Tuesday 26 August 2008

Hậu trường của "Bóng"




Từ sau khi cuốn “Bóng” ra đời, nhân vật chính của tự truyện – anh Nguyễn Văn Dũng, chúng tôi hay gọi là “dì Dũng” - bỗng trở thành một người “in the news”. Anh thường xuyên được báo chí tìm đến phỏng vấn.

Một đôi lần anh gọi Trang the Ridiculous đi cùng theo kiểu “chị em gái với nhau”, hộ tống cho anh đỡ run. Thực tâm tôi biết anh có phần sợ các nhà báo, anh vẫn bảo giới ấy giống như con dao hai lưỡi. Cực chẳng đã, dằn sự cắn rứt khi bài vở còn một lô chưa viết, tôi đi cùng “dì Dũng” vài buổi, làm ông bầu bất đắc dĩ. Phóng viên hỏi, dì trả lời. Tôi ngồi cạnh, im lìm (trừ lần đóng vai trò phiên dịch trong cuộc gặp với chú Tây làm cho AFP).

Khi những buổi phỏng vấn kết thúc, thường anh Dũng nói phóng viên về trước, còn tôi ngồi lại với anh thêm một lúc. Ánh mắt anh có một vẻ gì đó, mà tôi hiểu anh có điều muốn nói nhưng không dám nói ra...


(Còn tiếp)


+++++

Có bạn nào muốn đọc "Bóng" miễn phí thì vào đây này, làm theo chỉ dẫn:

http://news.zing.vn/news/doi-song/tang-ban-doc-tu-truyen-cua-nguoi-dong-tinh/a28457.html

Friday 15 August 2008

Nhân vật chính trong “Bóng”: “Mong cái nhìn nhân ái!”




“Bóng” - cuốn tự truyện đầu tiên của người đồng tính ở Việt Nam - đã được NXB Văn học cho ra mắt. Nguyễn Văn Dũng - nhân vật chính trong “Bóng” - đã trò chuyện với chúng tôi (PV báo GĐ&XH) những câu chuyện chưa có trong cuốn sách.



Tôi đã lột trần mình trong “Bóng”

- Động cơ nào giúp Dũng có đủ can đảm để công khai chuyện mình là người đồng tính và quyết định kể lại cuộc đời của mình qua một cuốn tự truyện khá dày dặn?

- Đây có thể nói là quyết định quyết liệt nhất trong cuộc đời của tôi. Tôi phát hiện ra mình đồng tính từ khi 15 tuổi nhưng mãi đến 2005, tức là khi tôi đã 38 tuổi, tôi mới dám công khai trước mọi người bí mật này. Để có được quyết định đó, tôi đã phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều.

Sau khi công khai mình là người đồng tính, tôi đã tham gia rất nhiều các hoạt động xã hội ở các nhóm đồng đẳng, ở các dự án. Về sau, tôi muốn những người đồng tính không phải sinh hoạt trong những khuôn khổ cứng nhắc, có thể hoàn toàn quyết định các công việc và cuộc sống của mình nên tôi bỏ về và lập ra nhóm Thông Xanh - nhóm tự lực của những người đồng tính. Vì là một người đã có thâm niên và kinh nghiệm trong hoạt động xã hội, nên tôi luôn mong muốn mình sẽ làm được một việc gì đó có ích cho những người trong “thế giới thứ ba”.

Năm 2007, Duy - một người bạn ở Công ty cổ phần sách Giao Điểm - DOMINO gợi ý tôi nên dành thời gian làm một cuốn tự truyện. Nghe ý tưởng của Duy tôi thích lắm. Tuy nhiên tôi đã phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều. Đã có những lúc tôi gọi cho Duy để từ chối vì cảm thấy mình không thể thực hiện được điều đó. Nhưng tôi lại rất mong muốn cuốn sách sẽ là một người bạn đồng hành, hỗ trợ mình những ngày đầu khi nhóm của mình còn yếu, chưa tạo được hình ảnh, tiếng nói, ảnh hưởng, đến cộng đồng. Vì vậy, tôi chấp nhận hy sinh khi quyết định bóc trần mình ra trong cuốn tự truyện “Bóng”.


