Monday 30 April 2007

Tôi đi gọi hồn




(tức “Chuyện cứ đọc lúc 0 giờ”, phần 2. Tít “Tôi đi gọi hồn” do bác Saigon Minsk đặt.)


Dương sao âm vậy, người âm cũng phải xếp hàng chờ tới lượt nhập hồn vào cô Phương để gặp người dương. Ông ngoại tôi năm đó đã 95 tuổi. Có lẽ vì vậy mà ông không chen nổi với cánh trẻ chăng? Đã thế, người Việt ta vốn có thói quen chen hàng, mà “cụ giáo trường Thăng Long” thì lại chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp, kiên trì và lịch sự xếp hàng, nên bị tụi trẻ đánh bật ra (khỏi cô Phương) là phải rồi. Tôi chờ, chờ mãi, không thấy một dấu hiệu gì của ông cả. Đến khoảng 3h chiều thì tôi kiệt sức, đành cụp đuôi lủi thủi bỏ về.

Tuy nhiên lòng mong mỏi gặp lại ông ngoại cộng thêm tính tò mò - thói xấu khó bỏ - khiến tôi không thể bỏ qua chuyện này. Tôi quyết định đi gọi hồn ông thêm lần nữa. Nhưng phải tìm hiểu nguyên nhân tại sao lần đầu lại thất bại. Vấn đề này phải nói là hết sức phức tạp, cho đến giờ câu hỏi vẫn còn treo đó, chưa được trả lời. Gần đây có lần buôn chuyện, tôi than thở với bác Saigon Minsk:

- Quái, sao lần đó tôi lòng thành lắm, làm đủ thủ tục mà vẫn không gặp được hồn ông, bác ạ?

Nhà báo Saigon Minsk trả lời:

- Chắc tại bác lố bịch!


Xét ra câu trả lời này có vẻ gần với điều được nhiều người chấp nhận nhất: Cả nhà tôi hồi đó đều kiên quyết khẳng định tôi là đứa thiếu nghiêm túc trong mọi chuyện, kể cả một chuyện rất cần nghiêm túc là gọi hồn. Vì vậy, sau lần đầu thất bại, tôi tiếp tục với sự tham gia của một ông bác trong họ, vốn rất có lòng, rất tin vào sự tồn tại của linh hồn. Rút kinh nghiệm, lần này mọi khâu thủ tục đều do bác đứng ra chịu trách nhiệm (làm lễ, khấn hẹn ông), tôi chỉ có vai trò đi ké.


Ngồi trên xe, bác nói đủ chuyện tâm linh huyền bí, tôi nghe tai nọ ra tai kia vì còn đang mải ngẫm nghĩ sự đời. Bỗng bác hỏi:

- Cháu chuẩn bị câu hỏi cho ông chưa?

- Dạ rồi ạ.

- Đâu, cháu định hỏi gì?

- Dạ đây ạ (trình bác tờ câu hỏi được soạn cẩn thận). Câu hỏi 1: Ông ơi, ông cảm thấy như thế nào? (rất đúng chất phỏng vấn báo chí đấy nhá). Câu hỏi 2: Ông còn như thế này đến bao giờ? Câu hỏi 3: Ông có gặp bà không ông? Câu hỏi 4: …


Bác trừng mắt nhìn thẳng mặt tôi. Tôi như đọc được trên trán bác một dòng chữ chạy ngang qua: “Con mất dạy, mày định làm cái trò gì thế này…”. Bác gằn giọng:

- Đã đi thì phải tin, phải nghiêm túc, không tin thì thôi, ở nhà. Đừng có hỏi cái kiểu ấy, các cụ phạt cho chết đấy, hiểu chưa?

- Cháu chỉ định hỏi…

- Không hỏi cái kiểu ấy. Thôi, đến lúc đấy mày cứ ngồi yên cho bác hỏi.


Có vẻ như bác tức nghẹn giọng không nói được nữa. Mặt bác hầm hầm. Tôi ngồi im, cảm thấy oan uổng vì bị nghĩ là thiếu nghiêm túc. Thật ra, có nghiêm túc, có xem ông ngoại vẫn còn như lúc sinh thời, thì tôi mới dám hỏi như thế chứ. Chẳng nhẽ không được quyền hỏi thăm cả ông mình hay sao? Chẳng nhẽ ông lại có thể giận, phạt tôi vì hỏi những câu đó - ông hiểu hơn ai hết tính tình cháu mình mà. Và tôi cũng hiểu ông phần nào. Ông là người Hà Nội gốc, dạy học ở trường Thăng Long thời Pháp thuộc, rất thanh lịch, tế nhị, và đặc biệt là... Tây lắm, bản thân ông không hề tin có ma. Ông nói với tôi rất nhiều lần hồi tôi còn nhỏ: “Ông chưa bao giờ nhìn thấy con ma nào cả, chẳng biết ma nó như thế nào”.

Nhưng bác đã nói thế thì đành chịu. Dù sao tôi cũng cần có bác đi cùng và làm mọi thủ tục (thắp hương, làm lễ, khấn tại nhà cô Phương…) thì mới hy vọng được gặp lại ông ngoại. Hai bác cháu im lặng cho đến lúc xe tới cầu Hàm Rồng, và chúng tôi lại vào nhà cô Phương.


(hết phần 2)

Mời bà con đón xem phần 3 ở entry sau.

Thursday 26 April 2007

Chuyện cứ đọc lúc 0 giờ (P.1)




Xét thấy sách, truyện viết về ma quỷ đã nhiều mà toàn nêu rõ ngay từ bìa: “Cấm đọc lúc 0 giờ”, nay để tạo sự khác biệt tôi xin viết tặng bà con một truyện ma có thể đọc lúc nào cũng được. Tuy nhiên phải khẳng định ngay từ đầu, rằng đây là một câu chuyện “tám thực hai hư”: Nói chung có đến 80% là sự thật, và chính tôi là người trong cuộc.

Bà con đọc bình luận của tôi về vụ “thánh vật sông Tô Lịch” hẳn ít nhiều có nghĩ tôi là kẻ vô thần, một lòng tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin vô địch. “Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu, cuộc đời không phải thế”. Thực thà mà nói là tôi rất chăm chỉ đi gọi hồn, tôi đã từng đi và gặp nhiều người có khả năng này, trong đó người làm tôi nhớ dai nhất là cô Phương cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa).

