Sunday 19 August 2012

Trung Quốc - cường quốc không có đồng minh

  • Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược - Bộ Công an, cho rằng do bản tính bành trướng quá dữ dội và sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích, Trung Quốc không có đồng minh.
“Tháng 6 vừa rồi, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển. Trên hành tinh này, thử hỏi Trung Quốc xem có quốc gia ven biển nào không có Luật Biển không? Trung Quốc không có Luật Biển thì họ có bảy đạo luật khác để chi phối, bảo vệ chủ quyền trên biển: Luật Hàng hải, Luật Đường cơ sở, Luật Hải dương... Giờ Việt Nam làm Luật Biển cũng giống như nhà có vườn, người ta phải rào chứ” - Thiếu tướng Lê Văn Cương nói.

- Phóng viên: Trong thời gian căng thẳng vừa qua, báo chí Trung Quốc đã đưa những thông tin rất sai lệch về Việt Nam. Dường như họ đang cố dùng bộ máy truyền thông do nhà nước kiểm soát để kích động dân chúng của họ?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Một số nhà báo, học giả Trung Quốc viết trên tờ Hoàn Cầu - một ấn phẩm của nhật báo Nhân Dân - kêu gọi phát động chiến tranh, chỉ có đánh Việt Nam mới giải quyết được vấn đề biển Đông, rằng trên thế giới này duy nhất Việt Nam là nước đi xâm lược, là hung hăng nhất, hiếu chiến nhất. Họ vẽ ra một hình ảnh đất nước Việt Nam như một tội đồ, để lừa dối nhân dân họ, lừa dối quân đội họ và lừa dối cả thế giới.

Trong gần 3 triệu quân nhân, sĩ quan, binh lính Trung Quốc, tôi tin tưởng tuyệt đại đa số không muốn gây hấn. Họ cũng muốn giao hảo. Ngay cả 1,3 tỉ người dân Trung Quốc cũng là người tốt, nhân hậu lắm, họ muốn bang giao, còn chuyện gây chiến họ không được gì cả. Họ là những con bài bị thí, bị lừa dối. Ngay cả hơn 20 ủy viên Bộ Chính trị, mấy trăm ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc không phải ai cũng muốn gây chiến, chỉ là số nhỏ thôi.

Trong cuộc chiến 1979 với Việt Nam cũng vậy, truyền thông Trung Quốc có hàng ngàn bài báo xuyên tạc, nhồi nhét vào đầu người Trung Quốc rằng đó là chiến công oanh liệt của quân giải phóng Trung Quốc phản công quân Việt Nam xâm lược. Đến giờ phút này, số người hiểu thực chất bản chất cuộc chiến chỉ có 1%.

Hôm 17-8 vừa rồi, khi nói chuyện với các nguyên thủ các quốc gia châu Phi tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào có nói rằng: Chúng ta kiên quyết phản đối nước giàu lấn lướt nước nghèo, kiên quyết phản đối nước lớn đàn áp nước nhỏ. Nói hay như thế nhưng làm thì ngược lại.

- Cũng đã từng có nhiều người nói về việc hệ thống truyền thông Trung Quốc đưa thông tin sai lệch, “làm hỏng dân”...

Chuyện lừa dối của họ là truyền thống, từ thời Đông Chu liệt quốc đến giờ. Họ biến con người thành những con cừu, chỉ thực hiện mệnh lệnh của cấp trên. Đến giờ phút này, truyền thông Trung Quốc là hệ thống nói dối lớn nhất hành tinh, chỉ phục vụ ý đồ chính trị của giới chóp bu. Về khoản này, Mỹ thua Trung Quốc.

Hồi năm 1979, Trung Quốc xâm lược ban ngày ban mặt chứ có phải buổi tối đâu. Nhưng cứ đến kỷ niệm năm chẵn, báo chí Trung Quốc tung ra trung bình khoảng 700-800 bài báo kéo tít gần như nhau: Chiến công oanh liệt của quân giải phóng Trung Quốc phản công quân Việt Nam xâm lược; cuộc phản công chiến lược thắng lợi...

Sẵn sàng dùng thủ đoạn tàn bạo

- Chúng ta vẫn thường nhắc đến chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc. Ông đánh giá như thế nào về độ phổ biến của chủ nghĩa bành trướng trên thế giới?

Về mặt khoa học, phàm các dân tộc lớn, nước lớn, đều có nhân tố bành trướng chứ không phải chỉ có Trung Quốc. Mỹ, Nga, Đức, Nhật, Ấn Độ đều như vậy. Đó là đặc điểm có tính phổ biến, như là người giàu, lớn, khỏe thì hay xem thường kẻ nghèo hèn. Một con người cũng thế, một cộng đồng cũng thế mà một dân tộc cũng thế.

