Wednesday 28 November 2007

Going to the Teacher's




Tháng 11 chưa hết, mà nói xấu trường sở thì đang lúc ngọt nước, nên phần đầu entry này tôi tiếp tục đà ném đá bẩn thỉu vậy. Ta sẽ bàn về một vấn đề mà tôi xin được gọi tế nhị là “to go/ going to the teacher’s”, dịch sang tiếng Việt chuẩn là “đi thầy”.


Going to the teacher’s là cả một thử thách đối với sinh viên. Thường sinh viên nào có năng khiếu làm lãnh đạo thiên phú thì sẽ dễ dàng vượt qua thử thách này. Bọn nhút nhát, kém ăn nói thì có thể đi ké các “lãnh đạo tương lai”. Chỉ có cái bọn lố bịch là khổ nhất, vì chúng nịnh nghe cứ như mỉa, còn chối tai hơn cả mỉa. Trang the Ridiculous cũng không thoát khỏi số phận khốn nạn của đám sinh viên lố bịch. Không hiểu từ đâu các giai thoại về chuyện “Trang đi thầy” cứ lan ra để làm trò cười cho mọi người.


Có lần, sinh viên Trang the Ridiculous đến nhà thầy sau một kỳ thi căng thẳng. Hai tai đỏ bừng; cười thì sợ trông giễu cợt quá (số là sinh viên này có kiểu cười nhếch mép trông rất bỉ), không cười thì lại sợ lạnh lùng quá, mặt mày khó đăm đăm; hai tay thừa thãi mà không dám đưa lên đầu (nam gãi đầu gãi tai cũng chẳng sao chứ nữ mà làm thế thì trông phải biết là mất mỹ quan); ngồi đực ra một lúc không biết nói gì, sinh viên bèn ngước mắt nhìn lên trần, vừa hay trông thấy một vết nứt lớn. Cơ hội đây rồi, sinh viên vội vàng buông lời nịnh ngay:


- Nứt thế kia mà chưa sập…


Thầy giáo:

- ???


Sinh viên (cố nghĩ thêm để nói cho hết ý):

- … Nhà thầy thật là kỳ tích!


Bạn của Trang the Ridiculous cũng không kém cạnh. Sinh viên này đến nhà một thầy giáo khác cho một thương vụ khác, đặt túi nho Mỹ to to (bên trong có một chiếc phong bì nho nhỏ, trong đó nữa có một số tiền to to) lên mặt bàn và đi thẳng vào vấn đề:


- Có ít nho, em mời thầy!


Thầy giáo xua tay:

- Không. Này, làm cái trò gì đấy? Tôi không lấy đâu.


Sinh viên:

- Không sao ạ. Thầy cứ ăn đi mà.


Thầy giáo:

- Thôi, em cầm về đi, tôi đã bảo không là không.


Sinh viên:

- Không, em nói thật mà. Thầy cứ ăn đi mà.


Tuy nhiên, hai chuyện này không kinh khủng bằng chuyện tiếp theo đây: Trang the Ridiculous ngồi nhà thầy hơn nửa giờ mà vẫn không sao có đủ can đảm để nói ra những điều cần nói. Bàn qua lại chuyện thời tiết, giá cả thị trường, tâm tư tình cảm của thế hệ trẻ… mãi rồi sinh viên đành thở dài, đặt túi quà lên bàn:


- Thôi thì chó không chê cứt, người không chê tiền. Em có chút quà gọi là, mong thầy nhận cho…


Thầy giáo:

- !!!

*
* *


Xin giải thích ngay với mọi người là cả ba chuyện trên đều là bịa 100%. Tổ cha đứa nào cứ bịa ra để gắn nó cho Trang the Ridiculous và bạn hữu. Chúng tôi tuy lố bịch nhưng cũng có đôi chút lễ nghĩa, có đâu lại thở ra những lời hỗn láo khi đi thầy như thế được.


Cũng phải nói thêm rằng chuyện ghét trường sở và nói xấu thầy cô giáo chẳng có gì hay ho. Đối với riêng tôi, đó không phải là một điều vui thích gì, nhất là khi mỗi lần sắp đến ngày 20/11, có người hỏi: “20/11 Trang có đi thăm thầy cô nào không?


Thì tôi đều im lặng một lúc rồi mới ấp úng trả lời: “Không…”.


Vì tôi không có niềm hạnh phúc được đến thăm một người thầy/cô nào đó mà tôi yêu mến và yêu mến tôi. 16,5 năm đi học tôi chỉ có ba người để có thể đến thăm vào dịp 20/11.


