Saturday 27 October 2007

Monday 22 October 2007

Ma quái trên đường




“Một đêm khuya trên con đường ngoại ô. Chiếc ôtô chở hai cặp nam nữ dừng lại cho một người đàn bà mặc đồ trắng toát lên xe quá giang. Trời sáng trăng suông và cả bốn thanh niên này đều tỉnh táo. Xe đi rất nhanh, người đàn bà ngồi thu lu một góc không nói với ai câu gì. Sương xuống dần, đêm càng lúc càng lạnh. Bỗng bà ta chỉ tay về phía trước mặt và hét lên: “Cẩn thận, ngã ba trước mặt kia rất nguy hiểm!”. Nói xong bà ta lập tức biến mất.

… Ông cảnh sát ở sở cẩm, vốn là người không tin vào ma quỷ, cũng không giải thích nổi với bốn thanh niên đang kinh hoàng về câu chuyện huyền bí này. Ông, với tư cách một cảnh sát lâu năm, cho rằng có thể có khái niệm gọi là “dớp” trên một con đường đặc biệt nào đó. Người đàn bà kia có thể là linh hồn của một nạn nhân đã chết vì tai nạn giao thông ở đúng ngã ba đó, hiện về để báo động người sống. Nhưng trong nhiều trường hợp thì họ hiện về là để xui khiến cho những người sống cũng gặp nạn như mình, và con đường vì thế trở nên đặc biệt nguy hiểm”.

Đây là câu chuyện tôi được nghe kể hồi còn bé, cũng trong một đêm sáng trăng suông nào đó. Kết luận của người kể chuyện khi ấy là ma quái có thể xuất hiện ở khắp nơi, trên những con đường “ẩn dưới hàng cây tăm tối”, trên sông, trên biển khi những con tàu ma

(“người Hà Lan bay”) lừng lững lướt đi, rung chuông rền rĩ mà trên boong không một bóng người.


Không hiểu chuyện những con đường bị dớp có thật hay không nhỉ?


Còn tiếp

Monday 15 October 2007

Lý thuyết trò chơi trong chuyện Vàng Anh




Mấy hôm nay, cứ ló đầu vào YM là Trang the Ridiculous nhận được message: “Mọi người ơi đừng phát tán clip của Thùy Linh nữa nhé”, “Hãy ở bên Thùy Linh trong lúc này”, nghiêm khắc hơn một chút thì là “bọn nhà báo súc vật, hãy biết học làm người trước khi làm báo” v.v.


Chuyện này đã được đào xới kỹ trong cộng đồng blog, nhiều người cũng phát biểu quan điểm rồi. Bây giờ tôi xin phép thử áp dụng một lý thuyết rất nổi tiếng trong kinh tế học - Game Theory (Lý thuyết Trò chơi) - vào chuyện phát tán clip sex của TL.


Giả sử ta có hai nhân vật là bạn và tất cả những người còn lại, gọi chung là “mọi người”. Bạn và mọi người có hai lựa chọn, là phát tán hoặc không phát tán clip đó. (Hành động phát tán được hiểu là gửi file đó cho [một] người khác và/hoặc cho [một] người khác xem file đó). Các điều kiện khác đều bình thường, loại bỏ tất cả các tình huống bất thường như: bạn là họ hàng ruột thịt của TL, bạn không ở độ tuổi quan tâm đến lĩnh vực này, bạn có cái thú tích trữ các đoạn phim sex để âm thầm xem một mình và tưởng tượng như chỉ có mình bạn sở hữu nhân vật trong phim, không thể chia sẻ người tình trong mộng với bất cứ ai…


Với tất cả những điều kiện bình thường đó, chúng ta có 4 trường hợp:

Trường hợp 1: Mọi người đều phát tán file, và bạn không phát tán. Thì rõ là việc bạn không phát tán chẳng có ý nghĩa gì, đằng nào thì TL cũng đã thân bại danh liệt rồi.

