Friday 27 May 2011

Vỡ trận

Hồi bé đọc Tam Quốc, mình rất nhớ đoạn này, nói theo ngôn ngữ trồng cải bây giờ thì là “Những giờ phút cuối cùng của Vân Trường”:

Quan Công đuổi đánh hơn hai chục dặm, lại nghe có tiếng reo, thì là Hàn Đương ở mé hang núi đổ ra, Chu Thái ở mé hữu kéo đến; Tưởng Khâm quay đánh ập lại. Quan Công vội rút lui. Đi chưa được vài dặm, thấy trên gò núi Nam Sơn, có một số người tụ ở đấy, khói bốc nghi ngút. Trên núi có lá cờ trắng bay phấp phới, đề bốn chữ: “Kinh Châu thổ nhân”. Họ gọi ơi ới: “Những người bản xứ, mau mau ra hàng đi”.

Quan Công giận lắm, muốn lên núi giết bọn ấy. Bỗng ở trong hang núi lại có hai toán quân của Đinh Phụng, Từ Thịnh đổ dậy đất, chiêng chống rầm trời, vây khốn Quan Công mà đánh, tướng sĩ thủ hạ dần dần tán hết. Đánh nhau mãi đến mờ mờ tối, Quan Công trông ra bốn phía núi, thấy toàn là quân Kinh Châu, người thì gọi anh tìm em, kẻ thì réo con gọi cha, tiếng kêu như ri, rủ nhau đi mất cả. Quan Công quát ngăn lại cũng không được.

Thấy đoạn này minh họa rõ cho cái ý “vỡ trận”. Mà hình như kinh tế, giáo dục, báo chí nước Nam ta giờ đang ầm ầm rơi vào thế ấy.

Bấy giờ báo chí đói lắm, nhiều tòa báo phải tung quân đi các nơi trồng cải, bắt doanh nghiệp làm thịt, mò cả vào làng showbiz thịt “sao”, có khi đói quá ăn thịt lẫn nhau. Người nào yếu, mắt mờ chân run không theo được, đành nằm nhà chờ chết hoặc kêu khóc đợi ứng cứu. Báo điện tử câu view điên cuồng, bọn quân sư nghĩ ra ngày càng nhiều tít bệnh hoạn, dân tình tuy vẫn vào đọc, nhưng thực bụng sợ lắm.

Báo sĩ nhiều người thấy tình hình trồng cải, làm thịt dân rối ren như thế, trong lòng không nỡ, muốn viết khác đi, nhưng phi cải ra, động cái gì cũng bị triều đình hạch tội. Số báo sĩ nao núng, muốn bẻ bút về quê làm ruộng ngày càng nhiều. Lắm kẻ sinh phẫn chí, tối ngày uống rượu rồi trông mặt về phía “Trung ương” mà khóc hu hu, tổng biên tập quát ngăn lại cũng không được. Tiếng kêu than vang trời dậy đất…

Vỡ trận rồi còn đâu? Nước Nam ta từ ngày có báo điện tử đã bao giờ suy đến thế này chăng, trời hỡi trời?

Thursday 19 May 2011

Lão tướng trên nghị trường

Quốc hội khóa 12 để lại một loạt “ngôi sao nghị trường” mà người dân dễ dàng nhớ tên: Nguyễn Minh Thuyết, Phạm Thị Loan, Nguyễn Đình Xuân, Lê Văn Cuông… Thế nhưng cách đây 20 năm, vào thời kỳ vai trò của Quốc hội trong đời sống chính trị nước ta còn là cái gì đó hết sức xa lạ, rất khó có một đại biểu can đảm như ông, người “dám” lớn tiếng với một bộ trưởng ngay giữa Hội trường: “Anh nói như thế với ai thì được, anh nói với tôi vậy là không xong đâu. Tôi có tư liệu. Anh lôi thôi, tôi cho anh chết đứng ngay!”.