Cách đây vài năm tôi có ý định đi Thanh Hóa tìm gặp cô Phương để gọi hồn ông ngoại. Gọi điện hẹn hò cô xong (rất mất thời gian), tôi hỏi han thủ tục cụ thể, thắp hương ở nhà khấn trước đến mấy ngày. Cũng phải nói thêm, tôi khấn khứa có bài có bản, đúng như lời cô dặn, mỗi tội lúc rì rầm khấn cứ thấy ngường ngượng mồm thế nào… Tôi dậy sớm, từ 5h sáng, lục sục chuẩn bị trang phục làm lễ chào cờ… nhầm, chuẩn bị trang phục và ra bến xe. (Khổ thế đấy, cái mệnh lệnh của Đội kia gắn vào đầu mình mãi không sao quên được). Ngồi trên xe, lại lẩm nhẩm khấn, nhân thể nhẩm thêm một số câu hỏi. Không hiểu sao tôi cứ thấy cảm giác hồi hộp và vui sướng - có lẽ vì tôi mong được gặp ông quá, và tôi mừng vì ý nghĩ như vậy là âm dương cũng đâu có cách biệt. Tự nhiên tôi không thấy sợ chết nữa.

Tôi không nhớ là xe qua cầu Hàm Rồng vào lúc nào và nhà cô Phương ở đâu quanh đó. Tôi chỉ láng máng là nhà cô cũng dễ tìm, và khi tôi bước vào sân - một khoảnh sân rộng và lơ thơ cây cối như mọi mảnh sân ở nông thôn miền Bắc Việt Nam, tôi choáng: Có tới hàng trăm người (tôi không thể ước lượng nổi, nhưng chắc chắn không phải hàng chục) đứng, ngồi, nằm vạ vật, ngổn ngang quanh sân. Khói hương nghi ngút khắp các xó xỉnh, bục bệ, am miếu v.v. ở đó. Tất cả đang chờ đến lượt gặp “người âm nhà mình”. Phần lớn mọi người nhem nhuốc, đen đủi, lam lũ rất nông dân, còn lại là những bà mợ béo phục phịch, cổ và hai cánh tay nung núc đeo đầy dây chuyền vàng, vòng vàng, cánh này chắc là dân buôn (tôi xin kiên quyết không gọi họ bằng hai từ sang trọng “thương nhân”!).

Từ lúc đó tôi bắt đầu những giờ phút chờ đợi. Phải nói là cực kỳ mệt mỏi, vì nếu không chịu hòa mình vào quần chúng nghĩa là tôi không có chỗ nằm, ngồi gì cả. Nhưng muốn hòa cũng không được, bởi như thế là phải nằm luôn lên đất chứ làm gì có chiếu hay nylon đâu. “Xuống cơ sở với dân khổ thế đấy các đồng chí ạ!”, tôi nghĩ thầm, đoạn rút dép lót đít ngồi, cố kiên nhẫn chờ đợi. (Xin lưu ý bà con, “kiên nhẫn” là một khái niệm cực kỳ xa xỉ đối với dân tuổi Ngọ, lại càng xa xỉ hơn nữa với bọn được sinh ra dưới chòm sao Song Nam).

Tôi ngồi, ngáp ngắn ngáp dài, nước mắt nước mũi ròng ròng. Lúc đầu còn giữ phép lịch sự ngồi ngay ngắn, càng về sau càng đổ đốn, rồi không giữ ý với cơ sở nổi nữa, tôi nằm thượt ra như thể đang uống cocktail “sex on the beach”, thỉnh thoảng lại bật dậy khi có sự cố gì lạ, ví dụ một tiếng thét hoặc tiếng khóc nức nở trong phòng cô Phương vọng ra. Những sự cố như vậy khá nhiều. Chẳng hạn, cô đang trong vai người chồng (đã chết) nói chuyện với một người vợ (còn sống) nào đó, thình lình cô hét lên: “Bố mẹ ơi, con là Thái, chết cháy trong xe ôtô đây bố mẹ ơi. Con về đây nàyyyy”. Rồi vụt một cái, hồn anh Thái biến mất và cô Phương trở lại với hồn cũ. Dân chúng sợ nháo nhác: “Vong cái ông Thái này muốn gặp người sống quá mà chưa đến lượt, khổ thế nhỉ, sợ thế nhỉ?”.

Dù vậy, tôi vẫn không thấy sợ, vì như thế càng chứng tỏ âm dương không còn cách biệt lắm, người chết cũng như người sống thôi, có gì mà phải sợ? Tôi chỉ sốt ruột, muốn gặp ông lắm rồi. Tôi thấp thỏm mong cô Phương gọi: “Ông đây cháu ơi, ông về với cháu đây này”.


(hết phần 1)

Mời bà con đón xem phần 2 trong những ngày nghỉ lễ sắp tới.

Photo by Việt Anh

Saturday 21 April 2007

Bình luận về câu chuyện “Thánh vật sông Tô Lịch”




Thưa bà con, như đã hẹn, entry này tôi sẽ dành để đưa ra ý kiến hoàn toàn chủ quan và cực kỳ nghiêm túc về câu chuyện “Thánh vật sông Tô Lịch”.

Trước khi bắt đầu, có lẽ cần tóm lược sơ qua chuyện này để các bác hiện đang ở nước ngoài cũng có thể hiểu qua tình hình. Tuy nhiên vì tôi không định “lạm dụng hình thức blog để gây hoang mang dư luận”, nên tôi sẽ không đăng lại các kỳ của “Thánh vật sông Tô Lịch”. Các bác có thể gõ cửa nhà bác Gúc gù tức Google, với từ khóa: “Thánh vật” and “Tô Lịch” để có các kết quả phù hợp nhất. (Nếu để ý các bác sẽ thấy bài này chỉ có trên các blog cá nhân, không ở báo điện tử nào cả. Lý do tại sao thì... đấy...).

Bây giờ sẽ là bình luận của Trang the Ridiculous. Để khỏi phải lặp đi lặp lại cụm từ “cá nhân tôi cho là”, tôi xin nhắc lại rằng bình luận sẽ hoàn toàn là ý kiến chủ quan. Ngoài ra, tôi không định đi sâu vào lý luận trên blog này nên chắc chắn các phát ngôn sẽ bị “hở sườn” rất nhiều, xin báo trước để bà con khỏi giận.

