Wednesday 31 October 2012

Nợ công Việt Nam: Nguồn rủi ro nằm ở DNNN

“Phá sản”, “vỡ nợ”, “bị phát mại, tịch biên gia sản” là những từ ngữ luôn có khả năng làm người nghe giật mình. Nói đến nợ quốc gia, người dân cũng thường lo sợ rằng những khoản nợ khổng lồ sẽ khiến nền kinh tế đổ vỡ và con cháu chúng ta sẽ phải nai lưng trả nợ cho cha ông. Tuy nhiên, thực chất vấn đề nợ quốc gia không hoàn toàn như số đông vẫn nghĩ. Với riêng Việt Nam, rủi ro nằm ở một chỗ khác…

Nợ quốc gia, hay còn gọi là nợ công, là các khoản nợ của chính quyền, tồn tại dưới hình thức các chứng khoán mà chính quyền phát hành và đang nợ. Tính đến cuối năm 2011, nợ công của Việt Nam đã lên tới 58,7% GDP.

Khi Cục Quản lý Nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) công bố con số nợ công, nhiều người băn khoăn không hiểu tỉ lệ 58,7% và 31,1% GDP trên đây là ít hay nhiều, liệu có khả năng các thế hệ tương lai của Việt Nam phải “è cổ gánh nợ” hay không và quan trọng nhất là: Sẽ ra sao khi một quốc gia phá sản? Cá nhân vỡ nợ thì bị phạt tù, còn Nhà nước vỡ nợ thì thế nào? Thắc mắc càng trở nên đáng lo ngại khi đặt trong bối cảnh Hy Lạp vừa trải qua khủng hoảng nợ công, làm cả châu Âu phải dốc sức ứng cứu.

Quốc gia vỡ nợ thì làm sao?

Sử dụng tỉ lệ nợ công tính trên GDP là một trong những biện pháp chủ yếu để đánh giá nợ của một quốc gia. Chẳng hạn, một trong các tiêu chuẩn của EU để được gia nhập đồng euro là nợ của một quốc gia không được vượt quá 60% GDP của nước đó.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam (VEPR), cũng có những trường hợp tỉ lệ nợ công tính trên GDP không phải là vấn đề, mà quan trọng là khả năng trả nợ của quốc gia như thế nào. Ví dụ, nợ công của Nhật Bản lên tới 200% GDP, thuộc hàng cao nhất trong những nước phát triển nhưng do kinh tế tăng trưởng ổn định (dù không cao), vẫn đảm bảo thu được thuế, cho nên không ở tình trạng báo động về nợ công. Song cùng thời gian đó, ở châu Âu lại xảy ra khủng hoảng nợ công khiến nhiều nước lao đao, với tỉ lệ nợ công của Hy Lạp năm ngoái là 160% GDP, Ý 120% GDP, Hungary 76,1% GDP. Lý do là tốc độ tăng trưởng kinh tế của họ thấp, thậm chí âm.

Bên cạnh đó, cơ cấu nợ cũng là một yếu tố để xem xét, chẳng hạn nếu có một cơ cấu trong đó nợ dài hạn được rải đều ra các năm, thì quốc gia có thể cân đối được các hoạt động vay nợ mới để trả nợ cũ, do đó không chịu sức ép của nợ nần.

Khi một quốc gia lâm vào tình trạng phá sản, nghĩa là họ không còn thanh toán được các khoản tín dụng nước ngoài hoặc không có ngoại tệ để chi trả cho nhập khẩu. Điều ít người biết là, theo nhà kinh tế học Ken Rogoff của ĐH Harvard, việc các nước bị vỡ nợ không phải là bất thường: “Nhiều nước đã phá sản mà thậm chí họ không biết; chuyện ấy thậm chí không được ghi lại trong sách lịch sử của họ. Nhiều nước phá sản ít nhất vài lần”. Hậu quả của vỡ nợ là quốc gia đó không còn khả năng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ cần thiết, thậm chí thiết yếu; nạn tháo vốn bùng nổ; và nhất là trong một thời gian dài sẽ không nước nào dám cho họ vay mượn nữa. 