Cho nên diễn biến hòa bình không phải chỉ có Mỹ. Tất nhiên gốc tích của diễn biến hòa bình thời hiện đại là từ Mỹ nhưng những thủ đoạn tác động vào các nước khác để đảm bảo có một chính quyền ở đó theo ý mình thì Trung Quốc là cha đẻ, là bậc thầy của thế giới. Cách đây 2.600 năm, chính ông Quản Trọng, người nước Tề thời Xuân Thu, là người đẻ ra diễn biến hòa bình với các thủ đoạn chia rẽ nội bộ, lũng đoạn kinh tế, khoét sâu mâu thuẫn, đưa thông tin vu khống để vua bạc đãi người trung thực, xung quanh nhà vua chỉ còn những loại nịnh thần, ngu dốt thôi. Từ đó đất nước họ suy yếu, ông ta thâu tóm năm nước xung quanh chỉ trong vài năm. Người Mỹ chỉ học mót người Trung Quốc về khoản này.

- Vậy chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc có gì khác biệt dẫn đến việc họ bị thế giới ghét bỏ như ông vừa đề cập?

Trung Quốc có hai điểm đặc biệt. Một là máu bành trướng của họ dữ dội, quyết liệt hơn các nước khác.

Hai là về mặt thủ đoạn, họ sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn bất kể tính chất. Người Mỹ, Nhật, EU không bao giờ làm cái trò cho người sang xui nông dân Việt Nam trộn bùn vào chè, đưa về Trung Quốc quay lên truyền hình, chụp ảnh cho cả thế giới xem; họ cũng không bao giờ mua móng trâu, mua rễ quế, mua đỉa, tuồn hàng chất lượng kém, có chất độc sang Việt Nam. Cho nên cả thế giới chăm chăm cảnh giác Trung Quốc. Họ là một cường quốc không có đồng minh.

Khi nào Trung Quốc dùng vũ lực?

- Nghiên cứu các cuộc xung đột vũ trang của Trung Quốc từ năm 1949 đến nay, ông đánh giá thế nào về những yếu tố dẫn các nhà lãnh đạo Trung Quốc đến việc giải quyết các vấn đề quan hệ quốc tế bằng vũ lực?

Nó là hợp lưu cộng hưởng của hai dòng: Dòng bành trướng và dòng phục vụ cho lợi ích trước mắt. Cuộc chiến tranh năm 1969 với Liên Xô chính là vật tế thần để họ chứng tỏ với Mỹ rằng tôi không liên kết với Liên Xô. Đến tháng 2-1979, họ biến Việt Nam thành vật tế thần, một lần nữa chứng minh cho Mỹ thấy họ không đồng minh gì với Việt Nam cả. Trước khi đánh Việt Nam, Đặng Tiểu Bình còn đến Washington, đội mũ cao bồi, nói với Tổng thống Mỹ Carter rằng: “Chúng tôi là NATO phương Đông”. Việt Nam thành vật tế thần để Trung Quốc mua bán với Mỹ.

Suốt từ năm 1979 đến năm 1991, Trung Quốc câu kết với Mỹ và phản động quốc tế bóp nghẹt Việt Nam, bao vây cấm vận Việt Nam. Lịch sử Việt Nam lùi mất 30 năm. Đó là một thời kỳ đen tối của lịch sử Việt Nam, khi tất cả mọi lối ra thế giới đều bị Trung Quốc và Mỹ bịt hết.

Bành trướng là chiến lược lâu dài của họ nhưng khi cần sử dụng vũ lực để giải quyết lợi ích trước mắt và phù hợp với chiến lược đó, họ sẵn sàng.

- Chuyện nước lớn, với tư tưởng bành trướng, thỏa thuận với nhau trên lưng nước nhỏ, đã từng xảy ra nhiều trên thế giới. Trong quan hệ giữa Việt Nam, Trung Quốc và các nước khác thì sao, thưa ông?

Tôi cho là Việt Nam từng năm lần bị bán đứng.

Lần thứ nhất tại Hội nghị Genève năm 1954. Trung Quốc đã có sự mặc cả với Mỹ, Pháp chứ đúng ra ranh giới hai miền không phải vĩ tuyến 17 mà có thể là 13, nếu không thì là 15. Nhưng để lấy lòng Mỹ và phương Tây, Trung Quốc đã nhân nhượng Mỹ và Pháp kéo lên vĩ tuyến 17. Sau này chính Pháp nói với ta điều ấy.