Vị đại biểu có cách chất vấn đanh thép, nảy lửa, với ngôn từ dân dã đó là Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.

Ông Nguyễn Quốc Thước là đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An ba khóa 8, 9 và 10 (từ năm 1987 đến năm 2002), trong một giai đoạn mà sinh hoạt Quốc hội ở Việt Nam còn rất mới mẻ và do đó, đầy chuyện phải kiêng dè. Bây giờ, đại biểu Quốc hội có thể đứng lên chất vấn chính phủ công khai giữa Hội trường, lại có truyền hình trực tiếp cho dân xem, chứ ngày ấy làm gì có chuyện đó. Ông Thước bảo: “Khóa 8 thì đã bắt đầu Đổi Mới rồi nhưng mọi sự vẫn chưa vào guồng, bàn trên nghị quyết thế thôi chứ thực tế chưa có gì. Nhất là hoạt động của cơ quan lập pháp thì lúc bấy giờ chỉ là để hợp thức hóa nghị quyết của Đảng. Không bàn cãi gì cả. Đảng quyết rồi thì cứ thế mà giơ tay. Đại biểu nhiều lúc băn khoăn lắm nhưng không giơ tay không được”.

Sinh năm 1926, tham gia cách mạng khi mới 19-20 tuổi, gần như cả đời ông Thước đấu tranh: thời chiến, ông là anh “bộ đội Cụ Hồ” đánh Pháp, đuổi Nhật, chống Mỹ; tới thời bình, ông lại làm đại biểu Quốc hội, chiến đấu không khoan nhượng với thói quan liêu, xa rời dân, kém năng lực và dối trá. Ông nói to và dõng dạc, chất giọng sang sảng, phong cách quyết liệt, thậm chí nảy lửa. Có lẽ vì trực tính như thế, nên ông va chạm với không ít người.

Người “bạo miệng”

15 năm, tôi về quê Nghệ An, đi đâu dân người ta cũng đồng tình với tôi. Nhưng tôi biết lãnh đạo tỉnh không ưng tôi. Có lần Thường vụ Tỉnh ủy nhắc tôi phải phát biểu theo nghị quyết, theo Đảng. Tôi bảo thẳng: “Đúng, tôi theo Đảng, nhưng tôi là đại biểu của dân, thì tôi cũng phải nói lên ý kiến dân chứ. Có những cái Đảng quyết chưa đúng mà dân nói, thì tôi phải lên tiếng để dân còn bàn chứ””.

Ông Thước bảo, thực sự chuyện đứng về phía lãnh đạo để gò ép đại biểu Quốc hội trước kia nặng nề lắm. Ép, có thể chỉ đơn giản là vận động, “bỏ nhỏ” từ trong mỗi đoàn đại biểu Quốc hội, tới trưởng đoàn, tới bản thân đại biểu, rồi đưa ra cuộc họp đảng đoàn, nhắc đi nhắc lại đến mấy lần. Như Khóa 9, có vụ việc về giao thông, tỷ lệ lúc đầu chỉ là 60% ủng hộ chủ trương, thế là “trên” thực hiện “ép” trong các đoàn, ép trưởng đoàn, dần dần tỷ lệ được nâng lên 70%, rồi 80%.

Hỏi ông Thước có bị “gò” bao giờ chưa, và như thế nào, ông cười khà khà: “Tôi ở bên quân đội. Xét cương vị của tôi thì “các ông ở tỉnh” chưa dám vỗ vai nhắc nhở. Nhưng dặn dò tôi thì nhiều lắm, kiểu như là “Thôi, cái gì là chủ trương của Đảng, của Bộ Chính trị rồi thì bác đừng bàn nữa”.

