, có quá nhiều sai lầm, thiếu sót, lập luận yếu và quan điểm không công bằng trong bài báo của Bateman nhằm bảo vệ luận điểm gây tranh cãi của ông ta, rằng Trung Quốc đang thực hiện đúng quyền của mình khi triển khai giàn khoan Haiyang 981 ở tọa độ hiện tại, hoặc Việt Nam nên đơn phương từ bỏ yêu sách chủ quyền đối với Hoàng Sa.

Vụ giàn khoan Haiyang 981 là một trường hợp các yêu sách về vùng đặc quyền kinh tế bị chồng lấn. Điều 74 UNCLOS đã quy định về việc các bên tranh chấp phải giải quyết các vụ việc kiểu này như thế nào, và Điều 74 cũng đã được diễn giải, áp dụng trong phán quyết năm 2007 của Tòa Trọng tài Thường trực, trong tranh chấp Guyana-Suriname.

TS. Bateman có thể có đóng góp tích cực hơn cho hòa bình và hợp tác bằng cách khuyến khích Trung Quốc chịu khó tuân theo các thủ tục giải quyết tranh chấp đã được cụ thể hóa trong UNCLOS.



Chú thích:

Để hiểu cặn kẽ bài viết này và bút chiến “Dương Danh Huy và Phạm Quang Tuấn vs. Sam Bateman”, bạn đọc cần có một số kiến thức căn bản về luật pháp quốc tế liên quan đến biển đảo, như sau:

Theo truyền thống, các đảo đều có nội thủy và lãnh hải bao quanh. (Như thế nào là đảo, thì dựa vào Điều 121 UNCLOS). Chiều rộng của lãnh hải, theo Điều 3 UNCLOS, không quá 12 hải lý tính từ đường cơ sở. Nói cách khác, đường cơ sở là ranh giới bên trong của lãnh hải, từ đây tính thêm 12 hải lý thì ra đường ranh giới bên ngoài của lãnh hải. (Xem ảnh trên)

Bên ngoài lãnh hải của một đảo, là tới vùng tiếp giáp, rồi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), và rộng nhất là thềm lục địa của đảo đó. (Một cấu trúc địa lý nếu không phải là đảo thì chỉ được có nội thủy và lãnh hải).

Trong công pháp quốc tế liên quan đến xác định biên giới trên biển, từng có những án lệ theo đó, nếu so giữa bờ biển đất liền và đảo thì bờ biển đất liền có giá trị hơn là đảo trong việc phân định nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Lý do có thể là bởi các đảo đó quá nhỏ, không thích hợp cho con người ở…

Áp dụng vào trong trường hợp Việt Nam hiện nay, theo TS. Dương Danh Huy và TS. Phạm Quang Tuấn: Giàn khoan nằm gần đảo Phú Lâm (103 hải lý) hơn là gần đất liền Việt Nam (120 hải lý). Tuy nhiên, xét về hiệu lực, đảo Phú Lâm chỉ có hệ số bằng 1/3 hoặc ít hơn nữa, so với (hiệu lực của) bờ biển đất liền Việt Nam. Do đó, nếu sử dụng làm cơ sở để phân định vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa... đất liền Việt Nam có giá trị hơn đảo Phú Lâm, và giàn khoan, ở vị trí hiện tại, phải bị coi là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (chứ không phải của Hoàng Sa, cho dù Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc hay Việt Nam thì cũng vậy).

Đoan Trang dịch và chú thích

Monday 26 May 2014

Sovereignty over Paracels: Article Lets Off Beijing Lightly


By Huy Duong and Tuan Pham

Synopsis

In his RSIS Commentary No 88/2014 Tensions in the South China Sea: Whose Sovereignty over Paracels? Sam Bateman suggests that China may be within its rights in deploying the Haiyang 981 oil rig in its present location. The piece fails to support this view and presents an unbalanced perspective of the relative merits of Vietnam's and China's cases.

Commentary

IN HIS recent RSIS Commentary No.88/2014, Sam Bateman opined on the dispute between Vietnam and China over Beijing’s decision to locate its oil rig in an area close to Vietnam. He states that "the rig is about 14 nautical miles from a small island in the Paracels claimed by China and 80 nautical miles from Woody Island, a large feature with an area of about 500 hectares occupied by China". This sentence contains several errors and omission, all of them biased in favour of China.

The nearest feature to the rig is Triton Island, which is 17 nautical miles from the rig. While the difference between 14 and 17 nautical miles may seem small, the former implies that the rig is just two nautical miles outside Triton's territorial waters while the distance is actually five nautical miles. Woody Island is 103 nautical miles away, not 80, and its area is generally reported as being only around 200 hectares, consistent with Google Maps. The omission is the failure to mention that the Paracels are also claimed by Vietnam.

Dismissive of Vietnam’s claims

Bateman states that "a negotiated maritime boundary in this area would likely place the rig within China’s EEZ even if reduced weight was given to China’s claimed insular features". A careful analysis suggests just the opposite. Firstly, both Vietnam and China claim the Paracels, so it would be incorrect to assume that negotiations or arbitration would be on the basis that these islands and any EEZ allocated to them automatically belong to China.

Even in the improbable event of Vietnam relinquishing its claim on the Paracels, an arbitration court would probably award the area around the rig's location to Vietnam since its distance to the Vietnamese mainland (120 nautical miles) is only marginally greater than that to Woody Island (103 nautical miles). In past negotiations and arbitrations of maritime boundaries worldwide islands far larger than the Paracels have been given a third or less weight than mainland coasts.  

In the 2000 Gulf of Tonkin boundary agreement, Vietnam’s Bach Long Vy island was given 1/4 effect. In the 2012 ICJ judgement in the Nicaragua-Colombia dispute, Colombia’s islands were given a quarter of the distance to Nicaragua.

The islands involved in those cases are from about the same size as Woody Island to thirteen times in area. Triton Island is nearer to the drilling site but unlikely to qualify for an EEZ based on UNCLOS Article 121, so it does not have an effect.