Lần thứ hai khi Việt Nam gần thắng Mỹ năm 1972, Henry Kissinger đã ký tắt với ông Lê Đức Thọ, hai bên báo cáo cấp cao để chuẩn bị ký Hiệp định Paris. Nhưng sau đó Mao Trạch Đông mời Tổng thống Mỹ Nixon sang ký Thông cáo chung Thượng Hải. Ngày 1-3-1972, Kissinger về Tokyo họp báo, nói một câu nổi tiếng: Bây giờ chúng tôi chỉ còn nhìn về Mạc Tư Khoa để nghiền nát Hà Nội! Sau khi ký xong, những việc tày trời trước đây các tổng thống Mỹ khác không làm được thì Nixon làm được, đó là phong tỏa cảng Hải Phòng, con đường biển duy nhất Việt Nam ra thế giới, cho máy bay đánh sát biên giới Trung Quốc, rồi sau đó là 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không. Thiệt hại về người và tài sản trong cuộc không chiến của Mỹ ở miền Bắc từ 1-3-1972 đến khi ký Hiệp định Paris bằng cả sáu năm trước cộng lại. Ở miền Nam, ta cũng phải đổ xương máu nữa. Nên thông cáo Thượng Hải thực chất đã được viết bằng máu của người Việt Nam.

Lần thứ ba, họ đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974. Không có sự đồng ý của Mỹ thì Trung Quốc không bao giờ dám đánh.

Lần thứ tư, chính Trung Quốc là kẻ chủ mưu gây nên vụ thảm sát hơn 2 triệu người Campuchia. Trung Quốc cung cấp từ A đến Z, lương thực thực phẩm, vũ khí, đạn dược, thuốc men cho Khmer Đỏ. Chiến tranh biên giới Tây Nam 1976-1978 là Trung Quốc mượn Khmer Đỏ để đánh Việt Nam. Sau đấy, khi ta giải phóng Campuchia, Trung Quốc là kẻ lu loa trên thế giới rằng Việt Nam có âm mưu lập “Liên bang Đông Dương”. Kẻ gây ra họa diệt chủng lại vu cáo cho những người cứu người Campuchia khỏi họa diệt chủng.

Lần thứ năm là chiến tranh biên giới năm 1979. Năm lần họ buôn bán trên lưng mình.


* * *

English version

CHINA, A SUPER POWER WITHOUT ALLIES

The Vietnamese National Assembly in June passed the Law of the Sea. Just ask China if there is any littoral state on earth is going without law of the sea. While the Chinese have not issued a law of the sea, they make do by seven other acts to dominate and to maintain their territory at sea, including Maritime Law, Basic Line Law, Ocean Law, etc. So Vietnam adopts the Law of the Sea is “exactly like when you own a house with a garden, and you have to fence the garden”, explained General Le Van Cuong.

- Reporter: In the recent tension [in the South China Sea], Chinese media has been reporting a lot of misleading information on Vietnam. It seems China is trying to use its state-controlled media machine to incite the people, isn’t it?

Major General Le Van Cuong: Some Chinese journalists and scholars write on the Global Times, a newspaper under the People’s Daily, calling for a war against Vietnam, claiming it as the only way to solve the South China Sea issue, blaming Vietnam to be the only invader and the most aggressive country in the world. They portray Vietnam as a criminal and a deceiver who cheats their army and the whole world.

But I believe that the vast majority of China’s three million troops do not want to provoke hostilities. They want fellowship instead. The 1.3 billion people of China are benevolent and kindhearted, too. They want fellowship rather than a war from which they gain nothing. They are just playing cards which are sacrificed and deceived. Turning to more than 20 members of the Politic Bureau, it’s not that all of them want to provoke a war. The ones who want a war account for just a tiny portion.

Things go the same with the 1979 war against Vietnam. The Chinese press has published thousands of articles misleading audiences, cramming into their mind the notion that it was a glorious victory of China’s People Liberation Army over Vietnamese invaders. Thus far the people aware of the true nature of the war account for only 1%.

Chinese President Hu Jintao on August 17th told African leaders in Bejing that China “is determined in opposing rich countries that dominate poor ones, big countries that bully small ones.” What is said is rhetorical, but what is done is on the contrary.

- There have been opinions that Chinese media provides misleading information that “spoils people.”

It has been a Chinese tradition to deceive since the Eastern Zhou dynasty. People are moulded into sheep that simply obey the superior. Chinese media has so far been the planet’s biggest system of lying that operates just at the wills of the political elite. In this aspect, China outdoes the United States.