Có lần ông Thước đã nói một câu nổi tiếng với ông Đỗ Mười. Tại một phiên họp Quốc hội, ông Đỗ Mười có ý than: “Tôi làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đấy, nhưng không điều khiển được các bộ trưởng nữa. Cứ như thể họ làm loạn!”. Ngay lập tức ông Thước lên tiếng: “Thưa anh Mười, thưa Quốc hội, tôi xin đề nghị thế này: Nếu anh Mười làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tương đương Thủ tướng bây giờ – NV) mà không điều khiển nổi các bộ trưởng thì anh từ chức đi. Như tôi làm Tư lệnh Quân khu IV, tôi đã ra lệnh, thì người dưới phải chấp hành. Nếu không chấp hành, thì hoặc anh ta đúng tôi sai, tôi phải nghỉ; hoặc anh ta sai, tôi đúng, anh ta phải nghỉ”. Ông Thước nói xong, đến khi ra khỏi Hội trường, mấy nhà báo quen thân ghé tai ông, nửa đùa nửa thật: “Bác ơi, bác chết đến nơi rồi”. Ông cười ầm: “Chết thế nào được. Tôi chả sợ ai cả. Tôi chỉ sợ tôi nói sai thôi”.

Nhiều người không dặn dò, tỉ tê với ông sau hậu trường, thì lại tỏ ra bực bội, khó chịu ra mặt mỗi khi thấy ông. Có người cáu kỉnh nói: “Bác nhiều lời quá đi!”, ông đáp ngay: “Tôi mới nói được 1% ý kiến của dân thôi đấy, chứ dân còn nhiều ý kiến lắm. Những vấn đề gai góc, gay cấn, nóng bỏng… còn rất nhiều. Bao nhiêu tiếng nói của dân mà tôi phát biểu trong có 15 phút, hết thế nào được”.

“Còn nợ dân nhiều lắm”

Lần Quốc hội bàn về dự án mở rộng cảng Cái Lân, ông Thước được biết các nhà khoa học đã phản đối việc đánh mìn dưới nước để mở cảng. Tuy nhiên một vị bộ trưởng lại phản hồi rằng khoa học công nghệ giờ đã tiến bộ, có thể đánh mìn mà không làm ảnh hưởng gì tới môi trường sinh thái. Lão tướng Nguyễn Quốc Thước đứng dậy, gay gắt: “Thời chiến, chúng tôi ném có một quả lựu đạn mà cá chết nổi đầy sông, cả trung đoàn bộ đội ăn không hết. Cá chết một ít thì sau đó cả đàn sẽ không vào vùng nước ấy nữa đâu – con vật nó biết chỗ nào nguy hiểm để nó tránh chứ. Thế mà nay anh lại nói đánh mìn hàng tấn không làm chết cá, không ảnh hưởng môi trường. Anh qua mặt ai chứ không qua mặt tôi được đâu”. Người bị chất vấn lúng túng, câu trả lời thường chỉ là “bác thông cảm, cái này là chủ trương đã duyệt rồi…”.

Câu chuyện đánh mìn mở rộng cảng Cái Lân đó, sau này không được nhắc lại nữa. Mọi chuyện vẫn diễn ra. Cũng không ai tiến hành đo đạc xem cá có chết hay không, chết nhiều hay ít, môi trường bị ảnh hưởng thế nào. Ông Thước có phần cay đắng: “Gần 10 năm qua rồi, Quốc hội khóa ấy cũng xong rồi. Bao nhiêu vụ việc đã trôi qua là xong hết”.

Mở rộng Hà Nội, khai thác bauxite Tây Nguyên, xây đường sắt cao tốc Bắc-Nam, sản xuất điện hạt nhân… Nhiều vấn đề nóng bỏng như thế đã được đặt ra trước Quốc hội. Có dự án như đường sắt cao tốc, Quốc hội vừa bác ở kỳ họp trước, đã lại thấy cơ quan đầu tư chuẩn bị đưa ra kỳ họp sau. Ông Thước không nén nổi bức xúc. Nhưng ông phải thừa nhận, có nhiều việc Quốc hội không thay đổi được, đại biểu còn nợ dân nhiều lắm.