Bateman states that "Vietnam claims that because the rig is closer to its mainland coast than to China’s and well inside 200 nautical miles of its coast, it lies within its EEZ and on its continental shelf…but geographical proximity alone is not an unequivocal basis for claiming sovereignty or sovereign rights". This is a confused and misleading description of the basis of Vietnam's claim. The confusion arises because Bateman mixes up the concepts of sovereignty and sovereign rights.


Sovereign dispute indeed

There is indeed a sovereignty dispute involved but it is over the Paracels Island, not about the drilling area. Vietnam's sovereignty claims over the islands were never based on proximity, therefore Bateman's argument about of countries having sovereignty over features inside the EEZ of another is completely irrelevant. As to Bateman's examples of EEZ boundaries being established significantly closer to one country than to another, this is in fact an argument in favour of Vietnam, not China. This is because even if the Paracels belonged to China, past negotiated or arbitrated EEZ boundaries have tended to favour the mainland (Vietnam in this case), as argued earlier.

Bateman is dismissive of Vietnam's claim to the Paracels, but his arguments are weak. It is true that North Vietnam kept quiet on the sovereignty matter, but in international law this is not recognition. In his 1958 diplomatic note, which Bateman presumably referred to, North Vietnam's PM Pham Van Dong refrained from mentioning the Paracel or Spratly Islands. In addition, South Vietnam always asserted and defended its claim.

Bateman states that the United States has explicitly or implicitly recognised Chinese sovereignty over some or all of the islands but fails to give any convincing evidence of this. In fact the US did not even recognise the People's Republic's sovereignty over the Chinese mainland until 1979. The only "evidence" supplied was that American actions during the war might have been different had North Vietnam occupied Woody Island, but Bateman fails to explain how or why that should be the case, and he is confusing occupation with sovereignty.

China should stick to UNCLOS

Although peripheral to the central argument, Bateman's statement that China claims traditional rights for its fishermen over most of the South China Sea again lets off Beijing lightly. It fails to mention the more controversial fact that China uses the traditional fishing rights argument to claim oil rights, even though they have been ruled to be unrelated by the International Court of Justice (ICJ) in the Lybia-Tunisia case.

In conclusion, there are too many errors, omissions, unsupported arguments and unbalanced opinions in Bateman's article to support his controversial contention that China may be within its rights deploying the oil rig in its present position, or that Vietnam should unilaterally give up its claims on the Paracels.

The Haiyang 981 confrontation is a case of overlapping EEZ claims. Article 74 of UNCLOS stipulates how the disputing parties should handle these cases, and this Article has been interpreted and applied in the Permanent Court of Arbitration’s 2007 judgement on the Guyana-Suriname dispute.  

Dr Bateman could make a more positive contribution to peace and cooperation by encouraging China to submit itself to the dispute settlement procedure specified in UNCLOS.

Dr Huy Duong, a UK-based IT consultant, and Dr Tuan Pham, Assistant Professor at the University of New South Wales, are commentators on maritime affairs. They contributed this jointly to RSIS Commentaries.


Friday 23 May 2014

“Công hàm Phạm Văn Đồng làm lung lay yêu sách chủ quyền của Việt Nam”

ENGLISH

Dưới đây là toàn văn bài phân tích của Sam Bateman, nghiên cứu viên cao cấp của Chương trình An ninh Hàng hải, trực thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS, thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore), về căng thẳng hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc xoay quanh giàn khoan dầu Haiyang 981 và tranh chấp chủ quyền giữa hai nước đối với quần đảo Hoàng Sa.

Bạn đọc lưu ý khẳng định của tác giả: “Vấn đề ai có chủ quyền đối với Hoàng Sa là trọng tâm của tình hình hiện nay”, và “Yêu sách chủ quyền hiện nay của Việt Nam bị lung lay nghiêm trọng vì Bắc Việt đã công nhận chủ quyền của Trung Hoa đối với quần đảo Hoàng Sa vào năm 1958, và sau đó cũng không có phản đối gì suốt từ năm 1958 đến năm 1975”.

Quan điểm của người dịch: Nếu thực sự chìa khóa để giải quyết tình hình hiện nay là xác định chủ quyền đối với Hoàng Sa, thì mọi chuyện không đến nỗi vô vọng. Đã có nhiều bài phân tích, nghiên cứu bác bỏ Công hàm Phạm Văn Đồng 1958. Tuy nhiên, chìa khóa có lẽ nằm ở chỗ khác.

Bài viết đăng ngày 15/5/2014 trên Eurasia Review. Trong nguyên bản tiếng Anh, Biển Đông được gọi là South China Sea (biển Hoa Nam) và Hoàng Sa được gọi là Paracel.

* * *

AI CÓ CHỦ QUYỀN ĐỐI VỚI HOÀNG SA?

  • Sam Bateman

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam xoay quanh các vấn đề chủ quyền trên Biển Đông lại bùng lên vào ngày 2/5/2014 khi Trung Quốc đặt một giàn khoan dầu vào vùng biển ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam phản đối hành động này và gửi tàu đến để phá hoạt động của giàn khoan. Trung Quốc đáp lại bằng cách điều thêm tàu đến bảo vệ giàn khoan. Với số lượng tàu đụng độ nhau trong khu vực, bạo lực đã nổ ra như một tất yếu vào ngày 7/5, làm một số thủy thủ Việt Nam bị thương và một vài tàu Việt Nam bị hư hại.

Việt Nam tổ chức một chiến dịch ngoại giao và PR (public relations – quan hệ công chúng) mạnh mẽ để biện hộ cho lập trường của họ. Có vẻ như họ đang chiến thắng trong trận chiến PR, với việc có rất nhiều bình luận trong cộng đồng quốc tế ủng hộ yêu sách của Việt Nam rằng giàn khoan dầu kia là bất hợp pháp, và xem tình hình như một ví dụ mới nữa cho thấy sự hung hăng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn vào thực tế, có thể thấy rằng Trung Quốc có lẽ đang thực hiện đúng quyền của mình khi triển khai giàn khoan. Dù vậy, chắc chắn là Trung Quốc đã có thể xử lý tình huống một cách ngoại giao hơn thay vì hành xử đơn phương theo cái cách tất yếu sẽ dẫn đến làm gia tăng xung đột.