Trường hợp 2: Mọi người đều phát tán file, và bạn cũng thế. Thì việc bạn gửi cho vài người 1 file hình có dung lượng 7M chẳng ảnh hưởng gì đáng kể đến hệ thống mạng nói chung, cũng như không làm hại thêm bao nhiêu danh phận của TL.

Trường hợp 3: Mọi người không phát tán file, và bạn phát tán. Điều đó chứng tỏ:

  • bạn chính là thủ phạm tung file này lên mạng, hoặc
  • bạn là một trong những người đầu tiên mà thủ phạm gửi file này, rất có thể là kèm theo lời nhờ vả: “Mày gửi cho ai thì gửi, cho con này nó chết m. nó đi”. Và vì là bạn thân của thủ phạm và được nhờ vả, nên bạn sẽ phát tán file đó, hoặc
  • bạn sẽ suy nghĩ như trường hợp 1 và 2.


Trường hợp 4
: Bạn và mọi người không ai phát tán file. Điều đó chỉ có thể có khi:

  • File đó không tồn tại, hoặc
  • Pháp luật có quy định những hình thức phạt cực kỳ thảm khốc cho hành động phát tán file phim sex (khoét mắt chặt tay v.v.), và pháp luật rất nghiêm minh (nghĩa là có hiệu lực đàng hoàng, chứ không phải có luật mà không ai thi hành). Cái giá phải trả quá đắt so với cảm giác thoải mái bạn có được khi chia sẻ file đó với người khác --> Không ai dám phạm luật.


Tóm lại, điều tôi muốn nói ở đây là: Trong mọi trường hợp, một người bình thường sẽ luôn có xu hướng phát tán file phim sex của TL.


Nào, bây giờ ta hãy tự vấn lương tâm xem có đúng mình đã send và/hoặc show file đó cho ít nhất một người khác không nào. Đúng là phải học làm người trước khi làm báo cũng như làm bất cứ cái gì khác, có điều đã là người thì chắc chắn chúng ta sẽ hành xử… như trên thôi.


*
* *


Tôi còn nghĩ tới một chuyện khác nhân việc nhận được các message nói trên. Chết chết, độc giả, khán/thính giả (sau đây xin gọi chung là audiences) Việt Nam chính chuyên từ bao giờ thế nhỉ? Thời còn làm ở VnExpress, tôi và một cô bạn có lần bị sếp dập cho một trận tơi bời vì cái tội coi thường độc giả, lý do đơn giản bởi chúng tôi khó chịu nhận thấy trong list các bài được đọc nhiều nhất ở VnExpress, top-ten bao giờ cũng rơi vào những tác phẩm mang những cái tít như “Nổ mông Britney Spears” hay là “Madonna lại khỏa thân lần nữa?” (sự thực của câu chuyện là ở đâu đó trên thế giới, người ta phát hành bộ tem Madonna khỏa thân). Có những bài gần như chắc chắn 100% là sẽ vào top hit, ngay từ khi đang viết: Cảnh DV tắm suối trong phim Lục Vân Tiên bị tung lên mạng


Thật ra đó không phải đặc thù của audiences Việt Nam mà là đặc điểm chung của audiences toàn thế giới. Trong lý thuyết báo chí, Tây nó dạy (xin lỗi, mình không học ngành báo nên không biết ở các trường báo của ta, các thầy cô dạy như thế nào - chỉ biết là Tây nó dạy): Một trong những yếu tố làm nên sức hút của tin tức là titillation component, nghĩa là tin đó có “yếu tố kích dục”. Yếu tố kích dục không nhất thiết phải là sex, hoàn toàn và trực tiếp, mà có thể chỉ liên quan xa gần. Ví dụ (ví dụ thôi nhá), tôi có những bài viết đặt tít thế này chẳng hạn:

CA quận Đống Đa vây bắt hơn trăm gái mại dâm

Thời trang áo tắm 2007: hai mảnh lên ngôi


Tôi có linh cảm rằng những bài đó sẽ được nhiều người đọc.