In 1979, China invaded Vietnam in the daytime, not at night. But so far in every anniversary, the Chinese press releases up to 700 or 800 articles in average that run similar titles, “Glorious victory of the PLA over Vietnamese invaders,” “The victorious strategic counter attack,” etc.

Ready to be cruel

- People often talk about Chinese expansionism. How popular do you think expansionism is in the world today?

Scientifically, every big nation to no small extent has some element of expansionism. Not just China, but so are the United States, Russia, Germany, Japan, and India. This is an universal characteristic [of big nations] just as wealthy people tend to look down on indigent ones. It is true to an individual, a community, and a nation also.

Therefore peaceful evolution is not unique to the United States. Although peaceful evolution of modern time traces its root to the United States, China is truly the father and the world’s master of manipulating a nation to make sure its government acts at their will. 2600 years ago, in the Spring and Autumn period, Guan Zhong of the Qi state was the inventor of peaceful evolution as he used manoeuvres of sowing division, employing economic coercion, exaggerating conflicts, and hawking slanderous news so that the king would punish the loyal and leave only the fawns and the inefficient. The nation would thereby decline and he would dominate the five neighbouring states within just several years. The United States is just an imitation of China in this aspect.

- So how different is Chinese expansionism so that China is resented the world over as you’ve mentioned?

Chinese expansionism is characterized by two distinguished traits. First, it is more vigorous and vicious than other countries.

Second, China is ready to use whatever cunning trick regardless of its seriousness. The United States, Japan and EU never send their people to Vietnam to lead on local farmers in amalgamating mud and tea before taking the mixture back to China for filming and televising to the entire world. Neither do they purchase from Vietnam buffalo hooks, cinnamon roots, and leeches; nor sell low-quality, even toxic products into Vietnam. That’s why the world keeps vigilant eyes on China. China is a super power without alliances.

When does China use force?

- Looking back on armed wars launched by China since 1949, how would you view the factors that got Chinese leaders use force as a solution to international relation issues?

There has been a confluence of two streams, expansionism and short-term interests. The 1969 war against the Soviet Union was a sacrifice of China to prove to the United States that China was not an ally of the Soviet Union. In February 1979, by sacrificing Vietnam, once again Beijing proved to Washington that it was not in any alliance with Hanoi. Before attacking Vietnam, Deng Xiaoping even visited Washington, wearing a cowboy hat, telling US President Carter, “we are Eastern NATO.” Vietnam was the scapegoat in China’s exchange with the United States.

Between 1979 and 1991, China colluded with the United States and international hostile forces to choke Vietnam, blocking and sanctioning the country. This pulled Vietnam thirty years backward. That was a black age in Vietnam’s history, when all the ways out to the world were blocked by China and the United States.

Expansion is China’s long-term strategy, but whenever force is needed to deal with short-term interests relevant to that strategy, China will be ready to use force.

- The fact that big countries, with their mindset of expansionism, shake hand with each other at the expense of small countries, has been seen many times in history. What about the relations between Vietnam, China and other big nations?

I believe that Vietnam was sold down the river a total of five times.

The first sellout of Vietnam was made in 1954 when China made a bargain with the United States and France. The boundary between the two regions of Vietnam should have been the 13th or 15th parallel rather than 17th. However, to win the heart of the United States and the West, China made concessions by designating the 17th parallel. It was France who later told us about this.

The second time was in 1972 when Vietnam was about to win the anti-US war. Henry Kissinger had previously initialed an agreement with Le Duc Tho and the two had reported to their superior in preparation for the conclusion of the Paris Peace Accord. But Mao Zedong invited US President Nixon to China to sign the Shanghai Joint Communique of February 27th 1972.

On March 1st 1972, Kissinger held a press conference in Tokyo, in which he gave a famous statement, “now we only look to Moscow to crush Hanoi.” Following the signing of the Shanghai Joint Communique, Nixon succeeded in doing shocking things that his previous presidents had failed to do, including blocking the Hai Phong port, the only sealane connecting Vietnam to the world, commanding airstrikes very close to China-Vietnam boundary, then launching the twelve-day campaign of “Dien Bien Phu in the air”. Loss of human lives and property caused by US air raids in the north of Vietnam since March 1st 1972 until the conclusion of the Paris Peace Accord equal the total damages in the six previous years. In the south, blood was shed. So the Shanghai Joint Communique was actually written in the blood of the Vietnamese people.

In its third time betrayal, China took over Paracel Islands in 1974. It would never had launched any attack but for the approval from the United States.