1- Thầy giáo dạy lớp 5, thầy Dũng (không phải vì con gái thầy có trong friend list của blog này mà tôi nói thế đâu). Sau bốn năm (lớp 1-2-3-4) học hành đì đẹt, xếp cuối lớp, năm học với thầy là năm duy nhất của thời học sinh, Trang the Ridiculous ngoi lên được “tầng lớp thượng lưu”. Nhưng thầy không nhớ tôi.

2- Thầy giáo dạy đàn. Nhưng ông không dạy tôi ở trường mà là dạy ngoại khóa, và thật ra ông giống một nghệ sĩ hơn là một thầy giáo.

3- Thầy Túc (mà tôi thường gọi sau lưng thầy một cách cung kính là Lỗ Túc tiên sinh), người đã “tiên đoán” tương lai nghề nghiệp của Trang the Ridiculous khi thấy một đứa học trò, thay vì đặt vở lên bàn để viết, thì lại đặt vở lên một tay, tay kia viết. Thầy bảo: “Trang nó làm gì mà như ký giả thế kia nhỉ?”. Sau này, mỗi lần đứng, tay cầm sổ tay cầm bút, tôi lại nhớ đến câu nói của thầy. Nhưng, tôi không dám đến thăm thầy vì ngượng về một số trò lố của mình trong quá khứ. Mịa, đúng là nhỏ không học, lớn làm phóng viên.


20/11, được “going to the teacher’s” với đúng nghĩa “đến thăm thầy cô giáo” có lẽ là một niềm vui.

Tuesday 20 November 2007

Những kẻ thích đùa




Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều, và trên không có những đám mây bàng bạc, là tôi biết sắp đến ngày 20/11, và lòng tôi lại náo nức một mong muốn được tôn vinh nền giáo dục Việt Nam bằng những lời lẽ cay độc nhất. Dẫu biết rằng làm như thế chẳng hay ho gì, nhất là trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm, và thoát thân rồi mới dám ngoạc mồm nói xấu trường sở, quả thật rất đê hèn… Nhưng, tổ sư ghét quá không chịu được! Tôi có tiền sử ghét đi học, ghét trường lớp (thảo nào 16,5 năm đèn sách thì tới quá nửa là đứng trong bottom ten của lớp).

Có lần kể lể với mấy đồng chí trong chi bộ về tình hình học hành rất bi đát của Trang the Ridiculous, em Z14 nhìn chị Trang đầy thông cảm và thương xót:

- Sao lại ra nông nỗi ấy? Chị thấy học khó quá à? Học không vào à?


Hừ, nó làm như mình thiểu năng ý! Chẳng nhẽ lại giận dữ bỏ nồi lẩu đấy đi về nhà. Nói chung cứ nhắc tới chuyện học là Trang the Ridiculous nổi cáu. Trừ vật lý, hình không gian, họa (tức vẽ), còn lại các môn học, đối với tôi, môn nào cũng đáng ghét cả! Tôi mà lên hoạt động ở cương vị của chú Nhân bây giờ hả, bỏ hết, bỏ tất cả các môn, 12 năm chỉ học lý, hình không gian và họa thôi, cùng lắm thêm tí thể dục. Hệ thống đại học thì chia ra thành ba trường, chuyên về lý, hình không gian, và họa. Ai không thích, ra nước ngoài mà du học!


Đấy, lại 20/11 rồi đấy. Nhân ngày Hiến Chương các nhà giáo năm nay, Trang the Ridiculous xin kể cho bạn đọc blog nghe một câu chuyện buồn của tôi hồi còn là sinh viên ĐH Ngoại thương, 10 năm về trước. Đó là năm 1997, ở Hà Nội… (Nhạc nổi)

*

* *


Năm ấy, chắc mọi người còn nhớ, cả thủ đô xôn xao vì sự cố một nhóm thanh niên lạ đi xe Wave *, dùng dao lam rạch mặt người đi đường. Theo phản ánh, nạn nhân là phụ nữ đi xe máy hoặc xe đạp, và trẻ em ngồi đằng sau. Hung thủ kẹp lưỡi lam vào giữa hai ngón tay, đưa một nhát, để lại một đường mảnh như kẻ chỉ trên má nạn nhân rồi rồ ga chạy mất, người bị rạch lúc đó thường hoảng loạn nên không bao giờ kịp phản ứng gì (nhìn biển số, hô hoán hoặc đuổi theo). Có ý kiến cho rằng thủ phạm là người dính HIV/AIDS, sinh phẫn chí, làm thế để trả thù đời. Chẳng biết nạn nhân có đi xét nghiệm máu không, tin đồn cuối cùng vẫn cứ là tin đồn. Thành phố náo loạn. Phụ nữ và trẻ em ra đường đội mũ bảo hiểm, bịt mặt sùm sụp như ninja.