Vụ Thùy Linh vừa rồi cũng vậy. Tôi lại cũng có linh cảm mơ hồ rằng trong những ngày vừa qua, từ tiếng Việt được Google Search đón nhận nhiều nhất là “Thùy Linh”, “Vàng Anh” và “sẽ”. Còn gì thú bằng tay ta download hoặc play cái clip sẽ đó, miệng ta thì cứ chửi bọn chim ăn xác thối đưa tin, góp phần phát tán phim sex và hủy hoại cuộc đời TL.


Dĩ nhiên, không phải tất cả audiences đều mua/đọc báo vì “titillation component”. Nhưng đó là xu hướng tâm lý chung. Ta cũng có một niềm an ủi, là audiences không thích việc nhà báo lạm dụng họ. Nếu audiences ý thức được rằng nhà báo đang cố tình đánh vào “thị hiếu thấp hèn” thì họ sẽ phản ứng. Tuy nhiên cái ý thức đó và phản ứng đi kèm với nó lại còn tùy vào trình độ của audiences. Như ở Việt Nam thì ý thức chưa rõ ràng mà phản ứng cũng yếu. Nói cách khác, audiences toàn thế giới giống nhau về cơ bản, nhưng mức độ thì có thể khác nhau.


Với vụ TL, Dân Trí không đưa tin đầu tiên thì báo khác sẽ đưa. Báo chí sẽ còn đăng tải những tin tương tự, bởi vì có cầu thì mới có cung.


Nghe thì tàn nhẫn vậy, nhưng audiences là thế và báo chí là thế. Nếu một ngày đẹp trời nào đó, lũ chim ăn xác thối chúng tôi nhận được phản ứng dữ dội và quyết liệt từ audiences (tẩy chay, đốt tòa soạn, bắt trói tổng biên tập, đánh thẳng lên tận Ban TT…), thì chúng tôi xin chuyển ngay sang các đề tài khác, như “Sự phát triển của XH dân sự ở VN”, hay là “Chất trí tuệ Đức trong vở Bà tỷ phú về thăm quê”, sang hơn chút nữa thì là “Tính Đảng trong các tác phẩm văn học phương Tây hiện đại”. Chuyển ngay ạ, không cãi. Hả? Này, ai cãi đấy, đứng lên tôi xem mặt cái nào!


Nhớ lại, ừm… thì chúng tôi chẳng đã từng nhận được hàng chục mail từ audiences đấy thôi: “Đcm. bọn viết báo lá cải!”. Nghe khôi hài y như việc tôi mắng nhà biên kịch - đạo diễn Tự Trọng Sinh “chửi bậy đ. chịu được, tổ sư thiếu văn hóa quá, thiếu văn hóa quá!”.


Wednesday 10 October 2007

Bực hết cả miềng




Hôm qua xuống cơ sở, cán bộ Trang the Ridiculous được dân níu áo tặng một cuốn sách có tựa đề “Chuyện ngày thường về Bác Hồ”. Cán bộ bỏ túi dết mang về, định để dành đọc từ từ làm sách gối đầu giường, nhưng thấy cũng mong mỏng, nên không kìm được, mở ra đọc luôn. Đọc xong cán bộ thấy giận dữ vô cùng: thằng tác giả này rõ ràng là có ý cướp chức Thiên Hạ Đệ Nhất Lố Bịch của cán bộ. Nó làm hình tượng Bác Hồ trong cán bộ bị méo mó thê thảm.

Xin trích đăng ở đây một vài trong số gần 100 chuyện trong tuyển tập, để vạch trần âm mưu tày trời của tác giả: lố bịch hóa Bác Hồ kính yêu. Hắn không biết rằng trong khi làm như thế, hắn đã tự lố bịch hóa chính mình, vô hình chung là muốn tiến tới cướp chức Thiên Hạ Đệ Nhất Lố Bịch của Trang the Ridiculous.