- Điều gì làm Dũng đắn đo nhiều nhất khi quyết định bắt tay vào làm cuốn tự truyện của mình?

- Vấn đề về người đồng tính vẫn còn rất nhạy cảm trong xã hội Việt Nam. Những chuyện riêng tư, thầm kín của bọn mình nhiều khi còn giấu cả gia đình chứ đừng nói đến việc kể cho người ngoài nghe. Chẳng dễ gì để có thể bộc bạch những điều như tôi đã kể trong cuốn sách.

Cách đây mấy năm, tôi đã công khai mình đồng tính trên báo chí, nhưng lúc đó chỉ đơn giản là vài dòng thông tin chung chung và ngắn ngủi trên mặt báo thôi. Còn trong cuốn “Bóng” thì có thể nói tôi đã lột trần mình ra rồi. Tôi cũng xác định rằng nếu cuốn sách không ra gì mà để ảnh hưởng đến những người đồng giới thì chỉ có bỏ xứ mà đi.


- Gia đình, bạn bè nói gì khi đọc cuốn tự truyện của anh?

- Gia đình tôi ủng hộ lắm. Mọi người đều thông cảm và thương tôi. Chỉ có mỗi một chi tiết các anh chị không thích là việc tôi nhắc đến tên thật của mẹ mình. Mọi người góp ý là nếu chỉ để là bà T thay vì bà Tốt thì sẽ hay hơn. Đây là mọi người muốn thể hiện lòng kính trọng đối với mẹ tôi thôi, chứ không phải vì tôi là một cái gì đó xấu xa mà phải giấu giếm tên tuổi người thân để khỏi liên lụy. Bạn bè đọc sách thì gọi điện tới tấp. Có anh bạn khen viết tốt nhưng lại chua thêm một câu: Có lẽ từ nay anh chẳng dám đến nhà chú nữa, có gặp thì gặp ở quán xá tiện hơn.



- Phần đầu cuốn tự truyện có viết: “Tiền hai mẹ con kiếm ra bao nhiêu, nó dốc hết vào bao giai, rửa chân, gội đầu nhổ tóc sâu cho giai, còn mẹ nó nằm còng queo góc nhà. Bà ốm nặng, nó đi với giai tít mít, lúc về thấy mẹ ngồi bốc cơm nguội nhai trệu trạo. Lần khác hàng xóm thấy bà cụ ngã nằm ngay cửa nhà, chắc là gượng dậy đi vệ sinh bị trúng gió”. Đây có hoàn toàn là sự thật?

- Khi làm cuốn tự truyện này, tôi đặt trách nhiệm của mình lên cao nhất. Đúng như lời giới thiệu của những người chấp bút, “Bóng có 80% là sự thật, 20% còn lại là sự thật được viết theo cách nhẹ nhàng hơn để giảm đi phần khốc liệt. ”Tôi đã rất khó khăn khi phải kể lại những chuyện đấy. Có những lúc tôi vừa kể vừa ngượng hoặc vừa kể vừa khóc vì xúc động quá. Tôi luôn mong muốn cuốn sách thành công, nếu tôi không kể thật thì cuốn sách làm sao thành công được. Tôi ý thức được rằng nếu cuốn sách ra đời thì tôi sẽ hiện ra thật trần trụi trong từng trang sách. Có thể tưởng tượng rằng tôi đang nằm trên một cái bàn cho mọi người mổ xẻ, xem xét...


- Sau khi kể xong cuốn tự truyện, có thay đổi gì lớn từ trong con người Dũng không?

- Sau khi cuốn sách ra đời, tôi thấy mình già đi rất nhiều và trưởng thành lên rất nhiều. Vì cuốn sách là giới hạn cuối cùng của tất cả mọi thứ trong con người tôi.


Khổ sở vì bị bạn trai rủ đi... mát xa


- Có sự kỳ thị nào của người đời làm anh phải rơi nước mắt chưa?