Trong những ngày căng thẳng đó, Trang the Ridiculous (tất nhiên là vẫn đi lại ngoài đường, đội mũ đi hia chẳng đeo khẩu trang) tình cờ nghe lỏm được hai bạn sinh viên (nam) cùng lớp nói chuyện với nhau. “Mấy ngày này đàn bà trẻ con sợ lắm đấy nhỉ?” “Ừ, hí hí hí”. Một cảm giác khó chịu bốc lên trong đầu, không phải vì nội dung của hai câu nói nghe lỏm được, mà vì sự mập mờ và bưng bít thông tin của báo đài, cộng với cái sự hèn nhát của “đàn bà trẻ con” - và cả đàn ông nữa. Đeo khẩu trang để che bụi che nắng thì có thể, chứ việc gì phải sợ hãi đến mức ninja hóa toàn diện như thế, rất mất mỹ quan của thành phố, lại làm cho bọn rạch mặt kia càng thêm hả hê. Nói chung, từ hồi còn bé nhóc, tôi đã dị ứng với tất cả những “phong trào” toàn xã hội đưa tin thất thiệt, kiểu như vụ “cua mặt người”, “chuột Chernobyl” (như hồi đầu năm nay là “thánh vật sông Tô Lịch”). Hồi nhỏ, tôi không hiểu sao mình lại ghét nghe tin đồn đến thế, bây giờ thì em đã hiểu: Nó chỉ chứng tỏ một nền báo chí kém cỏi và bị bưng bít, một xã hội dân trí thấp, văn hóa thấp và an ninh chẳng ra quái gì.


Cần phải giải tán cái nỗi sợ tập thể này khỏi đầu mọi người” - tôi nghĩ thầm. “Mọi người” lúc đó đối với tôi chỉ là hơn 120 sinh viên cùng lớp, cả nam và nữ. “Bằng cách nào? Bằng cách làm cho mọi người thấy rằng đó chỉ như một trò đùa, chẳng có gì phải sợ”. Sau này, cho dù tôi có thề sống thề chết “em làm thế chỉ với mục đích tốt”, cũng không ai tin cả, nên bây giờ xin kể lại chi tiết tất cả những suy nghĩ của mình lúc đó, đồng thời xin đập đầu vào bàn phím mà thề một lần nữa rằng khi ấy tôi không có mục đích nào khác ngoài ý muốn làm cho bạn bè bớt sợ hãi.


Sáng hôm sau, trước khi tới trường, tôi xé một mẩu băng dính Urgo dán chéo lên má, vừa làm vừa rỉ rả hát: “Urgo, Urgo. Mọi người đều biết tên anh. Vết thương mau lành. Vì đã có Urgo. Urgo, Urgo. Băng keo cá nhân tuyệt vời. Hãy luôn vui cười. Từ nay có Urgo. La la la…”. Đoạn đội mũ, đeo khẩu trang, đi học.


Tôi đã hình dung trong đầu, sau khoảng một tiết học (45 phút), tôi sẽ chấm dứt trò đùa trong không khí vui vẻ, mọi người đều cười ồ lên khi biết bị mắc lỡm. Điều tôi không lường trước được là sự hoảng sợ đến điên loạn của cả lớp khi ấy. Chỉ trong một tiết đầu, tin đồn loang ra khắp trường mặc dù tôi chỉ ngồi bất động một xó, không ra khỏi lớp. Các bạn đổ xô đến hỏi han, mặt ai cũng bạc phếch đi vì sợ hãi. Người nắm tay, kẻ nắm chân. Kịch bản tôi chuẩn bị vô cùng đơn giản: Tối qua, 9h, đang đi xe đạp trên đường Hàng Bông, ở đoạn trước cửa khách sạn Kim Cương, thì, hai thanh niên, đi xe Wave, phóng lướt qua, không thấy đau trên má, một lát sau mới sực nhớ ra, đưa tay lên mặt, ối giời ơi…


Không định diễn, nhưng dáng vẻ gầy xanh (hồi ấy tôi chưa mang họ Tăng Trọng như bây giờ) và vẻ mặt ngơ ngác (mặt mình bị cái lúc nào cũng đần) đã đóng góp rất nhiều vào thành công của vở kịch. Đám con trai túm năm tụm ba bàn tán, căng thẳng. Nữ giới kéo tới vuốt tóc, nắm tay, vỗ vai hỏi thăm ngày một đông, trước một Trang the Ridiculous lúc đó mặt cũng cứ tái dần. Hết tiết 2, mặt tôi đã tái mét, giọng lạc đi - tôi không ngờ trò đùa gây phản ứng khủng khiếp với đám đông đến thế. Tôi càng sợ, càng tái mặt, thì cả lớp càng tin sái cổ. Trò đùa đã đi quá xa: Chỉ trong một buổi sáng, tin đồn lan cả sang Học viện Quan hệ Quốc tế, rồi ĐH Luật (đấy là sau này tôi mới biết, chứ hôm đó tôi đã hạn chế ra khỏi lớp để tránh phiền phức).