Trước hết, cảm xúc đầu tiên của tôi khi theo dõi toàn bộ sự kiện này, rồi tuyên bố “sẽ bình luận” trên blog, là: xấu hổ. Vì nếu là nhà báo (cho dù chẳng bao giờ được Bộ VH-TT cấp thẻ), sao không tò mò, sao không lao đi mà tìm hiểu? Ngồi đó mà bình luận vu vơ khác gì nói phét? Không khó để một nhà báo nhìn ra mấu chốt của vấn đề lúc này là tìm gặp ông Trần Ngọc Cường (*) và các nhân vật có liên quan, ít nhất cũng để có thêm thông tin về số phận của họ hiện nay. Thế nhưng tôi, cũng như nhiều nhà báo khác, đã chẳng làm gì cả (đấy là tôi còn chưa diễn thuyết trên blog rằng “vấn đề này cần một giải pháp đồng bộ” đấy). Chúng tôi có đủ lý do để biện minh cho việc mình không làm gì: Kẻ thì sợ các cụ vật chết, người thì sợ “mấy ảnh ở trển” quở, còn tôi, tôi lại tự bảo mình: “Thôi thôi, qua cái tuổi sôi sục đi săn ma ở nghĩa địa rồi. Đang bận làm cong cả đuôi không kịp, còn định giở thói lố bịch ra à?” Nói của đáng tội, các lĩnh vực mà tôi đang viết bài chẳng liên quan gì đến vấn đề tâm linh huyền bí, nên rõ ràng bỏ công đi tìm hiểu là không có mục đích thực tế.

Do vậy, tuy có xấu hổ vì tự thấy mình đang làm cái việc ngồi một chỗ nói phét, nhưng tôi cũng “trung hòa” được cái cảm giác này rất nhanh.


Chẳng biết tin nhau phải những gì?

Tôi nghĩ đúng là có sự kiện này, nhưng ở mức độ không nghiêm trọng đến như tờ Bảo vệ pháp luật (một tờ báo không thương hiệu) đã đưa. Chuyện xây dựng công trình làm chết người ở nước ta đã thành bình thường. Có thể kể ra nhiều trường hợp nhà xây xong được một thời gian thì chủ nhà ốm chết, và tôi nghĩ vụ này cũng như tất cả những vụ “nhà giết người” từng xảy ra. Tôi cũng tin phong thủy là chuyện có thật, là một vấn đề hơi có tính khoa học (“hơi” thôi, vì nó thiếu một số yếu tố để được coi là khoa học thật sự, ví dụ khả năng dự đoán với độ chính xác cao).

Cứ cho là phong thủy có thật, nhưng người biết xem phong thủy (thầy địa lý) ở nước ta có vẻ chưa đủ tài xử lý những vụ việc phức tạp. Về khoản này, nói như bác Saigon Minsk, ta toàn học mót cái anh Tàu, kiến thức của ta lỗ mỗ hơn hẳn nên thua chú khách là phải. Chính vì vậy ta mới hãi Cao Biền đến thế dù chẳng biết thực hư thế nào.

Ở một góc nhìn khác, tôi thấy giọng văn của các bài báo là giọng của dân báo chí chứ không phải của ông Cường. “Qua đấu tranh, bằng biện pháp nghiệp vụ”, chẳng khó gì mà không phát hiện ra nhiều đoạn rõ ràng được viết với mục đích làm câu chuyện có vẻ vừa đáng sợ vừa dễ tin: “Cúng lễ hai ngày, hai đêm, hàng trăm người đến xem ầm ĩ một khúc sông” - câu này đúng là kỹ xảo “mô tả để tăng tính trần thuật” của các nhà báo đây, chứ ông Cường dù có nghĩ tới cũng không biết tận dụng chi tiết này vào việc gì.

“Mặc dù tôi đã báo cáo lãnh đạo công ty nhiều lần, báo chí cũng đã nói đến chuyện này nhưng ông Nguyễn Quang Hưng - Giám đốc công ty vẫn không quan tâm giúp đỡ, ngược lại ông còn nhạo báng chê trách chúng tôi không biết làm việc”: Ôi lại cái giọng nhấn nhá dấm dẳn của các nhà báo. Cùng mang tiếng là lũ “chim ăn xác thối” với nhau cả nên chúng ta hiểu nhau lắm.

“Vì vốn liếng, vì sĩ diện của một kỹ sư xây dựng, tôi bàn với anh em thân tín quyết tâm làm đến cùng”: Trời ạ, sao mà khó tin đến thế. Nếu thực ông Cường bị cảnh báo “bây giờ cậu có thể làm xong việc, nhưng nhà cậu sẽ gặp nhiều tai vạ lớn, cậu sẽ mất tất cả những gì quý giá nhất, anh em cậu sẽ tán gia bại sản, gặp nhiều sự oan khuất”, bố bảo ông ta cũng chẳng dám xây đắp gì thêm.

Việc nhiều người phát điên tại hiện trường là có thể xảy ra trong một hoàn cảnh đầy tính kích động như thế. Bà con cứ thử tưởng tượng xem nhá, một ngày nào đó ta ra vườn trồng cây, bỗng dưng lại đào được một cái đầu lâu, rồi thì có bà cụ mặc quần đỏ tình cờ đi ngang qua hát “Nắng lên nắng lên nắng lên…”, thử hỏi xem ta có dựng hết cả tóc gáy không nào? Càng đông người sợ hãi, cơn kích động càng tăng thêm, có người phát điên cũng phải.

Và làm gì có chuyện “chỗ đất đó ở đúng đầu con rồng”! Rồng là con gì, tôi chưa từng thấy các nhà sinh vật học phân loại được nó. Lại cả “trận đồ bát quái” nữa. Nói khí không phải, các chú khách cứ nghĩ ra đủ loại trận đồ nhưng oánh nhau tay bo thì toàn thua, thua cả Mông Cổ cả Nhật cả Việt Nam.