Đây là chuyện đã xảy ra với Argentina năm 2001, khi Tổng thống Adolfo Rodríguez Saá tuyên bố ngừng thanh toán nợ, tập trung vào “nghĩa vụ trong nước của nhà nước đối với dân chúng”. Hậu quả là nền kinh tế sụp đổ, biểu tình bạo loạn càng tồi tệ hơn, ngân hàng phải đóng cửa để ngăn chặn tháo vốn. Ác mộng kéo dài khoảng vài năm, cho đến khi vì đồng peso mất giá mà giá hàng hóa của Argentina lại thành ra rẻ trên thị trường quốc tế, xuất khẩu gia tăng và ngoại tệ lại đổ về, các nước khác lại tiếp tục cho vay. Nhà kinh tế Paul Blustein nhận định, bài học rút ra là cách thức tuyên bố phá sản; phải làm sao để mọi sự diễn ra có trật tự, không đột ngột, để tránh gây sốc và thảm họa.

Nợ công của Việt Nam: Rủi ro lại nằm ở… DNNN

Như trên đã phân tích, đặt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thấp và doanh nghiệp phá sản hàng loạt dẫn đến thất thu thuế, tình trạng nợ công của Việt Nam hiện nay không phải là lành mạnh. Điều may mắn là xét về cấu trúc, các khoản nợ phần lớn là vay ưu đãi trong thời hạn dài với lãi suất thấp, cho nên hiện tại chưa có nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng nợ công nào.

Tuy nhiên, một điều cũng ít người biết là về lâu về dài, khối DNNN mới là mối đe dọa đối với nợ công. Rủi ro nằm ở những khoản vay mượn nước ngoài của DNNN, do Nhà nước đứng ra bảo lãnh (chính là “nợ chủ quyền” - “sovereign debt”) và trong tương lai sẽ được Nhà nước hỗ trợ chi trả bằng tiền ngân sách. Sự hỗ trợ sẽ diễn ra dưới các hình thức khoanh nợ, giãn nợ (còn được gọi một cách kỹ thuật là “tái cấu trúc nợ”, chuyển từ vay ngắn hạn thành vay dài hạn), thậm chí xóa nợ. Trong một bài báo trên Thời báo Kinh tế Việt Nam, tháng 9 năm ngoái, ông Nguyễn Quang Dũng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), đã cho biết: “Nợ của các tập đoàn, tổng công ty… chiếm khoảng 75%-80% tổng dư nợ của VDB. Tình hình như hiện nay có rất nhiều đồng chí lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty có văn bản gửi cho tôi đề nghị lùi nợ, giãn nợ”.

Tính đến tháng 9-2011, tổng nợ của khối DNNN được Chính phủ bảo lãnh chiếm khoảng 17,5% dư nợ của DNNN. Khó mà khẳng định được tỉ lệ này là cao hay thấp nhưng với chất lượng điều hành và hoạt động kinh doanh ở các tập đoàn Nhà nước, cũng như xét những bê bối Vinashin, Vinalines… vừa qua, thì khả năng Nhà nước phải thâm hụt ngân sách vì nợ công là một rủi ro hoàn toàn có thể thành hiện thực.


* * *

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới tháng 6-2012:

“… Nợ công của Việt Nam vẫn đang ở mức bền vững, song mọi người ngày càng nhận thức rõ được rằng nghĩa vụ nợ dự phòng có thể là một mối nguy lớn. Tổng số nợ nước ngoài do chính phủ đi vay và được Chính phủ bảo lãnh tăng gần 50% kể từ năm 2008 (21,8 tỉ hoặc 21% GDP) cho đến cuối năm 2010 (32,5 tỉ hoặc 32,7% GDP) do Chính phủ áp dụng gói kích thích tài khóa. Mặc dù vay nợ của Chính phủ từ các nhà đầu tư nước ngoài tăng từ khoảng 3 tỉ USD trong năm 2008 lên 5,4 tỉ USD năm 2010, song 80% nợ nước ngoài của Chính phủ và do Chính phủ bảo lãnh vẫn là nợ dài hạn và nợ ưu đãi từ các nguồn viện trợ chính thức. Nợ công trong nước tăng từ khoảng 18% GDP trong giai đoạn 2006-2008 lên khoảng 21,5% GDP trong năm 2010, nguyên nhân cũng là do gói kích thích tài khóa.