Xác định vị trí giàn khoan

Giàn khoan nằm cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý về phía đông và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 180 hải lý về phía nam. Đây là hai điểm gần nhất trên đất liền để từ đó có thể xác định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa một cách chắc chắn. Tuy nhiên, có một điều cũng quan trọng như thế, là giàn khoan nằm ở vị trí chỉ khoảng 14 hải lý tính từ một hòn đảo nhỏ thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc có yêu sách chủ quyền, và 80 hải lý tính từ đảo Phú Lâm (Woody Island, thuộc Hoàng Sa), một cấu trúc địa lý lớn, với diện tích khoảng 500 hecta, mà Trung Quốc đang chiếm hữu.

Phú Lâm là một hòn đảo mà, không còn tranh cãi gì nữa, đáp ứng quy chế về đảo như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) quy định, và do đó, nó đầy đủ điều kiện để có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa bao quanh. Mặc dù cộng đồng quốc tế có bình luận này khác, nhưng một đường biên giới hàng hải đã được đàm phán trong khu vực này thì chắc chắn sẽ xác định rằng giàn khoan dầu nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, ngay cả khi những lập luận của Trung Quốc khẳng định các đặc tính của đảo có kém sức thuyết phục đi chăng nữa.

Việt Nam tuyên bố rằng, do giàn khoan ở gần đất liền của họ hơn gần Trung Quốc và nằm hoàn toàn trong khoảng cách 200 hải lý tính từ bờ biển Việt Nam, cho nên nó rơi vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Nghe qua thì lập luận này có vẻ thuyết phục, nhưng gần gũi về địa lý không thôi thì không phải là một cơ sở rõ ràng cho việc ra yêu sách chủ quyền hay quyền chủ quyền. Trên thế giới, có rất nhiều ví dụ về những nước có chủ quyền đối với các cấu trúc địa lý nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác, hoặc có những đường phân định vùng đặc quyền kinh tế được thiết lập gần một quốc gia nào đó hơn hẳn quốc gia khác.

Vấn đề chủ quyền

Vấn đề ai có chủ quyền đối với Hoàng Sa là trọng tâm của tình hình hiện nay. Nếu Việt Nam có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa thì chẳng còn gì phải tranh cãi. Tuy nhiên, mặc dù cộng đồng quốc tế có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam có hồ sơ bảo vệ cho yêu sách chủ quyền của mình, nhưng những phân tích sâu hơn về lịch sử cuộc tranh chấp lại cho thấy một thực tế khác.

Yêu sách chủ quyền hiện nay của Việt Nam bị lung lay nghiêm trọng vì Bắc Việt đã công nhận chủ quyền của Trung Hoa đối với quần đảo Hoàng Sa vào năm 1958, và sau đó cũng không có phản đối gì suốt từ năm 1958 đến năm 1975. Chính quyền một số nước, gồm cả Hoa Kỳ, đã thừa nhận – công khai hoặc ngấm ngầm – chủ quyền của Trung Quốc đối với một số hoặc toàn bộ các hòn đảo trong quần đảo này. Trung Quốc đã chiếm hữu đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa từ cuối Thế chiến II. (Nếu Bắc Việt chiếm được hòn đảo lớn này thì) Sự chiếm đóng của Bắc Việt có thể đã có tác động đáng kể đến các chiến dịch của quân Mỹ nhằm vào Bắc Việt trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam.

Chính quyền Mỹ đã yêu cầu các bên có yêu sách chủ quyền phải quan tâm và kiềm chế trước tình hình. Tuy nhiên, lâu nay Mỹ vốn chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với đảo Phú Lâm, cho nên sẽ là rất đạo đức giả nếu giờ đây Washington ra một tuyên bố nào đó mạnh mẽ hơn và được coi như ủng hộ lập trường của Việt Nam.


Rồi sẽ đi đến đâu?

Các sự cố trước đây xoay quanh quần đảo Hoàng Sa chủ yếu liên quan đến vấn đề kiểm soát ngư trường và việc Trung Quốc bắt giữ các tàu cá Việt Nam hoạt động giữa hoặc gần các đảo thuộc Hoàng Sa. Chắc chắn là Việt Nam có thể tuyên bố mạnh mẽ rằng ngư dân của họ có truyền thống đánh bắt cá ở vùng biển này – cũng hoàn toàn giống như Trung Quốc lập luận ngư dân Trung Quốc có quyền đánh bắt cá truyền thống ở nơi nào đó khác trên Biển Đông.

Có lẽ sẽ tốt hơn cho Việt Nam nếu họ chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa; đổi lại, Trung Quốc nhân nhượng quyền đánh bắt cá truyền thống trong khu vực cho ngư dân Việt Nam và đồng ý khai thác chung nguồn lợi hải sản trong vùng biển giữa quần đảo Hoàng Sa và bờ biển Việt Nam. Tuy nhiên, không may là dường như cả hai nước đều đã đi đến cái điểm không thể quay trở lại được nữa để mà có thể thỏa thuận một sự dàn xếp. Việt Nam đang dốc sức cho một cơ hội mong manh, bằng việc cố gắng vận động quốc tế và khu vực ủng hộ lập trường của họ; nhưng trên thực tế, họ có thể kết thúc trắng tay.

Quan điểm cứng rắn của tất cả các bên trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông đều là những quan điểm thiển cận và không tránh khỏi việc làm gia tăng căng thẳng, gây mất ổn định khu vực. Cứ theo hướng này, sẽ có “kẻ bại trận”, trong khi lẽ ra tất cả đều có khả năng là “người chiến thắng” nếu các bên đều thừa nhận nhu cầu phải hợp tác phụ thuộc lẫn nhau trong việc quản lý biển và nguồn lợi từ biển. Về mặt địa lý, sự thực là ở một số vùng biển, sẽ không thể có được những đường biên giới hàng hải thẳng nét, và do đó độc quyền sở hữu nguồn lực ở đó là điều không thể.