Nếu cô em gái của ông Cường dính vào vòng lao lý thì vấn đề đó lại thuộc lĩnh vực quan hệ xã hội (giữa người với người), không thể có thánh thần nào tác động vào được. Chẳng có gì đảm bảo ông Cường không viết bài này với mục đích cứu em và đả kích đồng nghiệp.


Buồn

Cảm xúc thứ hai, nói một cách lãnh tụ, rộng lớn hơn, bao trùm hơn: buồn.

Vì có bao giờ các “đồng chí bác” để ý điều này không: Càng những vùng rừng thiêng nước độc, hoặc nông thôn nghèo đói, hoặc thành thị kém phát triển, chưa có ánh sáng của Đảng và/hoặc của văn minh tiến bộ soi rọi tới, thì chuyện rùng rợn càng nhiều. Cho dù thật hay không thật, thì những câu chuyện khủng khiếp ấy vẫn tạo ra một hội chứng kinh khiếp tập thể, đè nặng vào đầu óc chúng ta. Trong ký ức tuổi thơ, tôi không thể quên những buổi trời chiều chạng vạng, tái mặt nghe đủ thứ tin kinh dị: Nhà này ba anh em đi bơi chết đuối cả ba, nhà kia chập điện cháy chết hai đứa con nhỏ ở nhà khi bố mẹ đi làm, rồi ma hiện ở chỗ máy nước tập thể, rồi đám ma ông XYZ chết vì bệnh ung thư sau một lần vào chùa nghịch ngợm v.v. Những “giai thoại thành thị” nghe sao mà hãi hùng: Nghĩa trang tưởng niệm liệt sĩ ở thủy điện sông Đà có 99 ngôi mộ. Người chủ thầu xây dựng đùa: “Còn ngôi mộ thứ 100 để cho tôi”. Sau đó ông ra ngoài đường và bị xe cán chết, quả nhiên làm thành mộ thứ 100 cho tròn số.

Phải chăng khi một dân tộc càng nghèo và mông muội, càng lắm chuyện u tối? Sao đến thời này rồi mà người ta vẫn có thể mắt tròn mắt dẹt truyền tay nhau những tờ photocopy bài báo của tờ BVPL: “Thánh vật đây, thánh vật sông Tô Lịch đây!” Và vẫn còn cái mà tôi gọi là “hội chứng kinh khiếp tập thể”, như đã có thời người ta sợ chuột Chernobyl khổng lồ. Còn sợ hãi, nghĩa là vẫn còn đau khổ.

Tôi tin có một/ những thế lực siêu nhiên nào đó ảnh hưởng tới con người (vấn đề này sẽ bàn sau), nhưng hình như (những) thế lực đó chỉ phát huy tác dụng ở những vùng kém văn minh, chứ tại các nước khoa học tiên tiến, bọn tư bản chỉ tìm thấy… đầu người ngoài hành tinh trong thùng rác là hết đất! Ở đâu nghe nói có ma, các nhà khoa học lại vác máy móc tới đo đạc, kiểm tra, rồi cho kết luận. Nếu không kết luận được họ cũng chẳng làm dân chúng phát sốt vì sợ như ở ta. Xin vong linh cụ Trần Quốc Vượng thứ lỗi, tôi không tin một nhà sử học lại có thể dọa dân chúng về một trận đồ bát quái nào đó. Sinh thời cụ vẫn bị mang tiếng là ăn tục nói phét, tôi không muốn nghĩ về cụ như thế, nhưng lần này thì quả là quá lắm. Chẳng thấy một căn cứ khoa học nào trong ý kiến của cụ cả.

Vâng, các bác ạ, tôi phiền muộn lắm. Về khoa học và kinh tế, ta chẳng bằng bọn Tẩy, về tâm linh, đạo giáo và huyền học các loại, ta không sánh nổi với chú khách và bè lũ ngoại bang ở châu Á. Thời bao cấp, cứ thỉnh thoảng lại rộ lên một phen cả nước hết hồn vì vụ gì đó, báo chí thì im thin thít, chỉ có thông tin vỉa hè là phát triển để đảm nhiệm vai trò truyền thông. Thời nay báo chí đang cùng góp phần với vỉa hè “làm quyết liệt” các vấn đề thời sự nóng hổi.

Nhưng nói vậy, tôi không phản đối ai hoặc tờ báo nào trong câu chuyện này cả. Ai đưa tin là việc của người ấy. Tôi chỉ mong toàn thể đồng chí đồng bào hãy bình tĩnh, phải hết sức bình tĩnh mới được. Ta vừa vào WTO, cách mạng đang cao trào, ta run sợ thế này là không có lợi cho tình hình chung đâu các đồng chí ạ.



Ảnh: "Chim ăn xác thối" Trang the Ridiculous đang lấy cung một interviewee. Photo by Trà My



(*) Đính chính: Tác giả bài báo "Thánh vật sông Tô Lịch" là ông Nguyễn Hùng Cường chứ không phải Trần Ngọc Cường. Xin chân thành cáo lỗi cùng anh Trần Ngọc Cường (bạn tôi) và các bạn đọc blog này. Hị hị hị... nhầm...

Wednesday 18 April 2007

Thông báo

Trong không khí toàn Hà Nội căng thẳng vì câu chuyện “thánh vật sông Tô Lịch”, tôi mong toàn thể đồng bào chiến sĩ hãy bình tĩnh, hết sức bình tĩnh. Đồng thời tôi cũng yêu cầu các đồng chí không phát tán rộng rãi tin này, nhằm tránh gây hoang mang trong dư luận.

Nghiêm khắc phê bình đồng chí No Love No Like vì việc tự ý post bài “Một hiện tượng kỳ bí” lên blog mà không qua cấp nào xét duyệt.

Đồng chí nào muốn nghe bình luận cực kỳ nghiêm túc của Trang the Ridiculous về chuyện này, xin vui lòng liên hệ (qua message hoặc YM hoặc comment trực tiếp vào entry).

Xin nhấn mạnh:
- Bình luận cực kỳ nghiêm túc.
- Entry này thay cho thông báo.