Đến hết tiết 3 thì tôi không chịu nổi nữa. Lấy hết can đảm, tôi đi lên bục giảng xin cô cho mượn micro để nói mấy lời với các bạn. Mặt cô giáo khi đó cũng tái đến độ màu phấn hồng cũng không sao che nổi. Cả lớp như nín thở. Khổ thay ai cũng chờ tôi nói một câu đại loại như “xin các bạn hãy đề cao cảnh giác, đừng như tôi đây...”. Nhưng cái điều mà tôi nói vào micro lại là điều không ai mong đợi: “Đây chỉ là trò đùa của những kẻ thích đùa thôi, mình xin lỗi đã làm các bạn sợ, mình có làm sao đâu”. Miệng nói, tay bóc miếng băng keo trên má.


Im lặng chết người. Khác với mong muốn của tôi, không ai cười. Không ai nói một câu. Tôi trả lại micro cho cô giáo, với một ý nghĩ cay đắng: “Mình toi rồi”.


Tôi không lường được sức lan truyền của tin đồn. Chiều ở nhà, bạn bè cấp III mang cam đến thăm, ai cũng nhìn tôi chòng chọc. Khi biết tất cả chỉ là một trò đùa, người thì giậm chân “Giời ạ, đùa kiểu gì thế!”, kẻ thì bỏ về. Nhưng không gì đáng buồn bằng việc phải nghe những lời chê trách ở lớp. “Mẹ, trò đùa ngu xuẩn!”. “Vớ va vớ vẩn!”. Không tả hết được sự tức giận của một số người - lúc trước sợ hãi bao nhiêu thì bây giờ giận dữ bấy nhiêu: “Tao không hiểu cái con điên ấy nó nghĩ thế nào mà nó làm cái trò ấy”… Cùng với đó là rắc rối với các thầy cô giáo: “Thế là thế nào? Trang lớp Pháp thì bảo Trang lớp Anh, Trang lớp Anh thì bảo Trang lớp Pháp. Tóm lại là cô nào bị rạch mặt?”. “Em không biết ạ”. “Ừ, thế có khi Trang lớp Trung rồi”. Dù vậy, chuyện cuối cùng cũng bại lộ, để lại chút ít hậu quả (không nhắc tới ở đây).


Cũng không tả hết được cảm giác buồn bực của tôi lúc đó. Thật lố bịch khi người luôn dị ứng với tin đồn lại trở thành kẻ phạm tội “tung tin đồn nhảm, gây rối loạn trật tự xã hội”. Mục đích ban đầu (chỉ muốn làm mọi người bớt sợ) thì không đạt được, lại còn phải nghe bao nhiêu lời chê trách. Tuy nhiên, điều khiến tôi cay cú nhất là cứ phải kiềm chế, im miệng vì biết mình sai, dù chỉ muốn mắng lại: “Mẹ kiếp. Chúng mày sinh viên Ngoại thương, chỉ giỏi tính lạm phát trong điều kiện tiêu chuẩn thôi, chứ tao cho chúng mày điểm hạng bét về khả năng phán đoán. Có thằng nào con nào tối hôm trước bị rạch mặt, sáng hôm sau đến trường đi học bình thường không, hả, hả, hả, hả? Yêu trường đến thế cơ à?”.


Trời đất ơi, các nhà kinh tế tương lai. Các bạn đều giỏi tính GDP và hoạch định chính sách tài chính - tiền tệ cả, nhưng một điều rất đơn giản về tâm lý thì các bạn lại không tính đến: Nếu một người - ở đây là một nữ sinh viên bé nhỏ - bị rạch mặt bằng lưỡi dao lam không rõ có HIV không, thì những việc, hoặc những phản ứng đầu tiên người đó có sẽ là gì? Sẽ là cuống cuồng đi khám, cuống cuồng gọi điện cho bạn bè báo tin, ra đồn báo công an, hoặc chạy về nhà run lẩy bẩy, kêu khóc rầm rĩ, chấn động tâm lý... Điều chắc chắn là không một ai đi học ngay sáng hôm sau cả!


Tất nhiên, tôi không dám, và không thể chỉ từ một việc đó mà nói rằng sinh viên ĐH Ngoại thương kém, chất lượng giáo dục ĐH Ngoại thương chẳng ra gì, hay nói rộng ra là cả hệ thống giáo dục Việt Nam vứt đi v.v. Nhưng sự cố “bị rạch mặt” đã khiến tôi đâm ra nghi ngờ đủ thứ, từ những tin đồn tương tự, đến chuyện sinh viên ĐH Ngoại thương rất thông minh (khi cả gan nói ra điều này, mình phải vô cùng xin lỗi các bạn). Câu chuyện cũng làm tính cách Trang the Ridiculous biến đổi nhiều: ít nói cười hơn, ít lố bịch hơn, và cứ mỗi khi ở một tổ chức nào đó, có ai đó giấu tên đùa cái gì đó, là tôi lại hoảng sợ nhìn mọi người, ra sức phân trần: “Không, không phải em. Em không đùa đâu”.