*
* *




Chu
yện thứ nhất: Là vì có anh anh Anh…


Tối 26/3/1949, nhân kỷ niệm 19 năm thành lập Đoàn Thanh niên cứu quốc *, ở xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, TW Đoàn và VP CP đã tổ chức mít tinh trọng thể… Bác Hồ và nhiều đồng chí lãnh đạo khác cũng có mặt.


Trước khi buổi lễ diễn ra, Bác chỉ vào đ/c Phan Anh – lúc đó là Bộ trưởng Bộ Thanh niên và là em ruột đ/c Phan Mỹ - Chánh VP Chủ tịch phủ, hỏi:

- Các chú có biết vì sao “anh” Phan Anh cũng có mặt hôm nay không?


Chưa ai hiểu được ý định của Bác nên trả lời: “Dạ, thưa, không biết ạ”.


Bác cầm micro, mỉm cười nhìn ông Phan Mỹ, nói chậm, rõ ràng:

- Là vì có anh – anh – Anh đã mời anh – Anh – em nên Bác cháu ta mới được đón anh Anh đấy.


Cả hội trường rộ tiếng cười vui vẻ vì câu nói dí dỏm, rất thanh niên của Bác.



*
* *



Chu
yện thứ hai: Nhân hòa là quan trọng hơn hết


Đồng chí Phạm Ngũ Kiên, một cán bộ quân đội về hưu, kể lại: Bác giáo dục cán bộ không công thức, không lý thuyết, bao giờ cũng lấy ví dụ cụ thể dễ hiểu, dễ nhớ.


Một lần đến thăm đơn vị, Bác hỏi:

- Bác đố các chú ai to nhất nước Việt Nam?


Tất cả cán bộ, chiến sĩ đều đứng dậy hô:

- Thưa Bác, chính Bác ạ!


Bác cười hiền từ, rồi nói:

- Ngồi xuống! Các chú phong kiến quá. Việt Nam dân chủ cộng hòa, ai là chủ đấy các chú? Dân chủ - dân làm chủ cơ mà. Còn chúng ta - kể cả Bác - chỉ là đầy tớ của nhân dân mà thôi.




*
* *




Chu
yện thứ ba: Mỗi lần nhặt một hòn đá


Từ con suối cạn lên lán Một ở vực Hồ (Khâu Lấu) là nơi Bác và cán bộ qua lại thường xuyên.

Đoạn đường đã dốc lại trơn, nhất là tiết mưa dầm. Vì vậy Bác đặt nội quy: “Ai đi công tác xa về, hoặc có việc xuống suối, phải chọn và nhặt một hòn đá để lát sân, lát đường cho sạch đẹp”. Nhiều người tự giác làm đúng. Nhưng cũng không ít người hay quên, nên thường khi đã qua suối, đi một quãng xa, sực nhớ nội quy lại phải quay xuống nhặt đá mang lên.

Chẳng bao lâu, đoạn đường lầy và khoảng sân trước lán đã phẳng phiu, gọn gàng.

Cũng ở đây, trên con đường nhỏ dẫn vào nhà làm việc, Bác trồng một hàng dâm bụt chắn ngang và quy định: “Ai muốn vào nhà phải nhảy qua hàng rào này, chỉ trừ chị em phụ nữ”.

Do tập nhảy từ khi cây còn thấp nên khi cây cao dần đến nấc cố định đã cắt bằng, Bác đều nhảy qua. Nhiều anh chủ quan hay không tập luyện từ đầu nên không nhảy được. Khi có việc vào nhà Bác chỉ còn cách tìm lối đi vòng. Việc làm đơn giản nhưng có tác dụng luyện trí nhớ, luyện sức khỏe, luyện ý thức trách nhiệm mà trước hết Bác là người gương mẫu thực hiện.



*
* *



Lời bình: Cách cổ mịa nó tay tác giả biên soạn cuốn sách này đi. Ý đồ của hắn - lố bịch hóa Bác Hồ của chúng ta - đã hiện quá rõ.