Saturday 14 April 2007

Đôi mắt người Sơn Tây




Cáu rồi đây. Sau sự cố vỗ đùi quá sớm với bài “Cửu Long Giang ta ơi” của Nguyên Hồng, Trang the Ridiculous nhận được nhiều ý kiến chê trách, cũng khí ngượng. Cá biệt có đồng chí Hồ Trường tức Hấu còn buông lời phẩm bình: “Hhhhhhhhay… mk thơ thế mới là thơ chứ, chữ nào ra chữ ấy, không sai chính tả chữ nào!” (http://blog.360.yahoo.com/blog-ABv7t307bqLKd3e8pzU8?p=350). Hôm nay tôi nén giận, chọn đăng một thi phẩm mà tôi nghĩ là xứng đáng được chọn vào Top 100 bài thơ thế kỷ hơn “Tây Tiến”: bài “Đôi mắt người Sơn Tây”, cũng của nhà thơ Quang Dũng.

Đồng chí nào thấy bài thơ này không hay xin cứ tự nhiên comment. Tôi sẽ ngay lập tức có ý kiến với Bộ GD-ĐT để khẩn trương triển khai đưa “Đôi mắt người Sơn Tây” vào chương trình bình giảng văn học trong nhà trường. Thử xem lúc ấy có ai còn chê bai nữa không, hay lại chẳng đồng loạt nói và viết: “Phải yêu nước, yêu nhân dân, căm thù quân giặc đến như thế nào nhà thơ tài hoa Quang Dũng mới có thể viết nên những dòng thơ thống thiết, xuất phát từ một trái tim nặng tình với quê hương như thế…”.


*
* *

ĐÔI MẮT NGƯỜI SƠN TÂY

Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì

Vầng trán em mang trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây phương
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em đã bao ngày em nhớ thương?

Mẹ tôi, em có gặp đâu không?
Bao xác già nua ngập cánh đồng
Tôi nhớ một thằng con bé nhỏ
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông!

Từ độ thu về hoang bóng giặc
Điêu tàn ôi lại nối điêu tàn!
Đất đá ong khô nhiều suối lệ
Em đã bao ngày lệ chứa chan?

Đôi mắt người Sơn Tây
U ẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây

Tôi gửi niềm nhớ thương
Em mang giùm tôi nhé
Ngày trở lại quê hương
Khúc hoàn ca rớm lệ

Bao giờ trở lại làng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng

Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa
Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta?


Ảnh chỉ có tính chất minh họa. Cô gái trong ảnh không phải người Sơn Tây.


*
* *


Tiến sĩ văn học Nguyễn Thị Minh Thái đã từng viết trả lời học sinh Nguyễn Phi Thanh về việc Thanh không thích tác phẩm "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" của cụ đồ Chiểu, như sau:

"Quả tình tôi rất kinh ngạc khi em Thanh không có một tí rung động nào trước “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”. Đúng! Có thể em không thích tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, em thấy mình xa lạ với nó về thời gian, không gian, tư tưởng..., khi lịch sử mà nó thể hiện đã lùi xa vào quá khứ, nhưng em không thể xa lạ với cái tình người, sự thương tiếc, thương cảm, đau xót, khắc khoải... của một nhà văn Nam Bộ thấm đẫm trên từng con chữ. Tôi muốn nói: Em có quyền không thích tác phẩm này hay tác phẩm khác và có quyền không tuân thủ theo cách dạy cơ học giáo điều, nhưng phải chăng em tự cho mình cái quyền dửng dưng vô cảm trước những cái đẹp của văn chương đã được định giá và kiểm chứng qua thời gian, như những tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu và cách viết, cách xây dựng hình tượng đầy tình thương xót, lòng tri ân đối với những nghĩa sĩ Cần Giuộc của ông?"


Tiến sĩ đã nói thì chắc là đúng.

==> Bạn đọc blog thân mến. Bạn không thích "Đôi mắt người Sơn Tây" và "Cửu Long Giang ta ơi"? Quả tình tôi rất kinh ngạc khi bạn không có một tí rung động nào trước hai áng thơ yêu nước này. Đúng! Có thể bạn không thích "Đôi mắt người Sơn Tây" và "Cửu Long Giang ta ơi" khi lịch sử mà (chúng) nó thể hiện đã lùi xa vào quá khứ, nhưng bạn không thể xa lạ với cái tình người, sự thương tiếc, thương cảm, đau xót, khắc khoải... của hai thi sĩ Quang Dũng và Nguyên Hồng. Tôi muốn nói: Bạn có quyền không thích tác phẩm này hay tác phẩm khác và có quyền không tuân thủ theo cách dạy cơ học giáo điều, nhưng phải chăng bạn tự cho mình cái quyền dửng dưng vô cảm trước những cái đẹp của văn chương đã được định giá và kiểm chứng qua thời gian...?


Mượn lời tiến sĩ Minh Thái đùa tí thôi, xin bà con đừng phật ý.

Monday 9 April 2007

Đẹp Fashion Show 5 làm tôi mất chức




DFS 5, tức Đẹp Fashion Show 5, là một vở thời trang hoành tráng (cụm từ “vở thời trang” là thuật ngữ mới sáng tạo của Ban Tổ chức) với tên gọi “Bí ẩn của linh hồn”. Chương trình diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (NCC) trong hai đêm, mồng 7 và mồng 8 tháng 4. Tôi đi dự với tư cách phóng viên (nghĩa là không mất xu nào và được dồn vào đứng ở khu vực dành riêng cho báo chí).