Dù vậy, tôi vẫn nhất quyết không coi cái entry này như một lời sám hối. Tôi có lỗi nhưng không có tội. Xin cứ xem trò đùa ấy như một phép thử, phép thử đối với các bạn của tôi và dĩ nhiên là cả tôi nữa.



* Không phải Wave mà là Viva, nhưng mình không thích chơi cái trò xóa lỗi kiểu lấp liếm của báo điện tử, nên làm cái đính chính ở cuối entry vậy.

Monday 19 November 2007

Hình phạt nào thích đáng cho VTV?

Chú D. vừa có kết luận về việc phát sóng chương trình kết thúc Nhật ký Vàng Anh của Đài THVN, theo đó các tập thể và cá nhân liên quan trực tiếp sẽ phải chịu hình thức xử lý nghiêm. Có thế chứ, chú cháu thay trời hành đạo, phải quá, phải quá. Chú không xuống tay, để bố con Khải Hưng làm loạn cả sóng, người xem lại bảo trời không có mắt để Yến Vy với Hồng Nhung khổ sở điêu đứng, mà Thùy Linh thì lại được cả lò truyền hình bênh vực. Nay chú xuống tay, đúng là trời có mắt rồi.



Chú phạt cho chết cha chúng nó đi chú ạ, cho chừa cái thói lạm dụng sóng sánh để làm bậy đi. Cứ mỗi giây chú phạt chúng nó 10 triệu đồng cho cháu. Đằng nào thì tiền ấy cũng là tiền của dân cả, có phạt thì cũng chỉ là chuyển tiền từ cơ quan này sang cơ quan khác, không đi đâu mà lãng phí. Trong hệ thống các cơ quan Nhà nước, đồng tiền không tự sinh ra mà cũng không tự mất đi. Nó chỉ chuyển từ túi này sang túi khác, từ hình thức này sang hình thức khác.


Một tràng pháo tay cho quyết định vô cùng sáng suốt của chú cháu nào!



1. Báo cáo kiểm điểm của Đài Truyền hình Việt Nam là nghiêm túc, thẳng thắn, đã nhận rõ những thiếu sót và trách nhiệm của lãnh đạo Đài và các đơn vị, cá nhân có liên quan. Thủ tướng Chính phủ nghiêm khắc phê bình Lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam đã cho phát sóng chương trình kết thúc Nhật ký Vàng Anh không có tác dụng giáo dục, gây phản ứng trong xã hội, làm ảnh hưởng không tốt đến uy tín của Đài truyền hình quốc gia.

2. Giao Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam:

a) Xem xét, có hình thức xử lý nghiêm đối với các tập thể và cá nhân có liên quan trực tiếp đến việc tổ chức, thực hiện chương trình kết thúc Nhật ký Vàng Anh.

b) Khẩn trương hoàn chỉnh Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài; bổ sung, hoàn thiện quy chế và xác định rõ chế độ trách nhiệm trong việc chỉ đạo, điều hành các hoạt động của Đài; ban hành các quy định cần thiết, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng nội dung các chương trình; tăng cường quản lý, giáo dục về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống đối với đội ngũ phóng viên, biên tập viên, đạo diễn, diễn viên... trong Đài; quản lý tốt việc liên kết, hợp tác sản xuất chương trình với các đơn vị, cá nhân bên ngoài Đài; kiên quyết không để xảy ra những sai sót tương tự, làm ảnh hưởng không tốt đến vị thế và uy tín của Đài Truyền hình Việt Nam.


Nhưng hình thức xử phạt nghiêm khắc nhất là chú cứ tuyên bố: Bọn VTV không xứng đáng làm Đài TH quốc gia. Thật bê bối. Từ giờ phút này trở đi, không có đài nào xứng đáng làm Đài TH của Nhà nước cả. Nhà nước sẽ không cấp tiền cho bất cứ một đài nào nữa. Hừ, truyền hình với chả phát thanh, báo viết với chả báo hình báo tiếng. Không cho tiền chúng mày nữa, cho chúng mày sập hết, sập hết!






For safety reason, please don't comment on this entry.

Thursday 15 November 2007

Và chúng ta bắt đầu phá cách




(Hay Chuyên đề về Nghệ thuật Đương đại, kỳ I)


Trong những cuộc phỏng vấn “tàu nhanh” với các nghệ sĩ và doanh nhân (mọi người đừng nghĩ bậy nhé), Trang the Riduculous đặc biệt nhớ hai cuộc trò chuyện sau đây.