- Cũng có chứ! Tôi có một nhóm bạn trai chơi rất thân với nhau. Thỉnh thoảng, nhóm lại hẹn nhau tụ tập ở nhà một ai đấy rộng rãi để nhậu nhẹt. Tôi thường tránh những buổi gặp gỡ như vậy nhưng tránh mãi cũng không được vì các bạn lại bảo mình không hòa đồng. Có lần tôi tham gia, khi đêm tất cả phải ngủ lại nhà người bạn đứng ra tổ chức. Một cậu bạn nửa đùa nửa thật bảo: thằng nào bị bệnh xã hội thì nằm riêng ra nhé! Nghe như thế tôi buồn lắm, hay là mình có tật giật mình cũng không biết nữa. Tôi chọn chỗ nằm ở ngoài cùng và không chui vào chăn chung với mọi người. Đêm lạnh thì đắp một cái chăn đơn rồi nằm khóc thầm mà mọi người không biết.

Còn những kỳ thị trong quá trình tôi đi hoạt động xã hội thì cũng có nhưng không nặng nề, thậm chí không rõ ràng, ví dụ như đàn ông thì có vẻ như giữ khoảng cách với mình hoặc có một vài lời dò xét... Tôi trở thành một câu hỏi, một ẩn số để cho mọi người đi tìm lời giải đáp. Chính vì thế mới có những câu chuyện bi hài xảy ra.


- Hình như anh cũng đã từng tham gia quân đội?

- Tôi có tham gia nghĩa vụ quân sự mấy năm. Đối với tôi những ngày trong quân ngũ là những ngày đẹp nhất, vì thời gian đó tôi chưa vướng và rơi vào bế tắc trong chuyện tình cảm. Chỉ có điều trong quân ngũ tôi rất sợ lao động nặng. Tôi to cao hơn các anh em cùng đơn vị nhưng họ vác củi chạy rầm rập hay cưa gỗ ầm ầm thì mình chỉ muốn chết ngất ra đấy. Bạn bè trèo cây hái quả thì tôi chỉ dám đứng dưới nhìn lên vì sợ độ cao. Bởi tâm hồn tôi là phụ nữ nên tôi chỉ thích những gì nhẹ nhàng, thích sống có chiều sâu. Mỗi lần lao động thấy mặt tôi nhợt nhạt đi, anh em xúm lại hỏi thì tôi phải nói dối bị bệnh tim. Mọi người không biết tôi đồng tính nên rất vô tư, đêm nằm ngủ được mọi người ôm tôi rất thích, người cứ lâng lâng như trên mây.


- Những người đồng đội giờ còn liên lạc với anh không?

- Nhóm anh em đồng ngũ cùng tôi ngày trước, năm nào cũng tổ chức gặp gỡ vào ngày 30/8 gọi là kỷ niệm ngày nhập ngũ. Tôi mong chờ ngày đó lắm. Hai mươi năm nay rồi mà sự mong chờ đó vẫn không giảm đi. Từ ngày tôi tham gia hoạt động xã hội một cách công khai ở CLB đồng tính nam Hải Đăng thì mấy năm liền mọi người không gọi tôi đi gặp mặt nữa. Tôi tủi thân lắm.

Năm ngoái, còn cách mấy ngày, tôi gọi điện cho một cậu bạn để hỏi và dặn là nhớ gọi mình. Đúng ngày 30/8 mọi người gọi tôi thật nhưng là khi họ đã ngồi ăn uống chán chê rồi. Những người như tôi thì hay dỗi, hay tự ái và tủi thân nên tôi không đi. Về sau tôi vỡ lẽ ra mọi người ghét tôi là vì ăn uống xong, khi tất cả kéo nhau đi hát karaoke, đi giải trí thì tôi lại bỏ về trước. Cuối cùng tôi phải nói thẳng với mọi người là phải thông cảm cho tôi, vì tôi có như mọi người đâu, tôi có thích phụ nữ đâu. Sau đó anh em gọi tôi là “con vợ” và hứa năm nay sẽ gọi cho tôi.



Mong nhận được một cái nhìn nhân ái hơn


- Anh đã trải qua bao nhiêu mối tình rồi?