Nhịn bữa tối, tôi hớt hải phi xe máy từ quán nước gần cơ quan đến thẳng NCC, không kịp ghé qua cả nhà lẫn cơ quan để ăn uống hay chỉ đơn giản là để bả lại ma-tít trên mặt. Tới nơi rồi mới sực nhớ quy định của BTC là tất cả người tham dự, cả khách mời, khách mua vé, lẫn báo chí, đều bắt buộc chỉ được mặc đồ đen cho phù hợp với không khí bí ẩn của địa phủ, nơi các linh hồn lang thang hoặc đi có định hướng về đâu đó. Mỗi người còn được phát một chiếc mặt nạ màu trắng rất đáng sợ. BTC năm nay làm việc cũng nghiêm, có cả mấy anh mặt lạnh, mặc đồ rằn ri, đứng cạnh hệ thống cửa kiểm soát an ninh (như là cửa kiểm soát trên sân bay ấy). Khách khứa đi qua đó phải bỏ hết đồ đạc trên mình ra để nhân viên an ninh kiểm tra. Tôi vội vã cởi ngay cái áo khoác màu da cam chói lọi, toan vứt đi, nhưng chết rồi… bên trong nó lại là cả một chiếc áo len màu hồng cánh sen tươi thắm. Còn phía dưới chân tôi là một đôi hài đỏ mà ta vẫn quen gọi là giày thể thao. Ngó đi ngó lại, cả người tôi chỉ có một chiếc túi đeo vai là màu đen, mà BTC lại bảo “chỉ được mặc đồ đen” mới phiền. Không lẽ chẳng mặc gì, đeo mỗi cái túi vào dự “Bí ẩn của linh hồn”? Trời ơi là trời, đã có quy định trước rồi mà mình còn quên! Tôi vừa lập cập cài miếng press card vào cổ áo len hồng, vừa tự rủa mình gần ba xịch vẫn không hết lố bịch. Vừa lúc gặp chị bạn fashion designer mặc áo màu cá vàng tung tăng đi tới, tôi mừng cuống vì có đồng minh, chưa kịp trình bày thì chị đã ghé tai nói nhỏ:

- Quên mất quy định chung, dở quá. Chị chỉ có mỗi… underwear màu đen, lát nữa qua cửa an ninh kia mà mấy ảnh hỏi là thôi phải liều đấy!

Hai chị em mếu máo đứng nép vào hàng khách mặc đồ đen, cố thu nhỏ người lại để vượt qua cửa an ninh. Màu áo da cam của tôi hình như càng chóe hơn hay sao thế này? Lại cả bộ rễ nâu vàng vừa nhuộm hồi Tết nữa. Ôi giồi ơi lại cả cái quần bò xanh, đôi giày đỏ, kìa… Nhưng cuối cùng, may quá, cũng lọt được vào trong mà chẳng thấy ai quát hỏi gì cả.


*
* *



Vở thời trang “Bí ẩn của linh hồn” là một hình thức vũ kịch (ở đây là múa đương đại) kết hợp với thời trang trên nền world music của Quốc Trung. Tinh thần chung của cả vở là sự giao hòa giữa thời trang hiện đại và văn hóa tâm linh của người Việt. Cốt truyện đơn giản: Một chàng trai vượt qua các tầng địa phủ thâm u để tìm lại linh hồn người con gái chàng yêu - một bóng trắng mong manh huyền ảo (hồi II). Trên chặng đường đi tìm người yêu, chàng gặp rất nhiều hồn ma bóng quế (hồi II), bạn bè cũ - những nghệ sĩ, những người đã sống và đã chết với niềm đam mê của họ, để giờ trở thành vô số “bóng ma trong nhà hát” (hồi III). Tiếng nhạc như lên đồng, cảm xúc của tất cả đều thăng hoa, cháy bỏng trong cõi tâm linh (hồi IV). Chàng trai tìm thấy cô gái, nhưng hình bóng nàng cứ tan biến, siêu thoát khiến chàng chợt hiểu âm dương là cách biệt và họ không thể nào có nhau (hồi V).

Vừa rồi là tôi dùng ngôn ngữ của nhà báo để thuật lại cốt truyện của “Bí ẩn của linh hồn”. Nếu là nhà báo ăn biên chế ở tạp chí Đẹp nữa chẳng hạn, tôi sẽ viết như thế này:

“Đẹp Fashion Show 5, show thời trang cực kỳ hoành tráng và ấn tượng mang tên “Bí ẩn của linh hồn”, với số tiền đầu tư khổng lồ lên đến hơn 2 tỷ đồng, đã thực sự là một bữa tiệc thời trang, hình ảnh, âm thanh và ánh sáng dành cho những người yêu cái đẹp. Hai tiếng đồng hồ performance đưa người xem đắm mình vào một thế giới huyền ảo, đầy màu sắc tâm linh trong cuộc hành trình của một chàng trai si tình đi tìm người tình yêu dấu đã mất”.

Đại khái thế.


*
* *


Thực tế thì, tôi tuy ba xịch vẫn lố bịch thật, nhưng vào trong mới thấy hóa ra những tấm gương lố bịch trong thiên hạ hãy còn nhiều, nhiều lắm.

Sân khấu trống huếch trống hoác, để nguyên nền gạch trắng phớ, đèn chiếu sáng vằng vặc. Đâm ra tất cả những khán giả chịu khó mặc đồ đen và đeo mặt nạ trắng kia lại thành dở hơi - định dọa ma ai? Nhưng còn chưa dở bằng các người mẫu và diễn viên đi lại ngật ngưỡng giả làm ma trên sân khấu. Không gian cứ sáng bảnh ra, biến những bộ trang phục ma trắng, những gương mặt trang điểm cho hốc mắt sâu hoắm và hai má bạc phếch, cùng dáng đi vật vờ… tất cả thành lố bịch.

Sân khấu lại còn rộng mênh mông, đâm ra màn đi lại tập tễnh của các ma kéo dài rất lâu, trong tiếng cười chán nản của đám phóng viên. Tôi chỉ dám nói phóng viên thôi, chứ không dám nói khán giả chung chung, mặc dù được gần nửa chương trình, ông bạn phóng viên đã kéo tay áo tôi chỉ trỏ: “Kìa, kìa, Quát ngủ gật, Quát ngủ gật!”. Trông lên, tôi ngó thấy bác Quát phó ban gục đầu ngủ rũ rượi trên hàng ghế danh dự. (NSND) Trung Kiên thì hầm hầm đứng dậy bỏ về, ném lại một câu: “Thế này mà gọi là nghệ thuật à?”. Đám phóng viên cười rúc rích: “Con ông ấy làm nhạc chứ ai. Lẽ ra phải nói rõ: Thế này mà là nghệ thuật à? Tái bút: trừ phần nhạc của con tao ra!”.