+++

* Nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

Bức ảnh trên gợi nhớ đến gió rét thành Ba Lê nên mình sử dụng, chứ không liên quan trực tiếp đến nội dung entry.

Thursday 4 October 2007

Không dốt vì quá dốt




Đi xem “Cây Sáo Thần” công diễn lại, chúng tôi hân hạnh được là hai trong số hai chục khán giả Việt Nam có mặt trong Nhà Hát Lớn tối hôm đó. Hai chục là làm tròn, thật ra tôi đếm được có 14 người “có vẻ Việt” trên cả ba tầng, còn lại khán phòng Nhà Hát Nhớn đêm ấy tinh Tây là Tây. Giờ nghỉ giải lao, trước mắt tôi không còn một bóng Việt. Cay nhất là lúc nhân vật Papageno chạy từ dưới ghế của khán giả lên sân khấu: Đèn bật sáng chiếu vào Papageno đang lom khom chạy lên, chiếu rõ mồn một luôn cả một nữ khán giả Việt Nam cũng đang lom khom chạy ngược chiều với Papageno để ra cửa exit. Con mụ người Pháp (chắc thế) ngồi cạnh tôi nhìn thấy hình ảnh ấy bèn cười lên rinh rích.


Tuy thế, khán giả rặt là Tây thì cũng có cái hay, khi vở diễn kết thúc, họ cũng biết vỗ tay và huýt sáo tương đối lâu rồi mới ra về.


Xem “Cây Sáo Thần”, nhớ lại chuyện hôm trước đi ngược chiều suýt đâm phải một đoàn xe máy chở các thanh niên ăn mặc theo phong cách Harajuku, tôi như nghe văng vẳng đâu đây tiếng cười đểu của cô em Z14: “Đồng chí, đồng chí đã hiểu vì sao dòng sách “Tình yêu thương sòng phẳng của đàn đĩlại bán chạy chửa? Hiểu chửa?


*
* *


Không trách khán giả Việt Nam được, không bao giờ trách được. Trong mọi tình huống, thú vị nhất, sướng mồm nhất vẫn là đổ tiệt lỗi cho nền giáo dục của ta, nói sâu xa là do xã hội, nói sâu sắc là do cơ chế. Có bao giờ chúng ta được thưởng thức những tiết học âm nhạc mà làm chúng ta muốn đàn, muốn hát đến độ “đá cũng phải nhảy lên”? Có bao giờ trong tiết họa, chúng ta bị thôi thúc phải cầm lấy cọ vẽ và bảng màu đến độ không vẽ không chịu nổi? Đã giáo viên nào làm cho chúng ta hiểu được, dù chỉ rất mơ hồ, về cái đẹp - cái đẹp của âm nhạc, của vật lý, của toán học, của ngôn ngữ?


Không trách khán giả được. Câu chuyện về “taste of beauty” (không biết nên dịch sang tiếng Việt là gì - thị hiếu, hay khiếu thưởng thức?) đã làm khổ chúng tôi trong rất nhiều trường hợp. Có những lúc bị đẩy vào thế phải quyết định: “Như thế có phải là hay, là đẹp không?”, tôi cảm thấy thật sự lúng túng. Còn nhớ hôm đi làm phóng sự về “lần đầu tiên công diễn Cây Sáo Thần ở Việt Nam”, tôi nhận yêu cầu đi quay đột ngột từ sếp. Anh biết tôi đã học guitar cổ điển và luôn tỏ ra là người thích âm nhạc, nhưng không hiểu sếp có biết lúc đó trong tôi có một nỗi sợ không? Sợ - sợ không hiểu gì, không thấy hay, không cảm nhận nổi cái đẹp của opera, không biết phải nói gì trong 5 phút phóng sự. Kinh nhất là khi không biết mà vẫn phải viết/nói về nó, phóng viên rất có nguy cơ tán nhảm.