For the fourth time, China became the perpetrator behind the massacre of over two million Cambodians. China supported the Khmer Rouge with almost everything from food to arms, from ammunition to medicines. In the southwestern border war of 1976-1978, China used the Khmer Rouge to fight Vietnam. Subsequently when we liberated Cambodia, China hyped up to the world that Vietnam was plotting the establishment of “the IndoChina Federation.” It is ironical that the perpetrator of a massacre could calumniate those who saved the Cambodian people from a holocaust.

The fifth time was the border war of 1979. So there were five times China made a sellout of Vietnam.  
  • Interview by Hữu Long
  • Translation by Đoan Trang

Monday 6 August 2012

Bản tường trình


Khi viết những dòng dưới đây (và sau đó đánh máy lại rồi đưa lên mạng), tôi chỉ có một mong muốn duy nhất: Làm thế nào để sự ôn hòa, tinh thần duy lý, thượng tôn pháp luật và tôn trọng con người được phổ biến hơn trong xã hội.

Tôi không muốn, rất không muốn nhìn thấy cảnh những người biểu tình bị công an, dân phòng giằng giật, xô đẩy, thậm chí bẻ tay, bóp cổ. Không muốn những người biểu tình giận dữ gọi công an là “chó”, “súc sinh”, “ác quỷ”, “tay sai Trung Quốc”, v.v... Không muốn những người biểu tình bị bôi nhọ, bêu riếu trên phương tiện thông tin đại chúng, hay phải bước đi trên phố trước ánh mắt… căm thù hoặc rất thiếu thiện cảm, của một số người dân thủ đô.

Bên cạnh đó, tôi cũng không muốn nhìn thấy cảnh trời nắng nóng 39 độ C, anh công an trẻ tuổi gục mặt trên bàn, mắt đỏ ngầu vì thiếu ngủ, than thở với tôi: “Mệt mỏi lắm chị T. ơi!”. Bởi vì công an, an ninh đều là người Việt. Và chính quyền cũng được tạo nên từ những con người. Tôi không muốn có ai bị căm ghét, coi như súc vật.

Phải làm sao? Làm sao để sự ôn hòa, tinh thần duy lý, thượng tôn pháp luật và tôn trọng con người trở thành những giá trị chung của xã hội này? Làm sao để không bao giờ còn chiến tuyến, còn sự đối đầu, chia cắt giữa người dân Việt Nam với nhau nữa?

Qua sự vụ 5-8-2012 và những cuộc biểu tình-trấn áp-biểu tình liên miên tại Hà Nội, tôi nhận thấy một số điều: 1. Chính quyền quá lúng túng trong cách cư xử với người biểu tình và cách nhìn nhận về một hoạt động bình thường của đời sống dân sự, là biểu tình; 2. Công an, dân phòng - những người trực tiếp tham gia trấn áp - chỉ là cấp dưới, và họ cũng mệt mỏi, ức chế vì tất cả những gì đang xảy ra.

Vấn đề rất lớn của chúng ta đang nằm ở khâu “chất lượng nhân sự” của chính quyền và đội ngũ tham mưu, cố vấn. Có vẻ như hoạt động tham mưu, cố vấn của lực lượng nào đó vẫn còn mang nặng tính chất “minh họa chủ trương, đường lối”, chứ không hề sát với thực tế cuộc sống. Khoảng cách, hố sâu giữa người dân và chính quyền vì thế mà cứ rộng ra mãi. Đặt những người biểu tình và hoạt động biểu tình vào thế đối kháng với chính quyền ngay từ đầu là một tư duy sai lầm, và dường như cái sự tham mưu nào đó chỉ là để minh họa, cổ vũ thêm cho tư duy sai lầm đó.

Những dòng sau của tôi, vì thế, chỉ muốn đạt tới một mục đích duy nhất. Làm sao gạt hết mọi tị hiềm, thù hận; ứng xử trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng luật pháp, đặt lợi ích chung của đất nước là tối thượng, nhất là vào thời điểm này, khi Việt Nam đứng trước những khó khăn, thậm chí gian nguy, mà có lẽ chúng ta ai cũng thấy, ai cũng cảm nhận được…

----------

Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

* * *

BẢN TƯỜNG TRÌNH


Kính gửi: Cơ quan Công an Quận Hoàn Kiếm
Tên tôi là: Phạm Đoan Trang
Sinh năm: 1978
Nơi đăng ký HKTT: … quận Đống Đa - Hà Nội
Chỗ ở hiện nay: như trên
Nghề nghiệp: phóng viên
Cơ quan công tác: báo Pháp luật TP.HCM, thường trú tại Hà Nội

Tôi viết bản tường trình này liên quan đến việc tôi đi biểu tình sáng 5-8 tại khu vực Bờ Hồ và bị bắt đưa về trại lưu trú Lộc Hà. Việc tôi đi biểu tình là hoàn toàn tự nguyện, không có bất kỳ ai rủ rê, lôi kéo, xúi giục, thúc ép.