Thứ nhất là với một nghệ sĩ guitar mà tôi rất ngưỡng mộ, Châu Đăng Khoa. Anh sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, thâm tâm tôi coi anh như một nghệ sĩ của Sài Gòn cũ. Nói về anh thì cả ngày không hết chuyện, nên tôi sẽ chỉ lấy ra một vài câu mà tôi nhớ nhất.


- Âm nhạc có một ngôn ngữ riêng mà người nghe bình thường không thể hiểu. Có phải thế không anh?
(Mọi người lưu ý giùm, đây là cuộc trò chuyện chứ không phải phỏng vấn kiểu “ép cung” đâu ạ).

- Ý em là… sao?

- Vâng, ví dụ bản Mente của Bach được người ta bình là “như một mùa xuân trong sáng”? Có đúng vậy không anh?


Nghệ sĩ châm thuốc, rít một hơi rồi bình thản:

- Nói phét!


Tôi cười rung cả vai. Trời đất, sao lại có người nghệ sĩ dễ xương thế chứ nị. Tôi định nói: “Oh I like you, man” nhưng sợ nghệ sĩ lại sửng sốt: “What’s up, lady?” thì phiền, đành phải kiềm chế.



Thứ hai là cuộc trò chuyện với một họa sĩ:


- Anh giải thích giúp em với, cái tác phẩm sắp đặt đó em chả hiểu gì cả. Sao mấy người đứng xem cứ trầm trồ: Bố cục chặt, chặt, đẹp, đẹp…?


Họa sĩ trừng mắt:

- Đứa nào bảo thế?

- Dạ, mấy nhà phê bình X, Y, Z ạ.

- Mẹ, nói phét!

- Ớ…

- Nói phét đấy, em đừng tin.

- Thế thật ra anh có đi xem cái triển lãm sắp đặt và trình diễn hôm đó không?

- Không, anh chờ hôm nào nghệ sĩ Đào Anh Khánh tự thiêu trước công chúng thì anh sẽ đi xem. Lúc đấy bố cục mới gọi là chặt!



*
* *



Tôi không đủ trình độ và cả tư cách để nói về nền nghệ thuật của nước nhà, nhất là trong khuôn khổ một blog. Cái mà tôi muốn nói, hoàn toàn mang tính chủ quan, là: Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của công chúng về nghệ thuật, trong một xã hội như Việt Nam, rất nhiều người gồm các nhà phê bình nghệ thuật, các nhà báo tài ba… đã tung hỏa mù, sử dụng thật nhiều ngôn từ cao siêu và bí hiểm để bình phẩm về nghệ thuật, trước là để khoe thô kiến thức, và sau cũng là để khoe thô kiến thức (thì còn biết khoe cái gì nữa?) Giá như ai cũng thẳng thắn (thậm chí thô lỗ cũng được, miễn là trung thực với chính mình) như hai nghệ sĩ tôi đã gặp kia…


Một lần khác nữa, lần này thì không phải đối thoại với nghệ sĩ. Tôi nói chuyện với một nhà báo khá nổi tiếng, được đông đảo đồng nghiệp đánh giá là tài năng, trên thông chính trị dưới tường làm ăn. Tôi đưa anh một mẫu thiết kế đồ họa:


- Anh thấy thế nào ạ?


Nhà báo cầm bản in, lật đi lật lại, vẻ mặt đăm chiêu:

- Cũng được. Nhưng nó thiếu một cái gì đấy…

- Thiếu cái gì hả anh?

- Thiếu tính liên kết. Thiếu tính liên kết giữa chủ thể và bối cảnh.

- Ái chà… (Trang the Ridiculous chết đứng tại chỗ)



Xem ra entry này của mình thiếu nặng nề tính liên kết rồi đây, bố cục thì rất lỏng.

Thursday 8 November 2007

Nghĩ về Bác, lòng con trong sáng hơn

Đồng chí Mitdac có mật thư về hỏi Trang the Ridiculous xem cuốn “Chuyện ngày thường về Bác Hồ” bán ở đâu để lấy một bản. Xin trả lời Mít: Đồng chí xem lại cách phát ngôn, sách về lãnh tụ chứ có phải sản phẩm thương mại đâu mà đem bày bán ngoài sạp như Harry Potter thế! Sách được in 2.000 bản, nộp lưu chiểu quý III/2007, sau đó được chuyển tới đồng bào vùng sâu vùng xa và các chi bộ trong cả nước.

Tuy nhiên, thật sự cảm kích trước tấm lòng của Mít và bạn đọc blog đối với tác phẩm, tôi xin đăng thêm một số chuyện trong “Chuyện ngày thường về Bác Hồ”.