Mặc dù mức nợ hiện nay vẫn trong tầm kiểm soát, song những rủi ro về nghĩa vụ nợ tiềm ẩn từ các DNNN và khu vực tài chính là không nhỏ. Những nghĩa vụ nợ tiềm ẩn không được phản ánh trong số liệu thống kê về nợ của Chính phủ và nợ được Chính phủ bảo lãnh là một nguồn gốc bất trắc đáng kể…”.


Wednesday 10 October 2012

Chạy đua vũ trang - cái bẫy làm suy yếu kinh tế các nước Đông Nam Á

  • Hữu Long - Hoàng Thư 

Thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 đã qua đi với những dấu chỉ rất rõ ràng về một cuộc chạy đua vũ trang trên biển Đông. Các nước Đông Nam Á như Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan… đều đua nhau tăng ngân sách cho quốc phòng. Điều đáng nói là cũng có những dấu hiệu cho thấy dường như cả khu vực đang bị cuốn vào một cái bẫy…

Sẽ còn rất lâu nữa tàu sân bay Shi-lang (Thi Lang) mới có thể đem lại sức mạnh hải quân thực sự cho Trung Quốc. Nhưng việc hạ thủy con tàu khổng lồ có thiên hướng tấn công rõ ràng này của Trung Quốc vào tháng 8 năm ngoái đã gần như trở thành biểu tượng đánh dấu sự bắt đầu của một cuộc chạy đua vũ trang mới ở châu Á-Thái Bình Dương.

Cuộc đua đã bắt đầu

Đầu tháng 3-2012, phát ngôn viên Quốc hội Trung Quốc Lý Triệu Tinh thông báo là ngân sách quốc phòng trong năm 2012 sẽ tăng 11,2%, lên tới 80,6 tỉ euro, tức là hơn 105 tỉ USD. Nhiều năm qua, tỉ lệ tăng ngân sách quốc phòng của nước này cũng thường xuyên vượt quá 10% và đó là dựa theo con số được công bố chính thức. Trên thực tế, người ta luôn nghi rằng chi phí cho quân sự của Trung Quốc có thể cao hơn thế rất nhiều - hoặc ít nhất thì Trung Quốc cũng làm cho dư luận có suy nghĩ như vậy.

Trên thực tế, mọi chuyện bắt đầu từ cả một thập kỷ trước đó, khi Trung Quốc khẳng định mình như một cường quốc thực sự và không che giấu tham vọng bành trướng thế lực của mình. Trong 10 năm, Trung Quốc đã tiêu 16,4 tỉ euro (hơn 21 tỉ USD) để trở thành nước mua sắm vũ khí lớn nhất thế giới, vượt qua cả Ấn Độ, Hàn Quốc và Hy Lạp. Trước tình thế đó, các nước Đông Nam Á như Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan… đều đua nhau tăng ngân sách cho quốc phòng. Một trong những nhân vật chính của tranh chấp Biển Đông là Philippines, sau nhiều năm bỏ bê hải quân và hạn chế hiện đại hóa quân đội, đã đột ngột gia tăng 81% chi tiêu quốc phòng trong năm 2011, lên mức 2,5 tỉ USD với ưu tiên hàng đầu là các hạng mục mua sắm vũ khí. Ngay cả đến Singapore - quốc đảo có nền kinh tế thịnh vượng nhất khu vực, dân số vỏn vẹn 5 triệu - cũng đã đạt mức chi tiêu khổng lồ cho quân sự trong vài năm qua và trở thành nước nhập khẩu vũ khí nhiều thứ hai thế giới trong năm 2009, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI).

