Thursday 28 May 2009

Ném đá hội nghị

Biết chắc chắn là sau khi viết bài này, sẽ có ít nhất một người bảo mình là “ngu như chó”. So sánh thế không đúng đâu, vì chó khôn và trung thành, còn Trang the Ridiculous thì vừa dại vừa phản trắc, chẳng thích “trung” với ai cả. Vậy nên cứ viết và bốt bài lên đây vậy. Muôn năm cái anh Internet!

*

* *

QUỐC HỘI TA HIỀN THẬT!

Tuần đầu tiên của kỳ họp thứ năm, Quốc hội (QH) khóa XII, vừa kết thúc với một loạt vấn đề được đặt lên bàn nghị sự, thảy đều là các vấn đề được dư luận quan tâm. Rõ ràng là QH đang ngày càng gần với vai trò đại diện cho người dân. Nhưng bên cạnh đó, những ngày họp cũng cho thấy, vẫn còn nhiều điểm phải được “chuyên nghiệp hóa” để có một QH chất lượng hơn.


* “Gãi trúng chỗ ngứa” của dân

Dường như, trong lịch sử hoạt động của QH từ năm 1946 tới nay, không nhiều kỳ họp của QH thu hút sự chú ý của dân chúng như khóa XII này: suốt từ chủ trương sát nhập Hà Nội – Hà Tây tới chủ trương khai thác bô-xít Tây Nguyên, mỗi chủ trương được đưa ra trước QH khóa XII đều là một lần được người dân nơi nơi quan tâm đặc biệt, từ quán nước tới công sở.

Chỉ mới tuần đầu tiên, kỳ họp thứ năm của QH khóa XII đã đặt lên bàn nghị sự nóng bỏng nhiều vấn đề, mà nổi lên là chủ trương khai thác bô-xít Tây Nguyên của Chính phủ (CP).

Với việc vấn đề này được bàn thảo “nóng sốt” ngay trong tuần đầu, có thể thấy QH đã và đang “gãi trúng chỗ ngứa” của người dân và vì thế, đang ngày càng tỏ ra có vai trò trong đời sống chính trị của đất nước. Ít nhất, cũng làm người dân bớt đi cảm giác “QH nhà mình hình như toàn… nghị gật”: Chủ trương đã quyết, CP chỉ báo cáo, QH không có quyền.

Không chỉ với dân chúng trong nước, QH cũng đã thể hiện sự quan tâm đến cộng đồng mấy triệu người Việt hải ngoại, qua việc đưa lên bàn nghị sự hai vấn đề quan trọng: nhà ở cho Việt kiều và bảo vệ quyền lợi công dân Việt Nam ở nước ngoài.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thấy rõ đó, QH cũng để “lộ” ra một vài khía cạnh cần chuyên nghiệp hóa.


* QH ta hiền khô...

Về chủ trương khai thác bô-xít Tây Nguyên, dư luận hể hả khi thấy có những đại biểu QH tỏ ra quyết liệt: QH “muốn CP gửi báo cáo riêng về bô-xít ngay trong tuần này” (tức là tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp).

Ví dụ, đại biểu Đặng Huyền Thái, Phó Chủ tịch Ủy ban (UB) Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội, đề nghị “CP và QH phải cung cấp đầy đủ thông tin cho đại biểu nắm được tình hình, nếu cần thì phải chất vấn cho rõ chuyện”.

Và quả thực là ngày 23-5 (ba ngày sau khi khai mạc kỳ họp), CP đã có báo cáo gửi QH về việc triển khai các dự án bô-xít.

Sẽ không có gì đáng nói nếu như các đại dự án bô-xít không thuộc về một chủ trương lớn của đất nước, rất phức tạp về chuyên môn trên tất cả các mặt khoa học, kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng. Như vậy, một cách… khoa học thì đại biểu QH cần được báo cáo kỹ từ trước khi kỳ họp khai mạc, thay vì ngồi vào họp rồi mới quyết liệt đề nghị CP gửi báo cáo.

Và người dân có thể lo lắng: trong một vài ngày họp (dĩ nhiên không kéo dài câu chuyện bô-xít tới một tháng QH họp), các đại biểu QH, với tầm hiểu biết chuyên môn hạn chế trong một lĩnh vực đặc biệt phức tạp là công nghiệp khai thác khoáng sản, sẽ xử lý ra sao với một bản báo cáo dài dằng dặc, đòi hỏi thời gian đọc, hiểu, nghiền ngẫm, suy xét?

Trước đó, bên cạnh những đại biểu bày tỏ “mong muốn” CP chuẩn bị một báo cáo chuyên đề để đệ trình, Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh của QH Lê Quang Bình cũng đã “nhắn” Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc, “nhắc” CP “ngay trong tuần này phải có báo cáo riêng về bô-xít gửi tới các đại biểu”.

Việc này CP đã giao Bộ Công thương rồi”, ông Võ Hồng Phúc đáp.

Thật ra thì, một QH “nghiêm khắc” sẽ không phải “mong muốn”, “nhắn nhủ” gì CP cả, mà là yêu cầu giải trình trước một thời hạn cụ thể, và CP phải gửi báo cáo từ trước khi họp, cũng như phải chỉ định rõ ràng ngay từ đầu rằng Bộ nào sẽ thực hiện công việc này.

Cách làm đó xem chừng hợp lý hơn là việc CP để QH ngồi vào bàn họp rồi mới đệ trình báo cáo, đẩy các đại biểu vào thế “nước đến chân mới nhảy”, việc đến cổ mới quyết, rồi Bộ này “kính chuyển” nhiệm vụ cho Bộ kia, v.v…

Từ vài chuyện nho nhỏ như vậy, có thể rút ra một nhận xét cũng nho nhỏ như thế, là: QH ta… hiền thật!