Là một nhà báo từng viết nhiều bài có tính nghiên cứu về xã hội dân sự, luật pháp, Nhà nước pháp quyền, quan hệ quốc tế, tranh chấp Biển Đông nhìn từ giác độ lịch sử và công pháp quốc tế, tôi biết rõ chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố chung (của ASEAN) về Ứng xử của các bên trên Biển Đông; sử dụng biện pháp ngoại giao, hòa bình.

Chính vì vậy, như tôi đã nói với cơ quan điều tra cũng như tại blog cá nhân của mình, việc người dân biểu tình ôn hòa chống những hành vi gây hấn, có tính chất bá quyền và ngày càng leo thang của Trung Quốc trên Biển Đông, là việc làm tốt, thể hiện lòng yêu nước, chính kiến của người dân, hình thành một mặt trận ngoại giao nhân dân, cùng với Nhà nước bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Một trong các lý lẽ mà cơ quan công an đưa ra để trấn áp hoạt động biểu tình là “sợ người dân bị các phần tử cơ hội chính trị, chống đối Nhà nước, lợi dụng kích động, xúi giục gây rối trật tự công cộng hoặc chống phá chính quyền”. Thiết nghĩ, nếu thực trong hàng ngũ người biểu tình có những thành phần cơ hội chính trị như thế, thì cơ quan an ninh, công an có thể xử lý họ, nếu xác định được họ có hành vi vi phạm pháp luật. Chứ không thể gộp tất cả những người biểu tình vào một “rọ” để trấn áp tuốt, theo cái lối tư duy “không quản được thì cấm”, chỉ vì một khía cạnh nào đó rất nhỏ mà chụp mũ, bôi nhọ một mục đích tốt đẹp của hoạt động biểu tình.

Tôi thực sự mong cơ quan công an, an ninh, và chính quyền nói chung nhìn nhận chính xác tình hình thực tiễn và nhận thức của người dân nói chung, để có cách hành xử và ứng xử cho phù hợp. Suy cho cùng, để giữ vững chủ quyền trước Trung Quốc, không gì tốt cho bằng một chính quyền đúng đắn, đàng hoàng, minh bạch, nhất là tôn trọng người dân. Nhân dân không phải trẻ con để bị xúi giục, lôi kéo; nhân dân chỉ chứng kiến những hành vi xô đẩy, bắt giữ, trấn áp tàn nhẫn người biểu tình, là có biểu hiện lạm quyền. Tốt nhất là hãy để xã hội dân sự phát triển, để biểu tình diễn ra một cách ôn hòa và là một hoạt động bình thường của đời sống dân sự. Các phần tử “cơ hội chính trị” (nếu có) sẽ bị nhân dân tẩy chay, loại bỏ.

Trên đây là ý kiến của tôi, chỉ có thiện ý đóng góp, ngoài ra không có mục đích gì khác.

Hà Nội, ngày 5 tháng 8 năm 2012

Phạm Đoan Trang (ký tên)


***


Bổ sung: Tôi có lập blog cá nhân tại địa chỉ http://trangridiculous.blogspot.com/ và www.facebook.com/pham.doan.trang, với nội dung là các bài viết về chính trị-kinh tế-xã hội Việt Nam, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, trong đó tôi thể hiện quan điểm ủng hộ và cổ súy biểu tình.

Nhận thức cá nhân của tôi về Nghị định 38 của Chính phủ: Đây là một nghị định mà hành vi pháp lý mà nó điều chỉnh là không rõ ràng, rất mơ hồ, và vi hiến. Do định nghĩa hành vi pháp lý không rõ ràng, cho nên nó rất dễ bị cơ quan công quyền lạm dụng.

Phạm Đoan Trang (ký lại lần hai)


Saturday 4 August 2012

Chủ nghĩa bá quyền và cách ứng xử của Việt Nam

Người ta thường nói về “tham vọng bá quyền” của Trung Quốc như một lời cảnh báo đối với thế giới, nhất là với các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Ít người nói với chúng ta rằng tham vọng đó không phải là nguy cơ mà là một thực tế; và ở vị trí nước láng giềng của Trung Quốc, Việt Nam cần có sự chuẩn bị và thái độ ứng xử thích hợp.