Cái trớ trêu của tình hình hiện nay là, hợp tác phụ thuộc không chỉ là một việc tốt cần làm mà còn là một nghĩa vụ thực sự, theo Phần IX trong UNCLOS về các vùng biển nửa kín (bán nội hải, semi-enclosed waters) như Biển Đông. Nghĩa vụ đó đã bị quên lãng, trong khi các nước vẫn tiếp tục khẳng định yêu sách chủ quyền đơn phương của họ và có nguy cơ sẽ phải lãnh kết cục “người thắng-kẻ thua”.


Thursday 15 May 2014

Hãy lên tiếng, vì lương tâm xã hội!

Đất nước dường như chưa bao giờ rối ren như lúc này. Đêm 13, rạng sáng 14/5/2014, bạo loạn bùng nổ ở Bình Dương và lan dần ra các nơi khác: Biên Hòa, Đồng Nai, Hà Tĩnh… Hàng nghìn người xuống đường, đổ máu, đánh lộn, đập phá đồ đạc và cướp bóc, hôi của đã xảy ra. Trên mạng xã hội, tràn ngập thông tin và hình ảnh chia sẻ về tình hình bạo động. Bên cạnh đó là những lời buồn, than cho số phận nước Việt, trách móc dân Việt, lên án chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đả đảo chính quyền, thương công nhân, căm thù Trung Quốc, v.v. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc đánh giá: “Đây là cuộc bạo loạn nghiêm trọng nhất kể từ sau ngày Việt Nam thống nhất, và cũng là cuộc tấn công và hôi của các công ty nước ngoài táo tợn nhất tại Đông Nam Á trong những năm gần đây”.

Trong khi đó, trên Biển Đông, giàn khoan của Trung Quốc vẫn sừng sững đó. Bắc Kinh, với tâm lý ngạo ngược và sĩ diện vốn có của một bá quyền khu vực, sẽ không đời nào rút lui, và ngay cả khi buộc phải xuống nước đi chăng nữa thì cũng vẫn phải là “trên thế thắng”, giống như chiến tranh biên giới 1979 là cuộc chiến cả hai bên tham gia đều tuyên bố chiến thắng.

ASEAN chẳng tỏ vẻ gì là đứng về phía Việt Nam, và truyền thông phương Tây thì bắt đầu phản ánh hình ảnh một nước Việt Nam hỗn loạn vì thù hằn, nghèo đói, dân tộc chủ nghĩa, ưa bạo lực.

Chưa bao giờ, kể từ ngày Internet vào Việt Nam (tháng 11/1997), không khí chính trị-xã hội lại căng thẳng và rối ren như thế này. Có thể trước cái mốc 19/11/1997, đã có nhiều vụ việc tương tự vụ Bình Dương xảy ra – ví dụ như biến cố Thái Bình tháng 6/1997 – nhưng vì khi ấy Internet chưa phổ biến và mạng xã hội chưa ra đời, cho nên thông tin không lan truyền và người ta không cảm thấy hoang mang như hiện nay.

Vì vậy, đây đó trong không gian mạng đã xuất hiện nhiều lời kêu gọi “đừng chia sẻ hình ảnh bạo lực”, “đừng bình luận”, “đừng làm nhiễu loạn thông tin nữa”, v.v.

Nhưng, “của tin còn một chút này”, nếu có thể bằng niềm tin mà vực dậy trong khủng hoảng, thì chúng ta hãy tin rằng:

Người Việt Nam không ngu dốt, không ác!

Vào ngày 1/11/2011, trên mạng xã hội ở Việt Nam xuất hiện một status: “Chúng tôi vừa đâm vào một ông già gần 60 tuổi… khả năng chết”. Ngày hôm sau, lại thêm một status nữa cập nhật tình hình: “Vô cùng thương tiếc báo tin, cụ già 60 tuổi đêm qua chúng tôi đâm xe máy vào đã củ tỏi hồi 17 giờ 07. Anh em phang lô đề nhiệt tình đi. Lão sinh năm 1953”. Những bình luận của Facebooker có nick “Kẹo Mút Chơi Bời” đã đưa đến hàng nghìn phản hồi phẫn nộ của cộng đồng mạng: “Ông có phải con người không đấy?”. Hàng trăm người vào cuộc truy tìm tung tích kẻ máu lạnh, lập ra các trang “tìm kiếm thông tin về sát thủ Kẹo Mút Chơi Bời”, “Hội những người quyết săn lùng sát thủ Kẹo Mút Chơi Bời”. Kết cục là anh ta đã phải tự ra trình diện tại cơ quan công an.

Câu chuyện của Kẹo Mút Chơi Bời, ngoài việc phản ánh sự thiếu suy nghĩ của một bộ phận thanh niên, cũng cho thấy rằng thực sự ở Việt Nam, cho dù luật pháp không được thực thi và nền tảng đạo đức đã lung lay, sa sút từ hàng chục năm qua, vẫn tồn tại một thứ gọi là lương tâm xã hội. Đó là sự lên án của xã hội đối với cái xấu, cái ác, và khuyến khích, động viên các giá trị tốt đẹp. Điều này thể hiện đặc biệt rõ trên không gian mạng, là diễn đàn duy nhất để người dân có thể lên tiếng (dù không phải hoàn toàn tự do, an toàn) ở Việt Nam hiện nay.

Có rất nhiều ví dụ cho thấy sự tồn tại của lương tâm xã hội. Cuối năm 2013, khi một xe chở bia gặp tai nạn, dân chúng đổ xô đến cướp bia. Ngay sau đó, hàng trăm comment trên Facebook lên án hành vi hôi của, đồng thời kêu gọi giúp đỡ tài xế Hồ Kim Hậu để anh đền cho công ty. Điều đó đáng quý, nhưng còn đáng quý hơn nữa là anh Hậu đã trả lại số tiền hỗ trợ hơn 220 triệu đồng, còn công ty cũng không bắt anh phải bồi thường.