Phút thăng hoa của sự phản cảm là khi Đào Anh Khánh quét vôi khắp mình, lông nách cũng cạo, bôi phấn trắng hếu, vẽ mặt ma, khật khưỡng đi lại giữa sân khấu và múa đương đại. Các ma nữ đi lại vật vờ trong ánh sáng rực rỡ của đèn màu, trong tiếng cười ằng ặc làm cho một đứa không tin vào ma quỷ như tôi chỉ cảm thấy khó chịu: “Dọa mà chẳng làm ai sợ, rõ dơ chưa kìa!”. Đến hồi thăng hoa là cảnh cô người mẫu mặc váy và nhảy múa hệt như một thiếu nữ Nga Cossack với điệu nhảy truyền thống trong hình dung của người Việt, trên nền âm thanh là tiếng phách gõ búa xua và tiếng hò dồn dập: “Ối, lạy cô, con lạy cô…”. Cảnh này mô phỏng một buổi hầu đồng, chắc là vì với êkíp sáng tạo của chương trình thì tín ngưỡng dân gian Việt Nam cũng chỉ có thế thôi.

Phông nền của buổi hầu đồng là một loạt chân dung truyền thần hoặc ảnh chụp đen trắng của các nhân vật quan lại thời xưa, trong đó có hình cụ Phan Thanh Giản ngồi ghế, tay cầm quạt. Tôi không hiểu sao đám con cháu nghệ sĩ lại bắt các cụ phải ngồi nhìn cái âm phủ giả này làm gì, nó thực sự không xứng tầm các cụ. Thỉnh thoảng vào những lúc cô đồng và các ma thăng hoa, tôi lại ngước nhìn lên xem cụ Phan Thanh Giản có nháy một con mắt hoặc phe phẩy cái quạt không. Nói chuyện sáng tạo... trộm nghĩ nếu đạo diễn Phạm Hoàng Nam và êkíp kỹ xảo của DFS 5 này làm được như thế mới gọi là sáng tạo, chứ để cụ ngồi yên thì cũng thường thôi. Đã nghĩ được đến chuyện đưa Phan Thanh Giản vào rồi mà không đẩy sự lố bịch lên thêm tí nữa, quả là phí!

Phần đáng chú ý nhất trong performance là thời trang (gì thì gì đây cũng là buổi biểu diễn thời trang cái đã) thì chìm nghỉm. Sân khấu rộng đến độ người mẫu khật khưỡng đi mãi không hết, khiến không ai buồn nhìn hút theo bóng họ nữa. Cái quan trọng của thời trang là chất liệu, khổ nỗi không ai đủ lố bịch để “dùng ống nhòm xem thời trang” cả (chính đạo diễn Phạm Hoàng Nam đã nói như thế từ trước đấy nhé).

Phần âm nhạc chính là phần kéo lại chút ít chất lượng của “vở thời trang”, ít ra thì nó cũng có khả năng tạo cảm hứng cho người mẫu diễn xuất, nhất là ở phần hầu đồng.




*
* *


Lần gần đây nhất tôi đi xem một vở diễn được gọi là hoành tráng, là với vở “Cây Sáo Thần” do Nhạc viện Hà Nội và Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội dàn dựng (đương nhiên là phải có tài trợ nước ngoài rồi). Dù khi xem, tôi cũng có lúc thót tim trước cảnh nghệ sĩ gân cổ, ráng lấy hơi để hát cho được nốt Fa cao nhất trong Aria Nữ hoàng đêm tối… nhưng ít ra tôi vẫn thấy ở họ niềm vui và hạnh phúc khi được biểu diễn. Có nghệ sĩ nào lại không mong muốn nghệ thuật của mình đến được với khán giả? Tôi vẫn thấy họ cố gắng đến mức nào để hát, trong bóng tối tôi đã ứa nước mắt thương cho nghệ sĩ và nền âm nhạc bác học ở Việt Nam. Và chắc chắn là tôi không có cảm giác khó chịu hoặc ghê ghê tởm tởm như khi phải xem màn ma quỷ diễu hành và lên đồng trong Đẹp Fashion Show này.

Với “Cây Sáo Thần”, ám ảnh đọng lại trong tôi kéo dài đến một tuần.

Với “Bí ẩn của linh hồn”, tôi chẳng có cảm xúc gì sau khi màn trình diễn kết thúc. Xung quanh tôi bao nhiêu tiếng thở phào: “May quá, hết rồi!”. Thế mà tôi lại không hề cảm thấy thương xót hay là thông cảm gì với các nghệ sĩ, những “nhà sáng tạo” ra cái đẹp. Chỉ thấy tức giận vì bị mất chức Thiên hạ Đệ Nhất Lố bịch. Thôi thế là Trang the Ridiculous bị truất ngôi thật rồi!

Cũng có thể tôi không hiểu về thời trang nên không cảm nhận được cái đẹp trong “Bí ẩn của linh hồn” chăng? Đêm diễn làm hằn học thêm định kiến của tôi về làng thời trang và đạo diễn nước nhà, những người rất (muốn) tự tin rằng họ đầy sáng tạo.

Hình như với rất nhiều người trong số chúng ta (gồm đặc biệt là các nhà báo, đạo diễn trẻ), mọi thứ đều được hình dung “một cách ước lệ”. Nói đến nhạc cổ điển nghĩa là nói đến bản Phiên chợ Ba Tư hay Thư gửi Elyse, sang hơn một chút thì là Sonata Ánh Trăng (quanh đi quẩn lại trong bộ đĩa Master Classic). Nói đến âm phủ thì không thiếu được cờ xí xanh đỏ và tiếng nhị ai oán. Nói đến tín ngưỡng dân gian thì đích thị là hầu đồng hầu bóng rồi. Ma quỷ à? Thì lại mặt trắng mắt thâm tóc bù xù chứ gì nữa.

Còn hình ảnh Phan Thanh Giản ở kia nghĩa là gì nhỉ? Tôi thì tôi muốn nghĩ đến cái ý “quá khứ ngàn xưa vọng về”, nhưng xem ra không hợp lắm ở một buổi trình diễn thời trang hiện đại như thế này. Dù sao cũng phải nói thật là việc kết hợp nhiều hình thức nghệ thuật trong một buổi biểu diễn, ví dụ vừa múa lại vừa trình diễn thời trang, có vẻ ngoài khả năng kiểm soát, hay nói cách khác là ngoài tầm tài năng của các đạo diễn nước ta. Nói đơn giản thế này: Tôi không phản đối một bộ phim vừa bi vừa hài (như phim của Charlie Chaplin, ai dám bảo dở?), nhưng nếu một đạo diễn VN làm phim “nhiều tình tiết bi-hài trộn lẫn đan xen” thì y như rằng hiệu ứng cảm xúc mà phim tạo ra cho khán giả sẽ là cáu tiết. Ầy... thế chứ lị. Âu cũng là cái trình!