Nhớ lại nghệ thuật cờ vây

Bằng cách đó, toàn khu vực Đông Nam Á dường như đã được đặt trong tình trạng chạy đua vũ trang. Theo SIPRI, so với năm 2000, chi tiêu cho quân sự của khu vực tăng 50%. Một nhà nghiên cứu ở viện này, ông Siemon Wezeman, nhận xét: “Chắc chắn là việc Trung Quốc xúc tiến sức mạnh quân sự và vươn bàn tay của họ ra bên ngoài đóng vai trò chủ đạo trong chuyện gia tăng ngân sách quốc phòng của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia”.

Đáng chú ý là không riêng Trung Quốc mà các nước khác cũng đều tạo cho dư luận cảm tưởng rằng chi phí cho quân sự thực tế cao hơn so với con số công bố nhiều. Theo các chuyên gia, sự không minh bạch trong cuộc chạy đua vũ trang lại càng khiến cho không khí thêm căng thẳng, khiến các bên lo sợ, nghi ngại, đề phòng lẫn nhau và từ đó gây ảnh hưởng xấu đến an ninh khu vực.

Điều này lại gợi cho người ta nhớ đến một tổng kết của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger trong cuốn sách nổi tiếng gần đây của ông, On China, trong đó ông phân tích nhiều về nghệ thuật cờ vây của người Trung Quốc, cho rằng nó đã được áp dụng vào quân sự: Theo Kissinger, tư duy chiến lược của người Trung Quốc hướng đến chiến thắng thông qua lợi thế về tâm lý hơn là qua đối đầu trực tiếp. Đôi khi chỉ gây một sự bất an về tâm lý là đủ để cuốn đối phương vào một cuộc chạy đua muốn hụt hơi. Chiến thuật tâm lý này, nếu đúng là đang được Trung Quốc áp dụng, càng hiệu quả hơn khi ta biết rằng ngân sách quốc phòng của một quốc gia có xu hướng tỉ lệ nghịch với sự phát triển. Tiến sĩ địa chất hàng hải Đàm Quang Minh, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, cho biết dường như đã hình thành một quy luật chung là hễ khi nào ngân sách quốc phòng vượt quá 17% GDP thì quốc gia sa sút về kinh tế.

Các chuyên gia cũng đề cập tới một vài nguyên nhân khác không liên quan gì tới an ninh, như vấn nạn quan liêu, tham nhũng; song yếu tố chủ chốt thúc đẩy ASEAN lao vào cuộc chạy đua vũ trang vẫn là Trung Quốc. Ông Tim Huxley ở Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Singapore cho rằng tình hình giữa Trung Quốc và Đông Nam Á cũng giống như câu chuyện giữa Đức và Anh trước Thế chiến thứ nhất, hay Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh.

Bài học trong quá khứ

Cho đến nay, sự kiệt quệ về kinh tế của Liên bang Xô Viết vẫn được nhắc đến như một bài học lịch sử kinh điển mà bất cứ quốc gia nào có ý định chạy đua vũ trang cũng phải nhớ.

Vào thời điểm năm 1980, nền kinh tế Liên Xô, với những khuyết tật mà nó mang trong mô hình quản lý tập trung của mình, đã trở nên suy yếu một cách nghiêm trọng. Nắm được tình hình khủng hoảng tại Liên Xô, chính phủ Hoa Kỳ của Tổng thống mới đắc cử Ronald Reagan đã thi hành một chiến lược chống phá mới nhằm giáng những đòn cuối cùng triệt hạ đối thủ. Một cuộc chạy đua vũ trang mới đã được Hoa Kỳ phát động sau một thập kỷ hòa hoãn của cuộc Chiến tranh Lạnh. “Sáng kiến phòng thủ chiến lược - SDI” hay còn được biết đến với tên gọi “Chiến tranh giữa các vì sao” đã được Hoa Kỳ khởi xướng từ tháng 3-1983 với việc sử dụng phần lớn vũ khí hạt nhân đặt trong vũ trụ, nhằm tiêu diệt các tên lửa trên đường bay đến mục tiêu, đồng thời có khả năng nhằm vào các mục tiêu trên mặt đất.