Cộng đồng mạng cũng đã phê phán hành vi bẻ cành, cướp hoa tại các lễ hội hoa; lên án thủ phạm người lớn trong những vụ bạo hành trẻ em; ngăn chặn lối hành xử kém văn minh, phân biệt giàu nghèo, kỳ thị địa phương, v.v. Gần đây nhất, một diễn đàn mang cái tên “Hội những người ghét dân Thanh Hóa” đã bị Facebook đóng cửa, hẳn là do nhận được quá nhiều “report” (báo cáo vi phạm) về sự kích động bạo lực, chia rẽ vùng miền.

TS. kinh tế học Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - từng nghiên cứu nhiều về tâm lý đám đông, cho rằng: “Dân chúng Việt Nam nhìn chung cũng rất thuần hậu, chất phác, nếu có lúc nào đấy đám đông manh động thì là cục bộ thôi. Chứ ai cũng vô cảm, độc ác, không lương tri cả thì chắc chắn xã hội sụp đổ”.

Nói một cách khác, xã hội của chúng ta tồn tại được cho đến ngày nay là nhờ sự lương thiện vẫn là nền tảng, nhờ lương tâm xã hội vẫn còn. Có phải vì thế mà, nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch HĐQT tập đoàn InvestConsult, trong một lần nói chuyện với sinh viên, đã tha thiết khuyên:

Các cháu sẽ không ngẩng mặt được một cách thật lòng, một cách duyên dáng nếu các cháu không lương thiện. Không ai đeo đồ trang sức ăn trộm để đi dự vũ hội đầu đời của mình cả, không ai mặc một bộ quần áo ăn trộm để đến gặp người bạn trai hay bạn gái của mình cả. Các cháu phải giữ bằng mọi giá sự lương thiện của mình, không đánh đổi nó bằng bất kỳ cái gì cả, đấy là lời khuyên của một người ngoài 60 tuổi đối với các cháu”.

Vì thế cho nên, mặc dù trong làn sóng bình luận, chia sẻ thông tin, lên tiếng về một sự kiện nào đó, luôn có ý kiến cho rằng đó chỉ là biểu hiện của sự “đạo đức giả”, “anh hùng bàn phím”, “a dua, bầy đàn theo tâm lý đám đông”, nhưng khuynh hướng chung lại là cái tốt sẽ trụ lại được và cái xấu sẽ chìm dần, nhờ sự điều chỉnh của lương tâm xã hội.

Chống bạo lực để bảo vệ xã hội

Trở lại chuyện bạo loạn ở Bình Dương và các nơi khác đêm 13 và ngày 14/5 vừa qua, trong không khí hoang mang, trên mạng cũng có nhiều lời kêu gọi, nhắc nhở nhau “đừng nói, đừng bàn, đừng dự đoán, đừng đưa hình ảnh, chỉ làm rối tình hình, gây nhiễu loạn thông tin”.

Thật ra, với một hành động mang tính tập thể (chia sẻ thông tin trên mạng xã hội), sẽ rất khó để ngăn tất cả mọi người tham gia vào hành động đó. Ở đây, chỉ có thể cấm hoàn toàn việc nói, bàn, dự đoán, đưa hình ảnh nếu chặn triệt để Facebook. Nhưng đó không phải là một giải pháp khôn ngoan, bởi vì im lặng, giấu giếm thông tin chẳng những không giải quyết được vấn đề mà còn làm mọi việc càng trở nên đáng sợ. Một trong những điều làm con người sợ hãi là sự tù mù, bí ẩn, mưu mô, không nắm bắt được…

Tất nhiên, khi mạng xã hội cũng trở thành một kênh truyền thông, blogger thành người đưa tin, sẽ không tránh khỏi việc thông tin sai lệch, không qua kiểm chứng, hoặc những bức ảnh bạo lực, đẫm máu, được đăng tải và gây hoang mang dư luận. Nhưng, một lần nữa, chúng ta lại phải tin vào sự sàng lọc của lương tâm xã hội. Cái gì đúng rồi sẽ tồn tại, cái sai sẽ bị thải loại.

Cho đến giờ phút này, lương tâm xã hội – thể hiện qua những bình luận, bài viết và ảnh trên mạng – vẫn đang hướng dẫn mỗi người tự điều chỉnh: Không cực đoan chống lại tất cả người dân Trung Quốc, không cổ vũ bạo lực và cướp bóc, không kích động chiến tranh, nhưng cũng không chấp nhận đường lối ngoại giao đu dây, kín kín hở hở, coi quốc gia bá quyền phương bắc là bạn vàng, đồng chí tốt. Và, hãy bảo vệ quyền lợi của công nhân thông qua những công đoàn thực chất.

Cuối cùng, vì lương tâm xã hội và cũng để giữ gìn lấy cái xã hội đang hỗn loạn của chúng ta, hãy để tất cả mọi người cùng lên tiếng phản đối bạo lực.


Nguồn ảnh: Con Đường Việt Nam

New Tensions in the SCS: Whose Sovereignty over Paracels?


China’s positioning of a state-owned oil rig in waters near the disputed Paracel Islands has led to increased tensions between China and Vietnam. While this has been seen as another demonstration of Chinese assertiveness, a closer look may tell a different story.

By Sam Bateman

TENSIONS BETWEEN China and Vietnam over sovereignty issues in the South China Sea flared up again on 2 May 2014 when China positioned an oil rig in waters off the disputed Paracel Islands. Vietnam protested this action and sent vessels to disrupt the rig’s operations. China responded by sending more ships to protect the rig. Inevitably with the numbers of opposing vessels in the area, a violent clash occurred on 7 May injuring some Vietnamese personnel and damage to some vessels.