Ở đây cũng vậy. Cho phép tôi nhận xét một cách thanh lịch là “chương trình chưa tạo được hiệu ứng thẩm mỹ cần thiết nơi người xem”. Dạ vâng, ý tôi là chương trình phản cảm quá ạ, may mà tôi không mất tiền mua vé (dững 1 triệu đồng, bằng tiền mừng 10 cái đám cưới chứ ít à?).



Photo: Đào Anh Khánh trong vai ma. Photo by Trà My.



Thursday 5 April 2007

Cửu Long Giang ta ơi!




Đáp ứng yêu cầu của đông đảo bạn đọc blog, hôm nay tôi bố trí đăng bài thơ “Cửu Long Giang ta ơi”, một tác phẩm của nhà văn Nguyên Hồng (vâng, chính là nhà văn Nguyên Hồng đấy ạ), được viết năm 1955.

Xin có đôi lời thưa trước: là hôm vừa rồi tôi có hơi hứng chí nên vỗ đùi mà khen “bài này thì còn nói làm gì nữa, nhất! ”. (http://blog.360.yahoo.com/blog-ABv7t307bqLKd3e8pzU8?p=321). Thật ra thì “Cửu Long Giang ta ơi” chưa đến mức đứng đầu danh sách 100 bài thơ thế kỷ. Nay tôi chính thức thừa nhận là như thế, và xin rút lại cái vỗ đùi hôm trước. Tuy nhiên nghĩ đi nghĩ lại, bài thơ nào cũng vậy, được một vài, thậm chí chỉ một đoạn hay cũng là quý rồi. Mời bà con thưởng thức và bỏ qua cho cái lỗi thích chí quá sớm.

*
* *

CỬU LONG GIANG TA ƠI

Ngày xưa ta đi học
Mười tuổi thơ nghe gió thổi mùa thu
Mắt ngẩng lên trông bản đồ rực rỡ
Như đồng hoa bỗng gặp một đêm mơ

Bản đồ mới tường vôi cũng mới
Thầy giáo lớn sao, thước bảng cũng lớn sao
Gậy thần tiên và cánh tay đạo sĩ
Ðưa ta đi sông núi tuyệt vời

Tim đập mạnh hồn ngây không sao hiểu
Mê Kông sông dài hơn hai ngàn cây số mông mênh
Nguồn tự Trung Hoa có Vạn Lý Trường Thành
Có Hy Mã Lạp Sơn, Ðộng Ðình Hồ, Tây Du, Thủy Hử

Mê Kông chảy
Cây lao đá đổ
Ngẫm nghĩ voi đi
Thác Khôn cười trắng xóa
Lan hoang dứa mật thông nhựa lên hương
Những trưa hè ngun ngút nắng Trường Sơn
Rừng Lào - Miên rộng quá
Dân Lào - Miên mến yêu
Xôi nếp nước trong sẵn sàng chia bạn đói

Ta đi... bản đồ không còn nhìn nữa
Sáng trời thu lại còn bướm với trời xanh
Trúc đào tươi chim khuyên rỉa cánh sương đọng long lanh
Ta cởi áo lội dòng sông ta hát

Mê Kông chảy
Mê Kông cũng hát
Rừng núi lùi xa
Ðất phẳng thở chan hòa
Sóng tỏa chân trời buồm trắng

Nam bộ
Nam bộ
Chín nhánh Mê Kông phù sa nổi váng...
Ruộng bãi Mê Kông trồng không hết lúa
Bến nước Mê Kông tôm cá ngập thuyền
Sầu riêng thơm dậy đất Thủ Biên
Suối mát dội trong lòng dừa trĩu quả

Mê Kông quặn đẻ
Chín nhánh sông vàng
Nông dân Nam bộ gối đất nằm sương
M
ồ hôi vã bãi lau thành đồng lúa
Thành những tên đọc lên nước mắt đều muốn ứa
Những Hà Tiên, Gia Định, Long Châu
Những Gò Công, Gò Vấp, Ðồng Tháp, Cà Mau
Những mặt đất
Cha ông ta nhắm mắt
Truyền cháu con không bao giờ chia cắt

Ta đã lớn
Thầy giáo già đã khuất
Thước bảng to nay thành cán cờ sao

Những tên làm man mác tuổi thơ xưa
Ðã thấm máu của bao hồn bất tử... *

Ðêm nay
Cửu Long Giang vẫn âm vang sóng cát
Sao khuya lấp lánh
Lửa chài thức sáng nhịp hát hò ơ
Ðồng Tháp xa đưa những tiếng mẹ ru
Hồ Chí Minh thành ca dao bát ngát...

1955


* Cắt bỏ một đoạn vì… chán quá không chịu được, ai vẫn muốn đọc thì mật thư cho tôi.

Hôm trước chẳng may cao hứng vỗ đùi to quá, bao nhiêu người hỏi thăm "Cửu Long Giang ta ơi", phát ngượng!

Ơ nhưng mà ngượng thì ngượng, tôi vẫn bảo lưu ý kiến rằng "Cửu Long Giang ta ơi" là một bài thơ rất hay về chủ đề quê hương - đất nước (và cả tuổi thơ nữa). Có ai muốn tranh cãi không? đứng sang bên này!

*
* *


VĨ THANH

Tình hình là bình chọn của nhiều bạn trẻ lại đi ngược lại với bình chọn của Ban Tổ chức.

Thôi được, entry sau tôi sẽ thay mặt Ban Tổ chức đăng một bài thơ cực hay (lần này không vỗ đùi, chỉ khen miệng), cam đoan là không phụ sự mong đợi của các bạn.

Gửi các bác Hấu và Saigon Minsk: Chết thật, vỗ đùi quá sớm... đấy đúng là biểu hiện của căn bệnh kiêu ngạo cộng sản mà tôi luôn nhắc nhở cán bộ phải tránh các bác ạ. Thế quái nào mà tôi lại mắc đúng cái khuyết điểm đó chứ. Thôi để tôi rút kinh nghiệm.