“Tướng về hưu” mà không hưu

Sau Khóa 10, ông Thước nghỉ hưu ở một ngôi nhà trên đường Bưởi (Hà Nội). Ngôi nhà này từng là nơi chứng kiến rất nhiều lần cử tri đến gặp ông, cung cấp thông tin, trao đổi, gửi gắm. Họ tin ông, bởi vì họ biết, không bao giờ lão tướng Nguyễn Quốc Thước quay lưng lại với người dân. Ngay cả bây giờ, về hưu đã gần 10 năm, ngày ngày chăm sóc người vợ đau ốm, ông vẫn không ngừng đọc báo, xem tivi, theo dõi thời sự, thỉnh thoảng lại bảo cháu in bài vở trên mạng ra cho ông đọc. Và cùng với nhiều tướng lĩnh, cựu chiến binh, ông thường xuyên gửi thư, kiến nghị, đóng góp ý kiến cho Đảng và Nhà nước, dù rằng như ông nói, “chưa bao giờ được trả lời”.

Hỏi ông làm đại biểu Quốc hội bây giờ khó hơn hay dễ hơn ngày trước, ông bảo dễ hơn nhiều vì dân chủ mở rộng rồi, đại biểu không còn phải chịu đủ loại sức ép, không bị áp đặt như xưa nữa. Trầm ngâm một lát rồi ông giải thích, cũng phải hiểu cho chính quyền địa phương và đại biểu Quốc hội các khóa trước. Thời bao cấp, cơ chế tập trung, xin-cho rất nặng nề, mọi chương trình ngân sách tỉnh đều do Trung ương duyệt. Địa phương nào nói khác với Đảng, với Chính phủ là… hết tiền. Ông kể, trong tỉnh ủy từng có vị giám đốc sở công nghiệp, trẻ và có năng lực. Khi ông khuyên vị này có ý kiến về một vấn đề mà “ai cũng thấy nhưng không ai dám lên tiếng”, anh ta trần tình: “Bác ơi, bác nói thế thì được, chứ em mà mở miệng ra thì ngày mai, “trên” không cho chương trình, dự án, không cấp ngân sách nữa là tỉnh… chết luôn”. Tóm lại thời đó, chính quyền tỉnh mà dám nói điều gì ngược với Trung ương là tỉnh ấy gặp khó khăn.

Cái khó ấy bây giờ vẫn tồn tại, dù cơ chế phi tập trung hóa đã cho phép địa phương được tự chủ nhiều hơn. Vì ngoài chuyện kinh tế, lãnh đạo tỉnh còn cần tạo dựng uy tín, cần lấy phiếu “trên Trung ương”. Và kể cả không có những ràng buộc về lợi ích, thì theo ông Thước, người ta vẫn phải sợ một cái gì đấy, ít nhất cũng là mối quan hệ tình cảm trên dưới. Từ đây dẫn đến việc “làm gì có ông chủ tịch, ông bí thư kiêm đại biểu Quốc hội nào chất vấn Thủ tướng Chính phủ cho ra trò đâu?”. Cho nên, phải tăng cường đại biểu chuyên trách là vì thế. Ông Thước cũng cho rằng, số đại biểu không dám phát biểu vì không hiểu biết về một vấn đề nào đó thật ra không nhiều; số biết nhiều mà im lặng không nói mới thật sự đông đảo.

Với tấm lòng tha thiết vì đất nước như ngày nào, vị đại biểu lão thành nhắn nhủ các dân biểu tương lai: “Có nhiều đại biểu hỏi tôi: “Bác ở quân đội mà sao lĩnh vực nào bác cũng biết cả?”. Tôi nói thế này, gần suốt cả đời tôi chỉ có đi đánh giặc, thời bình mới làm đại biểu. Dân người ta thấy tôi có trách nhiệm đối với họ nên có việc gì họ cũng tìm đến tôi, cung cấp thông tin cho tôi để tôi nghiên cứu mà phát biểu. Cho nên, làm đại biểu Quốc hội là phải có bản lĩnh và tính chiến đấu, mà cái quan trọng nhất là phải xuất phát từ lợi ích của dân. Có thế thì mới đứng vững được”.