Vietnam has launched a strong diplomatic and public relations campaign to support its position. It appears to be winning the public relations battle with much global commentary supporting its claim that the rig is illegal and painting the situation as yet another example of China’s assertiveness. However, a closer look at the situation suggests that China may be within its rights with the rig. Undoubtedly, however, it could have handled the situation more diplomatically rather than acting unilaterally in a way that inevitably would lead to increased tension.

Locating the rig

The rig is about 120 nautical miles east of the Vietnamese coast, and 180 nautical miles south of China’s Hainan Island. These are the two nearest mainland points from which an exclusive economic zone (EEZ) and continental shelf may unquestionably be measured. Equally importantly, however, the rig is about 14 nautical miles from a small island in the Paracels claimed by China and 80 nautical miles from Woody Island, a large feature with an area of about 500 hectares occupied by China.

Woody Island is indisputably an island under the regime of islands in the 1982 UN Convention on the Law of the Sea (UNCLOS) and thus entitled to an EEZ and continental shelf. Despite global commentary that suggests otherwise, a negotiated maritime boundary in this area would likely place the rig within China’s EEZ even if reduced weight was given to China’s claimed insular features.

Vietnam claims that because the rig is closer to its mainland coast than to China’s and well inside 200 nautical miles of its coast, it lies within its EEZ and on its continental shelf. Superficially this argument may appear attractive but geographical proximity alone is not an unequivocal basis for claiming sovereignty or sovereign rights. There are many examples around the world of countries having sovereignty over features well inside the EEZ of another, or of EEZ boundaries being established significantly closer to one country than to another.

The sovereignty question

The question as to who has sovereignty over the Paracels is at the heart of the current situation. If Vietnam had sovereignty over the islands, there would be no dispute. However, despite much global commentary suggesting that Vietnam has a case to support its sovereignty claim, closer analysis of the history of the dispute suggests otherwise.

Vietnam’s current claim is seriously weakened by North Vietnam’s recognition of Chinese sovereignty over the Paracels in 1958 and its lack of protest between 1958 and 1975. A number of governments, including the United States, have explicitly or implicitly recognised Chinese sovereignty over some or all of the islands. China has occupied Woody Island since the end of World War Two. North Vietnamese occupation of that large feature may have significantly affected American operations against North Vietnam during the Vietnam War.

The US has urged the claimant countries to exercise care and restraint. Against the historical background of American acceptance of China’s sovereignty over Woody Island, it would be hypocritical now for Washington to make any stronger statement that might be seen as supportive of Vietnam’s position.



Where to now?

Previous incidents around the Paracels mainly related to fisheries management issues and China’s arrest of Vietnamese fishing vessels attempting to fish in or near the islands. Undoubtedly Vietnam can make a strong case that its fishermen have traditionally fished in these waters – in much the same way as China claims traditional rights for its fishermen elsewhere in the South China Sea.

Vietnam may well have been better off to agree to China’s sovereignty over the Paracels in return for China conceding traditional fishing rights in the area to Vietnamese fishermen and agreeing to pursue the joint development of marine resources in the waters between the islands and the coast of Vietnam. Unfortunately, however, the two countries have probably passed the point of no return in being able to reach such a negotiated settlement. Vietnam is playing for high odds by endeavouring to muster global and regional support for its position when in fact, it may end up with nothing.

Hard line positions by all the parties to the sovereignty disputes in the South China Sea are short-sighted and will inevitably lead to increased tensions and regional instability. There will be ‘losers’ in this approach when potentially all could be ‘winners’ if the parties accepted the need for functional cooperation in managing the sea and its resources. The geographical reality is that straight line maritime boundaries will be impossible to achieve in some parts of the sea, and as a consequence, the sole ownership of resources will also not be possible.

The irony of the current situation is that functional cooperation is not just something that would be nice to have but is an actual obligation under Part IX of UNCLOS covering semi-enclosed waters such as the South China Sea. That obligation has been forgotten while countries continue to assert their unilateral sovereignty claims and risk a ‘win-lose’ outcome.

Sam Bateman is a Senior Fellow in the Maritime Security Programme at the S. Rajaratnam School of International Studies (RSIS), Nanyang Technological University. He is a former Australian naval commodore with research interests in regimes for good order at sea.

Source: http://www.eurasiareview.com/15052014-new-tensions-south-china-sea-whose-sovereignty-paracels-analysis/

Sunday 11 May 2014

New York Times: Về tình hình phức tạp trên Biển Đông

Ngày 9/5/2014, tờ New York Times đã có một bài xã luận (editorial) nêu quan điểm của tòa soạn về tình hình căng thẳng hiện nay trên Biển Đông (nguyên văn tiếng Anh là South China Sea – biển Hoa Nam). Bạn đọc lưu ý bài viết có xu hướng phê phán Trung Quốc, chẳng hạn, Ban Biên tập New York Times nhận định rằng: “Nếu Trung Quốc thật sự tin rằng họ có quyền khoan dầu gần Việt Nam, thì họ việc gì phải sợ bảo vệ yêu sách của mình trong khuôn khổ cơ chế giải quyết tranh chấp đã được quốc tế công nhận này”.

Trung Quốc đã làm căng thẳng trên Biển Đông gia tăng một cách nguy hiểm, bằng việc triển khai giàn khoan đầu tiên đến khu vực tranh chấp mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền. Động thái này của Trung Quốc chắc chắn làm cho các nước trong khu vực cảm thấy càng bị đe dọa hơn trước những yêu sách chủ quyền bành trướng của Bắc Kinh. Giàn khoan thuộc sở hữu của một công ty dầu khí quốc doanh, và nó được đặt ở vùng biển ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa, vào ngày 2/5. Sau khi bị Việt Nam phản đối, Trung Quốc liền điều động 80 tàu đến khu vực; Hà Nội đáp trả bằng cách đưa 35 tàu tới để ngăn dàn khoan vận hành.