Dù mang danh nghĩa là “phòng thủ”, SDI đã đặt Liên Xô vào thế bị đe dọa nghiêm trọng và buộc phải có những giải pháp tương ứng để cân bằng chiến lược. Bên cạnh đó, do những bất ổn xã hội không thể khắc phục, Liên Xô luôn có xu hướng lấy các thành tựu quân sự làm bằng chứng cho tính ưu việt của mình. Kết quả là họ đã đẩy chi phí quân sự lên đến 15% GDP, tập trung những bộ óc tài giỏi nhất của đất nước cho các tham vọng quân sự và đẩy nền kinh tế vốn đã khủng hoảng sâu sắc đi đến chỗ kiệt quệ. Sau này, Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev đã phải thừa nhận rằng trong những năm 1986-1990, hiệu suất gia tăng chi phí quân sự hằng năm đã tăng 8%, tức là gấp đôi hiệu suất tăng trưởng của nền kinh tế.

Trong cuốn Những âm mưu, sách lược của chính phủ Reagan làm tan rã Liên bang Xô Viết (NXB Công an Nhân dân, 2004), tác giả Peter Schwecer đã kể lại việc Gorbachev nhận định về “Sáng kiến phòng thủ chiến lược” rằng Hoa Kỳ muốn “với cuộc chạy đua của loại vũ khí không gian vừa hiện đại vừa đắt giá, sẽ đánh đổ nền kinh tế Liên Xô”.

Và sự thực đã diễn ra đúng như thế. Cuộc chạy đua vũ trang tốn kém với Hoa Kỳ đã “rút ruột” nền kinh tế Liên Xô, để chỉ tám năm sau khi SDI được khởi xướng, Ronald Reagan đã có cơ hội được chiêm ngưỡng thành quả của mình. Liên Xô vĩnh viễn nằm lại với lịch sử cùng với một thi thể kinh tế không thể tiều tụy hơn.

Bảo vệ chủ quyền quốc gia bằng vũ khí kinh tế

Nhận thức được tính chất “hai lưỡi” của con dao chạy đua vũ trang, chính phủ các nước luôn tìm những giải pháp hài hòa giữa yêu cầu đối phó với các thách thức an ninh với việc đảm bảo sự phát triển của nền kinh tế. Ở địa vị một nền kinh tế nghèo nàn và đang bộc lộ những bất ổn vĩ mô nghiêm trọng như Việt Nam, câu chuyện chi tiêu quốc phòng lại càng phải được đặt trong những sự cân nhắc thận trọng hơn.

Trong một lần phát biểu với báo chí, Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Quốc phòng cũng thừa nhận: “Chúng ta có khả năng đến đâu thì từng bước chúng ta sắm sửa đến đó nhưng với tinh thần là hết sức tối thiểu, với khả năng cho phép của nền tài chính đất nước, không làm gì vượt quá. Đất nước ta còn nghèo và chúng ta có rất nhiều vấn đề phải lo, nhất là những vấn đề đảm bảo an sinh xã hội”.

Bằng cách gia tăng nội lực để củng cố vị thế quốc gia, Việt Nam có thể đảm bảo các lợi ích trên biển của mình mà không bị cuốn vào vòng xoáy chạy đua vũ trang và đứng trước nguy cơ kiệt quệ nền kinh tế. Lịch sử cho thấy rằng thất bại của các quốc gia trong việc bảo vệ chủ quyền thường có nguyên nhân chính là vấn đề nội tại hơn là tác động từ các yếu tố khách quan.