Wednesday 11 May 2011

Đọc truyện đêm khuya: “Ô dù” và chủ nghĩa de Gaulle

Đây là phần tiếp theo trong cuốn sách “Vietnam – Rising Dragon” (Việt Nam – con rồng trỗi dậy) của Bill Hayton, nguyên phóng viên BBC tại Hà Nội. Tiêu đề của phần này do người dịch đặt. Quan điểm của người dịch không nhất thiết trùng quan điểm của tác giả. Người dịch không chịu trách nhiệm về việc kiểm chứng thông tin trong bài viết.


* * *


Để hiểu chuyện này xảy ra như thế nào, rất nên nhìn vào đường lối điều hành. Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam muốn cai quản đất nước theo một hình thức tương tự như chủ nghĩa de Gaulle (Gaullism) ở Pháp. Dưới chế độ de Gaulle kiểu Việt Nam, một tầng lớp tinh hoa sau hậu trường (tức Đảng Cộng sản) sẽ vạch ra định hướng tổng thể về chính sách và sau đó ủy quyền việc thực hiện cho nhà nước (do Đảng kiểm soát). Chính phủ khi đó sẽ ra luật và sử dụng bất cứ nguồn lực nào có sẵn – hệ thống hành chính quan liêu của nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước (người dịch viết tắt: DNNN), khu vực tư nhân, giới đầu tư nước ngoài, các nhà tài trợ quốc tế hoặc bất kỳ ai khác – để thực thi chính sách. Và, từ phía sau hậu trường, Đảng sẽ giám sát, kiểm soát, cưỡng ép các diễn viên khác nhau vào vai để đảm bảo là chính sách được tuân thủ. Ít nhất đó là những gì Đảng muốn thấy. Sự thực lại thường không như thế. Đôi khi Đảng đóng vai trò như lực lượng gắn kết – ra quyết định và thực thi – đôi lúc lại chia rẽ, một phần vì vấn đề ý thức hệ nhưng càng ngày càng xuất phát từ chuyện các cá nhân và mạng lưới quan hệ đỡ đầu, bảo trợ cho cá nhân đó. Không ai được bầu vào ban lãnh đạo của Đảng – Bộ Chính trị, gồm 15 người – mà lại không phải xây dựng một mạng lưới vây cánh ủng hộ và đổi lại, phải cho vây cánh ấy lợi ích. Tìm hiểu xem một quyết định cụ thể nào đó là kết quả của ý thức hệ hay của lợi ích vây cánh thường là điều bất khả. Trong phần lớn trường hợp, có lẽ mỗi quyết định là kết quả của cả hai thứ này.

