Saturday 14 November 2009

Thầy ngoại, trò nội

Cách đây hơn 1 năm Trang the Ridiculous có viết một bài về chủ đề "Mời thầy 'ngoại' đến dạy trò 'nội'", trong đó có câu như thế này:

"... Nhưng hòa trong xu hướng mời chuyên gia quốc tế tới Việt Nam diễn thuyết, có những công ty đã tranh thủ mời cả những nhân vật rất bình thường của thế giới sang Việt Nam, vẫn tổ chức quảng cáo ồn ào và thu phí dịch vụ theo kiểu cao cấp". (http://www.tuanvietnam.net/moi-thay-ngoai-den-day-tro-noi)

Bài đăng lên, cũng nhận được dăm chục email thóa mạ, cũng đoán được là những ai gửi. Tuy nhiên, đến hôm nay, sau 1 năm, nếu có thể viết lại chủ đề này, tôi vẫn bảo lưu ý kiến cũ, đồng thời muốn bổ sung thêm một ý: Rất nên thận trọng với tất cả các hội thảo, các buổi nói chuyện, các khóa học ngắn hạn mà trong đó diễn giả là những học giả - giáo sư, tiến sĩ v.v. - (có thể rất nổi tiếng ở) nước ngoài được mời đến Việt Nam.

Tony Buzan, Michael Porter, Tom Cannon... hay là ai đi nữa, khán giả cũng nên cân nhắc trước khi mua/ xin được vé vào dự hội thảo của họ. Bởi vì họ không hiểu Việt Nam. Tôi không nghĩ có giáo viên nào có thể dạy TÔT cho những học sinh mà họ hoàn toàn không hiểu.

(Tất nhiên điều này không có nghĩa là tôi phản đối việc người Việt Nam du học nước ngoài - đó là chuyện khác.)

+++++++

Nhân tiện ném đá thầy Michael Porter thêm phát nữa: http://www.tuanvietnam.net/nam-lam-chuyen-cua-bao-chi-viet-nam

(... Một chiến dịch truyền thông đồ sộ và hoành tráng thông báo sự kiện “cha đẻ của chiến lược cạnh tranh” Michael Porter sang thăm Việt Nam. Một hội thảo quy mô lớn với hơn 700 doanh nhân, trong đó rất đông người là CEO, giám đốc của các tập đoàn, công ty nước ngoài, liên doanh lớn ở Việt Nam. Một chương trình truyền hình dạng talk show nổi tiếng, phát sóng toàn quốc, với khách mời riêng là GS Michael Porter. Tất cả đã tạo nên hình ảnh vị chuyên gia số 1 thế giới về cạnh tranh.

Michael Porter đúng là một học giả đã dành cả sự nghiệp của mình vào nghiên cứu về cạnh tranh, từ cấp vi mô trong mỗi doanh nghiệp, tới cấp vĩ mô của một quốc gia. Việc mời ông sang Việt Nam nói chuyện với các nhà quản trị kinh doanh của chúng ta là quá tốt, chẳng có gì phải tranh cãi nữa.

Nhưng ở mặt kia của vấn đề, giá như báo, đài có thể kiềm chế sự háo hức để phản ánh, dù chỉ một chút thôi, những cái “chưa được” trong lý thuyết của Michael Porter.

Giá như các khán giả xem truyền hình, các độc giả của báo in, biết rằng những lập luận của Porter đã và đang tiếp tục gặp phải nhiều phản biện gay gắt từ các nhà kinh tế và giới nghiên cứu quản trị kinh doanh.

Giá như các nhà báo có đủ kiên nhẫn để đọc hết bộ ba cuốn sách của GS Michael Porter, để thấy rằng Lý thuyết "5 lực đẩy" nổi tiếng cũng như nhiều lý giải khác của ông tỏ ra vừa phức tạp vừa đơn giản hóa vấn đề tới mức thái quá. Phức tạp ở sự dài dòng, nhiều câu chữ. Đơn giản hóa thái quá ở chỗ: Ở tầm vĩ mô, nó tập trung nghiên cứu những quốc gia đã cạnh tranh thành công - tức là những nước phát triển. Mà nước phát triển thì, than ôi, luôn là thiểu số!