Việt Nam - nạn nhân khó tránh khỏi

Bá quyền, theo nghĩa chung, được định nghĩa là quốc gia siêu cường duy nhất, mạnh tới mức chi phối tất cả các nước khác trong hệ thống - khu vực nếu là bá quyền khu vực, và thế giới nếu là bá quyền toàn cầu.

Từ trước đến nay, chưa một quốc gia nào trở thành bá quyền toàn cầu. Theo học giả người Mỹ John Mearsheimer, trở ngại chính là “khó khăn trong việc áp đặt quyền lực của mình lên một nước đối thủ nằm ngoài khu vực của mình”. Ví dụ, Mỹ tuy là nước mạnh nhưng không thể khống chế châu Âu theo cách mà Mỹ áp dụng ở châu Mỹ.

Ngoài ra, nếu bị đại dương ngăn cách, các nước thường không có khả năng tấn công chống lại nhau: “Biển rộng là trở ngại lớn, phát sinh ra nhiều vấn đề triển khai lực lượng cho bên tấn công”. Mearsheimer lấy Anh và Mỹ làm ví dụ. Hai nước này chưa bao giờ bị một quốc gia lớn khác xâm lược. Cũng vì bị đại dương cản bước, mà Mỹ chưa bao giờ xâm lược châu Âu và Đông Bắc Á, còn Anh không cố gắng tấn công quân sự vào châu Âu lục địa.

Từ đây, Mearsheimer đưa ra một khẳng định: Cách tốt nhất mà một nước lớn có thể trông đợi là trở thành bá quyền khu vực và kiểm soát các quốc gia kề cận nó, có chung đường biên giới với nó, các quốc gia mà nó có thể tiếp cận dễ dàng bằng đường bộ.

Địa vị của Trung Quốc hiện nay ở châu Á cho thấy đất nước hơn một tỷ dân này đã và đang ở tâm thế trở thành bá quyền khu vực, và sẽ là một thực tế dễ hiểu, dễ lý giải nếu họ muốn chi phối, kiểm soát các quốc gia láng giềng, trong đó có Việt Nam. Hơn thế nữa, với những đặc thù về địa chính trị, địa kinh tế của mình, Việt Nam không tránh khỏi là đối tượng đặc biệt đáng lưu ý trước mắt bá quyền khu vực.

Trở thành bá quyền - ham muốn cố hữu trong quan hệ quốc tế

Cần phải khẳng định ngay rằng, xu hướng trở thành bá quyền không phải là tham vọng của riêng Trung Quốc. Nó là ham muốn của bất kỳ một nước nào có vai trò nhất định khi tham gia vào quan hệ quốc tế (Nga, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v...)

Từ năm 1933, nhà nghiên cứu chính trị quốc tế Frederick Schuman đã viết rằng, do không có một cơ quan quyền lực trung ương đứng trên lập ra và thực thi các quy tắc ứng xử trên toàn cầu, nên mỗi quốc gia đều đơn độc, dễ bị tổn thương và do đó buộc phải ích kỷ.

Nước nào cũng phải tự cứu lấy mình. Điều này luôn đúng, cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn, bởi vì nếu một quốc gia bị thua thiệt trước mắt thì rất có thể họ sẽ không tồn tại được lâu dài. Cách tốt nhất để tự cứu là phải trở nên hùng mạnh hơn các nước khác trên nhiều phương diện, không chỉ là quân sự hay kinh tế. Kịch bản lý tưởng là trở thành bá quyền trong hệ thống, nếu không đạt tới phạm vi toàn cầu thì cũng phải là khu vực.

Thế nên, không có gì lạ nếu Trung Quốc muốn thực hiện tham vọng bá quyền ở châu Á ngày nay. Lợi ích của họ càng bành trướng, thì họ càng có xu hướng vươn tới địa vị bá quyền hơn nữa, để bảo vệ bằng được lợi ích đó.

Không nên đặt câu hỏi tại sao Bắc Kinh luôn muốn mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế - chính trị - quân sự tại khu vực châu Á Thái Bình Dương. Bởi vì dù có an toàn đến đâu thì một nước lớn cũng không cảm thấy đủ về an ninh; và càng lớn mạnh, họ càng cần tăng cường an ninh để duy trì địa vị của mình.