Tình hình leo thang vào hôm thứ năm, 8/5, khi Việt Nam lên án Trung Quốc đâm và phun vòi rồng vào một số tàu của Việt Nam. Cùng ngày, một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc buộc tội Việt Nam đụng tàu Trung Quốc tổng cộng 171 lần trong bốn ngày. Quan chức nọ cũng lý luận rằng việc Trung Quốc sử dụng vòi rồng phun nước cho thấy họ đã kiềm chế tới mức tối đa, và hành động đó của họ là chính đáng bởi vì giàn khoan nằm trong “vùng nước lịch sử cố hữu” của Trung Quốc. Ngày hôm sau, Bắc Kinh phê phán Mỹ, cho là Mỹ khuyến khích lối hành xử của Việt Nam.

Lập luận phản bác của Trung Quốc không thuyết phục, bởi vì nếu họ không triển khai giàn khoan thì đã chẳng có xung đột. Việt Nam cho biết giàn khoan được đặt trên vùng thềm lục địa mà tại đó Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển đảm bảo cho Việt Nam độc quyền khai thác các mỏ hydro-cacbon và khoáng chất. Trung Quốc phản đối luận điểm của Việt Nam, và họ vốn vẫn đòi chủ quyền trên phần lớn Biển Đông, con đường mậu dịch quan trọng sống còn của thế giới. Kết cục là, Trung Quốc hiện cũng đang có tranh chấp với Philippines, Brunei, Malaysia và Đài Loan, tất cả đều có lợi ích đối kháng trong vùng biển, đảo và đá này.

Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc triển khai giàn khoan bởi vì mới đây người ta đã phát hiện những mỏ dầu và khí tự nhiên ở gần đó. Nhưng động thái của Trung Quốc cũng có thể gây một phản ứng ngược từ Tổng thống Mỹ Obama, khi mà ông Obama đang chú trọng nhiều hơn đến châu Á. Trong một chuyến thăm châu Á gần đây, Obama nói rằng Mỹ sẽ bảo vệ các quần đảo đang bị tranh chấp ở biển Hoa Đông căn cứ vào hiệp ước an ninh của Washington với Nhật Bản, và Mỹ đã củng cố một cam kết khác với Philippines. Washington không đứng về bên nào trong tranh chấp hàng hải, song luôn khẳng định rằng xung đột phải được giải quyết một cách hòa bình.

Hôm thứ năm, Trung Quốc ngỏ ý đàm phán với Việt Nam nhưng chỉ là sau khi các tàu đã được rút hết (bài viết không nói rõ là bên nào phải rút tàu đi – ND). Hồi tháng 3, Philippines – quốc gia vốn vẫn thường xuyên va chạm với Trung Quốc xung quanh vấn đề tranh chấp biển đảo trên Biển Đông – đã đưa đơn kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế The Hague, căn cứ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, trong vụ Trung Quốc tranh chấp một đảo san hô nhỏ xíu với Philippines. Việt Nam cũng nên theo đuổi một giải pháp tương tự. Mặc dù là nước tham gia ký Công ước, nhưng Trung Quốc luôn tránh đưa các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ ra tài phán quốc tế. Nếu Trung Quốc thật sự tin rằng họ có quyền khoan dầu gần Việt Nam, thì họ việc gì phải sợ bảo vệ yêu sách của mình trong khuôn khổ cơ chế giải quyết tranh chấp đã được quốc tế công nhận này.

Trong bối cảnh Trung Quốc hành xử ngày càng hung hăng, Việt Nam và các nước láng giềng cần có một phản ứng đoàn kết, thống nhất. Mội phiên hội nghị thượng đỉnh của các nước Đông Nam Á, tổ chức tại Myanmar cuối tuần này, sẽ là dịp để khối ASEAN đưa ra một phản ứng như thế. Họ nên ủng hộ cả việc sử dụng tòa án The Hague để phân xử các yêu sách về biển đảo, trong khi vẫn giữ khả năng có các dự án khai thác dầu và khí đốt chung với Trung Quốc. [Cập nhật ngày 11/5: Thông tin trong dòng in nghiêng đã được xóa, thay bằng: Nhưng sợ Trung Quốc phản đối, cuộc họp thượng đỉnh của các nước Đông Nam Á ở Myanmar cuối tuần qua đã không đề cập đến xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc trong bản tuyên cáo chung.]


Chú thích ảnh của AP:

Hình ảnh này lấy từ một video do cảnh sát biển Việt Nam cung cấp: Thành viên đội tàu kiểm ngư của Việt Nam đứng bên mạn con tàu với dấu vết thiệt hại do bị một tàu Trung Quốc đâm vào, thứ tư, 7/5/2014.

Nguồn: http://www.nytimes.com/2014/05/10/opinion/trouble-in-the-south-china-sea.html?_r=1

Bài liên quan: Tại sao Trung Quốc khoan dầu ngoài khơi Việt Nam?

Saturday 10 May 2014

Tại sao Trung Quốc khoan dầu ngoài khơi Việt Nam?

Dưới đây là bản dịch một bài viết của Associated Press (AP), nhằm giúp bạn đọc tìm hiểu nhanh về vụ "giàn khoan Haiyang 981". Bạn đọc có thể thấy bài viết thiên về hướng chỉ trích Trung Quốc hung hăng, xâm lược và bắt nạt các quốc gia khác trong khu vực.


AP, ngày 9/5/2014, tại Bắc Kinh

Trung Quốc đã đưa một giàn khoan dầu nước sâu vào một địa điểm nằm ngoài khơi Việt Nam, trong vùng biển mà cả hai bên đều tuyên bố chủ quyền. Tin cho biết dàn khoan được hộ tống bởi một đội 70 tàu Trung Quốc – đám tàu này đã đâm tàu Việt Nam và phun vòi rồng để né đòn. Sự việc làm căng thẳng giữa hai nước gia tăng đến mức độ gay gắt nhất trong mấy năm qua.

Hỏi: Tại sao Trung Quốc làm như vậy?