*
* *


Chuyện thứ nhất: Thế thì tại sao…

Bác đến nói chuyện tại buổi tổng kết lớp học chính trị của bộ đội… Bác hỏi:
- Ở đây những chú nào có vợ rồi, giơ tay.

Có đến một nửa lớp giơ tay. Bác lại hỏi:
- Những chú nào có con rồi?

Lần này có khoảng một phần ba giơ tay.

Bỗng Bác chỉ một đồng chí cả hai lần giơ tay, nói: “Bác hỏi thật chú, chú có bao giờ bớt phần cơm của vợ con chú không?”

Đồng chí nọ cảm động thưa:
- Dạ thưa Bác, không ạ!

Không khí hội trường lắng xuống. Bác nhìn cả lớp rồi nói giọng không vui:
- Thế thì tại sao có một số cán bộ hễ thấy tài sản của nhân dân, tiêu chuẩn của chiến sĩ sểnh ra một chút là tìm cách đút túi?

Lời bình: Ông Cụ hỏi thế thì cán bộ chúng mình cứng họng!


*
* *


Chuyện thứ hai: Tất cả chú ý: Đằng sau, quay!

Có tin Bác sẽ đến thăm hội nghị làm ai cũng thấp thỏm, náo nức chờ đợi. Những cán bộ “chủ chốt”, những người nhanh chân đã mau chóng ngồi hết các hàng ghế trên, mong được nhìn rõ bác, nghe Bác nói chuyện. Chỉ có những người ở xa, những chị em con mọn là chậm chân đến sau, lo lắng không được nhìn rõ Bác.

Mọi người đang hồi hộp, cố nhón cao hơn nhìn ra phía cửa chính. Bỗng có tiếng hô:
- Hồ Chủ tịch muôn năm!
- Bác Hồ muôn năm!

Nhưng Bác ở đâu mà chưa ai nhìn thấy nhỉ? Vừa lúc có tiếng Bác dõng dạc:
- Tất cả chú ý: Đằng sau, quay!
Tức thì: Tất cả quay lại. Bác tươi cười đứng cuối hội trường vẫy tay chào mọi người.
Thì ra, Bác muốn thay lệ cũ: Không ngồi bàn chủ tịch, không nói trước máy phóng thanh. Bác muốn ai cũng được nhìn thấy Bác nói, nghe Bác nói - nhất là những người “chậm chân”, những người mắc bận nhiều công việc.

Lời bình: Có lẽ Bác đi lên từ cuối hội trường như thế thì mọi người còn khó nhìn hơn. Tự nhiên lại phải “đằng sau, quay”.


*
* *



Chuyện thứ ba: Thế còn bức này không đếm à?

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đăng Bảy kể: “Tháng 5/1950, tôi được phân công chuẩn bị một phòng triển lãm ảnh chuyên về Bác để mừng thọ Người 60 tuổi. Khi đang loay hoay sắp xếp bố trí treo ảnh, chợt cảm thấy như có ai đứng sau lưng, tôi quay lại, thì đúng là Bác Hồ.

Bác hỏi ân cần: Chú làm gì vậy?
- Dạ thưa, cháu trưng bày ảnh mừng thọ Bác.

Bác nói:
- Các chú chỉ vẽ chuyện. Thế chuẩn bị được bao nhiêu ảnh rồi?

Tôi tin tưởng đáp: Dạ, đúng 20 ảnh ạ.
Bác mỉm cười hỏi lại: Có đúng 20 không?

Câu trả lời của tôi có phần kém tự tin:
- Dạ… đúng.

Mắt Bác sáng lên một tia vui, rất trẻ:
- Thế thì chú cứ thử đếm lại đi.

Lần này thì hoang mang thật, tôi vội đảo mắt đếm: một, hai, ba…

Sau mấy lần kiểm tra, tôi mạnh dạn trả lời:
- Thưa Bác, đúng là 20 ảnh ạ.

Bỗng Bác chỉ vào ngực mình và nheo mắt:
- Thế còn bức này chú không đếm à?

Cả hai Bác cháu cùng phá lên cười thoải mái”.

Lời bình:

Đấy, rõ ràng là không có ma nhé! (Tuy Trang the Ridiculous hay viết chuyện ma nhưng thật ra tôi chẳng tin gì vào ma quỷ). Chứ nếu có ma và nếu tôi mà là Ông Cụ (nói một cách rất hỗn láo là như thế), tôi sẽ hiện về khiển trách tác giả cuốn sách này. Tôi tưởng tượng sẽ có một đoạn đối thoại như sau:

- Hầy, thằng kia!
Tác giả (bật dậy): Chết, Bác, Bác về.
- Ai Bác cháu với mày, thằng kia?
Tác giả: Bác, cháu xin Bác… Có gì Bác cứ bình tĩnh phê bình…
- Mày… Chú có nịnh Bác thì cũng nịnh vừa vừa thôi chứ. Chú bảo Bác dí dỏm với hài hước, mà chú để Bác đùa nhạt thế thì liệu có cô chú nào cười được không, tin được không, hả, hả, hả?