Nước lớn kìm chân nhau, nước nhỏ tận dụng

Cùng với xu hướng khao khát trở thành bá quyền, mỗi nước lớn đều có xu hướng ngăn cản nước lớn khác xâm nhập vào vùng ảnh hưởng của mình. Ví dụ, Mỹ - bá quyền khu vực Tây bán cầu - tất yếu phải tìm cách kiểm soát Trung Quốc - nước đang có tham vọng bá quyền ở châu Á - bởi sợ Trung Quốc xâm phạm vào sân sau của Mỹ.

Hơn nữa, theo John Mearsheimer, “nếu một nước có khả năng làm bá quyền xuất hiện, các nước lớn khác trong khu vực đó sẽ tìm cách kiềm chế”. Từ nhận định đó, ta có thể thấy rằng hai nước lớn khác ở Đông Á là Nhật Bản và Hàn Quốc không dễ chấp nhận để Trung Quốc vươn lên địa vị bá quyền khu vực. Áp dụng lý thuyết này, Việt Nam có thể tận dụng quan hệ với các nước lớn trong khu vực (Nhật Bản, Hàn Quốc) và thế giới (Mỹ, Anh, Pháp) để gây rào cản đối với Trung Quốc.

Tất nhiên, điểm cốt yếu là, để chống lại bá quyền, các nước đối tượng của bá quyền không còn cách nào khác là phải liên tục nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế, thúc đẩy sự thịnh vượng về kinh tế.

Một điều mà những quốc gia nạn nhân cần đặc biệt lưu ý, là không có sự mặc cả giữa bá quyền và đối tượng của bá quyền. Nói cách khác, tham vọng bá quyền của một nước lớn sẽ không bao giờ dừng lại, chính bởi cái nguyên tắc “tự cứu” nói trên. Nước nhỏ không thể thỏa thuận với nước lớn rằng sự bành trướng của nước lớn sẽ chỉ giới hạn ở một mức độ nào đó để không ảnh hưởng tới nước nhỏ.

Bá quyền luôn không đơn thuần là sức mạnh bạo lực, vì vậy, để có được bá quyền, không thể thiếu được cách cư xử mang tính đồng thuận, chấp nhận và góp phần, một phần hoặc toàn thể, của những kẻ bị bá quyền.


Và cách ứng xử của Việt Nam

Frederick Schuman viết rằng, trong chính trị quốc tế, Chúa chỉ cứu những ai biết cách tự cứu mình, và để tự cứu, không loại trừ khả năng các nước lập liên minh với nhau. Nước càng yếu thế về kinh tế - quân sự, thì càng phải phát triển sức mạnh ngoại giao và sự liên kết với các nước khác. Điều tối kỵ là một quốc gia vừa nhỏ yếu vừa bị cô lập trên thế giới.

Như TS. quan hệ quốc tế Vũ Hồng Lâm nhận định, nếu những sức ép mà Trung Quốc gây cho Việt Nam được dư luận quốc tế quan tâm thì điều đó sẽ khiến Trung Quốc phải cân nhắc hơn trong quan hệ với Việt Nam, nhất là khi Trung Quốc lại luôn muốn tự vẽ mình như một nước lớn thân thiện.

“Trỗi dậy hòa bình”, không gây hấn với các quốc gia khác, dồn mọi nỗ lực vào tăng trưởng kinh tế - đó là hình ảnh mà Bắc Kinh ra sức tạo dựng trước thế giới. Trong một bài diễn văn kéo dài hai tiếng rưỡi đồng hồ tại Đại hội Đảng lần thứ 17, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào phát biểu chi tiết về các vấn đề kinh tế, tài chính, công nghiệp, xã hội và môi trường, tuy nhiên hoàn toàn bỏ qua lĩnh vực ngoại giao.

Nhưng trên thực tế, các chính sách kinh tế - đầu tư - thương mại mà Bắc Kinh thi hành tại Đông Nam Á, những đòi hỏi vô lý về chủ quyền ở Biển Đông, cùng những tranh cãi liên miên về đường biên giới với Nga và Ấn Độ, đã khiến Trung Quốc mang hình ảnh của một láng giềng nước lớn, bành trướng và khó chịu.

Việt Nam và các nước trong khu vực không thể trông đợi Trung Quốc sẽ “trỗi dậy hòa bình” như chủ thuyết ngoại giao (chưa bao giờ được công bố) của họ. Cũng vậy, Trung Quốc “khó lòng tơ tưởng đến việc họ có thể lặng lẽ bước lên vũ đài thế giới mà không gây ra mảy may chú ý nào”. Đó là nhận định của Fareed Zakaria trong cuốn “The Post-American World” (Thế giới hậu Mỹ), có lẽ cũng là điểm mà Việt Nam - nước láng giềng liền kề biên giới Trung Quốc - không nên bỏ qua.