Đáp: Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông (nguyên văn: South China Sea, tức biển Hoa Nam, hoặc biển Nam Trung Hoa – ND) và đã bắt đầu triển khai kế hoạch đã định, là khoan thăm dò ở nơi được cho là một mỏ dầu và khí tự nhiên dồi dào dưới lòng biển. Động thái này cũng có thể là một phép thử xem năng lực của Việt Nam đến đâu và Việt Nam quyết tâm tới mức nào trong việc bảo vệ yêu sách chủ quyền của mình, trong khi Washington liên tục nhấn mạnh quyền tự do hàng hải trong khu vực.

Hỏi: Giàn khoan nằm ở đâu?

Đáp: Trung Quốc đã đặt giàn khoan ở vị trí cách bờ biển Việt Nam khoảng 130 hải lý (hơn 240 km – ND), tại một vùng biển vốn đã được Hà Nội xác định là sẽ khai thác, nhưng chưa triển khai mời thầu đến các công ty dầu khí nước ngoài. Việt Nam lập luận rằng khu vực này rõ ràng nằm trong thềm lục địa của họ. Còn lập luận của Trung Quốc căn cứ vào lý lẽ cho rằng họ có chủ quyền lịch sử đối với Biển Đông, và dàn khoan thì nằm gần quần đảo Hoàng Sa lân cận – quần đảo này cũng đang bị tranh chấp.

Hỏi: Cơ sở pháp lý các bên đưa ra là gì?

Đáp: Động thái của Trung Quốc có vẻ đi ngược lại tinh thần của cả các công ước LHQ lẫn những điều ước mà Bắc Kinh ký với các quốc gia Đông Nam Á, kêu gọi các quốc gia không đơn phương có những cách hành xử làm gia tăng tranh chấp hay là phá hoại phương án giải quyết các yêu sách chủ quyền mâu thuẫn nhau. Tuy nhiên, các điều ước đều mù mờ, khó thực thi, và Trung Quốc đã phớt lờ tất cả những cam kết trong quá khứ, đồng thời bác bỏ các đề nghị mời quốc tế làm trung gian.

Hỏi: Về vấn đề thời điểm thì sao?

Đáp: Trung Hoa nói việc triển khai giàn khoan là lệ thường và là kết quả tự nhiên, hợp logic, của một kế hoạch thăm dò dầu khí đã được xúc tiến từ lâu. Tuy nhiên, hành động triển khai giàn khoan của Trung Quốc diễn ra ngay sau chuyến thăm khu vực của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Trong chuyến đi này, ông Obama đã chỉ trích những động thái của Trung Quốc nhằm hậu thuẫn cho yêu sách chủ quyền của họ trên Biển Đông, đồng thời ông tái khẳng định Mỹ ủng hộ đồng minh Nhật Bản trong một tranh chấp chủ quyền khác tại biển Hoa Đông. Hơn tất cả các kế hoạch khác của Mỹ nhằm củng cố sự hiện diện của họ tại châu Á, những bình luận đó của Obama khiến Trung Quốc rất không hài lòng. Việc này cũng xảy ra trước phiên hội nghị thượng đỉnh cuối tuần sắp tới của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á, gồm 10 thành viên, trong đó có Việt Nam và Philippines là hai nước mà Trung Quốc vốn thâm thù vì chuyện chủ quyền biển đảo. Bắc Kinh từng bị lên án vì đã can thiệp vào nội bộ khối liên kết vốn mong manh này, chủ yếu là để đẩy mạnh chiến lược của Bắc Kinh là ngăn chặn, không để ASEAN trở thành một mặt trận thống nhất chống các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.

Hỏi: Tận cùng mục đích của Trung Quốc là gì?

Đáp: Mục tiêu cao nhất của Trung Quốc là thay thế Hoa Kỳ làm siêu cường quân sự thống trị khu vực và kéo các nước láng giềng vào sâu hơn trong quỹ đạo kinh tế và văn hóa của mình. Các biện pháp mạnh để khẳng định yêu sách chủ quyền trên Biển Đông giúp Trung Quốc xây dựng ảnh hưởng, và dường như rất ít có khả năng họ sẽ rút lui, trong bối cảnh có nhiều phàn nàn mà ít nhượng bộ trong các vấn đề chủ quyền.

Hỏi: Việt Nam có những lựa chọn gì?

Đáp: Việt Nam đã gia tăng đáng kể ngân sách dành cho quân đội trong những năm gần đây, nhưng so với Trung Quốc thì thua xa. Mặc dù trong quá khứ Việt Nam từng thể hiện quyết tâm đánh Trung Quốc, nhưng giờ đây các lợi ích kinh tế đều cao hơn ngày trước và sẽ hầu như không có lợi gì nếu khơi mào một cuộc chiến tranh vũ trang. Hà Nội đang cố gắng vận động cộng đồng quốc tế ủng hộ họ chống lại Trung Quốc – kẻ xâm lược – một sự lên án cộng hưởng với nhiều nước khác trong khu vực và Mỹ. Nhưng Việt Nam thiếu một liên minh vững chắc với Mỹ, cái mà những nước như Nhật Bản hay Philippines đều có khi họ đương đầu với Trung Quốc. Bây giờ thì Hà Nội có thể hợp tác với Manila trong việc theo đuổi một nỗ lực pháp lý nhằm khởi kiện các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở một tòa án quốc tế; nhưng chưa rõ liệu khả năng này có đủ để khiến cho Trung Quốc phải gỡ bỏ giàn khoan đi hay không.


Chú thích ảnh của AP:

Hình ảnh này lấy từ một video do cảnh sát biển Việt Nam cung cấp: Thành viên đội tàu kiểm ngư của Việt Nam đứng bên mạn con tàu với dấu vết thiệt hại do bị một tàu Trung Quốc đâm vào, thứ tư, 7/5/2014. 

Nguồn: http://www.theepochtimes.com/n3/664190-why-china-is-drilling-for-oil-off-vietnam-coast/?photo=3

Bài liên quan: New York Times: Về tình hình phức tạp trên Biển Đông