Ở tầm vi mô, công trình cũng nghiên cứu nhiều doanh nghiệp thành công và không thành công điển hình, nhưng đó là doanh nghiệp ở những nền kinh tế khác, thị trường khác, tóm lại là ở hoàn cảnh khác so với Việt Nam. Doanh nhân ta có xách cặp tới học Michael Porter thì cái lớn nhất rút được chắc chỉ là ý niệm về xây dựng chiến lược cạnh tranh. (Cố nhiên, có ý niệm vẫn còn hơn là không).

Saturday 7 November 2009

NHỮNG ĐỨA TRẺ LỚN TUỔI

Hồi trước, cách đây lâu lắm rồi, có lần lớp học tiếng Pháp của bạn tôi đang giờ lên lớp của một giảng viên người Paris, thì một thầy giáo cũng người Pháp đi vội vào lớp, trình bày rằng ngày mai ông về nước, và ông muốn chụp lưu niệm vài kiểu với các học sinh Việt Nam. Ông giáo Paris đứng lớp dĩ nhiên là lịch sự đồng ý.

Thầy giáo người Pháp kia bèn giơ máy ảnh chụp cả lớp, rồi bản thân ông cũng chạy vào ngồi cùng học sinh, tạo dáng, bấm máy, lăng xa lăng xăng, loay ha loay hoay… Trong khi đó, ông giáo người Paris đứng đợi nơi góc lớp với vẻ mặt hết sức kiên nhẫn và điệu bộ thì lịch thiệp.

Chờ cho đồng nghiệp chụp xong loạt ảnh và chào cả lớp ra về, khuất hẳn, ông mới quay sang học sinh và mỉm cười độ lượng:

- Các bạn thông cảm. Anh ấy là người Marseille.

Cả lớp cười ồ lên. Bạn tôi không thích kiểu đùa có vẻ miệt thị, địa phương chủ nghĩa ấy, nên hỏi vặn:

- Người Marseille thì sao, thưa thầy?
- Thì thích chụp ảnh. Tất cả người Marseille đều thích chụp ảnh.

Ông giáo Paris nháy nháy mắt, le lưỡi. Sau đó, tự nhiên ông đế thêm: “Và cả người Việt Nam cũng vậy”.

Câu chuyện đột ngột xoay hẳn sang chủ đề “tính cách dân tộc”. Ông giáo hăng hái liệt kê một loạt đặc điểm của người Việt Nam trong mắt ông. Học sinh cũng hăng hái phụ họa hoặc phản bác. Không khí sôi nổi. Ông giáo tỏ ra thẳng thắn, nói rằng: “Người Việt Nam thích chụp ảnh, thích khoe ảnh, hay tin vào những điều hết sức buồn cười, hay đi cúng bái và kiêng kỵ đủ thứ”. Ông chốt hạ bằng một câu ngắn gọn, làm học sinh nhao nhao phản đối: “Tôi thấy người Việt các bạn đúng là những đứa trẻ lớn tuổi”.

* * *

Câu chuyện bạn tôi kể lại cho tôi chẳng có gì làm tôi quan tâm. Dù sao thì đó cũng là một lớp học ngoại ngữ, nhiều khi những ý kiến thầy giáo đưa ra chỉ có tính “khêu gợi” cho học sinh thảo luận, thực hành tiếng, chứ nội dung quan trọng quái gì. Tuy nhiên, tôi rất thích cụm từ “những đứa trẻ lớn tuổi”, vì thấy nó ứng dụng được vào nhiều người, nhiều nơi, nhiều lúc, chẳng hạn...........

(TỰ KIỂM DUYỆT)