*... Và xuề xòa nữa

Cơ quan đại diện ngoại giao phải bảo vệ công dân Việt Nam”. Đây cũng là vấn đề được các đại biểu QH mổ xẻ mạnh mẽ khi bàn về dự luật cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài.

Điều này quan trọng và kể ra cũng là một nội dung hấp dẫn của kỳ họp QH, ngoài chuyện nó là một việc tưởng chừng như hiển nhiên: cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, không bảo vệ công dân Việt Nam thì còn bảo vệ ai?

Sự việc gợi nhớ lại một chuyện phiếm ngày trước, khi có đại biểu nêu vấn đề “người bị án tù phải vào tù”. Bởi lẽ, đại biểu này quá bức xúc trước tình trạng nhiều kẻ bị tòa kết luận phải ngồi tù rồi vẫn… tung tăng ở ngoài.

Dù sao, đây cũng không phải là “lỗi” của QH. Chỉ có điều, vấn đề cho thấy QH của chúng ta đang phải dành quá nhiều thời gian cho những việc lẽ ra không cần bàn mà mặc nhiên là phải được thực hiện từ rất lâu.

Các ĐSQ cố nhiên là có chức năng đại diện cho Nhà nước và bảo vệ quyền lợi của công dân nước mình. Thế nhưng, từ trước đến nay, nhiều tòa đại sứ Việt Nam ở nước ngoài dường như chỉ có nhiệm vụ cấp hộ chiếu, làm giấy tờ đăng ký kết hôn, hoặc đứng ra vận động các phong trào, hô hào các dịp lễ lạt, chứ chức năng “bảo vệ” kia không thấy có, hoặc rất nhạt nhòa.

Về chuyện này, chính Phó Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh của QH Trần Đình Nhã kể, có lần đi công tác nước ngoài, ông đã chứng kiến công dân Việt Nam bị giam tới 2-3 năm nhưng sứ quán Việt Nam vẫn không hay biết (!)

Điều đáng nói ở đây là công dân Việt Nam có khi cũng không biết mình được hưởng quyền “kêu cứu tới sứ quán”. Vậy, nếu họ bị bắt mà không kêu thì cơ quan đại diện cũng có lý do để không làm gì cả. Hòa cả làng!

Nghĩ mà thương, giá như QH ta bớt được thời gian dành cho những việc hiển nhiên như thế (nêu vấn đề “cơ quan đại diện ngoại giao phải bảo vệ công dân Việt Nam”), thì đã có thể dồn thì giờ ra quyết định, kiểm tra và giám sát trong nhiều lĩnh vực khác.

Mà muốn bớt thời gian cho những chuyện hiển nhiên phải được thực hiện như vậy, đã hẳn là QH cần “nghiêm khắc” hơn.


* Để QH “nghiêm khắc” hơn…

Trong những vấn đề cụ thể như chủ trương khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, sẽ là rất khó khăn cho các ĐBQH trong việc chất vấn, tranh luận về chuyên môn (với TKV và những người ủng hộ chủ trương này).

Như chính ĐB Dương Trung Quốc đã nói với “VietNamNet”: "Tôi là đại biểu QH mà còn chẳng biết mô tê ra làm sao. Ngay tại hội thảo do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì, trong khi báo cáo phản biện được thực hiện bằng một cuộc điều tra tại thực địa của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đưa ra con số lao động nước ngoài sử dụng visa du lịch khá cao, thì ông Phó Chủ tịch tỉnh sở tại chỉ đưa ra con số không bằng 1/10".

Trong điều kiện thiếu thông tin và kiến thức chuyên môn, QH hoàn toàn có thể đặt hàng một nhóm nghiên cứu độc lập để kiểm tra toàn bộ thông tin về đại dự án khai thác bô-xít, và tất nhiên, điều này sẽ đòi hỏi QH phải hoãn ra quyết định một thời gian. Có kiểm tra thì mới có thể ra quyết định và tiến tới giám sát (nếu dự án được thực hiện).

Tuy nhiên, điều đó đòi hỏi một quan hệ “rạch ròi” hơn, “dứt khoát” hơn giữa QH và CP. Sẽ khó có chuyện như ông Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh của QH Lê Quang Bình cho biết, rằng “Ủy ban Thường vụ QH và CP đã họp bàn và thống nhất báo cáo chung của CP về các vấn đề kinh tế - xã hội sẽ nêu một đoạn về bô-xít Tây Nguyên”.

Trên nguyên tắc (và theo Luật Tổ chức QH năm 2001), QH và UB Thường vụ QH không cần họp với CP để thống nhất báo cáo chung. Thay vì thế, CP có nghĩa vụ đệ trình báo cáo sớm, đúng hạn, để QH phán xét, kiểm tra và biểu quyết.

Ngoài ra, hoạt động hiệu quả của QH đòi hỏi sự chuyên nghiệp: đặt hàng cơ quan giám sát độc lập, nâng cao chất lượng đại biểu. Nếu ngay cả đến đại biểu cũng chưa ý thức rõ ràng về vai trò tối cao của QH (trường hợp của ông Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn, khi QH chưa họp đã vội vã tuyên bố “chắc chắn hoàn toàn ủng hộ chủ trương khai thác bô-xít”), thì chúng ta chưa thể có một QH thật sự đại diện cho nhân dân.

Dù sao đi nữa, một quan hệ độc lập, nghiêm túc, không còn mang nặng tính “người nhà”, giữa CP và QH, là điều kiện tiên quyết cho việc nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả của QH.