Tác giả: Ặc, ặc…

Friday 2 November 2007

Tình tiết giảm nhẹ tội trong vụ VA




Sở cẩm Hà Thành vào chiều 25/10 đã công bố tên tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp, họ tên bố mẹ của 14 đối tượng có hành vi tàng trữ, vận chuyển, biên tập clip phim sẽ của Vàng Thùy Linh. Tuy tòa án chưa có kết luận gì nhưng cả 14 đối tượng đều đã bị công an bắt, nghĩa là chúng đều có tội.


Gay. Sờ lại gáy thấy toát cả mồ hôi. Chiều tối 25/10, Trang the Ridiculous mang tài liệu của Sở cẩm ra hàng fax về tòa soạn mà còn bị nhân viên bưu điện nhìn chăm chú: “Tài liệu này là thế nào đây?


Theo số liệu của TCTK (đại khái thế), cứ 7 người Nhật có 1 người đọc Rừng Nauy. Cứ 7 người Việt thì có 6 người đọc và xem Nhật ký Đặng Thùy Linh. Xem nào… Dân số ta có 86 triệu người. Vị chi là có 73 triệu người phạm tội rồi. Nguy hiểm, nguy hiểm quá! Thế này phải báo cho Sở cẩm bắt tuốt.


Tuy nhiên, thành thật mà nói thì mình vẫn cố tìm một lý do, một tình tiết để giảm nhẹ tội cho 14 đối tượng. Áp dụng lý thuyết trò chơi, mình đã chứng minh được rằng trong điều kiện bình thường, một người bình thường sẽ luôn có xu hướng phát tán phim sẽ rồi mà. Xin hãy vì lý thuyết trò chơi mà tha cho các em ấy.


Không được, không được. Nói cho vui thế thôi, chứ lý do này không chấp nhận được. Vậy thì, có thể vin vào việc các em “phạm tội trong trạng thái bị kích động” không nhỉ? Bởi vì, nếu VTV không tung ra cái chương trình oan nghiệt “Nhật ký VA chia tay khán giả” vào cái buổi tối định mệnh 15/10 ấy, thì rất có thể chúng ta đã chẳng có cơ hội được xem phần 2.


Xét các tình tiết giảm nhẹ tội như: các đối tượng đều chưa hề có tiền án, tiền sự; khai nhận hành vi phạm tội khá trung thực; chỉ hành sự cho thỏa tức và phạm tội trong trạng thái bị kích động; phía bị hại không yêu cầu bồi thường thiệt hại; mình trộm nghĩ là, mình thiết nghĩ là, mình thực sự nghĩ là… thôi, chẳng nói nữa.


Vì chuyện Vàng Anh mà năm nay chi bộ Z chắc chắn không đạt cờ luân lưu rồi. Buồn. Chi bộ trong sạch, vững mạnh kiểu gì mà vẫn còn những đoạn đối thoại như thế này:


Z81: Z21!

Z21: Có chuyện chi hệ trọng rứa chú?

Z81: Tôi đã suy nghĩ rất kỹ rồi đồng chí ạ.

Z21: ???

Z81: Cho dù quen biết đồng chí đã lâu

Z81: nhưng vì danh dự của người thanh niên cộng sản

Z81: tôi sẽ phải gặp mấy ảnh ở trển để tố cáo đồng chí phát tán đoạn băng Thùy Linh cho tôi vào đêm 17 rạng 18/10 vừa rồi

Z21: Chết mẹ!

Z81: Đồng chí đã phạm tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy!

Z21: Không phải tôi, tôi… lấy đoạn băng đó từ Z20. Z20 mật gửi cho tôi.

Z81: Á, lại còn cả cái đầu mối ấy đấy!

Z81: Nhưng dù là người đầu tiên hay cuối cùng thì đồng chí cũng đã phát tán và xét về hành vi là như nhau.

Z21: Đừng, đừng tố cáo!

Z21: Đồng chí làm thế là mất hết uy tín cán bộ.

Z81: Tôi không muốn, nhưng vì danh dự và lương tâm của người cộng sản thì tôi buộc phải lập công dâng Đảng…



Đấu tố nhau loạn xạ. Quả thật là một chi bộ vẩn đục, yếu kém. Mọi chuyện chỉ kết thúc sau khi Z21 viện đến “the culture of envelopes”.


+++

Chú thích ảnh: Làm chủ tình yêu, một trong những cuốn best-seller ở Mỹ viết về tình yêu. Nhân vật trang bìa: Thùy Linh - Việt Dart.