- Cả người đồng giới và người khác giới thì khoảng 20 người. Những người khác giới thì chỉ là yêu giả vờ thôi. Người đồng tính chúng tôi bị mang tiếng lắm. Người ta bảo bọn tôi là đa tình, là đa dâm. Đấy cũng là hạt sạn trong cuốn tự truyện của tôi mà khi đọc lại bản thảo tôi cũng bỏ sót, không phát hiện ra. Nói chúng tôi đa dâm là hoàn toàn không phải. Chẳng ai sinh ra lại muốn mình truân chuyên trong tình yêu, muốn tình yêu của mình rơi vào tuyệt vọng, không có tương lai, không có hạnh phúc...

Chúng tôi không được lựa chọn trong tình yêu, hay bị người tình bỏ rơi, thích đàn ông nhưng chẳng người đàn ông nào chấp nhận. Đây là cuốn tự truyện của tôi nên những câu chữ trong sách coi như là phát ngôn của tôi. Tuy những gì tôi kể không phải đại diện cho thế giới thứ 3 nhưng người ta vẫn sẽ nghĩ tôi là người đại diện.


- Dự định trong thời gian tới của anh là gì?

- Tôi vẫn tiếp tục đầu tư thời gian, công sức, tâm huyết cho nhóm “Thông Xanh”. Tôi muốn những người đồng tính chúng tôi làm được nhiều hơn nữa những việc có ích cho cuộc đời này. Để giúp chúng tôi làm được việc đó thì mong rằng xã hội sẽ nhìn nhận chúng tôi đúng đắn hơn, thông cảm hơn, nhân ái hơn. Và một khát vọng không nguôi là tôi vẫn tin mình sẽ có được một gia đình hạnh phúc như những người bình thường khác. Dù đấy chẳng phải một điều đơn giản!



(Nguồn: báo Gia đình - Xã hội)

Monday 11 August 2008

Tình yêu thời bão giá




Bực bội và chán bão giá nên post cái bài này (không đăng được ở đâu ngoài một tờ báo hải ngoại hết sức phản động!). Ảnh chẳng có tính gì, kể cả tính minh họa. Photo by Z20.


Y mới có người yêu. Cô ta xinh hay xấu, lành hay ác, tuổi tác ít hay nhiều, làm nghề ngồi một chỗ hay chạy loạn ngoài đường, là mối tình thứ mấy của y… chuyện ấy chẳng có gì đáng nói. Điều đáng nói là y có tình duyên mới đúng vào lúc cả nước đang rơi vào vòng xoáy điên cuồng của một cơn bão mạnh cấp 11, giật trên cấp 12: bão giá.

Trời hại y, con tim đang vui trở lại, lòng dạt dào muốn yêu, thì bão giá nổ ra. Hàng hóa gì cũng tăng giá, trừ hàng hóa sức lao động của y. Lẽ thường, với một người nghèo, chi tiêu sẽ dồn vào ăn là chính. Điều này đúng cho cả một gia đình lẫn một đất nước: Nhà nghèo tốn tiền ăn phần nhiều chứ mấy nhà tốn vào tiền mua vé xem phim với xem thi hoa hậu. Đứng trên tầm vĩ mô mà nói, khi đất nước nghèo, chi tiêu của dân chúng đổ hầu hết vào ăn uống, còn chuyện làm đẹp, giải trí, giáo dục, nâng cao đời sống tinh thần… phải để sau, cứ theo thứ tự ấy mà ưu tiên.

Y cũng thế. Dạo trước bão giá, sau khi bán hàng hóa sức lao động của mình, y có thể dùng tiền ấy để ăn uống, tậu thiết bị cho con laptop cưng, mua giày, cắt tóc, mua sách báo truyện đọc cho dễ ngủ mỗi đêm. Từ khi bão giá nổ ra, y chẳng còn mua được gì, suốt ngày chỉ thấy lo ăn. Đã thế lại đèo bòng thêm một cô người yêu đúng vào lúc này, quả là trong cái may có cái rủi.