Lấy ví dụ ông T. (*) Điểm xuất phát của ông T. trước khi vươn lên vị trí quyền lực là chính quyền tỉnh Bình Dương, một tỉnh ngay sát TP.HCM. Ông đã góp phần biến tỉnh này thành một nhà máy năng lượng kinh tế, thu hút những luồng vốn đầu tư nước ngoài khổng lồ, tạo ra hàng trăm nghìn công ăn việc làm và đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước. Ông đã làm được việc ấy bằng cách bẻ cong luật – xé rào – để làm vừa lòng giới đầu tư. Ông lách qua các quy định về quy hoạch để có được những khu công nghiệp, ông tiến hành những thỏa thuận về thuế để thu hút công ty nước ngoài và giúp doanh nghiệp một tay nếu họ cần. Phần thưởng cho thành công của ông là sự thăng tiến trong Đảng, đầu tiên lên vị trí lãnh đạo TP.HCM và sau đó làm nguyên thủ quốc gia. Nhưng căn cứ địa của ông vẫn ở Bình Dương và bây giờ nơi ấy là thái ấp của gia đình ông. Cháu trai của ông đã tiếp quản cương vị lãnh đạo tỉnh, gia đình ông kiểm soát nhiều cơ cấu hành chính trong tỉnh. Người Việt Nam hay nói chuyện ai đó “có ô dù”. Cái “ô” của ông T. đã che chở gia đình và mạng lưới vây cánh của ông ở Bình Dương, cũng như “ô” của những đồng sự của ông đã che chở gia đình, vây cánh của họ ở các địa phương khác. Sự che chở của họ cho phép các tỉnh, DNNN, và ngày càng nhiều cá nhân đứng đầu DNNN, quyền tự do bẻ cong và phá luật, vì biết là mình được “bảo vệ” trước pháp luật. Tuy nhiên cũng có giới hạn cho việc một lãnh đạo cấp nhà nước có thể thúc đẩy lợi ích của vây cánh địa phương mình tới đâu. Cuối cùng thì lợi ích quốc gia vẫn tồn tại đó. Chính sách phải là kết quả của sự đồng thuận: lợi ích của quốc gia, phe phái và địa phương đều phải được thỏa mãn. Nhưng để đạt tới đồng thuận thường đòi hỏi các bên phải đánh nhau rất dữ.

Đầu năm 2008, chính phủ nhận thấy rằng bong bóng bất động sản và chứng khoán đã phình quá to. Tác động của thời kỳ hoang dã này đối với thị trường chứng khoán tràn cả ra bên ngoài. Năm 2006, chỉ số chứng khoán quan trọng nhất, VNI trên Sở Giao dịch TP.HCM, đã tăng 145%. Trong hai tháng rưỡi đầu năm 2007, nó tăng thêm 50% nữa. Sàn giao dịch của các công ty môi giới lớn trong thành phố đầy chật người tham gia. Một số dốc hết tiết kiệm vào ván bạc trên thị trường. Niềm lạc quan không bị kiềm chế chút nào. Ngày 12 tháng 3 năm 2007 VNI lên mức kỷ lục 1.170 điểm. Nó sẽ không bao giờ đạt tới điểm đó lần nữa. Nó nhảy qua lại một tí, và vào cuối năm vẫn tăng khoảng 20%. Nhưng sau đó, sang năm 2008, nó sụp đổ. Chỉ số này rơi một mạch 70%, quét sạch khỏi thị trường rất nhiều nhà kinh doanh chứng khoán thời ấy cùng những gia đình đã đánh bạc bằng cả khoản tiết kiệm của họ. Lạm phát tăng 30%, các hộ dân ở thành phố không đủ sống, công nhân nhà máy đình công và bất mãn ngày càng tăng. Tình hình bắt đầu giống như sự khởi đầu của một mối đe dọa đối với quyền lãnh đạo của Đảng. Đã đến lúc các nhà lãnh đạo phải phản công.

Tháng tư năm 2008, Thủ tướng Dũng công khai đề nghị các DNNN hạn chế những ngành kinh doanh không phải lĩnh vực chính của họ ở mức 30% tổng vốn. Việc chính phủ phải xuống nước “kêu gọi” DNNN tuân thủ luật pháp đã bộc lộ những vấn đề mà chính phủ đang phải đối diện trong nỗ lực duy trì quyền kiểm soát. Các DNNN chẳng nghe; đánh nhau nội bộ sau hậu trường càng tăng lên. Chính phủ buộc phải thử một con đường khác. Ngân hàng trung ương – đơn vị đã và đang cho các tổng công ty vay rất dễ dàng với lãi suất thấp và lượng cung tiền hào phóng – nhận lệnh vào cuộc. Lãi suất được nâng lên và dòng tiền cho vay bị giảm xuống. Những cái ô bảo trợ được cất đi; lãnh đạo bắt buộc phải hành động vì lợi ích quốc gia. Có kết quả: nền kinh tế hạ nhiệt và khủng hoảng giảm bớt.