Một nhà báo nước ngoài mà nghe tôi thú nhận “gần 30 tuổi mới lần đầu tiên đi xem/ nghe opera”, chắc phải thấy sửng sốt hoặc thương hại lắm. Không kịp ăn tối, chỉ còn nửa giờ để đi xe từ cơ quan lên Nhà Hát Lớn, tôi vừa nói chuyện với quay phim, chú Công Sơn, (cái đó gọi là “trao đổi công việc”), vừa cố trấn tĩnh, không để Sơn biết mình đang run (vì đói quá, và vì sợ).


- Lát nữa quay cho chị, Sơn cố… cố… (nghĩ một lúc không biết diễn đạt ra sao)… Nếu cắt cảnh, đừng có cắt lúc bọn nó đang ngân “o, o, o” nhé. Chờ nó ngân hết câu hãy cắt.

- Được rồi, chị.

- À, với lại… nghe bảo là vở này đầu tư công phu lắm, lát nữa đặc tả giúp chị mấy cái trang phục, thiết kế sân khấu của nó. Kim tuyến, lông chim gì cũng được.


Thực tế không như thế, trang phục của các diễn viên trong vở opera này rất đỗi bình thường. Thiết kế sân khấu thì chắc chắn là khá nhất từ ngày đình chiến đến nay, đơn giản vì đây là vở opera đầu tiên trên sân khấu VN kể từ hồi đó tới giờ. Phần âm nhạc, cụ Mozart sáng tác nói chung dễ nghe nên tôi cũng thấy phê phê là. May đấy, chứ cụ mà lại “táng” toàn những giai điệu kiểu như bản Adagio của Handel thì chắc là người phóng viên trong tôi cũng phải bật khóc.


Tôi - gần ba xịch, học guitar cổ điển 5 năm (khoe thô tí), từng được/bị giao viết về văn hóa nhiều lần - mà còn xôi thịt thế, lấy tư cách gì mà chê những khán giả trẻ măng, tóc nhuộm vàng xuộm, miệng hát ngân nga: “Không đau vì quá đau”, “ngay cả bạn của anh em cũng không chừa”… Tôi không trách phóng viên đã nhiệt tình phê bình: “Hát opera mà không dùng micro, tệ quá, khán giả sao mà nghe được”. Một phóng viên khác lại viết: “Tiếp sau đợt công diễn ở Hà Nội, đoàn sẽ đưa Cây Sáo Thần đến với công chúng tại khắp các tỉnh thành trong cả nước”.


Đấy là lần công diễn đầu. Đến lần hai thì không còn một bóng báo, đài nào trong nhà hát, số khán giả Việt Nam lên tới những gần hai chục, làm tôi có lúc cứ tưởng như mình đang ở trong một dạ hội phương Tây.



Và cả bây giờ nữa. Mỗi khi buộc phải ra quyết định “như thế có phải là hay là đẹp không?”, chúng tôi lại lúng túng, khổ sở. Bởi vì chúng tôi không biết. Chúng tôi không ở trong một môi trường có thẩm mỹ hoặc được hướng dẫn về thẩm mỹ, thẩm âm, thẩm vân vân… Chúng tôi chỉ có thể phán một cách rất cảm tính “thik cái này, hehe”, “hung thik cái kia, hix hix…”, hoặc trừu tượng hơn một chút thì “well, trông nó (bức tranh chẳng hạn) có cái gì đó chưa ổn, hơi thiếu tính liên kết”. (Các nhà báo kiêm phê bình nghệ thuật là vô địch về những kiểu nhận xét như thế). Đôi khi tôi muốn kêu lên: “Tôi không thể viết được, vì tôi chẳng hiểu cái quái gì cả. Tôi không quyết định được, vì tôi mù tịt và tôi ghét nói phét! Nhưng đó có hoàn toàn là lỗi của CHÚNG TÔI không?”.


Thiếu tính liên kết! Phải nói là rất thiếu tính liên kết!