Chẳng hiểu người khác yêu đương thế nào chứ với y, mối tình nào cũng làm y lõm về tài chính. Y quan niệm: làm thằng đàn ông đi ăn uống với phụ nữ dứt khoát là phải trả tiền. “Bất khả tri” thì được chứ “bất khả chi” là một điều không thể chấp nhận. (Chính cái ý nghĩ nặng nề ấy giết chết y, chứ thật ra cô người yêu kể cũng thuộc dạng biết điều, cô ta muốn chung lưng chia sẻ tiền ăn uống với tình nhân lắm. Khổ là cứ mỗi khi cô ta toan rút ví thì đều bị y lấy cái lưng to cồ cộ chặn lại, đứng chắn giữa cô ta và người bán hàng).

Mà giá cái gì cũng tăng chóng mặt, giời ơi. Xưa một ly trà Lipton có 5.000 đồng mà bây giờ lên 12.000. Xưa vé xem phim Vincom có 55.000 đồng/ người, giờ vọt lên 70.000 đồng, thêm tiền vé gửi xe bị tương lên 10.000. Mỗi lần giành trả tiền với người yêu, y cố lấy vẻ mặt hào hứng hoặc tệ nhất cũng là lạnh lùng bình thản. Nhưng trong lòng y xót, y đau, và nhất là y buồn, y nhớ. Vốn người hoài cổ, y nhớ tiếc cái thời cấp ba của y, với mối tình đầu. Đó là đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Thời ấy hình như cái gì cũng ngon hơn, rẻ hơn. Phở 3.000 đồng/bát. Bánh mì patê 2.000 đồng/cái, bánh mì không nhân 1.000 đồng. Với 10.000 đồng thầy u chu cấp, y và tình nhân đầu tiên có thể lang thang đi chơi khắp Hà Nội cả ngày mà vẫn no đủ. Thời ấy nay còn đâu?

Rồi miên man nhớ cái thời ấy, y lại nhớ đến mối tình đầu của y, thầm chép miệng: “Sao hồi xưa mình trong sáng thế nhỉ?...”. Cô người yêu đi bên cạnh chẳng hiểu quái gì, nhìn y âu yếm. Y cũng nhìn cô âu yếm không kém.


Các nhà kinh tế phân tích tình hình sao đó, y không nhớ, nhưng đại ý là thế này: “Thị trường nó lạ lắm nhé, nó tự điều chỉnh được hết. Khi nào lạm phát xảy ra thì dân chúng sẽ tự biết cách thắt lưng buộc bụng, giảm chi tiêu cá nhân đi. Mà nói thật ra lạm phát đây là do dân ta ăn tiêu xa hoa quá đấy, bây giờ phải nhịn miệng đi là đúng rồi, còn cãi gì?

Y vốn dân kỹ thuật, chẳng hiểu gì về kinh tế - cái môn khoa học mà y không biết là nên xếp vào xã hội hay tự nhiên, văn hay toán nữa. Nhưng y nghe mang máng thế thì cũng tự hiểu: Phải biết tiết kiệm chi tiêu. Trong lúc hàng hóa sức lao động của y không lên giá, mà lại vẫn phải đảm bảo “khả chi” mỗi lần đi ăn đi uống với bồ, thì y chỉ còn cách nhịn ăn tiêu ở những chỗ khác. Giống như giáo Thứ của cụ Nam Cao khi xưa, nay y tự bảo y rằng: Y sẽ bỏ cái lệ 10.000 phở mỗi sáng đi. Y sẽ tự cắt tóc để khỏi phải ra hàng. Y sẽ ít đú với bọn thằng X thằng Z để tránh những lúc hứng ăn hàng hay uống nước (trà) chanh. Tất cả những món tiền ấy, góp lại chẳng đủ cho y và bạn gái đi chơi, uống nước cả tuần đó ư?




+++++++

Cập nhật: Thưa quý vị và các bạn, nhất là các bạn đồng bào ở xa Tổ quốc, Trang the Ridiculous viết cái mẩu ngăn ngắn (không phải bài báo) trên vào ngày 5/6/2008. Từ đó đến nay, giá cả hàng hóa dịch vụ trên thị trường VN đã biến động đáng kể theo chiều hướng tăng, chẳng hạn một ly trà Lipton bây giờ có thể có giá 15.000 đồng.