Ban đầu các tổng công ty vận hành theo mô hình chaebol của Hàn Quốc. Các chaebol có rất nhiều nhược điểm, nhưng một số, chẳng hạn Hyundai và Samsung, quả thật đã trở thành các nhà xuất khẩu lớn. Các tổng công ty của Việt Nam kém thành công hơn thế nhiều: VinaShin giành được đơn đặt hàng là nhờ ra giá thấp dưới mức chi phí, còn các hợp đồng bán dầu của PetroVietnam ở Cuba và Venezuela thì là kết quả của chính sách ngoại giao của nhà nước hơn là năng lực kinh doanh. Nhiều công ty dệt may quốc doanh bị thua lỗ và ngành thép thì cũng lạc hậu. Nhưng khu vực quốc doanh vẫn cứ là trụ cột cho sự kiểm soát của Đảng – vừa là công cụ để thực thi chính sách kinh tế vừa là biện pháp làm hài lòng vây cánh ở địa phương, công đoàn và những nhóm lợi ích khác. Mặc dù nhiều DNNN đang bị bán đi, Đảng vẫn nêu rõ quyết tâm giữ lấy 50-100 DNNN quan trọng nhất. Chúng tiếp tục hưởng lợi từ sự hào phóng của nhà nước. Mặc dù cái thời kỳ ngân hàng quốc doanh cho vay dễ dàng nhìn chung đã thuộc về quá khứ rồi, nhưng vẫn còn vô số cách để bơm tiền cho DNNN. Ngân hàng Phát triển Việt Nam (ngân hàng quốc doanh, được thành lập từ tiền viện trợ của các chính phủ nước ngoài) và Quỹ Bảo hiểm Xã hội của nó (được kỳ vọng trở thành nhà đầu tư đơn lẻ lớn nhất trong nước vào năm 2015) dường như đang vận hành giống như những “quỹ đen” không minh bạch, phục vụ lợi ích của khu vực nhà nước. Rõ ràng DNNN có một tương lai quan trọng, không nhất thiết tươi sáng, ở phía trước.

* * *

Sự đan xen xoắn xuýt giữa Đảng và doanh nghiệp không chỉ giới hạn trong khu vực nhà nước mà còn lấn át cả ở khu vực tư nhân. Nhiều công ty “tư nhân” đều từng là DNNN hoặc vẫn còn có phần sở hữu của nhà nước, hoặc đang do đảng viên cai quản. Thậm chí các công ty thật sự là tư nhân cũng gần như không thể có được giấy phép, giấy đăng ký, giấy tờ thủ tục hải quan hoặc nhiều loại giấy tờ quan trọng sống còn khác, nếu không có quan hệ tốt. Công ty nào không tham gia cuộc chơi thì sẽ mau chóng gặp rắc rối. Khảo sát cho thấy ngay cả ngân hàng tư nhân cũng thích cho những người “có quan hệ” vay tiền hơn. Hầu hết những người kiểm soát các đỉnh cao chỉ huy của khu vực tư nhân đều hoặc là do Đảng chỉ định, hoặc người thân, bạn bè của người được chỉ định đó. Tầng lớp tinh hoa của Đảng Cộng sản đang biến chủ nghĩa tư bản Việt Nam thành kiểu công ty gia đình. Tầng lớp tinh hoa mới trong giới thương nhân thì không tách khỏi Đảng Cộng sản mà lại là thành viên của Đảng, hoặc có liên quan tới Đảng...

Trên thực tế là quá nhiều, đến mức người Việt Nam bây giờ có một “thành ngữ” đặc biệt để định danh những trường hợp như thế: “COCC”, hay “5C”. COCC là lớp người ít thâm niên hơn trong tầng lớp elite cộng sản-doanh nhân mới – lãnh đạo các địa phương, quan chức chính quyền và quan chức Đảng nhưng ở cấp thấp hơn. COCC là bốn chữ cái đầu của Con Ông Cháu Cha – nghĩa đen là “con của bố, cháu của ông”, nhưng ý nghĩa của câu này rất rõ ràng với bất kỳ ai đã quen với truyền thống của các gia đình Việt Nam – con trẻ trung hiếu với cao niên, bậc cao niên bảo vệ con trẻ. Những người ở dưới cái ô của COCC có thể thoát khỏi gần như mọi rắc rối, vì các bậc bảo trợ cho họ ở cấp cao hơn cả công an và tòa án. Tầng lớp elite thật sự được gọi là 5C: họ có thể thoát khỏi tất cả các rắc rối. Thậm chí người ta còn bảo rằng một cậu con trai 5C đã từng giết người, nhưng mọi chuyện đều được giữ kín. 5C là viết tắt của Con Cháu Các Cụ Cả - nghĩa đen là “tất cả con và cháu của cụ”. Cụ là địa vị cao nhất trong gia đình Việt Nam, và mọi vị Chủ tịch, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản về cuối đời đều được gọi bằng đại từ này. Cái ô của 5C tỏa rộng – vươn cả ra khỏi những con cháu trực hệ để ít nhiều che luôn cho cả đại gia đình.

Ở Việt Nam, những mối quan hệ như thế đều có giá trị quy ra tiền cả. Các công ty – kể cả trong nước lẫn nước ngoài – đều sẵn sàng trả những khoản tiền lớn để được giới thiệu và tiếp xúc với giới hoạch định chính sách. Những người đã có cửa tiếp cận rồi – thông qua quan hệ thân thuộc trong gia đình – có lợi thế cực lớn. Được giới thiệu một cách tích cực đến một quan chức chủ chốt nào đó có thể tốn tới 100.000 USD. Tiền thường không rót trực tiếp vào túi chính trị gia, mà đến tay người hỗ trợ cho chính trị gia ấy – thường là họ hàng. Đôi khi không phải là tiền mà là quà, thậm chí một căn hộ cho không, đấy là lý do tại sao các nhân viên nhà nước với mức lương danh nghĩa 100 USD/tháng lại có thể hưởng thụ mức sống ngang với một giám đốc kinh doanh thành đạt. Người Việt Nam hay nói về chế độ “chân trong chân ngoài”. Một thành viên trong gia đình làm một công việc được trả lương rất thấp ở đâu đó trong hệ thống hành chính, đó là cách hữu hiệu để duy trì quan hệ, trong khi vợ con, anh em, cháu anh ta có thể tìm kiếm công việc làm ăn ở bên ngoài. Biên chế chính thức bây giờ cũng có giá trị. Lãnh đạo các cơ quan ban ngành có thể giã tới vài nghìn đôla cho một vị trí cấp thấp nhưng có nhiều cơ hội và mối quan hệ.

Nhưng giới thiệu, tiến cử chỉ là một cách để kiếm tiền. Thân nhân của các quan chức cấp cao tìm ra chỗ màu mỡ trong khắp thế giới kinh doanh. Kể từ khi cuộc cải cách kinh tế chớm bắt đầu, tầng lớp elite của Đảng đã gửi con cái ra nước ngoài du học và để cho chúng lên cao dần, có lợi thế kinh doanh. Con cái họ trở về nước, có học hơn và sẵn sàng tiếp nhận công việc ở những cơ sở có đầu tư nước ngoài và khu vực tư nhân mới…


* * *

(*) Người dịch viết tắt tên của nhân vật. Độc giả quan tâm có thể tìm hiểu trong chương I cuốn “Vietnam - Rising Dragon” của nhà báo Bill Hayton. Mong được lượng thứ.

Đoan Trang biên dịch

Kỳ trước:


Kỳ sau: